Nhà thơ Vĩnh Mai: Cánh hoa và búa tạ

Thứ Tư, 04/11/2009, 10:34
Tôi biết đến Vĩnh Mai bắt đầu từ bài thơ "Khóc Hoài". Đô Lương là thành phố nứa, gần như thủ phủ của Nghệ An thời kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi thường lên đó mua sách báo. Tôi vớ được tờ báo "Thép mới" của Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, trong đó có in bài "Khóc Hoài".

Chuyền tay nhau đọc và đứa nào cũng thuộc rất nhanh. Ra đồng chăn trâu chúng tôi thường hát nghêu ngao: Tau với mi hẹn nhau từ khu bộ/ Lúc trở về cố sáng tác văn chương… Ba mươi tuổi, đời mi còn căng nhựa/ Hứa một mùa hoa đẹp, quả thơm ngon/ Đời quanh ta đương chói dậy vàng son/ Mi đã chết? Trời ơi là uất ức…

Sau đó ít lâu, cùng phổ biến với bài "Khóc Hoài" là bài "Anh Hoe Tân về nghỉ phép" của Huy Phương, bài "O Bưởi làng tôi" của Trần Hữu Thung. Đồng ruộng, xóm làng vang lên những bài ca kháng chiến, như những bài đồng dao. Không những trẻ chăn trâu hát, mà các chòi phát thanh cũng vang lên gióng giả trong buổi hoàng hôn. Các ông các bà trước đây thường xúm quanh gốc đa, kể vè cho nhau nghe, thì nay cũng đọc những bài ca kháng chiến như "Khóc Hoài", "Anh Hoe Tân về nghỉ phép", "O Bưởi làng tôi"…

Vĩnh Mai vừa ra đời đã chiếm được cảm tình trong dân chúng, nhất là dân chúng đang hào hứng bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi lần mò tìm đọc những bài luận văn chính trị của anh in trong Tạp chí Học tập của Chi hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV. Mấy chục năm sau, nhà văn Nguyễn Địch Dũng cũng cho tôi biết: Hồi ở Việt Bắc, nhà văn đã từng nghe Vĩnh Mai thuyết trình một số bài học chính trị khá sâu sắc… Thì ra, Vĩnh Mai là một nhà thơ, đồng thời là một nhà chính trị. Trước khi là một nhà thơ, anh là một nhà chính trị lão luyện.

Sau khi đậu tú tài Tây loại nhì (Trần Quỳnh đậu loại nhất), anh tham gia hoạt động cách mạng bí mật, đã từng ngồi tù ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuột cùng với Tố Hữu, Đặng Thí… Viên Tuần Thơ (Quảng Trị) đã có lần mơn trớn anh: "Anh Tú Hoằng ơi (Hoằng là tên khai sinh của Vĩnh Mai), anh học giỏi, đỗ cao, sao không đi làm với Chính phủ Pháp cho sướng thân, mà lại đi làm cộng sản cho uổng". Vĩnh Mai đáp thẳng thừng: "Vì học giỏi, đỗ cao mới hiểu biết để đi làm cộng sản, không chịu đi làm quan cho Tây áp bức nhân dân lao động". Anh cũng đã từng tranh luận tay đôi bằng tiếng Pháp với một linh mục Pháp về tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản, không hề giấu giếm quan điểm của mình. Đang làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Tuy Hòa, anh ra lệnh bắt Ngô Đình Diệm, ít lâu sau có lệnh của cấp trên giải Ngô Đình Diệm ra Huế.

Sau Cách mạng tháng Tám, anh đã từng là Bí thư Thành ủy Huế, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Rồi sau đó, anh hoạt động trong Chi hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu IV và Chi hội văn nghệ Liên khu IV… Từ đó, anh say mê làm thơ phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi phục vụ công cuộc xây dựng hòa bình.

Trong thời gian bị giam cầm trong nhà lao thực dân Pháp, anh đã có ý thức dùng khả năng sáng tác của mình để động viên các bạn tù. Anh đã sáng tác những bài thơ "Biệt ly", "Hậu Nam quan" hừng hực lòng yêu nước và chí căm thù giặc. Anh dạy cho một số đồng chí học thuộc lòng. Rồi người này đọc chuyền cho người kia nghe. Cả trại tù đồng thanh ngâm thơ vang lên. Lính canh ngục lúc đầu dậm dọa. Nhưng dần dần chúng cũng lờ đi, thậm chí còn hùa vào với tù nhân, ngâm thơ và hát. Tết đến anh đề xuất làm tờ báo miệng "Vịt đực". Mỗi người góp vào một bài, hoặc ca dao, hoặc thơ, hoặc văn xuôi. Anh góp một truyện vui, lẩm bẩm học thuộc, rồi đọc vang lên. Tù nhân cười sặc sụa…

Dân tộc được giải phóng. Tù chính trị được giải phóng. Như con chim sổ lồng bay vào trời xanh mênh mông, Vĩnh Mai say sưa công tác và say sưa sáng tác. Tiếng ca càng được tự do càng vang lừng càng véo von.

