Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Lãng tử mê đắm

Thứ Hai, 28/11/2011, 15:28

Trong con mắt và ý nghĩ của nhiều người, Nguyễn Tham Thiện Kế là một gã lãng tử rất có cá tính, thậm chí, đôi khi khó tính, kiêu ngạo và bất cần. Lúc trầm ngâm suy nghĩ, đôi mắt nghiêm nghị giấu sau cặp kính và mái tóc bồng bềnh của gã dường như là cả một thế giới bí hiểm, khó đoán định. Gã là một kẻ ít khi chia sẻ cảm xúc cùng những người đối diện mà chỉ lặng lẽ quan sát và ghi nhận họ trong từng chi tiết của đời sống. 

Ấy vậy nhưng Nguyễn Tham Thiện Kế là một kẻ bị “bóc mẽ” khi viết văn. Với văn chương, gã không thể dối lòng, nhất là những trang viết về mẹ cha, về quê hương, làng mạc hoặc những trang viết về những người bạn thân thiết hiếm hoi.

Ở đó, cảm xúc và tình cảm của gã dạt dào, thậm chí có thể khóc nấc lên được cùng những hồi ức và kỷ niệm. Ở đó, một kẻ phiêu du quên ngày tháng bỗng đầy tràn trong khát vọng hướng về tuổi thơ và muốn níu giữ chút linh thiêng còn lại của những thứ sắp trở thành hoài niệm. Gã yêu mảnh đất Mường Cự Thắng, châu Thanh Sơn, Phú Thọ, nơi chôn rau cắt rốn, đến cạn lòng.

Dường như mỗi thước đất đều là nơi gắn với những kỷ niệm tuổi ấu thơ của gã với dặm ngàn hoa và cánh đồng ngạt ngào hương đồng nội. Nơi rừng cọ ngàn xưa thổi động, nơi có bóng ngôi nhà cổ đã mất với khúc ứng tấu tháng tư và dặm ngàn xanh cố hương cứ đầy tràn trong giấc mơ của người đàn ông đã lững thững bước qua tuổi hoa niên tự bao giờ trong cái phiêu lãng của đời sống, đời viết.

Dường như mỗi nhà văn, khi được sinh ra đã được đất trời khoác lên một sứ mệnh. Sứ mệnh ấy gắn với số phận của riêng mình, của một gia đình, của một miền quê, và xa hơn, của cả một dân tộc. Nguyễn Tham Thiện Kế cũng được trời đất trao gửi cái sứ mệnh ấy.

Bởi vậy mà Mường Cự Thắng, một thế giới của những mái nhà sàn thông thênh có thể tập xe đạp trên gác, bao quanh chân núi Sự có bàn cờ Tiên bên dòng suối Cái xanh rêu mướt mát với bốn mùa cây hoa dây bướm, trái đũm hương, gai mây, gai mái, gai phù quân, ruồi vàng, muỗi hổ u u bay rối, vắt lá nhảy bước tán cây, ve sầu núi cánh mỏng lụa kêu inh inh nắng gắt cuối hè trong khói cơm lam, cá sáp nướng và canh rau rớn phơi tái nấu mẻ với cá chình mun trong gác Mường đã đắp bồi tươi tốt dáng hình của gã.

Tuổi thơ của Nguyễn Tham Thiện Kế tha thủi bên những cối gạo nương, thậm thịch đọc Alphonse Daudet, một trong những món hành trang còn sót lại trong tay nải của người cha. Nghe tiếng mõ trâu khua lốc cốc, ngỡ sắp có thiếu nữ Mường nào đó, chốc lát thôi sẽ bước từ trên đỉnh núi Dụ nắm tay gã dắt lên mây trắng…

Chính cái mảnh đất hữu tình ấy đã hun đúc nên một kẻ phiêu lãng và yêu cái đẹp đến ngẩn ngơ, một tâm hồn phóng khoáng trước thiên nhiên nhưng cũng đầy kiêu hãnh bởi trong lòng có quá nhiều điểm tựa. Tựa vào dáng núi hình sông, tựa vào những ký ức về một nền văn hóa chưa một giây phút nào mai một trong gã, dù có lúc gã giũ áo phong trần phiêu du khắp chốn, dù có lúc, gã bị văn hóa đô hội nhuốm chút bụi trần và sự hào hoa của gã đã làm vương vấn bao cô nàng tình tứ.

Nguyễn Tham Thiện Kế tự sự rằng, nếu mỗi tuổi thơ đều gắn với một bóng cây thì ký ức gã có miền bán sơn địa nơi thầy mẹ đến khẩn hoang bộn bề xanh. Lắng đắng mùa qua cây ngọt chẳng nhớ, chỉ thương đắng đót cây xoan. Căn nhà tạm mùa đông, quanh bếp lửa củi gộc, thầy trầm ngâm ấm trà rừng phơi nắng, xoay nghiêng mảnh báo cũ gói dúm thuốc lá vụn.

