Nhà văn Hương Keenleyside và "Bà trùm của thế giới ngầm"

Thứ Năm, 18/06/2009, 08:38
Trước khi gặp chị, tôi vẫn hình dung người phụ nữ có hơn một thập kỷ sống trên mảnh đất sương mù nước Anh, không giống như cách tôi vẫn hình dung về một người "đàn bà viết" như cách nói thông thường mà báo chí vẫn đề cập đến...

Phần vì cái tên nửa Việt nửa Anh: Hương Keenleyside khiến tôi liên tưởng đến một người phụ nữ xa hoa mượn văn chương như là cách dễ nhất để đánh bóng tên tuổi của mình. Nhưng rồi tất cả những ý nghĩ của tôi đã bị khuất phục, khi đối diện cùng tôi gần vài tiếng đồng hồ, là một người phụ nữ bé nhỏ, dịu dàng sinh ra từ mảnh đất "liền anh liền chị", người phụ nữ mà số phận chị kể ra đã có thể tái hiện được bằng những trang tiểu thuyết mùi mẫn và đắt khách.

Tên thật của Hương Keenleyside hồi còn con gái là Nguyễn Thị Hương. Chị sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ ở Lạng Giang (Hà Bắc) nay là Bắc Giang. Bố chị mất sớm, để lại 9 người con và người vợ góa. Mười một tuổi đầu, Hương đã không được yên bình như bạn bè cùng trang lứa. Là con thứ trong gia đình nên chị phải cùng mẹ chăm sóc các em. Ở tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học hành thì chị lại phải cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy các em cùng mẹ, bữa đi học, bữa đi chợ, bữa đi đào khoai sắn, bán mớ rau để đong gạo qua ngày.

Thời ấy cả nước gian khổ, chị cũng đã thấm tháp cái vị cay nồng của những tháng ngày cực nhọc bươn chải mưa nắng kiếm từng đồng tiền ở chợ làng mang về cho mẹ. Mười một tuổi đầu, Hương đã không được sống trọn vẹn với tuổi thơ thả diều bắt bướm, không được sống trọn vẹn với những trò chơi con trẻ, không được nhõng nhẽo vòi quà, ngay cả những lúc ốm đau, trễ nải của cuộc sống thường nhật.

Chính vì thấm tháp những dư vị đắng đót của cuộc đời quá sớm, nên tuổi cắp sách đến trường đã tạo cho Hương một dấu ấn lạ trong cách cảm nhận văn học. Chị học lớp chuyên văn, có năng khiếu về văn học, nhưng hình như, chưa bao giờ Hương được điểm số cao trong bất cứ một bài kiểm tra hay cuộc thi nào. Lý do cơ bản: Lạc đề!

Thời đó, chị luôn cảm thụ tác phẩm văn học bằng cách của một người luôn nhìn thấy những thứ đằng sau tác phẩm chứ không phải cách mà tác phẩm đề cập trực diện. Chị luôn đi trái nẻo với các gạch đầu dòng mà các thầy cô giáo đã cho chép vào vở. Tuy trong ý thức chị hoàn toàn không muốn thế, nhưng với cá tính của mình, Hương không thể làm khác được.

Chị kể lại rằng, cô Vinh là cô giáo dạy văn, mỗi lần trả bài kiểm tra lại gặp chị và hỏi: "Thực sự em có hiểu đề bài không?". Hương cúi đầu hối lỗi: "Em rất hiểu cô ạ, nhưng em thấy câu hỏi đó thừa quá, ai chả biết điều đó rõ ràng có trong tác phẩm rồi, em muốn viết về những điều khác sâu hơn…". Chị biết ơn cô giáo Vinh vì cô đã thông cảm cho cách nghĩ của chị, cho dù không được điểm số cao, nhưng trong ấn tượng của cô, Hương có một điều gì đó rất lạ. Chị có năng lực sáng tạo và giữ vững quan điểm lập trường. Điều đó không tốt cho thời học phổ thông, nhưng lại tốt cho con đường văn chương mà giờ đây chị đang theo đuổi.

Nói về các thầy cô giáo, mắt chị Hương rơm rớm: "Vì hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn nên nhiều lần tôi đã định bỏ học. Thầy Lộc, thầy giáo dạy toán biết vậy đã động viên tôi học tiếp. Cảm động nhất là khi thầy đã đưa cho mình bộ quần áo comple mà thầy đã được tặng trong Đại hội Chiến sĩ thi đua. Thầy bảo: "Em bán đi lấy tiền đóng học phí. Đừng bỏ học sớm nhé!". Ơn nghĩa thầy cô, có lẽ những trang viết của mình sẽ không thể trả hết được".

