Nhà thơ Ngô Minh: Nhờ in tuyển tập mà… sống khỏe!

Thứ Sáu, 27/11/2015, 09:39
Ngô Minh, “đứa con của làng cát” Ngư Thủy anh hùng, nhưng mấy chục năm qua đã trở thành một gương mặt thơ Huế có giọng điệu riêng, được nhiều người mến mộ. Anh từng được tặng thưởng Thơ hay báo Nhân dân (1978), Thơ hay Văn nghệ Quân đội (1985), Thơ hay 5 năm Tạp chí Sông Hương và nhiều giải thưởng khác…

“Như tôi/ đứa con của cát/ mắt quen mở ngang tầm gió sắc/ để nhận trong mắt biển một chân trời/ kết tinh thành hột muối hồn tôi”… ( Trích Đứa con của cát).

Nhiều bài thơ về vùng quê cát của anh khá đặc sắc, mà thơ về Huế (trong phần “Tìm tôi tìm Huế”) và thơ tình (Phần “Gọi đôi”) của Ngô Minh cũng có nhiều bài hay. Ngô Minh có nhiều “fan” còn vì anh là một nhà báo xuất hiện thường xuyên trên báo chí khắp ba miền Trung - Nam - Bắc.

Tuy vậy, hồi đầu năm, Ngô Minh xuất huyết dạ dày lần thứ hai. Nhà văn Tô Nhuận Vĩ vào Bệnh viện Trung ương Huế thăm, thấy bạn trẻ phải truyền đủ thứ thuốc, tay chân dây dợ chằng chịt, về  bảo tôi: “…Nhìn nước da tái mét, tớ sợ Ngô Minh đi họp lúc mô không biết...”.

 Nguyên do, nghe anh em văn nghệ Quảng Bình điện vào gọi ra chơi, nhân dịp Đại hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình 2015, Ngô Minh theo xe Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế vọt ra Đồng Hới liền. Gặp bạn bè, ai cũng kêu: “Sao nước da ông nhìn xanh lét như người chết vậy?”. Thế là Đại hội vừa xong phần bầu cử, chưa kịp “nâng cốc” mừng thắng lợi, nhạc sĩ Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế - phải cho xe chạy vô Huế ngay. Vị tân Chủ tịch Hội Huế thấy nước da nhà thơ xanh nhợt, có thể nguy hiểm đến tính mạng, đến mức ông phải bảo lái xe ghé về làng Ngô Minh, để anh thắp nhang vái tiên tổ… Vào đến Huế, lên bệnh viện, bác sĩ bảo phải nằm viện tức thì, bệnh nguy kịch lắm rồi!...

Nhiều anh em ở Huế cũng ái ngại cho nhà thơ - nhà báo xông xáo và có nhiều niềm mê say này - trong đó có thứ tối kỵ với bệnh đau dạ dày. Bạn bè văn chương tứ xứ đến Huế, hễ có đám nhậu là y như rằng có Ngô Minh. Mà Ngô Minh đã uống là phải có rượu - không có chai “lắc giọt” ngoại quốc thì cũng phải rượu bà Hiếu 40 độ ở dốc Phú Cam, chứ bia là bị coi khinh. 

Nhà thơ Ngô Minh (bìa phải) đang đọc thơ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ở nhà riêng (số nhà 30 Hoàng Diệu, TP Hà Nội).

Có giai thoại Ngô Minh kể, một nhà thơ đi nhậu say, về nằm ngoài cửa; khuya, ả lợn xề ra làm bạn, anh ta thấy ấm và đặc biệt là rờ thấy nhiều “bụ”, cứ “thắc mắc” không hiểu sao vợ mình bỗng mọc ra nhiều “bụ” thế! Kể chưa hết chuyện, đã có người đế vô: “Nhà thơ đó là Ngô Minh chứ ai!’’. Ngô Minh chỉ cười xè xè, không xác nhận, cũng không bác bỏ. Tôi ít đi nhậu với Ngô Minh, nên chẳng biết thực hư ra sao. Đôi lần tôi chứng kiến, thấy Ngô Minh uống tì tì, nhắc rằng: “Coi chừng! Không nhớ lần suýt vỡ sọ à?” thì Ngô Minh cười hề hề: “Anh yên chí! Ngô Minh không say mô!”. Chuyện Ngô Minh say, đi xe ngã, phải vô bệnh viện khâu chắp hộp sọ mười mấy năm trước là có thật. Sau vụ đó, anh kiêng rượu được thời gian ngắn, rồi lại uống. Nói cho công bằng, anh uống khi vui bạn bè, chứ không phải kiểu say bét nhè liền tù tì. Thế nên mới còn sức, còn thời gian mà xông xáo vào mọi chuyện.