Mẹ ẵm em gái thứ sáu tí teo thúc lửa nồi dong riềng luộc chờ bữa sáng. Gã lầm lũi lớn lên cùng vị đắng ngăm rễ xoan của dong riềng ngô khoai trồng dưới bóng xoan. Xoan xếp hai hàng dọc con đường đất chạy vào trang trại. Xoan quần tụ giao cành cuối nương chè thành vạt rừng nhỏ cho bầy dê nằm ngủ trưa hè tránh nóng. Xoan mọc hàng rào, xoan nương góc ruộng, lạch nước, bờ ao…

Ngước lên vòm cao tua tủa đầu cành xoan mảnh khảnh sần đen, mắt mẹ lấp lánh. Bàn tay giơ lên ngang trán, chẳng biết ngón tay mẹ gầy hơn, hay đầu cành xoan gầy hơn. Bếp củi liu riu chờ mẹ về khét vị khoai vùi. Gã mơ hoa xoan rụng trong thơ Nguyễn Bính, gã thương mình cô độc như cô bé quàng khăn xòe tay ôm sợi khói bên chiếc xoan èo uột giữa khúc đê vòng mãi mãi trong tranh Lưu Công Nhân...

Nguyễn Tham Thiện Kế có trong gia tài của mình 7 tập sách dày dặn bao gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết và tùy bút nhưng ở đâu thì độc giả vẫn cứ gặp lại cái gã bề ngoài thì có cái vẻ khó đăm đăm, nói năng rành rẽ, dứt khoát, thậm chí quá thông minh và tỉnh táo trong đời sống, nhưng trong mỗi trang viết thì lẩn mẩn, tỉ tê, xúc cảm ngọt như cứa vào lòng người những nỗi niềm trắc ẩn.

Xét cho cùng, gã, cũng như hàng trăm nhà văn đã sinh ra và lớn lên từ một miền quê nào đó, đều yêu cái nôi ấu thơ của mình và nâng niu nó như một báu vật. Có đi đến tận đẩu đâu nơi văn minh, sang trọng nhất, ăn những món ăn lạ và đắt đỏ nhất thì một ngày cũng thèm khát đến vô bờ được trở lại trong túp lều bé thơ của mẹ, ăn một món rau được hái trong vườn nhà bởi bàn tay và hơi ấm mẹ.

Dù nơi ấy có túng quẫn, đói rách, nhọc nhằn, thậm chí có lúc nghĩ đến đã toát cả mồ hôi, nhưng lại được gột rửa ngay tức thì bởi một thứ nước mát lành tinh khiết của tình yêu thương che chở. Vậy nên, Nguyễn Tham Thiện Kế cứ loay hoay Nơi con tàu không trở lại, Nhà của mẹ, Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái hay Dặm ngàn hương cốm mẹ… với một lối viết riêng không lẫn vào ai.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau khi đọc cuốn tùy bút Dặm ngàn hương cốm mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế với những hoa lý, những đồi cọ, nương sắn, những cốm Vòng, bánh khúc, những hoa đào, hoa loa kèn, những cá Anh vũ, những ngôi nhà cổ và bao con người vô danh… đã chia sẻ: “Cuốn sách không còn là một cuốn sách nữa. Nó là một đời sống. Từng dòng, từng dòng chữ đã dần dần đưa tôi rời xa cái đời sống gấp gáp, thực dụng, qua loa và nhiều vô cảm để bước vào một đời sống của những vẻ đẹp tinh khiết và ngập tràn tinh thần nghi lễ. Nhưng bây giờ, tinh thần của đời sống ấy đã và đang rời bỏ chúng ta. Và với những trang viết của mình, Nguyễn Tham Thiện Kế thực sự đã phục dựng tinh thần của đời sống ấy, đã làm nó sống lại trong tôi như trong một giấc mơ tôi được trở về một vùng đất với bao điều đẹp đẽ đã biến mất trên thế gian này”.

Còn Đỗ Ngọc Thống thì cho rằng, nếu Thạch Lam mải miết đi tìm cái đẹp đã mất; Nguyễn Tuân nhớ, tôn thờ và biểu dương cái tài, cái đẹp Vang bóng một thời, cũng là của những cái đã phôi phai, đã lụi tàn, đã mất. thì với Dặm ngàn hương cốm mẹ, Nguyễn Tham Thiện Kế khóc cho những gì đang mất, đang lụi tàn. Vẫn còn đó tất cả: giàn hoa thiên lí, củ sắn, quả sung, vẫn còn đó bún chả, bánh chưng và hoa đào, hoa mai ngày tết, hàng hoa xoan vẫn nở tím chiều trung du.

