Nhà văn Mỹ Jerome David Salinger: Ẩn dật cũng không yên

Thứ Năm, 18/06/2009, 09:12
Jerome David Salinger, một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX, tác giả của tiểu thuyết kinh điển "Bắt trẻ đồng xanh" (The catcher in the rye), từ năm 1953 tới nay đã cùng vợ sống ẩn dật tại thành phố nhỏ Cornish, bang Hampshire. Trong mấy thập niên qua, kể từ năm 1965, ông không công bố thêm một tác phẩm mới nào nữa.

Chỉ có một lý do có thể khiến ông ngừng im lặng và lên tiếng: đó là khi ông cảm thấy có ai đó xâm phạm vào quyền sở hữu trí tuệ đối với các cuốn sách của ông. Trong những trường hợp như thế, Salinger thường tỏ thái độ rất quyết liệt.

Và đầu tháng 6/2009, Salinger lại thêm một lần hành xử như vậy và đệ đơn lên tòa án liên bang của Mỹ kiện tác giả  John David California của cuốn tiểu thuyết "60 years later: Coming through the rye" (tạm dịch: 60 năm sau: vượt qua ruộng lúa) vì coi đó là đạo văn từ tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh" của ông.

Lập thân nhất quyết chọn văn chương

Cuộc đời dài lâu của Salinger có thể được chia làm ba giai đoạn không giống nhau. 32 năm đầu tiên, không ai biết ông cả. 7 năm tiếp đó, cả thế giới đã biết tới ông. Và từ đó cho tới nay, ông chỉ sống trong cảnh ẩn dật, cách ly với nhân thế bên ngoài.

Nhà văn Salinger sinh ngày 1/1/1919 ở Manhattan, New York trong gia đình khá giả có cha là người Do Thái, còn mẹ là người gốc Ireland. Ngay từ nhỏ, nhà văn tương lai đã được người cha Son Salinger cho theo học trong những trường rất tốt ở New York. Lớn lên, Salinger vào học ở Học viện Quân sự tại thành phố Walley Forge...

Tuy nhiên, ở mọi nơi Salinger đều không tỏ ra  chí thú với việc trau dồi tri thức và cũng không thể hiện một chí tiến thủ nào rõ nét mà chỉ say mê sáng tác văn học, điều khiến người cha, một doanh nhân thành đạt, rất buồn. Đến mức, về sau, hai cha con gần như đoạn tuyệt với nhau...

Salinger bắt đầu sáng tác truyện ngắn từ khi còn ngồi trên ghế trung học nhưng nghiệp văn chính thức của ông chỉ bắt đầu từ những truyện ngắn in trong các tạp chí ở New York. Truyện ngắn đầu tiên của Salinger "Những người trẻ" được in năm 1940 trên tạp chí Story...

Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Salinger đã tham gia các hoạt động quân sự của binh lính Mỹ ngay từ đầu cuộc đổ bộ vào châu Âu ở Normandy. Nhà văn có mặt trong những đơn vị quân Đồng minh giải phóng một số trại tập trung của phát xít Đức...

Độc giả chỉ thực sự để ý tới Salinger sau truyện ngắn "Ngày tốt lành để câu cá chuối" đăng trên tạp chí New Yorker năm 1948... Tác phẩm cực ngắn này được coi là nền tảng cho nhiều sáng tác sau này của ông.

11 năm sau khi công bố truyện ngắn đầu tay, ngày 16/7/1951, Salinger cho ra mắt người đọc tiểu thuyết duy nhất và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: "Bắt trẻ đồng xanh". Đây là cuốn sách rất được các nhà phê bình đánh giá cao và được nhiều thế hệ độc giả thiếu niên trên khắp thế giới ưa chuộng vì luôn tìm được những điều đồng điệu trong quan điểm và cách hành xử của nhân vật chính Holden Caulfield.

