Nhà văn Nguyễn Quang Sang: Miền Tây day dứt

Thứ Tư, 21/01/2009, 14:30
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không còn sống trong căn nhà nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nữa. Gia đình ông rời về quận 7 (TP HCM) đã nửa năm nay. Căn nhà đẹp, trồng cây sa kê thật lớn, có chiếc bàn trà ngoài hiên. Ông ngồi đó, uống trà Thái Nguyên, nhìn mưa rơi, mái tóc bạc trắng như ký ức. Và ông đang viết về miền Tây, về mảnh đất của mình. Một miền Tây hôm nay, khác với thời của ông trong "Chiếc lược ngà". Miền Tây hôm nay mang thật nhiều day dứt…

Vẫn run rẩy viết

Nói đến Nguyễn Quang Sáng là nói đến một miền đất. Ở đó, ông vẫn hằng mơ ước, ngày mai, khi trên bầu trời không còn tiếng máy bay và mặt đất không còn tiếng bom đạn, lúc ấy mọi sự sẽ sang trang. Để ông không phải viết trên những hòm đạn hay viết trong nỗi ám ảnh về sự mất mát.

Và ông mơ đến ngày miệt vườn cây trái tươi xanh. Và ngày đó đã đến. Nguyễn Quang Sáng thuộc lứa nhà văn trưởng thành trong kháng chiến với những trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống. Mà dường như với Nguyễn Quang Sáng, không phải ông cố tình làm văn chương.

Người ta không thấy trong đó sự làm dáng. Miền Tây trong lòng ông là một thứ tài sản. Và ông đã trung thành với nó. Dù ông viết về Sài Gòn hay về thành phố, thì những nhân vật của ông vẫn mang cái phóng khoáng của người đồng bằng, cái cách hành xử vẫn rất… anh Hai.

Mười năm nay, Nguyễn Quang Sáng chỉ xuất hiện vào mỗi… dịp Tết. Ông in một vài truyện ngắn, bút ký. Nhiều người nói ông đã không còn đủ sức sống để viết văn nữa. Ông và những nhà văn cùng thời đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Thực vậy, gia tài văn chương của thế hệ ông để lại, không thể tính bằng một cuốn sách. Hành trình sống và viết, vừa cầm súng vừa cầm bút, vắt từ thời chiến sang thời bình, chuyển từ bao cấp sang thời mở cửa… của ông được tính bằng những tuyển tập. Không ai nghi ngờ văn tài của ông.

Nhưng người ta còn nhắc là vì còn mong muốn được gặp lại một giọng văn yêu quý. Nguyễn Quang Sáng chỉ gặp bạn đọc mỗi khi Tết đến. Giới làm báo kiếm được một truyện ngắn của ông cho số báo đặc biệt cũng chẳng dễ dàng. Ông viết ít và ông có quyền "kén chọn". Và nhuận bút báo Tết thì cũng ấm túi hơn.

Nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Nguyễn Quang Sáng thường không mang nhiều toan tính như thế. Ông thường nhận lời gửi truyện trên… bàn nhậu. Bạn bè văn nghệ vui vẻ, thù tạc, ông nhận lời. Nhận rồi đôi khi ông quên mất. Đến ngày báo đi in, người biên tập gọi điện, ông mới sực nhớ và lục tìm bản thảo. Thế nên mới có chuyện, có năm hai báo in trùng một cái truyện ngắn của ông.

Có người nói… ông tham. Nhưng Nguyễn Quang Sáng giờ không đói kém để tham vài đồng bạc. Và người làm văn cũng không ai có nhu cầu tham vài đồng bạc. Ông nói, năm nay ông làm biếng, viết có một cái truyện và một cái bài ngắn trên báo Tuổi trẻ cười thôi. Còn dành thời gian để viết… truyện dài.

Nguyễn Quang Sáng viết cuốn sách về miền Tây hôm nay. Năm 2008, ông đã có chuyến đi thực tế dài ngày. Đi về rồi… phát ốm vì nhậu. "Nhưng thấm thía ra nhiều điều lắm. Mình đi mình hiểu vì sao người ta dùng từ "gái miền Tây". Giờ về miền Tây không tìm được ai mặc áo bà ba, cũng ít thấy các cô gái trên ruộng lúa.

Con gái miền Tây lấy chồng nước ngoài, đi làm dịch vụ trên cả nước. Đi đâu cũng thấy các cô gái miền Tây. Lúa trên đồng không có người gặt. Dường như đất ruộng không còn giữ được người. Ai cũng muốn lên thành phố" - ông nói trong nỗi day dứt khó tả.

Ông đi cả trăm cây cầu khỉ, cùng một doanh nghiệp xe máy, để họ tài trợ xây dựng lại những cây cầu này cho kiên cố, cho bà con đỡ cực hơn. Và thấy vẫn đồng đất này, vẫn con sông này, mà sao ngày hôm nay người miền Tây đã không còn như xưa nữa.

Chuyến đi thực tế miền Tây giống như chuyến thực tế dài hơi hiếm muộn của Nguyễn Quang Sáng. Năm nào ông cũng đi thực tế, cùng bạn bè, đi khắp nơi Tây Bắc - Tây Nam, dường như không còn mảnh đất nào của dải đất hình chữ S này ông chưa đặt chân tới.

