Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu: Lặng lẽ gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa

Thứ Sáu, 14/09/2012, 15:00
Là một người viết văn, làm thơ, anh chăm chỉ như con ong đi hút mật, không ồn ào, to tiếng, không khoe mẽ, phô trương… anh đã lặng lẽ với chức phận của mình, mẫn cán gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Nhờ vậy mà các tác phẩm của anh về thơ có: Ngôi sao phương Nam, Bấm bụng mà cười, Lên đường, Phía ấy mặt trời lên, Những cánh cò xa khuất, Màu xanh thời gian, Trước tháng tư năm bảy lăm...

Miền Trung, những ngày cuối hè nắng như đổ lửa, chúng tôi hẹn nhau làm một cuộc hành trình từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi để thăm anh, một người bạn văn chương đã ở vào tuổi bát tuần xưa nay hiếm. Nôn nao chờ đón, anh ra tận đầu con ngõ phía đường Trần Hưng Đạo - TP Quảng Ngãi để ngồi chờ chúng tôi. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, anh đưa chúng tôi vào trong căn nhà nhỏ của anh, nơi có giàn hoa phủ kín khoảnh sân râm mát. Bên chiếc bàn đá, nơi anh vẫn từng cùng những người bạn văn chương đàm đạo chuyện nghề, rót những chén trà tỏa hương ngào ngạt, anh vui cười hóm hỉnh kể về những ngày tháng đã qua và những dự định sắp tới của một con người suốt một đời nặng nợ với quê nhà, nặng nợ với văn chương…

Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1932, ở Nghĩa Lộ, Quảng Ngãi. Năm 1954, khi anh đang là bộ đội thuộc quân số của Trung đoàn 126 - Tỉnh đội Quảng Ngãi thì tập kết ra miền Bắc. Công tác ở miền Bắc một thời gian thì anh được đưa đi học lớp viết văn ở Thái Hà ấp cùng lứa với nhà văn Bùi Bình Thi, Trần Thanh Giao, Lý Biên Cương, Phan Thị Thanh Nhàn… Năm 1959, anh vinh dự được cử đi dự Đại hội nhà văn trẻ miền Bắc lần đầu tiên cùng với các nhà văn Anh Đức, Lê Anh Xuân, Trúc Thông… Sau khi hoàn thiện các chương trình học tập ở lớp viết văn ở Thái Hà ấp, anh trở lại mảnh đất Thái Nguyên để làm phóng viên Báo Gang Thép Thái Nguyên. Giai đoạn này, anh vừa làm báo, vừa chú tâm vào công việc sáng tác, nhiều bài thơ của anh trong giai đoạn này mang nặng nỗi niềm thương nhớ quê hương đang chìm trong bóng giặc, anh viết về những con người trung kiên, bất khuất ở quê anh đã vượt lên mọi thử thách chông gai để đánh giặc giữ làng, anh viết về những vùng đất triền miên bị bom cày, đạn xới…anh đau đáu nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nên gửi gắm hết vào trong những bài thơ anh viết nặng nỗi niềm “ngày Bắc, đêm Nam”.

Tháng 8 năm 1965, có một lớp huấn luyện để tiếp viện cho miền Nam đánh giặc, anh xung phong tham gia vào lớp đó, để rồi tháng 3 năm 1966, anh có mặt trong đoàn quân tiếp viện cho chiến trường miền Trung đang sôi lửa chiến tranh. Được trở lại công tác ngay chính trên mảnh đất quê nhà, Nguyễn Trung Hiếu luôn tâm niệm phải làm việc, chiến đấu bằng tất cả những gì có thể để phụng sự quê hương. Anh đi nhiều và viết nhiều, những tác phẩm của anh dẫu lời thơ không mới, nhưng đong đầy tình nghĩa như tất cả những gì từ xa xưa đã ngấm sâu vào tâm hồn người Việt. Bài thơ Bà mẹ Gò Tranh của anh là một dạng như thế:

“Hàng me ru bóng xanh mơn
Đung đưa cánh võng trưa nồm lâng lâng
Mẹ cùng tôi chuyện xa gần
Buồn vui khó nhọc tháng năm nỗi niềm
Tấm lòng mẹ đâu dám quên
Nuôi con từ những đêm đen xa mờ
Nhớ ngày giặc mở mùa khô
Làng ta trắng trụi bãi bờ lặng te
Vẫn thơm lòng mẹ trưa hè
Dưới công sự những khúc mì thay cơm” 

Hay:

“Thuyền con vượt dưới mưa dầm
Luồn qua đồn bốt lạch đầm giữa đêm
Những bà mẹ, những đứa em
Những người từng đã bám trên đất này
Đưa thuyền về lại đêm nay
Thuyền vui quẫy sóng như bay cùng người”

Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu, nhà thơ Thanh Quế kể rằng: Ông quen biết với nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu vào tháng 9 năm 1970, khi Thanh Quế cùng với nhà thơ Bùi Minh Quốc và họa sĩ Giang Nguyên Thái đi công tác ở địa bàn Quảng Ngãi. Lần đầu gặp nhau ấy, ông đã thấy cảm mến con người chân tình, nhỏ nhẹ mà chu đáo này. Nhà thơ Thanh Quế kể tiếp: “Lần gặp nhau vội vàng ấy chỉ được mấy hôm, rồi mỗi người theo mỗi việc. Mãi đến năm 1974, chúng tôi mới gặp lại nhau ở Trại viết Nước Oa do Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5 mở. Lần này, ở với nhau một tháng tôi mới hiểu và cảm mến nhiều hơn với nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu.

Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu và vợ.

Tháng 2 năm 1975, tôi từ Khu đi xuống căn cứ Quảng Ngãi ở Tà Ma (Trà Bồng), đến nơi, nghe tin Nguyễn Trung Hiếu đã lấy vợ và hai người đang sống “tuần trăng mật” ở Nghĩa Lâm (vùng mới giải phóng). Tôi liền rủ anh Phan Nghĩa An đi xuống Nghĩa Lâm thăm vợ chồng anh. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, tôi thấy anh Hiếu lúc này dường như trẻ lại, hóm hỉnh, dù bữa ăn cũng chỉ có cơm độn sắn với mắm cái. Anh em gặp nhau, hàn huyên chưa thỏa thì đùng một cái nghe tin quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi giải phóng quận lị Sơn Hà (Quảng Ngãi). Vậy là tôi cùng Phan Nghĩa An, Nguyễn Trung Hiếu vội vàng chạy lên đó.

Một buổi sáng, mấy anh em đang ở trong Ban Quân quản thị trấn thì nghe tiếng gọi rõ to: “Mấy ông nhà báo có ở đây không?”. Chạy ra xem thì hóa ra đó là anh Nghĩa - Bí thư Quảng Ngãi. Anh Nghĩa bảo: “Sao giờ này các ông còn ở đây? Tối nay ta giải phóng thị xã Quảng Ngãi rồi”. Nói xong, anh Nghĩa bảo chúng tôi cùng lên xe đi với anh để về địa bàn vùng ven thị xã. Tại đây, Phan Nghĩa An được phân công đi với đơn vị xe tăng, còn tôi với Nguyễn Trung Hiếu được phân công đi với lực lượng đấu tranh chính trị để tiếp quản thị xã Quảng Ngãi ngay sau khi ta giải phóng. Đêm ấy, địch bắn pháo sáng cả đêm, chúng tôi ém quân ở một vị trí cách thị xã Quảng Ngãi chừng 7 cây số, anh em nôn nao chia nhau ra từng nhóm nhỏ để chuẩn bị công tác tiếp quản, học những điều cần thiết trước khi vào thị xã…

Tôi hỏi Nguyễn Trung Hiếu rằng: Thị xã Quảng Ngãi có lớn không? Anh trả lời theo trí nhớ của mình thời kháng Pháp thì không lớn lắm, còn bây giờ thì mình làm sao mà biết được, đang nóng lòng để tận mắt nhìn Quảng Ngãi đây. Tôi hỏi, Quảng Ngãi có đẹp không? Anh Hiếu bảo rằng: Quảng Ngãi quê mình đẹp lắm chứ, nào là Núi Ấn, sông Trà, Cổ lũy cô thôn, La hà Thạch Trận… đặc sản thì có đường phổi, đường phèn, don, cá bống kho tiêu vô cùng đặc sắc…ngày mai vào được, tôi sẵn sàng chiêu đãi ông… Chúng tôi đang say sưa nói chuyện cùng nhau về ngày mai giải phóng thì bất ngờ có lệnh lên đường…”.

Sau khi thị xã Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu ở lại với quê nhà. Người em trai của anh mua cho vợ chồng anh một căn nhà cấp 4 ngay chính trong mảnh vườn mà thời Pháp thuộc ông ngoại anh đã bán cho người khác. Anh cùng vợ sống ở đó, rồi lần lượt ba người con trai của anh ra đời. Nay các con anh đều đã trưởng thành, một người làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, hai người sinh sống cùng vợ chồng anh ở Quảng Ngãi. Anh làm báo Quảng Ngãi cho đến ngày về hưu thì tiếp tục tham gia vào Ban chấp hành Hội Văn nghệ của tỉnh với cương vị Phó chủ tịch thường trực. Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh chị ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi đã nhiều năm qua trở thành một địa chỉ đỏ để anh em văn nghệ trong Nam, ngoài Bắc dừng chân. Từ thi sĩ của tình yêu Xuân Diệu đến tác giả của quốc ca Việt Nam nhạc sĩ Văn Cao, rồi nhà thơ Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải… những bạn văn cùng lứa như Trúc Thông, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn…rồi đến các thi sĩ lứa sau như Hồng Thanh Quang, Lê Quang Trang, Bùi Minh Quốc, Thanh Quế… đều đến vì cảm mến cái tình của anh, cái tình của người nghệ sĩ…

Những ngày làm báo Quảng Ngãi cũng như làm ở Hội Văn nghệ địa phương, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu có điều kiện để đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người ở các công trường, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nông trường, xí nghiệp…để cảm nhận và đưa vào trang viết của mình một cách giàu sức sống. Anh bảo rằng, mình sống với nhân dân, cán bộ nhiều, mình đi nhiều nên gặp nhiều cảnh ngộ…làm thơ không thể nói hết được những sự việc, những tình cảm, những nghĩ suy của mình nên mình phải viết văn xuôi.