Còn cả đấy thôi mà sao vẫn thấy trống vắng, nhạt nhòa: “Tôi đang đứng ở bên hồ mà vẫn thương nhớ Hồ Tây” (Lời nguyện cầu cho Hồ Tây) và “Tôi khóc những cánh đồng rau khúc” bởi “thương mắt mẹ mờ chân chậm không thể ra đồng. Vả lại mẹ cũng không thể băng qua những bức tường bê-tông có kẽm gai, nếu có lối ra đồng thì chắc gì kiếm được rau tầm khúc. Hun hút ngõ phố dài đêm thinh lặng. Cung bổng cung trầm bánh khúc rao, biết đang vang lên ở đâu”...

Những ai gặp Nguyễn Tham Thiện kế lần đầu tiên, đều có cảm giác rằng, gã đàn ông lãng tử này hơi… lập dị, dù âm giọng của gã rất ấm và vang nhưng đôi khi… không bình thường bởi cái nhìn thiếu thiện cảm trước mọi thứ thuộc về nghi lễ cung kính và sự nể trọng bởi thứ bậc trong xã hội.

Nhưng đọc văn của gã thì lại nhận ra rằng, gã, hơn ai hết là một người coi trọng những nghi lễ văn hóa một cách hơi quá mức. Cái cách gã trau chuốt cho câu chữ của mình đôi khi khiến nó điệu đà và dụng công lại là một phong cách đặc trưng của văn chương Nguyễn Tham Thiện Kế.

Bởi thế, nếu đọc tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế trong một buổi chiều tĩnh mịch và dịu lắng của mùa thu Hà Nội, độc giả có thể cay sống mũi bởi sự xúc động của một gã trai lãng tử trước bóng quê nhà hay trước những cảm nhận xa hương nhung nhớ trước một thắng cảnh, một  con ngõ cũ của xứ Hà thành cổ xưa đã mất, trước dáng mẹ, dáng chị, trước bóng một tuổi ấu thơ đẹp đẽ đã trôi đi không bao giờ trở lại đã ám vào mình.

Để thấy rõ một điều, gã trai hào hoa và đào hoa này, thực sự đã có những khoảnh khắc tận cùng của nỗi nhớ, nỗi cô đơn, nỗi hoài niệm ngược dòng thời gian để trở về quá vãng, để được cân bằng lại mình trước sự sống và sự viết, cân bằng trước cái hiện đại và hoài cổ, cân bằng giữa sự giàu và cái nghèo trong tâm hồn.

Thậm chí, ngay cả khi ngồi giữa đại ngàn của mọi cao lương mỹ vị, gã vẫn thèm vô cùng món canh sắn nấu chua của làng quê cũ, thèm một nhúm cốm non nhuốm vị mặn mòi của mồ hôi mẹ và nhịp chày chị, thèm được vục mặt soi mình trong cái giếng làng tuổi thơ ngọt lành ký ức...

Đọc văn của Nguyễn Tham Thiện Kế là sống lại những hồi tưởng cùng gã trong thế giới phiêu bồng của cổ tích, dù cái miền ấy chưa xa. Nhưng cái cách mà gã thể hiện đã khiến độc giả phải viễn du trong một thế giới của ảo - thực, trong những khoảnh khắc “lên đồng” cảm xúc. Bởi gã cho rằng, kí ức luôn có một sức mạnh khó kiểm soát trong mỗi con người.

Với người cầm bút, kí ức còn là mạch nguồn không vơi cạn cho sự chiêm nghiệm, cho sáng tác của chính mình. Nguyễn Tham Thiện Kế luôn biết chọn cho mình một khoảng lùi cần thiết, có lẽ vì vậy, những dòng văn của gã lúc nào cũng rưng rưng một nỗi niềm của người mang nợ. Lùi thật xa, tưởng như chỉ còn Ngắm bóng mờ, nhưng mọi thứ dường như lại được thấu tỏ từ sự ảo mờ xa xăm ấy.

Có lần Nguyễn Tham Thiện Kế nói vui rằng, nếu không viết văn thì gã không biết làm nghề gì. Tuy nhiên, nhìn cách gã nâng niu những hồi ức của mình, đủ biết rằng, trong hành trình đến với văn chương, gã đã nhặt được nhiều của rơi và là người có lãi từ chính quê hương, có lãi từ chính đời sống nhiều thăng trầm, biến động mà mình đã đi qua và trân trọng.

Trân trọng thực thụ chứ không phải như cái cách gã… giả vờ tửng từng tưng trong cái cách giao tiếp thường ngày của một kẻ lãng tử mê xê dịch. Để nói như một người tiền bối: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.