Nhà văn Đoàn Lê: “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”

Thứ Tư, 15/02/2006, 15:35

Trong bài thơ “Cho một ngày sinh” viết về chị gái Đoàn Lê của mình, nhà thơ Đoàn Thị Tảo đã thốt lên: “Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Có lẽ đó là những nét chấm phá biểu cảm nhất trong bức chân dung thơ của nữ sĩ Đoàn Lê mà cô em gái gần gụi chị nhất, thương chị nhất mới viết được.

“Thế là chị ơi/ Rụng bông hoa gạo/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh/ Ngày chị sinh, trời cho làm thơ…”. Mười năm qua, những câu hát từ ca khúc “Chị tôi” trong phim “Người Hà Nội” vẫn còn làm thổn thức hàng triệu trái tim khán giả truyền hình cả nước. Nhiều người bình giá rằng: bài hát trở nên nổi tiếng bởi nó được sinh ra từ một bộ phim dài tập khá hấp dẫn và ngược lại, bộ phim đọng lại được trong lòng người xem cũng chính là nhờ ca khúc “Chị tôi” có giai điệu và lời ca rất đẹp.

Nhưng, cho đến bây giờ, ít ai biết được rằng ca từ trong ca khúc “Chị tôi” đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ từ bài thơ “Cho một ngày sinh” của Đoàn Thị Tảo. Và chỉ với 10 câu thơ ngắn đầy hàm súc, nhưng tác giả đã dựng được một chân dung thơ từ nguyên mẫu một nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn điện ảnh khá thành danh mà người dân trong vùng Hải - tần - phòng - thủ trìu mến gọi tắt bằng hai từ “nữ sĩ”. Vâng, đó là chân dung thơ về nữ sĩ Đoàn Lê.

Vào một ngày xuân heo vắng, trong căn phòng nhỏ nép dưới giàn hoa cát đằng nơi ngõ nhỏ của phố biển Đồ Sơn, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với tác giả Đoàn Thị Tảo và hỏi về sự tích ra đời của bài thơ “Cho một ngày sinh”. Hóa ra, Đoàn Thị Tảo chính là em ruột của nữ sĩ Đoàn Lê. Hiện trong gia tài thơ của Đoàn Thị Tảo không chỉ có “Cho một ngày sinh”, mà còn ngót trăm bài thơ được chọn in trong hai tập: “Lá rụng” (NXB Lao động năm 1996) và “Lỡ” (NXB Hội Nhà văn năm 2001).

Có tới hai tập thơ, mà toàn là thơ hay, nhưng chị Tảo vẫn nhỏ nhẹ với chúng tôi rằng: Cứ gọi mình là tác giả, chứ dùng hai từ “nhà thơ”, e to tát quá. Vậy nhưng khi nói về chị gái của mình, Đoàn Thị Tảo không ngần ngại mà nhận xét rằng: Nếu nói về tài thơ, Đoàn Lê mới là người mà tôi ngưỡng mộ.

Đúng như lời của người em gái, năm 19 tuổi, khi đang còn là sinh viên cùng khóa với Trà Giang và Lâm Tới của Trường Sân khấu - Điện ảnh, Đoàn Lê đã có bài thơ “Bói hoa” khá nổi tiếng. Bài thơ vừa được công bố trên báo và trên tập thơ “Tình yêu” của NXB Thanh niên đã được nhiều bạn trẻ chép vào sổ tay hay học thuộc. “Ngày xưa em thơ ngây/ Ngồi bói bông hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/Vẹn tròn hay dang dở”…

Chẳng hiểu những câu thơ trên trong bài “Bói hoa” có là tiên cảm của một thiếu phụ tài hoa hay đó là trò chơi số mệnh của Đoàn Lê. Chỉ biết rằng  nhiều câu thơ tình của Đoàn Lê đã khiến nhiều cô gái mới lớn hào hứng đón nhận và vì vậy cô em Đoàn Thị Tảo phải thốt lên trong bài “Cho một ngày sinh” tặng chị mình rằng: “Ngày chị sinh/ Trời cho làm thơ”… Nhưng trời không chỉ cho Đoàn Lê làm thơ, mà còn bắt chị “bốn mùa trăn trở” với quá nhiều ham muốn văn học nghệ thuật khác.