Cũng trong thời gian này, bạn đọc ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung thường xuyên được đọc những bút ký thấm đẫm tình người của Nguyễn Trung Hiếu. Là một người viết văn, làm thơ, anh chăm chỉ như con ong đi hút mật, không ồn ào, to tiếng, không khoe mẽ, phô trương… anh đã lặng lẽ với chức phận của mình, mẫn cán gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Nhờ vậy mà các tác phẩm của anh về thơ có: Ngôi sao phương Nam, Bấm bụng mà cười, Lên đường, Phía ấy mặt trời lên, Những cánh cò xa khuất, Màu xanh thời gian, Trước tháng tư năm bảy lăm. Về văn xuôi có: Chỗ hẹn đầu cầu, Đất hương vàng, Mùa xuân đến trước, Từ độ các anh về, Làng Yên Phú quê tôi, Nguyễn Trung Hiếu - Tuyển truyện và ký. Về ca khúc có Bốn mùa xanh đã lần lượt được trình làng.

Đọc văn, thơ của Nguyễn Trung Hiếu, nhà văn Lê Quang Trang cảm nhận: “Nguyễn Trung Hiếu đã “lạ hóa” cái quen thuộc và hun nóng cảm xúc bằng những chuyến đi, bằng sự trăn trở chân thành, với hy vọng tạo ra những con chữ có hồn. Là người say mê sáng tác, anh viết báo, viết văn, làm thơ, nhưng anh cũng ý thức được sự đòi hỏi nghiệt ngã của nghề cầm bút, cho nên xem ra anh luôn thận trọng, kỹ lưỡng. Bởi thế, đọc anh, thấy văn chậm, giọng văn điềm tĩnh, liên tưởng rộng nhưng vẫn chặt chẽ, lô-gích. Và trước hết là sự đằm thắm. Anh rất chú ý đến cái tình trong văn. Tôi có cảm giác bài nào, đoạn nào có điều kiện đi sâu diễn tả cái thắm thiết của người thì văn anh nở ra như dòng sông mùa lũ”.

Còn người bạn thân thiết của anh, nhà thơ Trúc Thông thì nói: “Nguyễn Trung Hiếu khỏi phải nói là thông thố, nhưng anh viết rất ngắn. Đó là thói quen của người làm thơ cô đọng cảm xúc và suy nghĩ. Viết ký thì phải kể người, kể việc, kể cả con số, anh có tranh thủ nhưng không cà kê, nhất là dựa vào những tư liệu gián tiếp mà “đi” lấy vài trang. Việc và người trong ký Nguyễn Trung Hiếu chân thật, rõ ràng, chính xác, nghĩa là trung thực. Cho nên chỗ mạnh gióng lên hồi cảnh báo với các cấp quản lý địa phương và rộng hơn đầy sức thuyết phục bởi nó cất lên từ những sự thật chắc thiệt được nói bằng giọng kiềm chế, lịch sự tuy rất thẳng thắn. Rung lên qua các trang viết, những xúc động của một người từng trải có trái tim thật tốt lành. Và không hiếm những hóm hỉnh, những giễu cợt bao dung lẫn giữa những băn khoăn có khi trầm uất”.

Đam mê viết lách là thế, vậy mà có khi Nguyễn Trung Hiếu tưởng chừng như ngã khụyu khi bác sĩ phát hiện trong gan của anh có nhiều vết u nang. Thêm một lần nữa bản lĩnh người lính ở trong anh đã giúp anh kiên định chiến đấu và chiến thắng với bệnh tật. Sau những ngày dài phải nằm viện để điều trị, bạn văn, bạn đọc lại mừng khi thấy thơ, ký của anh, những trang viết nghiêm túc nặng nghĩa, nặng tình của anh xuất hiện. Ở tuổi tám mươi, sức khỏe được như anh là điều quý hiếm… Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh vẫn hóm hỉnh cười mà bảo rằng: “Mình giờ đây như ngọn đèn trước gió rồi, chưa biết vụt tắt lúc mô, nhưng mình cũng đang gắng viết cho xong những gì trong dự định”.

Cuối chiều, chúng tôi phải chia tay anh để trở về Đà Nẵng, ngồi trên xe, anh em chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, mong sao anh vẫn khỏe để còn cống hiến cho đời những trang viết, những bài thơ, để cho trái tim quá đỗi tốt lành kia vẫn hóm hỉnh với bạn bè trong mỗi cuộc đi về đàm đạo văn chương

Phan Bùi Bảo Thi
.
.