Hương đã bám trụ đến hết cấp 3 và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Du lịch, nhưng cho đến thời điểm đó, trách nhiệm nuôi em lại phải thêm một tay Hương gánh vác, chị rời bỏ giảng đường và đi làm. Gia đình chị từng có nghề nấu phở gia truyền nên chị đã mở một cửa hàng phở trên phố Nguyên Hồng (Hà Nội). Vốn là người duyên dáng, khéo léo nên cửa hàng của chị rất đông khách. Nhưng rồi, lòng người khó ngờ, bà chủ nhà thấy hàng phở đông khách bèn tăng giá thuê cửa hàng lên gấp ba lần, Hương không trụ nổi và chị phải đóng cửa hàng, từ bỏ giấc mộng làm kinh doanh. Chị xin đi làm nhân viên phục vụ ở một nhà hàng ăn uống trên phố Khâm Thiên.

Cuộc sống không ổn định nhiều khi bí bách, lãng xẹt, cô đơn, Hương đã tìm đến trang viết, chị làm thơ, viết những truyện ngắn đầu tay, viết báo… Vừa lúc đó, chị nghe tin Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội có tổ chức học lớp bồi dưỡng viết văn, chị đã tìm đến và tham gia học. Ở đây, chị đã gặp được những người thầy đầu tiên trong nghiệp văn như nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn… Chị cũng đã tìm thấy niềm an ủi trong những trang viết, chị hiểu rằng, ở cuộc đời này, trong cái rủi có cái may. Vận may của cuộc đời đến với chị là được trải nỗi lòng vốn nhạy cảm, đa đoan và nhiều bất ổn của mình bằng những câu chuyện, những vần thơ trên trang giấy. Mặc dù đâu đó, ở tuổi mười chín, đôi mươi, thỉnh thoảng chị vẫn lo sợ điều mà thiên hạ vẫn thường nói: Nhà văn là những người sẽ gặp bất hạnh trong cuộc đời nếu đã trót mang cái nghiệp vào thân.--PageBreak--

Cũng thời gian này, tình cờ Hương đã gặp và yêu một người thanh niên ở phố Khương Trung, anh làm công nhân ở Nhà máy Cao su Sao Vàng. Tình yêu thương mãnh liệt của anh chị đã nhanh chóng tiến đến hôn nhân. 19 tuổi, chị đã trở thành một cô dâu. Ngày hôn lễ xúng xính trong váy cưới, Hương đã rạng ngời hạnh phúc, chị đã có một bến bờ bình yên, với một bờ vai đủ tin cậy làm điểm tựa, là người chồng hơn chị 7 tuổi. Chị đã viên mãn với cuộc sống cùng người đàn ông ấy, mặc dù sau một thời gian cơ quan giảm biên chế, anh phải nghỉ việc và chạy xe ôm đầu phố. Chị thì kiếm tiền bằng những bài báo lẻ, những truyện ngắn non nớt, có nơi nhận in có nơi từ chối. Nhưng vợ chồng chị và 2 đứa con bé bỏng, xinh xắn đã có những ngày tháng đẹp giản dị của hạnh phúc gia đình.

Nhưng sống với nhau chưa được bao lâu, số phận cay nghiệt đã bất ngờ cướp đi người chồng yêu quý của chị. Hương đã trở thành người vợ góa bụa ở tuổi 23. Một mình tự xoay xở với 2 đứa con thơ dại đã khiến chị không tự đứng vững được. Nhiều đêm, khi con đã ngủ, Hương đạp xe xuống mộ chồng và nằm khóc tức tưởi như một đứa trẻ lên ba. Chị hụt hẫng và đau đớn. Chị chơi vơi khi không còn điểm tựa tinh thần để bám trụ. Rồi ngày mai, chị sẽ sống thế nào, nuôi dạy con ra sao? Những câu hỏi đã khiến chị hoảng loạn. Nhiều đêm, chị lại đạp xe xuống mộ chồng, có khi chị thuê xe ôm và trở về với sự tả tơi, rũ rượi, mắt sưng húp... Nghĩa địa mênh mông trong đêm đã không còn đáng sợ bằng sự hoang phế trong tâm tưởng như không thể vực dậy được của một người đàn bà góa phụ còn quá trẻ.

Rồi cũng phải đối diện với cuộc đời, với hai đứa trẻ đang cần bế ẵm, chăm chút. Khi nỗi đau đã nguôi ngoai, chị trở về cùng đời thực. Chị không màng gì tới văn chương nữa, chị hồ nghi rằng, có lẽ đời viết văn rồi sẽ gặp điều gì đó bất hạnh là có thật? Chị nghĩ cách kiếm tiền nuôi con, nuôi mẹ chồng. Hương hành nghề xem tử vi. Nghề này, ông nội chị đã truyền dạy cho chị từ bé, nhưng chị chỉ dùng để xem cho những người thân. Hương đến những nơi đông người buôn bán như chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da… Dần dần, tiếng tăm của "bà đồng Hương" cũng khá nổi. "Danh bất hư truyền" thiên hạ với đủ lớp người đã tìm đến chị để tìm kiếm sự may mắn hay một lời giải đoán… Trong số những người đã đến, có một người đàn ông nước ngoài, anh Tom Keenleyside. Anh là lập trình viên cho Hãng Máy tính IBM và là một người tàn tật với cơ thể chỉ cao 1,2m. Anh tìm đến chị với sự mách bảo của bạn bè.