Khi mới xuất hiện, "Bắt trẻ đồng xanh" đã bị cấm ở một số quốc gia và một số nơi ở Mỹ vì không khí có phần ảm đạm và cách sử dụng ngôn từ phóng túng. Tuy nhiên, bây giờ ở nhiều trường học tại Mỹ, "Bắt trẻ đồng xanh" có tên trong danh mục những tác phẩm được khuyến khích đọc trong giới học sinh. Tiểu  thuyết này liên tục được tái bản ở nhiều nước. Tại Việt Nam năm 2008 "Bắt trẻ đồng xanh" cũng đã được xuất bản.

Sau "Bắt trẻ đồng xanh", Salinger xuất bản tập "9 truyện ngắn" năm 1953...

Năm 1955, Salinger cưới Clare Douglas làm vợ. Họ có hai con, một  gái (Margaret, sinh ngày 10/12/1955) và một trai (Matthew, sinh 13/2/1960)...

Trong những năm 60 của thế kỷ trước, ông công bố tập truyện ngắn "Franny và Zooley" và truyện vừa "Các thợ mộc, cao đòn tay lên"... Những tác phẩm này càng củng cố ngôi vị vào loại hàng đầu của Salinger trong làng văn Mỹ và thế giới.

Càng nhiều người biết, càng muốn ẩn cư

Có một điều lạ là, sau khi "Bắt trẻ đồng xanh" được phổ cập rộng rãi, Salinger lại bỗng dưng thích sống trong cảnh ẩn dật, xa lánh xung quanh. Ông càng ngày càng hay từ chối trả lời phỏng vấn rồi cùng vợ giam mình trong ngôi biệt thự ở thành phố nhỏ Cornish.

Từ năm 1965, ông hoàn toàn không in thêm tác phẩm nào nữa mà chỉ sáng tác để đút ngăn bàn cho riêng mình. Hơn thế nữa, ông còn cấm tái bản những tác phẩm trong giai đoạn sáng tác đầu tay của ông (trước truyện ngắn "Ngày tốt lành để câu cá chuối") và đã phá những dự định công bố các lá thư của ông.

Những năm gần đây, ông sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài trong một ngôi biệt thự có hàng rào rất cao tại thành phố nhỏ Kornish, bang New Hampshir, tự tìm hiểu các tôn giáo khác nhau (thí dụ như đạo Phật hay đạo Hindu), tập yoga... Có lẽ những tư tưởng của triết lý thiền đã khiến Salinger chọn lối sống ẩn dật  một cách kiên quyết và lâu dài đến thế...

Theo hồi ký của nữ nhà báo Joyce Manard, người từng có quan hệ tình cảm với nhà văn, năm 1972, Salinger đã hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết. Hồi ký của con gái nhà văn Margaret cũng tiết lộ rằng,  trong ngôi biệt thự ở Cornish chất đầy những bản thảo  và Salinger đã nghĩ ra một hệ thống ghi chú phức tạp: Mực đỏ là "chỉ in sau khi tôi chết mà không được biên tập",  còn mực xanh - "in sau khi tôi chết khi đã biên tập chút ít rồi"...--PageBreak--

Trong những năm ẩn dật, chỉ có một lần duy nhất Salinger trả lời phỏng vấn vào năm 1974, khi ông đồng ý với đề nghị của báo The New York Times bình luận về việc tái bản tập truyện ngắn đầu tay của ông. Hóa ra là ông đã phát khùng lên vì việc xuất bản này: Theo ý kiến của ông, những truyện ngắn có trong tuyển tập đó không xứng đáng được in lại, đấy là còn chưa nói tới việc ông không hề đồng ý để cho tái bản.

Gần hai nghìn cư dân ở Cornish rất nâng niu cảnh sống ẩn dật của Salinger. Nhà báo Anh Tom Leonard trong bài viết về "chuyến hành  hương" của mình tới ngôi nhà của Salinger (đăng trên tạp chí  Spectator tháng 4/2009) đã dẫn lời một người hàng xóm của nhà văn như sau: "Đó như thể là một nghi thức đặc biệt ở Cornish - không nói tới ông ấy. Nếu có ai hỏi anh rằng ông ấy sống ở đâu, thì anh cần phải phảy phảy tay chỉ về hướng khác...".