Thế nên, về lại mảnh đất của mình sau nhiều năm vội vã, mới thấy lòng day dứt thật nhiều. Ông nói, cuốn sách này có lẽ mang một dư vị buồn, ông sẽ hoàn thành nó vào giữa năm 2009. --PageBreak--

Vẫn tung tẩy nhậu…

Về quận 7, nhà ông phải đi qua sông, khu ấy xưa gọi ngoại thành, nay lại thuộc vùng "đất nóng" của đầu tư trong thành phố. Xưa ông mua miếng đất chỉ có căn nhà nát, cậu con trai cả là kiến trúc sư thiết kế, rồi xây thành căn biệt thự ba tầng lầu. Cậu con trai thứ hai mua xe hơi chạy đi làm, có cả gara rộng.

Cuộc sống của ông đã vào lúc thái bình. Không còn vất vả lao lư như trước nữa. Về quận 7, xa trung tâm, gọi điện cho ông lúc nào cũng thấy ông ái ngại, đi xa lắm đó, có tới được không? Nhưng ông thì ngày nào cũng có lịch nhậu. Ông có một người bạn, ở cùng quận 7, làm quan chức ngân hàng, nên mỗi lần có lịch nhậu ông thường nói bạn chở xe hơi đi.

Còn không, ông gọi taxi tới. Ở tuổi của ông, nhậu như một thói quen bè bạn chứ không phải là để sát phạt, tạc thù. Nó như là một nhu cầu trong cơ thể, được gặp và trò chuyện, vậy thôi. Ông đi lại cũng không còn nhanh nhẹn như xưa.

Thế nên, cứ lên xe, kêu tài xế chạy tới địa chỉ, nhậu xong lại gọi taxi về, mất trăm ngàn nhưng mà nhàn thân, khỏi lo lắng mệt nhọc. Nhậu trong thành phố ông chỉ tới vài nơi quen.

Như quán 6A Trần Cao Vân chẳng hạn, ông thuộc từng mặt khách quen ở đó. Ông nói, quán đó không sang cũng chẳng hèn, không xô bồ mà cũng không quá nghiêm túc. Nó vừa vặn với ông. Vừa lai rai uống bia vừa coi đá banh, thấy cuộc sống nhẹ nhàng lắm.

Nhưng nhậu như Nguyễn Quang Sáng lại là nhậu ra công ra việc. Bạn bè ông, có những người là bạn đọc lâu năm thành bạn, đều là những người thành đạt. Trên bàn nhậu, biết bao công việc được nói, biết bao chuyện được kể, và từ đó nó hình thành nên những kế hoạch và công việc tiếp sau.

Nguyễn Quang Sáng uống rượu không bao giờ say. Chưa ai thấy ông trong tình trạng say bất tỉnh. Ông luôn biết được điểm dừng của mình. Và trước khi say mềm, ông luôn biết nói lời chào tạm biệt để tìm đường về nhà.

Có lẽ cuộc sống vất vả với người vợ bị đau ốm nhiều năm và ba đứa con nhỏ đã tập cho ông một thói quen như thế. Có lẽ chính vì điều ấy, mà dù ông có đi đâu và làm gì, gia đình ông vẫn giữ được sự ấm áp…

Của cải để lại…

Cả đời Nguyễn Quang Sáng chỉ biết sống và viết, kiếm tiền nuôi gia đình cũng từ nghề viết. Ông không biết làm công việc gì khác. Ông không bao giờ đi vay nợ. Cảm giác vay nợ làm ông bứt rứt không yên. Có những khi thiếu tiền học cho con, ông không biết tìm cách nào để xoay xở, liền đánh liều ký hợp đồng bản thảo với nhà xuất bản và ứng trước tiền nhuận bút, trả nợ bản thảo sau.

Cũng có khi, ông viết liền được mấy kịch bản, và có được 3.000 USD. Ngày ấy nếu ông mua đất, giờ ông đã giàu to. Nhưng ông lại đem đi mua cây đàn piano cho cậu con trai út Nguyễn Quang Dũng để con học nhạc. Nhưng khi ấy thì con trai ông đã bước vào trường điện ảnh, cây đàn chỉ được dùng như một thú vui tao nhã. Dũng đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng.

Và bộ phim đầu tiên "Con gà trống" được làm từ kịch bản do ông viết. Tết này, cả nhà ông lại mừng cùng Dũng với bộ phim mới "Giải cứu thần chết". Ông coi thành công của con cái chính là thứ của cải quý giá của mình. "Xem phim của Dũng, tôi thấy vui vì thấy rõ chất văn học ở trong đó. Dũng có niềm đam mê lớn là đọc sách. Đó chính là điều rất đáng quý mà tôi không thể bắt con theo ý mình, nhưng nó đã tự ý thức được. Tôi cho rằng, đọc sách là việc cần làm mỗi ngày của người đạo diễn" - ông nói.

Nguyễn Quang Sáng nói, ông quyết liệt bảo vệ những con chữ của mình. Không có gì ông viết ra mà lại không được in, dù khó khăn đến mấy ông cũng tìm cách in cho được.

Ông có một nghiệp văn lừng lẫy, một gia đình không mất mát, giờ đã là ông nội, ông ngoại, có những đứa con tháo vát, và ông không cần phải quá vất vả để lo toan. Và nếu ông tổ chức mừng thọ, chắc đó sẽ là một lễ mừng thọ lớn nhất, xung quanh ông là ngập tràn bè bạn. Họ đến với ông không vì điều gì cả, ngoài tấm chân tình. Tôi cho rằng, Nguyễn Quang Sáng là người hạnh phúc

Nguyễn Khang
.
.