Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: “Khi nước mắt đắng vào huyệt mộ”

Thứ Tư, 12/11/2014, 16:50
Lần cuối cùng tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông cách đây vài tháng, khi ông vừa ra Tuyển tập thơ Phạm Ngọc Cảnh, cuốn sách cuối cùng của sự nghiệp thơ ca đầy đam mê, đầy hào sảng của nhà thơ xứ Nghệ. Qua điện thoại, giọng nói yếu ớt của ông sau những lần tai biến vẫn thể hiện được niềm phấn chấn.

Khi đó, ông đang ở Thanh Hóa, quê vợ, và ông bảo: “Nhớ lắm, nhớ Hà Nội lắm!”. Rồi một ngày thu của Hà Nội, ông thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng, ở tuổi 80, để lại phía sau cả một trời thương nhớ cho những người ở lại, những người yêu thơ, yêu con người Phạm Ngọc Cảnh, yêu cái tài hoa, gàn gàn, nóng nảy nhưng cũng đầy trắc ẩn của một tâm hồn thơ đã sống cùng dòng chảy của Văn học Việt Nam đương đại.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh ngày 20 tháng 7 năm 1934 tại thị xã Hà Tĩnh, trong một gia đình tiểu thị dân và được cha mẹ cho ăn học tử tế. Cách mạng Tháng Tám thành công, Phạm Ngọc Cảnh mới 12 tuổi đã tình nguyện đứng vào hàng ngũ Vệ quốc quân, làm liên lạc viên, rồi tham gia vào đội tuyên truyền văn nghệ của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh, rồi trở thành diễn viên kịch nói. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông ở đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, từng biểu diễn giữa thành phố Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Về sau ông là diễn viên trụ cột của đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh từng tâm sự rằng với ông, diễn viên kịch là một nghề cao quý nên có lần ông đã từng kể cho tôi nghe về những ký ức hồi ông đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch Nổi gió của tác giả Đào Hồng Cẩm. Có những đêm, trong ánh đèn sân khấu, ông như được sống một cuộc đời khác, khóc cười cùng nhân vật, hào sảng cùng nhân vật. Trung úy Phương là một nhân vật đặc biệt, người diễn phải sống nhiều tâm trạng, nhiều diễn biến tâm lý vì anh là người bên kia giới tuyến. Phạm Ngọc Cảnh vào vai đạt đến nỗi, thời ấy, có nhiều người gặp ông ngoài đời vẫn gọi ông là “Trung úy Phương”. Hồi đó, tự hào về con trai nên cụ thân sinh của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã treo một tấm hình “Trung úy Phương” ngay trong gian nhà lớn. Vốn là một gia đình cách mạng có tiếng trong vùng nên khi bộ đội về địa phương hoạt động, một số người đã được giới thiệu đến ở tại gia đình cụ. Sắp xếp chỗ ăn ở đàng hoàng cho anh em thì cụ được tin anh em đã chuyển sang ở nhà khác. Hỏi ra mới biết, vì nhìn thấy tấm ảnh của “Trung úy Phương” treo trong nhà nên họ đã lầm tưởng gia đình cụ có người làm cho địch ở bên kia giới tuyến…