Những người hàng xóm cũng kể với nhà báo Anh là, giao tiếp với Salinger là cả một khoa học khó khăn: ông thường rất khó chịu khi ai đó lại gần ông và đặc biệt khó chịu khi ai đó hỏi chuyện ông. Nếu còn đề cập tới danh tiếng lẫy lừng thế giới của ông với ông thì ông sẽ càng không chịu nổi...

Giữa đường ai chạm của mình, không tha

"Bắt trẻ đồng xanh" còn ăn khách thì tác giả của nó còn khó tránh được những sự quan tâm của xã hội. Người đời vẫn muốn được biết nhiều chi tiết về Salinger, trong lúc ông lại chỉ muốn "xin hai chữ bình yên"!

Giới phóng viên Mỹ trong nhiều năm qua luôn ấp ủ một ước mơ là làm sao có thể phỏng vấn được Salinger, hay cùng lắm là có thể được nhìn thoáng thấy ông. Thế nhưng, cho tới hôm nay vẫn không ai làm được việc này. Không nhiều người biết bây giờ trông ông, ở tuổi cửu thập, như thế nào...

Có những tin đồn là Salinger hiện đã bị nghễnh ngãng, thậm chí còn bị điếc. Thảng hoặc mới có người bắt gặp ông đi vào siêu thị hoặc ở một vài nhà hàng khu ngoại ô Cornish, hay trong những bữa tiệc lễ hàng tháng ở nhà thờ..

Không nhiều lần Salinger cất tiếng trên công luận và đó chỉ là trong những trường hợp mà ông cảm thấy tác phẩm và đời tư của mình bị xâm phạm. Thí dụ như cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã kiện ra tòa tác giả cuốn tiểu sử của ông Ian Hamilton vì ông không muốn sách đó được phát hành. Thậm chí ông còn không ngại kiện cả người yêu cũ Joyce Maynard và cô con gái trưởng Margaret Salinger khi hai người này cho xuất bản hồi ký về ông. Cuốn sách mà Margaret viết có nhan đề "Người bắt cơn mơ"...

Với người thân đã vậy, với người lạ, Salinger càng tỏ ra kiên quyết trong những nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Và ông đã không khoanh tay thúc thủ khi một nhà văn Mỹ gốc Thụy Điển có bút danh John David California cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "60 năm sau: vượt qua ruộng lúa" về Holden Caulfield, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Bắt trẻ đồng xanh".

Trong sách của  California, Caulfield đã trở thành một ông già 76 tuổi. Cũng như trong "Bắt trẻ đồng xanh", cụ Caulfield cô đơn lang thang trên những đường phố New York nhưng nếu ở trong sách của Salinger, nhân vật chính bỏ trường học đi chơi thì ở đây, nhân vật chính lại bỏ khỏi trại dưỡng lão.

Cuốn tiểu thuyết của California được xuất bản mà không xin phép Salinger tại nhà xuất bản nhỏ Windupbird Publishing. Trò chuyện với báo giới, California bày tỏ hy vọng là nhà văn lừng danh sẽ không tự ái: "Tôi không có ý định dụ ông ra khỏi nơi trú ẩn... nhưng tôi cũng rất thú vị nếu được biết những điều ông nghĩ về cuốn sách của tôi và liệu ông có thích nhân vật Holden và tương lai của ông ấy trong phương án tôi đã xây dựng hay không?".

California đề tặng Salinger tác phẩm của mình và cũng biến nhà văn trưởng lão thành một trong những nhân vật trong sách. Nhà xuất bản Thụy Điển Nicotext dự định sẽ tái xuất bản sách này với số lượng lớn vào tháng 9/2009.

Ngày 1/6/2009, Salinger thông qua các luật sư đã đệ đơn lên toà án liên bang của Mỹ kiện California. Ông coi tiểu thuyết "60 năm sau: vượt qua ruộng lúa" là "đạo văn" và tuyên bố sẽ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách kiên quyết nhất và dứt khoát không đồng tình với việc xuất bản hay tái bản cuốn sách của California. Các luật sự của Salinger sẽ tiếp tục vụ kiện này cho tới khi nào đạt được kết quả mà nhà văn 90 tuổi mong muốn

Nguyên Hương
.
.