Năm 1961, tốt nghiệp khóa diễn viên điện ảnh, Đoàn Lê không chỉ đóng phim, mà vì có năng khiếu hội họa, chị còn được giao thêm nhiệm vụ: trợ lý thiết kế mỹ thuật cho Hãng phim truyện Việt Nam. Hồi ấy, hầu như các cảnh phim thực hiện trong trường quay đều có nét cọ tài hoa do Đoàn Lê thể hiện theo ý tưởng của các họa sĩ Ngọc Tuân, Vĩnh Bảo và Trần Kiền. Được hỏi: “Nhà văn học vẽ ở đâu và từ bao giờ?”. Chị tủm tỉm cười và kể rằng: “Tự học là chính. Nhưng trong quá trình mày mò lại có may mắn được thụ giáo từ hai người thầy, hai họa sĩ tiền bối danh tiếng là Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên. Thương cô học trò nghèo ham học, hai họa sĩ không chỉ giảng dạy miễn phí mà thỉnh thoảng còn cho không vải toan và màu vẽ”.

Suốt hai chục năm trời, những người ở số nhà 4 phố Thụy Khuê - một trong những cái nôi của nền điện ảnh Việt Nam chỉ biết nữ diễn viên Đoàn Lê khá thành công khi đóng vai cô giáo Hồng Vân trong phim “Quyển vở sang trang” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Chung, hay họa sĩ Đoàn Lê suốt ngày cặm cụi bên  tấm vải cao hơn chục mét để tạo dựng phông cảnh cho phim thì đột nhiên Gienaric của phim “Bình minh xôn xao” xuất hiện 4 chữ: Biên kịch Đoàn Lê.

Đoàn Lê bắt đầu khởi nghiệp biên kịch từ bộ phim đầu tay “Bình minh xôn xao” cũng bằng con đường tự học như khi chị dấn thân vào nghiệp vẽ. Thành công của “Bình minh xôn xao” khiến Đoàn Lê vững tin vào khả năng cầm bút của mình và chị tiếp tục bắt tay vào dựng kịch bản “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Dẫu tác phẩm điện ảnh của chị dựa vào hồn cốt của một số truyện ngắn và cuộc đời của cố nhà văn Nam Cao, nhưng xem phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, khán giả vẫn nhận ra rằng Đoàn Lê đã thổi vào trang viết của nhà văn không khí điện điện ảnh vừa lung linh, vừa chân thực.

Từ khi phim truyền hình lên ngôi, những dòng chữ Biên kịch Đoàn Lê trở nên quen thuộc với khán giả và phim nào của chị cũng có dấu ấn rất riêng. Nhân vật trong mỗi bộ phim của chị thường là có số phận đặc biệt và thông qua họ để chị nói đến cái lẽ ăn ở trong đời và rộng hơn là quan niệm về nhân tình thế thái.

Những bộ phim như “Con Vá” do Đoàn Lê viết kịch bản và đạo diễn đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim toàn quốc, hay phim “Chim bìm bịp” cũng do chị đạo diễn giành giải cao trong một kỳ liên hoan phim khác, chính là những thông điệp điện ảnh về chuyện đối nhân xử thế mà chị muốn gửi cho đời nay và cả đời sau.

Hơn mười năm trước, khi mà thông tin đại chúng chưa bùng nổ, khi mà các trang viết về chân dung nghệ sĩ chưa được độc giả hào hứng tìm đọc như bây giờ, thú thực chúng tôi chỉ biết đến Đoàn Lê là một người của điện ảnh, chứ chưa biết về một Đoàn Lê văn học. Và đến tận ngày xuân heo vắng hôm nay, đứng bên giá sách trong thư phòng của Đoàn Lê, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm văn chương mà chính chị là tác giả.