Cho dù vậy, chuyến bục dạ dày lần này thì xem chừng gay go. Truyền 4 đơn vị máu (bằng 1 lít máu), khá lên chút ít, nhưng Ngô Minh còn bị gút, thấp khớp, mà nghe nói thuốc chữa bệnh này lại nguy hại cho bệnh kia… Vì thế, xem ra Ngô Minh cũng sợ sắp… “đi họp” thật; tôi đoán chừng anh thầm lo tính như thế, còn trên giấy trắng mực đen thì nhà thơ 67 tuổi viết rằng: “Bây giờ chưa gọi là già, nhưng thấy sức khỏe giảm sút nhiều, đau ốm, đi viện liên miên, nên lo xa, muốn làm trước phần tuyển chọn…”. Nghe Ngô Minh “công bố” kế hoạch làm bộ tuyển tập 5 cuốn với 2.500 trang, tôi càng sợ… Tôi nhìn anh vừa mới phải tiếp máu, phải “hạ sơn” - trong ngôi nhà 4 tầng chật hẹp nơi con ngõ đầu dốc Bến Ngự, phía dưới nhà thờ cụ Phan Bội Châu một quãng, trước đây Ngô Minh “khoe” ở trên tầng 4 yên tĩnh và mát lắm, nay không đủ sức trèo lên, phải chuyển xuống tầng 1, “chung sống” với đủ âm thanh, mùi vị của bếp núc, khách khứa, cháu con lít nhít vô ra suốt ngày - cứ sợ bạn “đứt gánh” nửa đường! Những ai đã dính đến sách vở đều biết công phu để có một cuốn sách vài trăm trang đàng hoàng. Như tôi, chỉ để tránh sai sót, khi làm một cuốn sách thường phải đọc đến 5-6 lần. Đằng này là tuyển một đời văn chương 40 năm với 14 tập thơ và cũng chừng ấy tập ký, tiểu luận, phê bình, biên soạn…

Cũng đã có không ít những tuyển tập dày hàng ngàn trang, nhưng đó là của những vị quyền cao chức trọng, hay uy danh lừng lẫy, mọi việc đã có “đàn em” hay Nhà xuất bản lo. Còn Ngô Minh thì chỉ có chức… nhà thơ trơn trụi, tiền lo đời sống cho con, cho cháu đã hết hơi, sức vóc thì ọp ẹp như thế… Một bộ tuyển 5 tập như thế, tốn cả trăm rưỡi triệu, chứ đâu phải ít. Mà đâu chỉ chuyện tiền bạc. Làm Tuyển, tự mình gạt bỏ những đứa con tinh thần từng mang nặng đẻ đau - như Ngô Minh thì trong 2.000 bài thơ phải gạt bỏ đến 1.600 bài - là một công việc cực nhọc mà cũng “đau” lắm. Vì thế mà có bạn bảo rằng Ngô Minh chỉ…”dọa” thế cho vui thôi!

Vậy mà Ngô Minh làm thật. Tuyển Thơ chỉ là Tập 1. Tập 2: Chân dung nghệ sĩ có tên là Người đồng hành cô độc, gồm 50 bài chân dung của các văn nghệ sĩ đương đại; Tập 3: Ký và phóng sự có tên là Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hỡi em; Tập 4: Bút ký và tiểu luận thơ có tên là Chuyện làng thơ Việt và Tập 5: Ngô Minh - Phù sa biển, tuyển chọn bài viết của nhiều tác giả trong cả nước viết về thơ, văn và cuộc đời Ngô Minh cùng hơn 100 ảnh về gia đình, vợ con và bạn bè văn nghệ sĩ cả nước. Chỉ qua những bức ảnh này cũng đã thấy tình cảm cũng như quan hệ rộng rãi của Ngô Minh trong làng văn đất Việt. Có thể nói, 5 tập tuyển trong bộ sách như là “5 mũi giáp công” cùng khẳng định những đóng góp không nhỏ trong quãng đời 40 năm cầm bút của Ngô Minh.

