Nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko: Sẽ là người đọc thơ nếu không là thi sĩ

Thứ Ba, 31/07/2012, 14:00
Có thể đó là định kiến nhưng rất nhiều người nói rằng, ở nước Nga các nhà thơ lớn thường chết trẻ. Trong bối cảnh đó, sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Evgueni Evtushenko vào ngày 18/7 vừa qua quả là một dịp lễ trọng không chỉ đối với riêng ông mà với cả nền thi ca Nga đương đại…

Phi thường trong mọi chuyện

Trong ký ức của mình, ở đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi chỉ được biết tới Evtushenko qua lời kể của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Anh Duật đã nói với tôi rằng, khi sang Việt Nam, đi xuống vịnh Hạ Long, ông nhà thơ Nga lừng danh uống rượu suốt ngày (chính anh Duật được chứng kiến việc này vì anh đã tháp tùng ông xuống đó). Về sau, khi tôi học ở Liên Xô, người bạn Nga Genna của tôi, một kỹ sư trẻ rất yêu thơ, cũng nói với tôi rằng, về tửu lượng thì Evtushenko có thể được xếp vào hàng “cao thủ võ lâm” tầm thế giới!

Thế nhưng, là một nhà thơ lớn, Evtushenko có một sức lao động khổng lồ. Ông là tác giả của hơn 130 tập thơ in bằng tiếng Nga và hơn 100 tập sách dịch in bằng 72 thứ tiếng trên thế giới.  Ông đã 4 lần lấy vợ và là cha của 5 người con….

Nói chung, mọi việc diễn ra trong đời ông đều ở mức phi thường.

Trong góc nhìn của tôi, Evtushenko một nhân cách phức tạp. Nhìn từ một góc độ, đó là biểu tượng của tinh thần đổi mới trí tuệ, dám phát biểu chính kiến lắm khi không giống ai của mình... Nhìn từ khía cạnh khác, ông có thể bị những người không thiện chí đánh giá là khách tài hoa không thoát khỏi thói đời, đôi lúc cũng háo danh vọng phù hoa tới mức tức cười... Trong hai cách đánh giá tự loại trừ lẫn nhau này đối với Evtushenko có một điều không thể phủ nhận được: Ông là người cuối cùng trong số các nghệ sĩ Xô  viết thực hiện được khát vọng to lớn của nhiều thời khi xây dựng mình thành một huyền thoại về một nhà thơ thiên phú đủ tài năng để chinh phục thiên nhiên và mê hoặc lòng người bất luận sang hèn trong một thời đại đầy bất trắc và mâu thuẫn như nửa cuối thế kỷ XX. Ông đã không bỏ lỡ vận may mà số phận đã dành cho ông...

Đa dạng nhưng nhất quán

Cuộc trò chuyện (“thần giao cách cảm”) của tôi với nhà thơ  Evtushenko được thực hiện theo cách “bấm nút từ xa”, tức là dựa trên kho tư liệu bằng tiếng Nga liên quan tới Evtushenko mà tôi sưu tập được. Các câu hỏi trong bài phỏng vấn này có thể là của tôi hoặc là của các phóng viên khác, nhưng các câu trả lời thì đích thực là của nhà thơ.

- Tôi đã đọc nhiều thơ của ông và có cảm giác rằng, ông cũng hay tự mâu thuẫn trong cách cảm nhận thế giới của mình. Bây giờ, nếu nói một cách thẳng thắn, trong toàn bộ cuộc đời của mình, thi ca của mình, ông là một người nhất quán, hay là tập hợp của những người khác nhau?

- Evtushenko: Thế chẳng phải tôi từng viết: “Tôi đa dạng - lúc khi làm mướt mồ hôi khi rong chơi nhàn tản,/ Tôi nhất quán vô cùng, tôi cũng rất lung tung,/ Không hòa hợp và rất không thuận lợi…”. Đó là những câu thơ được viết từ năm 1955, chỉ hai năm sau khi Stalin qua đời… Tôi được trời ban cho sự tò mò đa dạng kiểu Buratino và rất nhiều niềm say mê lớn nhỏ:  cả thiên nhiên, cả âm nhạc, cả phụ nữ, cả mạo hiểm, cả sách vở, hội họa, bóng đá và những bữa nhậu bạn bè bất tận…

- Kinh nghiệm cuộc sống nào đã có trước khi ông bắt đầu sự nghịêp sáng tác của mình? Những tác phẩm đầu tiên của ông được in ở đâu và khi nào?