Nhưng rồi, sự quyến rũ của thơ ca đã buộc Phạm Ngọc Cảnh dứt bỏ chặng đường sân khấu đầy rộng mở. Ông từng khẳng định rằng, nếu ông đi đến cùng với sân khấu, chắc bét nhất ông cũng có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú rồi. Nhưng khi buộc phải vứt bỏ hòn son, hòn phấn để theo thơ thì có nghĩa là thơ ca đã mê hoặc ông và có một mãnh lực khủng khiếp. Lúc vui sướng ông tìm đến thơ ca và lúc đau khổ ông cũng tìm đến nó. Đó là một chân trời bí ẩn và cao vọng mà ông theo đuổi, đó là tiếng nói của riêng ông, một tiếng nói có thể đối thoại trực tiếp với một người và đó là một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Liên tiếp các tập thơ của ông đã ra đời và tìm được sự đồng điệu của nhiều bạn văn cũng như độc giả. Sau tập Đêm Quảng Trị (1971), ông đã rời hẳn ánh đèn sân khấu từ chiến trường miền Nam về làm biên tập viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội và toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Các tập thơ trữ tình nổi tiếng sau đó lần lượt ra đời như: Ngọn lửa dòng sông, Lối vào phía Bắc, Đất hai vùng, Hương lặng, Nhặt lá... Đặc biệt, thành tựu nổi bật của đời thơ ông, sau bài thơ Sư đoàn thì bài Lý ngựa ô ở hai vùng đất đã như một “tuyên ngôn” của những người lính ra trận, một bài hát đầy trữ tình nhưng cũng đầy hào sảng khí thế của người lính trận: “Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu/... Suốt miền Trung sông suối dày tơ nhện/ Suốt miền Trung núi choài ra biển/ Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua/ Anh đa tình nên cứ muốn lần theo/ Xấu hổ gì đâu mà anh giấu giếm/ Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em/... Hay vì làng anh ở ven sông/ Những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng/ Đã hát quen lý ngựa ô rồi/ Khen câu miền Trung qua truông dài phá rộng/ Móng gõ mặt thời gian gõ trống/ Khen câu miền Nam như giục như mời/ Ngựa tung bờm bay qua biển lúa/ Ngựa ghìm cương nơi sông xoè chín cửa/ Tiếng hí chào xa khơi/... Em muốn về hội Gióng với anh không/ Để anh khoe với họ hàng câu lý ấy/ Em muốn làm dâu thì em ở lại/ Lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi/ Đồng đội của anh đã chọn mùa thắng giặc/ Cũng sắp về chia vui”.

Trong ký ức của nhiều người, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là một cây bút say mê tận tụy và chuyên tâm đi đến tận cùng với thơ. Ông đã có một thời huy hoàng và cháy tận cùng cho thi ca, tâm hồn ông đậm chất lính, mạnh mẽ, kiêu bạc nhưng cũng đầy sự lãng mạn đa tình của một hồn thơ mang mạch đập sông Lam núi Hồng. Đọc thơ ông, người ta dễ nhận thấy ông là người chịu khó tìm tòi, luôn luôn đổi mới giọng điệu. Nhà văn Đỗ Minh Tuấn còn nhận xét: “Phạm Ngọc Cảnh là một trong những người đầu tiên trong lớp nhà thơ, nhà văn chống Mỹ trăn trở tìm tòi đổi mới về thi pháp”.

Cũng như những nhà thơ quân đội khác, đề tài trong thơ Phạm Ngọc Cảnh phần lớn là anh bộ đội Cụ Hồ. Một bài thơ đặc sắc của ông là Trăng lên sau này được nhạc sĩ Thuận Yến lấy tứ thơ để phổ nhạc thành bài hát Vầng trăng Ba Đình đã trở thành một biểu tượng đẹp về Hồ Chủ Tịch: “Trăng lên - kìa trăng lên/ Quảng trường dâng biển sáng/ Ôi vầng trăng Ba Đình/ Mênh mông và thiêng liêng/ Con thấy cõi vô biên/ Không như lòng đã nghĩ/ Khi gặp nét thần tiên/ Trong khuôn vàng dung dị/ Trong lăng Bác chợt nghĩ/ Như sau mỗi việc làm/ Trăng ơi trăng biết thế/ Trăng bước nhẹ nhàng chăng… Con đứng gác bên thềm/ Con được là thuỷ thủ/ Thả mái chèo êm êm/ Trong mơ màng vũ trụ”. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng tự bạch rằng: “Bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Những người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi, nâng sức tôi bay tiếp”.

Không chỉ nổi tiếng với thơ ca, ông còn là một nhà viết lời bình cho phim tài liệu rất thành công. Theo thống kê của bà Giáng Hương, vợ nhà thơ, ông đã thổi linh hồn cho hơn 500 lời bình cho phim tài liệu của Hãng phim Công an nhân dân và Quân đội nhân dân. Năm 1989, bộ phim Những giây phút cuối đời của Bác của đạo diễn Phạm Quang Vinh do ông viết lời bình, trình chiếu trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, đã khiến cho cả nước xúc động. Sau đó ông được mời viết thêm lời bình cho 6 phim viết về đề tài Bác Hồ, rất nhiều phim về lịch sử và đề tài người lính như Dòng sông hoa lửa, Khoảnh khắc mùa xuân hay Không ai là vô danh là những phim tài liệu hoành tráng về lịch sử, chiến tranh, lời bình sắc bén, gọn gàng nhưng chứa đựng một mạch nguồn cảm xúc sâu lắng của Phạm Ngọc Cảnh. Bởi hơn ai hết, ông là người có vốn hiểu biết phong phú về người lính, về chiến tranh.