Xem lá số cho Tom xong, chị Hương bỗng có cảm tình đặc biệt với người đàn ông tật nguyền ấy. Anh là người đàn ông có tài, sống chung thủy, mặc dù chưa có một người phụ nữ nào đến với cuộc đời anh. Họ mặc cảm vì cơ thể bé nhỏ của anh. Và như một mối duyên trời, một lần nữa, hạnh phúc lại mỉm cười với chị. Sau một thời gian ngắn quen nhau, Tom đã ngỏ lời cầu hôn chị. Hương cũng đắn đo, nhưng rồi chợt nghĩ, chỉ có Tom mới có thể chấp nhận hoàn cảnh của mẹ con chị, chỉ có Tom mới có thể mang đến cho chị và các con chị một tình yêu vô tư, trong sáng và bao dung. Sáu tháng sau khi cưới, chị đã mang bé gái thứ 2 sang Anh cùng chồng. Con trai lớn của chị ở lại Việt Nam theo nguyện vọng của bà nội cháu. Một cuộc đời mới đã sang trang với Hương, giờ đây, chị mang một cái tên mới, cái tên để lại dấu ấn trong Văn học hải ngoại và bắt đầu có sức hút tại văn đàn Việt: Hương Keenleyside.

Trở lại cầm bút, chị Hương Keenleyside tâm sự: "Sang Anh, tôi được chồng nuôi. Ngoài những công việc nhà, thời gian rỗi tôi thường đọc sách, lên mạng Internet. Tôi đã đọc được những tác phẩm thiếu thiện cảm về Việt Nam ở hải ngoại và tôi tức anh ách. Tôi nghĩ mình phải viết để thể hiện những quan điểm của mình về văn chương, về dân tộc. Tôi là người sống có bản sắc. Tôi là người Việt, dẫu bây giờ tôi có thêm quốc tịch Anh nhưng đi đâu cũng luôn tự hào mình là người Việt, nói tiếng Việt, viết văn bằng tiếng Việt để thể hiện những quan điểm của người Việt trong xu thế toàn cầu".

Cho đến nay Hương Keenleyside đã có 8 đầu sách và có nhiều cuốn đã được bạn đọc đón nhận như: "Điều bí mật của tâm hồn", "Ngã ba nẻo đời", "Cầu vồng ở Iraq" (NXB Hội Nhà văn - 2006), "Điệp viên 022" (Tiểu thuyết tình báo NXB Đà Nẵng - 2006, Sau đó tác phẩm này đã được NXB Janu của Anh biên dịch và in ấn năm 2007), "Bà trùm thế giới ngầm", NXB Văn học - 2009). Chị quan niệm viết văn là để trải nghiệm, cũng là để yêu thương, chia sẻ những nỗi niềm của con người trước cuộc đời. "Điệp viên 022" là cuốn sách có một phần sự thật về những trang đời hoạt động tình báo của chú ruột chị, ông Nguyễn Ngọc Lạn (tức Nguyễn Văn Tư). Cuốn sách đã vượt ra khỏi những riêng tư của chuyện gia đình, trở thành câu chuyện của một đất nước, của thế giới với tiếng nói của lương tri phản đối sự ác độc của sự diệt vong, một tội ác đáng trừng phạt nhất của kẻ đi gây chiến.

Năm nào Hương Keenleyside cũng trở về Việt Nam vài lần. Có lần chị đưa đứa con gái thứ 3 Jane Keenleyside trở về thăm quê mẹ. Có lúc chị đưa bé Phương về giỗ bố. Có lúc chị trở về để đưa con trai Tuấn Hiền sang chơi ở Anh vài tháng cho đỡ nhớ… Lần này chị về và mang theo đứa con khác, đứa con tinh thần mà chị đã dốc sức trong hai năm qua để ra mắt độc giả Việt Nam vào dịp này, cuốn tiểu thuyết trinh thám: "Bà trùm của thế giới ngầm". Cuốn sách nói về một tình yêu tay ba, tiền và quyền lực trong bóng tối, những phi vụ làm ăn mờ ám với liên minh ma quỷ giữa mafia và những âm mưu thao túng quyền lực của những VIP. Kết thúc bởi vụ bắt cóc tàu chở vũ khí để đánh đổi người bạn thân Brenda.

Hương Keenleyside tâm sự rằng, chị muốn viết dưới mọi góc độ, mọi thể nghiệm để được phiêu lưu dưới nhiều trạng thái thực và ảo của cuộc đời. Bởi cuộc đời của chị, nó vốn dĩ như một cuốn sách chưa có hồi kết…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.