Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Học cách bình thản

Thứ Tư, 23/03/2011, 14:46
Tôi biết chị đã nhiều năm nay, đôi khi tôi gặp và chuyện trò cùng chị ở một hội nghị nào đó, cũng có khi, tôi quan sát chị từ xa để cảm nhận về người đàn bà mà với tôi, là một con số khá bí ẩn. Sự bí ẩn có thể ở vẻ ngoài hơi lạnh lùng, kiệm lời giữa đám đông, của một người làm thơ luôn lấy thi ca làm nơi nương náu những lúc tâm hồn bất ổn, hoang mang, đau đớn…

Nhà chị nằm cheo leo trên tầng 5 của khu tập thể cũ ở gần phố Nguyễn Thái Học. Bước lên căn gác nhỏ xinh xắn của chị, tôi có cảm giác, tất cả mọi ồn ào, náo nhiệt của phố xá tấp nập ngoài kia, của tắc đường, bụi khói, tiếng xe máy, xe ôtô đủ loại… như đều dừng lại. Nó nhường chỗ cho sự ấm áp, yên tĩnh, gợi về ký ức những năm tháng đã qua. Chị gọn gàng sạch sẽ đến từng chi tiết nhỏ.

Căn nhà của chị được chăm chút quá kỹ lưỡng bởi một bàn tay khéo léo, tinh tế. Những bức ảnh đen trắng từ thời bà ngoại chị, bố, mẹ chị được xếp đặt cẩn thận trên giá sách với những cuốn sách phủ mờ dấu vết thời gian, hòa quyện trong tiếng nhạc cổ điển phiêu linh của dàn âm thanh cũ và những bình hoa hồng thơm, hoa bưởi ngát mùi quê kiểng.

Bảo Chân được thừa hưởng sự thông minh hóm hỉnh của cha, nhà văn Nguyễn Anh Biên, và sự tinh tường của mẹ, NSƯT Ngọc Hiền, người phụ nữ của Đoàn kịch Hải Phòng một thuở làm say đắm bao người. Nhưng rồi, cuộc sống êm ấm đã không ở lại trong ngôi nhà của chị.

Bố mẹ chị vì những lý do của người lớn, đã chia tay nhau từ khi Bảo Chân mới 2 tuổi. Chị sống với mẹ, rồi về ở với bà ngoại. Khi bà ngoại mất, chị lại trở về cùng cha. Đến năm 22 tuổi, khi rời khỏi Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, chị sống tự lập trong một ngôi nhà cạnh sông Hồng. Hễ cứ mưa xuống là nước vào tận chân giường.

Đêm ngủ, giấc mộng cứ dềnh lên con sóng. Có những hôm, trong nhà chẳng còn một chút nước uống, chị lội bì bõm xin từng xô nước ngọt mất cả nửa cây số mới về được đến nhà. Sau này, thấy khổ quá, Bảo Chân đã bán căn nhà ven sông và mua căn hộ trên tầng cao nhất của khu tập thể để trốn biệt những tháng ngày lụt lội như chực trào lên trong cả giấc mơ.

Vào căn nhà của chị, thấy rõ rằng chị là người coi trọng kỷ niệm. Dường như, mọi kỷ vật quá khứ đều được Bảo Chân cất giữ cẩn thận trong ngôi nhà nhỏ xinh này. Ngôi nhà từng chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn, những tiếng cười và giọt nước mắt của chị sau những mất mát của tình yêu, cuộc sống.

Trên chiếc bàn làm việc be bé nhìn ra khung cửa sổ có khoảng trời mây trắng là những cuốn sách đọc dở, là giấy bút để ngỏ cho những giây phút lắng đọng nhất ùa về trong mạch cảm xúc, chị chớp lấy như bắt được một mảnh hồn mình mà không cần phải giấu giếm bởi những ngoa ngôn, màu mè vần điệu…

Đó là khi những vần thơ đầy chiêm nghiệm, đầy trầm tích buồn vui của chị trào ra trên đầu ngọn bút. Bởi vậy, ngôi nhà, nơi mà chị trở về để tĩnh lặng sau những bận rộn, vội vàng của những giờ công sở đã đi vào thi ca một cách tự nhiên như cơm phải ăn, nước phải uống hàng ngày: "Cầu thang bé xíu dông dốc/ Dẫn lên phòng áp mái/ như lên cái tổ chim/ ngôi nhà trên cây/ Khoảng trời chung chiêng/ ở đó tôi thở/ tôi nghĩ/ tôi mơ/ tôi nhớ/ và tôi đã quên bao điều…/ Ngôi nhà giữa khoảng trời/ chung chiêng/ như thể nó sẽ bay lên/ giống quả khinh khí cầu/ chẳng sợi dây nào níu giữ/ bay qua những lục địa xôn xao/ những đại dương bão tố/ những sa mạc hoang vu/ những bình nguyên yên ả/ bay đến kiệt sức/ đến nổ tung/ mà chẳng hề nuối tiếc/ hạnh phúc hay đắng cay/ nếu ngôi nhà giữa khoảng trời biến mất/ ở chỗ đó/ sẽ còn mây".

