Nhà thơ Trần Anh Thái: Mỗi loài hoa một mặt trời

Thứ Ba, 08/09/2015, 09:40
Đôi lúc tôi tự hỏi, khi nhà thơ Trần Anh Thái ngồi nói chuyện cười vui với bạn hữu, ông có điều gì vui không? Sao trong đáy mắt ấy, lúc nào cũng đọng nét u uẩn, buồn bã và đầy thương tích? Hay cái tạng tính của ông vốn thế, lặng lẽ triền miên trong tư cảm của mình, một nhà thơ sinh ra và lớn lên ở xứ biển Đồng Châu?

Có vài lần trong cơn vui sắp tắt lụi, ông nhìn lên bầu trời mùa thu trong vắt không một gợn mây và bảo đó là bầu trời của thi ca đích thực. Và tôi biết, chỉ ít lâu nữa thôi, cái mùa ấy của ông sẽ về và án ngự nơi này.

Có lẽ trong cuộc đời mình, ba thứ khiến nhà thơ Trần Anh Thái mê đắm hơn cả là biển, ngồi uống rượu cùng mấy “lão bạn già” và mùa thu. Mùa thu ấy, bao giờ cũng phải gắn liền với bầu trời trong vắt không một gợn mây. Thì mới gợi tình, mới đủ ma lực để một người (bị nhiều người trong làng văn nhận xét rằng khó tính, khó chiều) như Trần Anh Thái trở thành kẻ tình si. Ông bảo, ông thích nó không phải đơn thuần vì nó đẹp mà còn bởi khi nhìn bầu trời ở trạng thái đó mới  cho ta cảm giác bầu trời thấu suốt, thật sâu, thật cao và mênh mông. Sự mở rộng chiều kích ấy có một liên hệ nào đó với việc khám phá thế giới bên trong của các nhà thơ. Vì chỉ khi ở trạng thái thuần khiết đó thì nó mới biểu hiện chính xác bản chất của sự việc. Bởi đó là thứ ngôn ngữ của đời sống đã được thanh lọc bởi bụi trần.

Nhà thơ Trần Anh Thái

Hiện nay, người ta tranh luận với nhau văn học sinh ra để làm gì? Có phải để chơi không? Với nhà thơ Trần Anh Thái đó là một quan điểm hết sức sai lầm. Nếu văn học sinh ra để phục vụ chức năng giải trí thì không cần văn học. Văn chương phải làm cho người ta suy nghĩ, nó phải tác động và thay đổi tư tưởng, tư duy của con người, thậm chí là cả một xã hội. Gợi mở và khuyến khích con người khám phá những bí ẩn của đời sống nhân gian... Chữ “chơi” ấy nếu nói vui thì được. Hoặc nói chính xác hơn, cũng có thể là chơi nhưng là chữ chơi đặt trong ngoặc nháy. Bởi bản chất của sự chơi có nhiều nghĩa. Với ông, ngồi một mình đối diện bản thân mình cũng là chơi. Đó là cuộc chơi khám phá bản thể của chính mình. Cuộc chơi sang trọng, sâu sắc.

Và Trần Anh Thái, đã có một cuộc chơi khá ngông nhưng cũng rất thật ấy. Ông khám phá bản chất cuộc sống bằng thơ ca, bằng những rung động của mình trước cuộc đời, của một người luôn kiếm tìm cái đẹp. Ông nói một cách rất quyết liệt, tuyên ngôn nghệ thuật, quan điểm văn chương của ông là “trên đường” – trên đường khám phá bản thể, bản chất của cuộc sống.

Ông bảo với tôi, hiện nay người ta cố làm màu cho chữ nhiều quá, ấy là bởi họ không còn khả năng tiếp cận thi ca. Họ tạo những xác chữ có vẻ trơn tru, bóng bẩy ấy để lấp đầy cảm xúc sâu thẳm của cõi người. Mới đọc qua thì tưởng đó là tìm tòi, cách tân nhưng thực tế, họ đang đi bên lề văn chương, nghĩa là đang đi ngoài bản thể, đi bên ngoài chân thật của cuộc sống mà họ không biết.