Thời còn khỏe mạnh, ông vẫn tự hào rằng không một tỉnh nào từ Lũng Cú đến Cà Mau, không một huyện đảo nào mà ông chưa đặt chân đến, mỗi dòng sông, ngọn núi, tên phố tên làng đều ghi khắc trong ông những dấu ấn khó quên. Đi nhiều, va đập nhiều, luôn đầy mạnh mẽ “ăn sóng nói gió” nhưng tâm hồn Phạm Ngọc Cảnh vẫn đầy đa cảm. Ông từng rơi nước mắt bên những trang viết tâm huyết, như lời bình cho phim tài liệu Hương bồ kết, bộ phim về huyền thoại 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, của đạo diễn Trần Minh Đại. Những bài thơ viết cho đồng đội, cho người yêu thương, mỗi lần đọc lên cho bạn bè thưởng thức, ông vẫn rơm rơm nước mắt bởi những lẽ ân tình trao gửi hết cả vào câu chữ.

Trong cuộc đời nhiều “xê dịch” của mình, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng chịu nhiều nỗi bất hạnh riêng. Là người trụ cột gia đình nên ông vừa phải chăm lo cho các con, vừa phải kiếm tiền chăm sóc người vợ bị liệt từ năm 1980. Vợ ông, bà Vũ Thị Tỵ, người con gái làng Bưởi, diễn viên múa xinh đẹp mà ông rất tự hào gọi là “Cô Tấm ở trong nhà” bỗng dưng ngã bệnh, nằm liệt mười mấy năm trời. Ông làm đủ mọi việc để phục vụ bà, từ tắm rửa, thay quần áo, kể chuyện tiếu lâm...

Sau khi bà Tỵ qua đời, ông được một người phụ nữ tên Giáng Hương, kém ông gần 20 tuổi, quê ở Thanh Hóa vốn mê thơ Phạm Ngọc Cảnh từ thời còn trẻ, chăm sóc. Bà đưa ông về Thanh Hóa, nâng niu ông, chăm bón cho ông những ngày tháng bệnh tật, tai biến. Khi nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh bị ung thư dạ dày và phải cắt bỏ thì việc ăn uống khó khăn hơn, bà nấu cho ông từng thìa cháo, từng bát canh, dỗ dành ông như trẻ nhỏ. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã viết thơ tặng bà: “Mình thương nhau/ đất quặn lòng cho cây lá đắng/ bát canh múc đầu mường đầu bản/ cuối sông bát đũa/ rùng mình/ Cái phận hẩm hiu vùi trong hốc đá/ Nuôi chín mầm hoang dã/ đầu nguồn sông Mã/ ngoi lên/ Anh ăn canh đắng nhà mình/ Quên hết trần gian canh đắng lạ/ ăn mà tin/ Khi thương khi giận/ Khi chối khi mời/ Khi cơm có thất thường thác đổ/ Khi nước mắt đắng vào huyệt mộ/ bát canh nghèo/ em nuôi…”.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh rất thích ra biển Sầm Sơn ngắm bình minh, bà chiều theo ý ông, mỗi năm cùng ông ra biển nhiều lần. Năm nay, sức khỏe của ông cạn kiệt, hai ông bà mới chỉ kịp một lần đến Sầm Sơn. Rồi một ngày thu Hà Nội, khi cảm thấy không thể bám trụ bởi sức khỏe của nhà thơ tuổi 80 đầy tật bệnh cứ héo úa dần, bà đưa ông trở về căn nhà ở Cầu Đuống, Gia Lâm, Hà Nội để ông được mãn nguyện những ngày cuối đời bên con cháu, trong ngôi nhà nhiều năm tháng ông gắn bó. Và nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã yên nghỉ ra đi trên chính chiếc giường của người vợ đã mất từ thuở xưa, đầy mãn nguyện, thanh thản cho một đời đã sống, đã cống hiến...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.