Nói rằng, Bảo Chân là người đàn bà cô đơn cũng đúng, vì phụ nữ ở cái tuổi ngoài 40 mà sống một mình thì sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi, câu hỏi từ bạn bè, từ người quen, của người thân và ngay cả với chính mình.

Với Bảo Chân thì những tác động của ngoại cảnh đối với cuộc sống của chị dường như không quá quan trọng, đôi khi, chị hạnh phúc vì sự lựa chọn của mình. Bởi xét cho cùng thì không ai khác ngoài chính mình sẽ phải sống và quyết định cho cuộc đời mình thôi.

Lúc ấy chị nương bóng mình vào những vần thơ, những cảm xúc của một tâm hồn đàn bà nhạy cảm và đa cảm, dù cái vẻ nhạy cảm và đa cảm ấy của chị luôn được "bảo vệ" bởi một bề ngoài cứng cỏi, đầy bản lĩnh của một người làm báo hình năng động và quyết đoán. Thơ chị là những khối ru-bíc được chồng lên nhau bởi nhiều va vấp ở cuộc đời. Những va vấp từ ngoại cảnh, và ngay cả trong từng nhịp đập trái tim mình.

Đó là những suy cảm về mẹ, về cha, về những đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân của họ, từ đó, tạo nên một cô bé Bảo Chân tự lập, tự đứng vững trên đôi chân để bước đi với cuộc đời: "Con đã vỡ khỏi giấc mơ để trở thành một cuộc đời/ Con cầm mảnh vỡ của cha bằng bàn tay nhỏ bé này/ Con mài sắc nó/ Làm nó cùn mòn/ Rồi lại mài sắc thêm lần nữa/ Để sống/ Để yêu tin/ Để tự chở che mình".

Trong những hoài niệm, Bảo Chân dành nhiều tình cảm khi nói về bà ngoại, người đã nuôi nấng chị nhiều tháng năm tuổi nhỏ, để giờ đây, những lúc cuộc sống bất ổn, bấp bênh, chị tựa vào bóng hình bà như một chốn nương thân, dù bà giờ đã khuất núi: "Bà làm bạn làm bà làm mẹ cái nắng/ cái nắng xinh xinh/ bà cất vào túi áo cánh/ rồi cẩn thận cài miếng túi bằng chiếc kim băng tí xíu/ sợ cái nắng ngã đau/ cái nắng bé bỏng/ mơ mộng trời cao/ biết đâu có ngày giông bão/ biết đâu có ngày mưa gió/ biết đâu có ngày chiếc kim băng tuột rơi/ áo cánh mong manh khói/ bà ngoại bay về trời…".

Bảo Chân thường kể về những giấc mơ của mình trong thơ. Giấc mơ có khi mơ hồ, có khi hiện hữu. Giấc mơ là thứ mà người ta không thể có hoặc luôn mong muốn có. Dễ hiểu vì sao chị lại lấy nhan đề là "Những chiếc gai trong mơ" đặt tên cho tập thơ mới của mình. Dù được giải thích rằng, nó lấy ý tưởng từ  một bài thơ chị viết tặng cô em gái, "Những chiếc gai mơ mộng", cách đây đã hơn 10 năm.

Bài thơ có số phận hẩm hiu lẫn trong đống báo cũ mà chị định vứt đi. Đống báo cũ luôn là thứ tài sản dường như, không chỉ riêng chị, mà mỗi nhà văn, nhà thơ đều gói ghém cẩn thận, cất vào một góc nào đó làm "của để dành" cho đến lúc không còn chỗ "để dành" nó nữa. Dẫu có là "của để dành" hay gì thì những giấc mơ của Bảo Chân cũng đong đầy ký ức.

Những ký ức tình yêu, chia ly, mất mát. Những ký ức thời gian, thứ thời gian mà chị khẳng định rằng, nó đã để lại trong đời và trong thơ những dấu vết: "Suốt bao năm qua, tôi đã đi, đã đến nhiều nơi, đã gặp, đã để mất, và cũng được nhiều điều. Tôi luôn lắng nghe thế giới bên ngoài, lắng nghe mọi người, lắng nghe chính bản thân mình. Tôi thoắt băng qua cuộc sống ồn ào náo động này.

Nhưng cũng có những khoảnh khắc mọi âm thanh ỗn tạp bỗng trở nên câm nín, đó là lúc Thơ cất lời. Khi ấy, tôi nhìn thấy một Tôi khác. Như những đám mây tích trước mỗi cơn bão lớn, tôi đối thoại với Tôi. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau qua ngôn ngữ cả ánh chớp vụt sáng. Và Thơ ào đến, như mưa, tưới tắm tôi, tràn ngập mọi nẻo quanh tôi".