Cũng có một vài ý kiến cho rằng bây giờ không còn là thời của trường ca nữa. Trường ca đóng khung trong giá trị thẩm mỹ của thời kỳ trước và bây giờ, nó trở nên lạc hậu trong đời sống văn chương đương đại. Nhà thơ Trần Anh Thái cười, có một thời gian, người ta cũng đặt câu hỏi tương tự, đây không phải là thời của tiểu thuyết hay đây không phải là thời của thơ ca đấy thôi?

“Khi con người còn tồn tại, văn học khắc còn tồn tại. Mà một khi văn học còn tồn tại thì các thể loại văn học đều bình đẳng như nhau. Bất cứ tác phẩm nào một khi đạt được giá trị văn học đích thực thì nó đều là những tác phẩm tồn tại được với thời gian. Đó chỉ là phỏng đoán, một cách nói theo buồn cười của ai đó, không có bất cứ căn cứ nào cả, đặc biệt là căn cứ bạn đọc. Mà căn cứ bạn đọc ấy lại phải dựa vào giá trị mà tác phẩm ấy mang lại, nó có mang lại giá trị nào cho đời sống xã hội không”, nhà thơ Trần Anh Thái - cây trường ca số 1 của thế hệ ông theo đánh giá của PGS.TS Chu Văn Sơn - khẳng định. 

Trần Anh Thái không phải là người của đám đông. Trước những nơi ồn ào, náo nhiệt, ông trở nên bối rối, ông không còn là mình. Thế giới của ông gói trọn trong một vài xó xỉnh quen thuộc, với một vài ba khuôn mặt “cũ nhàu” nhưng khiến ông đủ đầy, dung dị và tự do. Thế giới ấy, lúc nào cũng trôi trong mạch suy nghĩ tưởng chừng bất tận về thời chúng ta đang sống và cả những năm tháng ảo mộng đã qua. Những giấc mơ quá vãng. Những tự vấn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Và trong đôi mắt sâu thẳm, đọng trũng sự buồn bã, trầm mặc ấy, lúc nào cũng có phần cho văn chương.

Ông có thể khắt khe với người này người kia bởi một điều gì đó, cũng có một vài người nói rằng ông cao ngạo chỉ vì ông không phải típ người xởi lởi, thích túm năm tụm bảy. Nhưng với thế hệ viết văn trẻ, bao giờ ông cũng bao dung, nhiệt thành. Lúc nào ông cũng kiên nhẫn đợi họ trưởng thành. Và tình thương của ông có thể không hướng về một nhóm người lợi ích nào đó nhưng với cuộc đời, với những thân phận gặp nhiều bất hạnh, ông chưa bao giờ khước từ nếu như điều đó nằm trong khả năng của ông.

Đôi lần tôi nhìn thấy trong đôi mắt có vẻ tĩnh ấy sự hốt hoảng hoặc thoảng chút giật mình khi nhắc về những câu chuyện ngày xưa: “Tuổi mười bảy mộng mơ trích máu cổ tay dạt vào cuộc chiến/ giấc mơ đi làm người”. Hai câu trích trong Mỗi loài hoa một mặt trời (tên lúc đầu là Bão không đến từ biển), tập trường ca mới nhất vừa đoạt giải B của Cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930 -1975 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 18/8 vừa qua.

Giáo sư Trần Đình Sử trong một bài viết của mình từng nói rằng, trong quá trình diễn tiến của trường ca Việt Nam từ trước đến nay “còn khá đơn điệu trong hình thức sử thi độc thoại và xâu chuỗi. Tính cách nhân vật trữ tình nội dung cũng đơn điệu, thường là người lính, người chứng kiến chiến tranh, đau thương, mất mát, người yêu Tổ quốc, tư tưởng nhìn chung vẫn tin tưởng, ngợi ca, lạc quan, ít có gì gây ấn tượng mới mẻ. Có lẽ chỉ có trường ca của Trần Anh Thái là mới chớm có tình cảm lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng, mặc dù vẫn giữ niềm tin vào sự sống con người. Có lẽ đó là lần đầu xuất hiện tư tưởng buồn rầu, thất vọng, tự giễu mình trong một nền thơ tràn trề niềm tin và hy vọng chắc nịch”.