Anh ghép tên con sông và ngọn núi quê hương làm bút danh của mình: Sông Vĩnh non Mai. Tên Vĩnh Mai cùng với tên các nhà thơ khu IV và đông đảo đội ngũ nhà thơ cả nước hòa nhịp đồng ca hành quân vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Nam khu IV là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên nằm trong vùng tạm chiếm, phong trào du kích phát triển mạnh. Nguyễn Văn Thương sáng tác bài hát "Bình Trị Thiên khói lửa" nổi tiếng. Thơ ca cũng hào hứng ca vang "Ngò cải đơm hoa" của Lưu Trọng Lư, "Thăm lúa" của Trần Hữu Thung, "Cô lái đò" của Lương An… và Vĩnh Mai cũng bắt nhịp nhanh chóng với một loạt bài "Người dân quân xã", "Mùa lúa chín", "Quê tôi"… Hình ảnh cuộc chiến tranh nhân dân và hình ảnh người du kích hiện rõ trong thơ anh: "Giặc trên không đổ xuống/ Giặc dưới nước ùn lên/ Giặc vây chặt bốn bên/ Đèn dày như bổ lưới/ Nhưng giặc vào xóm dưới/ Anh đã tới làng trên/ Giặc cất bước đi lên/ Anh vòng quanh trở xuống/ Anh lộn quèo lộn cuống/ Giữa thiết giáp, xe tăng/ Quyết ôm chặt xóm làng/ Như ấp iu núm ruột…" Đương thời, Hải Triều cực lực tán dương. Quần chúng cũng vừa đánh giặc vừa sản xuất vừa đọc thơ.--PageBreak--

Ở miền Trung, trước đây hầu như làng nào cũng có người đặt vè và nhiều làng có phong tục ngồi từng đám đông kể vè cho nhau nghe. Kể vè là một nhịp điệu dân ca quen thuộc của miền Trung. Theo tôi, Vĩnh Mai chịu ảnh hưởng máu thịt của nhịp điệu kể vè dân gian. Cho nên dân gian dễ thuộc và họ đọc cho nhau nghe những bài thơ của anh như kể vè trước đây. Cộng vào đó, ở nước ta, có truyền thống làm thơ truyện (truyện nôm khuyết danh), đến kháng chiến chống Pháp, nhiều bài thơ có tính truyện được nhân dân đón nhận. Mà có tính truyện thì thường là hay kể lể dài dòng, đôi khi sự át mất tình.

Trong kháng chiến chống Pháp, thường có loại thơ kể lể bằng những đoạn thơ bốn chữ năm chữ hoặc thơ tự do, rồi kết thúc đoạn thơ đó bằng một câu lục bát. Vĩnh Mai cũng viết những bài điển hình cho loại thơ đó. Dưới ngòi bút của anh, đồng quê hiện ra thật đáng yêu: Từng mảnh đất rộn ràng/ Vui như ngày khởi nghĩa/ Tiếng cười vang bốn phía/ Đón trước mùa phản công/ Lưng vươn lưng cúi, lưng còng/ Lưng gồ lấp lánh dưới đồng nắng trưa/ Đất vỡ dưới liếp bừa/ Ngon như nồi bánh đúc/ Lưỡi cày gang thúc thúc/ Xé toạc lớp bùn sâu/ Mồ hôi dầm mảnh áo nâu/ Chân người hối hả chân trâu vội vàng…

Tôi không "địa phương chủ nghĩa", nhưng cũng xin mạnh dạn có nhận xét: Thơ của các nhà thơ miền Trung có nét hao hao giống nhau. Nguyễn Du viết: Văn chương nết đất thông minh tính giời. Nết đất của miền Trung cũng có thể sản sinh ra văn chương miền Trung chứ sao? Có lần, nhà thơ Tế Hanh trò chuyện với tôi: Thơ của các nhà thơ miền Trung, nhất là ở Liên khu IV, khỏe, chắc, nhưng mà khô. Bài: "Khóc Hoài" được phổ biến rộng trong dân gian Liên khu IV là do tình cảm chân thực và tha thiết của tác giả, nhưng cái tình lại kéo theo sự, đi vào kể lể nhiều và nội dung của nó có tính kể vè.

Trong thơ Vĩnh Mai, lúc nào cái tình cũng làm chủ và lấn át cái sự, có những câu tinh lọc thật dễ thương: Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình tôi lên Vĩnh Yên (Lên Vĩnh Yên)/ Như những dòng sông chảy chảy qua/ Tháng ngày đọng lại những phù sa/ Ân tình ủ lớp phù sa ấy/ Mỗi độ xuân về lại nở hoa… (Gửi Phương Chi).