Bảo Chân làm nhiều thơ tình. Dù chị yêu không nhiều. Tính cho đến giờ, trong "lưng vốn" hành trang tình yêu, chị chỉ có vài mối tình, nhưng sâu đậm, có mối tình kéo dài hàng chục năm trời mà không thể đến với nhau. Bởi thế nên tình yêu trong thơ chị đầy nuối tiếc của sự tan vỡ: "Em đi hết con đê/ Đi hết cỏ/ Đi hết mùa hoa/ Cạn cả dấu chân/ mà chẳng thấy anh đâu", của khát khao: "Nỗi nhớ anh xuyên thấu đêm/ nối ánh mắt em sang ngày/ buộc trời không ngủ/ Nỗi nhớ anh quay cuồng điệu valse mê dụ/ duềnh lên sóng sóng bất tận hồi chuông ngân rung/ suốt hơi thở ướt đẫm…", cả đợi chờ, hy vọng: "Em tự hỏi/ một đôi cánh mong manh sao mang nổi/ trái tim trĩu nặng tình yêu/ mà không gãy mỏi/ Như Tình Yêu và Sự Bất Tử/ có thể đổi chỗ cho nhau".

Và, sau mỗi hành trình cuộc đời, tâm hồn nhà thơ vẫn ngơ ngác giữa ngã ba đường hạnh phúc: "Tôi rơi ra từ đám đông/ chậm một nhịp chân/ người ta đã rẽ về ngả khác/ Như bị bỏ quên/ ở chốn nào/ ngơ ngác/ giữa những tượng đá đen/ tôi vịn vào bàn tay khổng lồ đơn độc/ chỉ lối lên trời xanh/ chợt tương tư một miền xa/ thắt ruột"…

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đã đi qua cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Chị cũng không còn sự lãng mạn trong sáng như thuở đôi mươi. Chị đã yêu, đã thủy chung, đã hiến dâng hết mình cho tình yêu. Trong những cuộc yêu ấy, phụ nữ, chứ không phải là ai khác, cuối cùng sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, đớn đau.

Tôi cứ tưởng khi hỏi về chuyện tình yêu, Bảo Chân sẽ nói về nó với nỗi buồn thăm thẳm, như chị từng nói trong thơ: "Ta tìm dấu nhau/ Vết xưa đã nhàu/ Ta nào thấy đâu"; "Em chắp nối muôn ngàn sợi ngày gẫy vụn/ Để kịp nhìn thấy anh/ Nhưng em không thể níu lại nước sông/ và nụ cười anh dịu dàng", "Em nép vào sau mỗi tiếng bước chân/ Tìm nhặt vệt bùn khô hoảng hốt/ Bong ra từ sự vội vã/ Ngoài kia/ Bao cánh hóa héo úa/ Bong ra từ tháng Tư"...

Nhưng chị lại có một quan niệm khác, thoáng hơn và hiện đại hơn: "Tôi chưa bao giờ nuối tiếc hay oán trách bất cứ ai, bất cứ điều gì trong quá khứ. Tôi quan niệm, cuộc đời mỗi người là một hành trình của số phận, ta phải đi từ nơi xuất phát đến những cái đích nào đó... Tôi đã không thể chọn cho mình một số phận dễ dàng hơn, nên tôi lấy tất cả những vấp ngã, những đau đớn, những thất bại cũng như những hạnh phúc, niềm vui, sự may mắn mà tôi có được làm vốn liếng của riêng mình".

Giờ đây, sau những giờ làm việc, Bảo Chân ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc, đọc sách, chăm mấy chậu cây cảnh trên ban công nhà mình… Chị bảo rằng, lúc này là thời gian chị cảm thấy bằng lòng với cuộc sống riêng, có một tri âm tri kỉ, một người đàn ông ngoại quốc có đôi mắt xanh, đủ “xanh” để nhận ra chị, đủ độ lượng và tình yêu để là nơi chị trở về sau những bất ổn của cuộc sống.

Dù anh làm việc ở xa, không thường xuyên bên cạnh chị, nhưng tình yêu của anh và sự đồng điệu tâm hồn đã  làm yên ả lại một trái tim vốn bị va đập bởi quá nhiều nông nỗi cuộc đời. Bây giờ, chị học cách để bình thản sau chặng đường đã từng hối hả sống, hối hả đi, hối hả với yêu tin, được mất, biết khao khát những ước mơ bình dị, những mơ ước thật sự con người, như một trong những bài thơ mới nhất mà chị đọc cho tôi nghe khi những tách trà đã nguội, tôi chuẩn bị ra về, còn lại chị trong căn phòng tràn ngập âm nhạc của Bach: "Chỉ với tay là chạm vào phím "mở" trên chiếc máy hát cũ/ Chạm vào một đĩa hát ngủ quên suốt mùa hè/ Là những bản Cantatas của Bach bừng thức.../ Ta mong ngày bình yên/ Ngày hoa nở ấm cây bậu cửa/ Ngày ra ngõ gặp nụ cười/ Ngày ăm ắp tiếng trẻ đùa chơi nắng vàng/ Ngày lại có anh/ Anh ngồi đó/ Lặng lẽ đọc sách/ Ta nấu nướng xôn xao/ Nho nhỏ căn bếp/ Ly tách bát đĩa lách cách/ Khua vang những con chữ im/ Những ý nghĩ thầm..."

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.