Cái lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng và tự giễu mình ấy đã xuất hiện trong 3 tập trường ca trước của nhà thơ Trần Anh Thái là Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường, Ngày đang mở sáng. Nhưng phải đến Mỗi loài hoa một mặt trời thì mạch trạng huống ấy mới được phát triển sâu hơn, cao hơn. Ấy là tinh thần phản biện thời đại rõ ràng, sòng phẳng và đầy nhân bản. 

Ông kể, ông viết tập trường ca này trong hơn 2 năm (2012 - 2014) không theo đơn đặt hàng hay phong trào gì cả. Nó là thôi thúc tự thân của ông. Trước khi là một nhà thơ, Trần Anh Thái là người lính bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh dài đằng đẵng với bao mất mát, hi sinh của dân tộc và chúng ta đã phải trả một cái giá quá đắt cho hai từ “thống nhất” và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trong cuộc sống đương đại đầy phức tạp này, nếu chúng ta không thận trọng, chúng ta cứ hoan ca vội vàng, chủ nghĩa lãng mạn cách mạng viển vông, mơ hồ thì hậu quả còn khốc liệt hơn. Và những người cầm bút, phải đau đáu trước thân phận đất nước, con người.

"Nhân loại đau buồn trong mọi cuộc chiến tranh” hay “Những cái chết mơ hồ/ Những cái chết chẳng thể nào cất lên tiếng nói/ Những cái chết muôn đời thua cuộc/ Trong trò chơi tạo hóa đặt bày” kết lại trường ca như một thức tỉnh sâu sắc. Mỗi loài hoa một mặt trời khẳng định và đề cao giá trị sống của con người. Những con người mà “tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi” trên đời.

Tập trường ca mới của nhà thơ Trần Anh Thái khó đọc, không hợp với kiểu đọc phớt. Mỗi câu mỗi chữ đều là tâm huyết của ông, như ông đã chia sẻ. Nhịp điệu co giãn ngắn - dài, đa dạng mà vẫn liền mạch, tránh sự nhàm chán cho người đọc khi thưởng thức một thể loại cần sự dài hơi và tập trung cao độ như trường ca. Cấu trúc trường ca hiện đại, không theo khuôn dáng cố hữu nữa. Hình ảnh thơ mang tính ẩn dụ, nhiều lúc thành hình tượng nghệ thuật, ký thác tự sự của cái tôi trữ tình Trần Anh Thái. Đó là cuộc đối thoại giữa quá khứ với đương đại, cuộc đối thoại với chính mình trong những ngày “đang mở sáng”.

Sau khi nghỉ hưu, nhiều người nghĩ ông cũng đoạn tuyệt con đường chữ nghĩa. Nhưng không, nhà thơ Trần Anh Thái vẫn miệt mài trên con đường văn chương chữ nghĩa. Bằng chứng là tập trường ca thứ 4 của ông sắp được in, ngoài ra, ông đang hoàn thành nốt  một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ và một cuốn khảo cứu văn hóa.

Thi thoảng, ông và người bạn của mình, nhà văn Bảo Ninh vẫn ngồi với nhau tại quán bia trên đường Lý Nam Đế, nói những chuyện trên đời dưới đất, đôi khi tầm phào - những chuyện mà người ngoài nghe không hiểu lại cho rằng gàn dở. Nhưng còn gì dễ thương, thú vị trong những ngày hoàng hôn cuối này ngoài người bạn đặc biệt của cuộc đời mình? Hai người đàn ông, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, lọt thỏm giữa những ồn ã bên ngoài, ngồi bên nhau, uống với nhau cốc bia rồi khật khưỡng ra về?

Tôi vẫn nhớ nơi làm việc của ông ở tòa soạn báo Quân đội nhân dân ở địa chỉ cũ (số 1, Lý Nam Đế). Ở đó có bức hình một người đàn ông mặc áo sơmi trắng đang đi bộ dọc bãi biển Đồng Châu, ánh mắt thăm thẳm hướng về biển cả. Ở đó thỉnh thoảng cuối những buổi chiều tan làm, có một người vẫn nán lại, ngồi nghe ca trù, chầu văn và chìm trong những nhẹ nhõm sót lại của cuộc đời. Nơi ấy, mùa thu, lá vẫn đổ dày ngoài lan can. Và có một người đã ở đó, ngồi gói những quá vãng vào văn chương. Tỉ tê. Trò chuyện.

Đậu Dung
.
.