Này là hai bộ tiểu thuyết “Gia phả để lại” và “Lão già tâm thần”; này là những tập truyện: “Thành hoàng làng xổ số”, “Trinh tiết xóm Chùa”, rồi “Nghĩa địa xóm Chùa”… Cuốn nào cũng dày dặn và cuốn nào cũng được các nhà xuất bản lo việc in ấn, phát hành chứ không phải từ tiền túi của chị bỏ ra. Chúng tôi biết trong số các tác phẩm của chị, tiểu thuyết “Gia phả để lại”, ấn hành vào năm 1990 đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải A.

Cũng vào năm 1990 ấy, nhà biên kịch Đoàn Lê được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam  với tư cách một nhà văn. Còn truyện “Trinh tiết xóm Chùa” của chị cũng được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải nhì. Năm ngoái, năm Con Gà, tập truyện “Nghĩa địa xóm chùa” được dịch sang tiếng Anh và đã được độc giả thế giới đón nhận. Chỉ ngần ấy thông tin, chúng tôi nghĩ, nghiệp viết văn của chị Đoàn Lê xem như là có duyên nhất và gặt hái được nhiều mùa vui nhất.

Làm thơ, cầm cọ vẽ, viết kịch bản, đạo điễn phim và viết tiểu thuyết, ngần ấy công việc, ngần ấy thành tựu, Đoàn Lê là một trong những nữ sĩ vừa đa tài và cũng thật đa mang. Chị “đa mang” việc của đời, việc của người, vừa là để đáp đền ơn trời đất và cha mẹ đã phú cho chút năng khiếu, vừa là để  “bỏ chợ” những “mối tình riêng” chẳng mấy ngọt ngào.

Mười bảy tuổi, cô bé Đoàn Thị Lê vừa bước chân vào trường đại học đã phải lên xe hoa trong nỗi nuối tiếc tức tưởi, để mấy năm sau, vợ chồng mỗi người mỗi ngả. Rồi đến chút tình riêng thứ hai của chị cũng như cơn gió thoảng qua. Giờ đây, mỗi người mỗi phương, thương nhau đấy mà không thể nương tựa vào nhau khi chiều tà bóng xế. Vì thế khi viết đến hai câu kết của bài thơ “Cho một ngày sinh”, Đoàn Thị Tảo đã phải thốt lên: “Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”. Chúng tôi nghĩ rằng đó là những nét chấm phá biểu cảm nhất trong bức chân dung thơ của nữ sĩ Đoàn Lê mà cô em gái gần gụi chị nhất, thương chị nhất mới viết được.

Quê nội ở Nam Trực, Nam Định, suốt thời thơ ấu, sinh sống và học hành ở quê ngoại Hải Phòng, xa nhà từ năm 1959, đến năm 1997 nhận sổ hưu, Đoàn Lê trở lại đất xưa, chọn một vùng non nước hữu tình nhất, một ngõ phố vắng vẻ nhất để dựng nhà nương náu. Nơi ấy, chị tiếp tục thỏa sức tung hoành cây bút trên trang giấy, cây cọ trên giá vẽ.

Mấy năm qua, việc vẽ tranh của Đoàn Lê lại là nguồn sống chính. Phòng tranh của chị khi đầy, khi vơi và mỗi lần vơi là mỗi lần cuộc sống của chị Lê và chị Tảo lại thêm phần dư dật. Chị kể, bức tranh “Hoa bèo” vẽ năm kia đã có người mua tới hơn ngàn đôla Mỹ…

Đã qua tuổi lục tuần, nhưng xem ra nữ sĩ Đoàn Lê còn dồi dào sức sống và sức sáng tạo lắm. Những dự định sáng tác còn đầy ắp trong chị. Vậy mà khi tiễn chúng tôi qua cổng có giàn hoa cát đằng rủ rím, chị vẫn bâng khuâng đọc hai câu thơ mà cô em gái vừa mới viết:

“Phố biển vào xuân heo vắng lắm
Em thơ chị thẩn ngẩn ngơ buồn…”

Không, chúng tôi nghĩ, chị buồn vì con cháu ở nơi xa không về vui tết cùng chị, chứ cái nghiệp sáng tác, càng heo vắng, càng buồn, có khi lại càng hay..

Nguyễn Hồng Lĩnh
.
.