Hòa bình lập lại, Vĩnh Mai đảm nhiệm các chức vụ: Chánh văn phòng Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, rồi Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ. Lúc này, trong xã hội và trong giới văn nghệ, bộc lộ một số hiện tượng tiêu cực, nhất là trong tầng lớp có quyền chức. Tính của Vĩnh Mai thì thẳng như ruột ngựa, đôi khi thiếu sách lược, anh cứ nói thẳng thừng những điều chướng tai gai mắt. Không nén được, anh làm những bài thơ châm biếm sâu cay. Đả vào cái nạn loạn họp, anh viết: Ngang lưng thì thắt phương châm/ Đầu đội chính sách tay cầm chủ trương/ Đôi chân đứng vững lập trường/ Hữu thân hữu "họp", không đường nào ra. Đả vào cái loại cán bộ nịnh trên lừa dối, anh viết: Gặp trên khúm núm lưng tôm bạc/ Thấy gái ngo ngoe đít cá vàng. Phong trào đi B (đi chiến trường miền Nam) đang rầm rộ, có một số người lẩn tránh để làm những việc bậy bạ, anh đả thẳng tay: Người đi Bê ông cũng đi Bê/ Bê hết của ngon vật lạ về/ Bê bạn bè về nhà nhậu nhẹt/ Bê nhân tình lên gác mân mê…

Trên trang báo "Văn nghệ", anh đề xuất mở chuyên mục "đòn bút" để in thơ trào phúng. Được nhiều nhà thơ hưởng ứng, ký bút danh: Thơ châm, Đặc công… Còn anh thì ký bút danh Búa Tạ. Thơ của Búa Tạ được phổ biến khá rộng trong giới văn nghệ và trong đông đảo bạn đọc. Anh nói với chị Thiếu Mai đang phụ trách mục lý luận phê bình: "Con người ta quý nhất là đức tính trung thực. Làm lý luận phê bình như cô thì lại càng phải trung thực". Chị Thiếu Mai vốn là người trực tính, nghe lời nhà thơ đàn anh, càng trực tính. Có một nhà phê bình vừa được in bài trên Báo Văn nghệ, vào cảm ơn Thiếu Mai. Qua trò chuyện, những lời ông ta nói ngược lại những lời đã viết trong bài phê bình. Thiếu Mai cho rằng ông ta lèo lá, viết một đường nói một nẻo, chị liền giơ búa tạ: "Tôi không muốn tiếp những người thiếu trung thực".

Làm biên tập ở Báo Văn nghệ có cái khó là phải đọc hàng chồng bản thảo của đủ tầng lớp người: Từ nhà văn có tên tuổi đến người mới vào nghề. Phải lựa chiều ứng xử cho vừa lòng họ. Vĩnh Mai thì bất kỳ bài của ai cũng "thẳng ruột ngựa". Có hai trường hợp thế này:

Nhà thơ X có bài gửi đến. Vĩnh Mai đề nghị chữa mấy câu. Nhà thơ X nghĩ mình là cỡ lão làng trong làng thơ, không chịu chữa. Vĩnh Mai trả lời: "Anh không chịu chữa mấy câu này thì đưa in báo khác. Muốn in báo này thì phải chữa".

Trường hợp thứ hai: Cây bút trẻ N.V.D gửi nhiều bài mà không in được. N.V.D đã ba lần mời Vĩnh Mai đi uống cà phê, ông không đi. Mời lần thứ tư, ông đành nhận lời. Uống xong, ông nói: "Cảm ơn anh đã cho tôi uống cà phê. Nhưng thơ anh thì chưa đăng được. Chùm thơ của anh vừa rồi dở quá".

Không phải đến bây giờ, mà từ xưa, Vĩnh Mai vốn là người cóc sợ ai. Hồi ở nhà tù Buôn Ma Thuột, tên chủ ngục Miguet thấy anh thông minh và giỏi tiếng Pháp, bèn nhờ anh dạy cho con trai hắn với chế độ ưu đãi thầy giáo đặc biệt. Dạy được ba ngày, anh trả con trai cho chủ ngục và nói: "Thằng con anh dốt quá, may ra nó cầm dùi cui giỏi chứ không biết cầm bút". Miguet giận tím mặt mà không dám phản ứng gì.

Con người như thế, chả trách thơ của Búa Tạ được nhiều người thuộc. Thơ trữ tình hay. Thơ trào phúng cũng hay. Đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo phác họa chân dung anh: "Người cao mà chẳng đi khom/ Tay cầm búa tạ, tay thơm hoa nhài/ Mùa thu sững nhớ Vĩnh Mai/ Long Biên dừng lại tưởng ai gọi mình"

Võ Văn Trực
.
.