- Trước tiên cần phải xác định lại bản thân khái niệm “kinh nghiệm cuộc sống”. Với tôi, kinh nghiệm cuộc sống không phải là những sự việc ở bên ngoài diễn ra trong số phận con người, mà chính là ở sự khúc xạ những sự kiện đó trong tâm lý anh ta. Trước khi bắt đầu làm thơ, tôi đã chứng kiến quá nhiều việc - đó là chiến tranh và cả công việc ở nông trang, cả khi đi thả bè gỗ, và cả ở các chuyến thăm dò địa chất... Tôi khi đó có cảm giác như thể tôi đã có một kinh nghiệm cuộc sống nào đó. Cuốn sách đầu tay của tôi Những người thăm dò tương lai, được in với tờ bìa màu thanh thiên tương ứng với nội dung, tràn đầy sự tự đắc ấy. Tuy nhiên, kinh nghiệm cuộc sống đích thực thì phải sau này tôi mới có, khi cuộc sống dạy tôi những bài học đầu tiên về đau khổ, sự tự hoài nghi, về sự thất vọng ở người đời... Tất nhiên, sự trưởng thành không chỉ có như thế. Trưởng thành, đó là khi ta nhìn thấy được ở người khác những cái tốt đẹp và đấu tranh vì những cái tốt đẹp đó: đấy chính vì sao tôi vẫn là người lạc quan. Nhưng sự lạc quan của tôi không màu thanh thiên hay màu hồng. Nó chứa đựng đủ các loại màu, kể cả màu đen.

Cũng chính vì thế nên tôi cần phải nói rằng, kinh nghiệm cuộc sống của tôi đã tới không phải trước khi tôi bắt tay vào sáng tác mà tới sau đó một chút.

Những câu thơ đầu tiên của tôi được in trên báo Thể thao Xô viết năm 1949. Đó là bài thơ viết về sự phân tích mang tính so sánh nếp sống của các vận động viên Mỹ và vận động viên Xô viết. Những câu thơ này chỉ liên đới với thi ca một cách phiên phiến thôi. Điều duy nhất có thể phần nào biện hộ cho tôi là việc khi đó tôi mới 15 tuổi và rất thèm được in thơ trên báo chí.

- Những vấn đề nào, tính cách nào, xung đột nào của thời hiện đại mà ông cho là thiết yếu? Ông nghiên cứu cuộc sống thế nào, thu thập tư liệu thế nào để viết?

- Tôi muốn thay cái thuật ngữ “tính cấp thiết” vốn bị một số “nhà phê bình thô thiển làm mất giá bằng một từ dân dã hơn là sự thiết thân”. Đối với tôi có ý nghĩa thiết thân là tất cả những gì trong tổng thể của nó được xác định một cách ngắn gọn và tổng thể, đó là cuộc sống. Chỉ giới hạn bằng câu “nghiên cứu cuộc sống” với tôi là chưa đủ. Tôi không nghiên cứu cuộc sống qua kính hiển vi, mà đơn giản là tôi đã sống. Thỉnh thoảng tôi lại làm thơ, việc mà tôi cũng ghép vào trong khái niệm “tôi đã sống”.

- Phát minh đạo đức nào quan trọng nhất mà ông đã thực hiện được trong cuộc đời mình?

- Khi đọc sách của Ray Bradbery (nhà văn nổi tiếng chuyên viết về chủ đề khoa học viễn tưởng người Mỹ, vừa mới qua đời ngày 5/6/2012 - HTQ), tôi đã hiểu ra rất rõ một lần và mãi mãi rằng, cái chết của một con bướm, do bị tình cờ giẫm phải trên thang dây bởi người thợ săn mà cỗ máy thời gian đã mang tới về thời tiền sử hoàn toàn có thể làm thay đổi quá trình tiến hóa của nhân loại và giúp cho lực lượng phát xít lên nắm chính quyền.

- Bây giờ thì ông nghĩ gì về nước Nga mà ông luôn yêu tha thiết?

- Tôi muốn nước Nga yêu những người yêu nó, không chỉ sau khi họ đã qua đời.

Sự thật về mối hiềm khích dai dẳng với Brodsky

Evtushenko có lần tâm sự rằng, trong cuộc đời mình, ông từng bị đổ vỡ các mối quan hệ rất thiết thân nhưng cho tới hôm nay, điều làm ông day dứt nhất vẫn là những điều không có thật mà thiên hạ đồn về mâu thuẫn giữa ông với Joseph Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga từng được nhận giải Nobel Văn học năm 1987. Ông kể:

- Cho tới hôm nay một trong những vết thương lớn nhất vẫn là quan hệ với Brodsky, thực đáng tiếc cả sau khi anh ấy mất cũng vẫn thế.

 Đã có bao nhiêu cuốn sách viết về anh ấy được xuất bản nhưng không ở đâu có một lời về việc anh ấy được trả lại tự do là nhờ lá thư của tôi.