Tôi nói theo ngôn ngữ chiến trận, sau gần 40 năm cởi áo lính, nhưng “chất lính” trong nhà thơ 67 tuổi này xem ra chưa phai. Điều đó thể hiện ở những cuốn sách về đề tài người lính và cách mạng đã được Ngô Minh cho ra đời một cách liên tục: Nhớ Phùng Quán (2003), Đất Thiêng (2005), Phùng Quán - 3 phút sự thật (tổ chức bản thảo, 2006), Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh (2007), Phùng Quán còn đây (biên soạn cùng chị Bội Trâm, 2007), 100 ngày vượt Trường Sơn (2010), Cổ tích tàu không số (2011), Tướng Giáp trong tôi (2013)… Trong cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnamnet và Hội Nhà văn tổ chức, Ngô Minh đã đoạt giải với bài thơ Nghe trẻ hát ở Trường Sa: “…Trường Sa ơi/ Trường Sa bây giờ không chỉ ra-đa và súng/ Trường Sa đang sinh sôi tiếng trẻ học bài/ gì sâu hơn mắt trẻ thơ ngơ ngác/ xoe tròn trước đại dương xanh…/ lính đảo lắng nghe/ như hồn Việt/ gọi tên”.

Bìa bộ sách 5 tập thơ của nhà thơ Ngô Minh.

“Chất lính” trong Ngô Minh còn là sự hết lòng với đồng đội, đã “ra trận” là phải tìm cách “đánh thắng”. Trong mấy năm gần đây, anh (cùng với Mai Văn Hoan) đã giúp lo in tuyển tập cho nhà thơ Hải Kỳ và Lê Đình Ty khi các bạn ấy qua đời. Đặc biệt, chỉ từ sự kêu gọi của Ngô Minh - một cá nhân không có uy tín nào khác ngoài danh hiệu nhà thơ - khu mộ nhà thơ Phùng Quán và người bạn đời Bội Trâm được xây dựng thật đẹp tại quê hương ông bằng sự ủng hộ của hàng trăm bạn đọc yêu văn chương trong và ngoài nước. Số tiền xây dựng công trình còn dư, mấy năm qua, Ngô Minh đã có sáng kiến tổ chức Quỹ Tặng thưởng tác phẩm văn học, Quỹ học bổng mang tên Phùng Quán tặng cho học sinh giỏi ở quê hương ông.

Như là một lẽ tự nhiên, một người hết lòng với thơ, với đời, với đồng đội như Ngô Minh, khi anh công bố ý định làm Tuyển tập, liền được nhiều bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ. Nói theo kinh nghiệm chiến tranh, thì nhà thơ - cựu chiến binh Ngô Minh đã biết “vận dụng sức mạnh tổng hợp”; còn ngôn ngữ thời kinh tế thị trường thì đây là phương sách “xã hội hóa” hoạt động văn học nghệ thuật. Nói cho đầy đủ thì Nhà nước cũng có góp phần. Khi Tô Nhuận Vỹ lo rằng coi chừng Ngô Minh sắp… “đi họp”, chúng tôi liền đề xuất Hội Nhà văn cứu trợ. Chủ tịch Hữu Thỉnh và chị Hạnh kế toán tỏ ra thông cảm lắm, nhưng Hội chỉ có Quỹ đầu tư sáng tác thôi; thế là bàn với Ngô Minh gửi gấp bản thảo Tuyển Thơ ra Hà Nội và  Hội đã chuyển ngay cho tác giả mươi triệu thì phải…

Nhờ thế, bộ sách thật hoành tráng, thật đẹp với bìa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đã ra đời một cách nhanh chóng đến bất ngờ. Có một chút thay đổi là nay bộ sách mang tên Ngô Minh tác phẩm, chứ không phải là Tuyển tập. Hình như khi khởi động, nhà thơ cũng… sợ sắp “đi họp” thật, mà có người bảo làm Tuyển tập tức là xong rồi, hết rồi; vậy thì đổi thành “Ngô Minh tác phẩm” cho có… hậu! Nghĩa là bạn đọc còn sẽ được đọc tiếp tác phẩm mới của Ngô Minh, nhất là nhờ in bộ sách oách hơn cả các bạn văn ở Huế, nhà thơ-nhà báo 67 tuổi của chúng ta xem chừng khỏe hẳn ra, mặc dù nghe nói chưa trả hết nợ tiền in sách. Không sao! Ngắm bộ sách đẹp tích tụ những giá trị cả một đời văn của mình đủ “no” rồi! Và lại thấy anh cụng ly rượu “lắc giọt” với tiếng cười xè xè thoải mái ở những cuộc vui bạn bè tứ xứ đến Huế tìm nguồn thơ…

Nguyễn Khắc Phê
.
.