- Vậy chúng ta hãy cùng làm sáng tỏ chuyện này.

- Cho tới trước khi phiên tòa xét xử Brodsky được mở ra (năm 1963) thì tôi không hề biết gì cả về anh ấy lẫn thơ của anh ấy. Tôi được đọc thơ anh ấy là nhờ chị Frida Vigdorova, chính người phụ nữ đã thực hiện bản chép tốc ký bí mật nổi tiếng nội dung phiên tòa xét xử anh ấy và sau đó đã bị chịu nhiều hành hạ nhưng chính Brodsky đã không buồn thốt lên một lời cảm tạ cả sau khi chị ấy qua đời. Chính vì chuyện này mà Anatoli Rybakov (nhà văn Nga nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết Những đứa con của phố Arbat - HTQ) đã nghiêm khắc quở trách anh ấy khi gặp lại. Tôi là một trong những người đầu tiên mà chị Frida đã cho đọc tài liệu ấy. Tôi đã cảm thấy thích những bài thơ của Brodsky. Và tất nhiên tôi đã cảm thấy công phẫn vì người ta đã đối xử với anh ấy như thế. Ngay cả về mặt hình thức cũng không thể coi Brodsky như một kẻ ăn bám xã hội: dù thế nào thì anh ấy cũng vẫn thỉnh thoảng đăng được bài nọ bài kia. Vì thế cần phải giúp đỡ anh ấy.

Câu chuyện này diễn ra trùng thời gian với chuyến đi Italia của tôi. Tôi sẽ không nói rằng là ở Italia tới đâu người ta cũng hỏi tôi về Brodsky, nhưng quả thực là cũng đã có người hỏi. Tôi đã tận mắt nhìn thấy câu chuyện đó gây nên tác hại thế nào cho đất nước chúng ta. Và tôi đã nói chuyện này với Renato Guttuzo, một họa sĩ tuyệt vời, thành viên Hội đồng Hữu nghị Italia - Liên Xô của Tổng thống. Tôi cũng nói chuyện đó với Giancarlo Pajetta, Bí thư Đảng Cộng sản Italia. Và kết quả là đã tạo ra được một kẹp ba lá thư: thư của tôi, thư của Guttuzo và lá thư nhân danh Đảng Cộng sản Italia. Chúng tôi mang kẹp thư này tới đại sứ Liên Xô ở Italia, Semen Pavlovich Kozyrev, một người có trình độ văn hóa rất cao, đại diện cho trường phái ngoại giao cũ. Anh có biết ông ấy đã làm gì không? Ngay trước mặt chúng tôi, ông ấy đã viết quan điểm của mình: rằng ông ấy hoàn toàn đồng tình với đánh giá cho là việc xảy ra với Brodsky không có lợi cho uy tín của Liên bang Xô viết và làm khó khăn thêm quan hệ với một đảng cộng sản thân hữu. Lá thư này đã được gửi tới tay Bộ Chính trị.

- Và đã có tác động?

- Dĩ nhiên là thế! Brodsky đã được trả lại tự do trước thời hạn. Không lâu sau đó, Vasili Aksenov (nhà văn Nga nổi tiếng - HTQ) gọi điện cho tôi nói rằng, Brodsky chuẩn bị lên Moskva, đã tới lúc phải làm quen trực tiếp với nhau. Chúng tôi thỏa thuận với nhau là anh ấy sẽ đón Brodsky ở ga tàu hỏa và đưa tới quán Aravgi, nơi tôi sẽ  chờ hai người. Brodsky tất nhiên là đã biết về chuyện lá thư, đã có người kể cho anh ấy nghe nhưng vừa bước vào cửa đã nói ngay rằng, không chỉ có mình tôi đã giúp đỡ anh ấy.

- Tức là người vừa tai qua nạn khỏi đã đưa ra cách nhấn khác của riêng mình?

- Khi ấy thì tôi cũng đã không quá quan tâm tới việc này. Cái chính là anh ấy đã kể cho tôi một câu chuyện mà sau đó không kể lại cho một ai khác nữa. Khi nghe qua Đài Tiếng nói Hoa Kỳ về kẻ phản kháng mang tên Brodsky, Bí thư đảng ủy địa phương đã tới trại giam tìm gặp anh ấy. Mang theo chai rượu và món mỡ muối… Người bí thư đó hỏi xem Brodsky có bị hành hạ gì không?

Rồi yêu cầu đọc thơ cho ông ấy nghe. Brodsky đọc thơ. Người bí thư nhún vai và bảo rằng ông ấy không thấy có gì cấn cá cả. Và sau đó còn vài lần tới thăm Brodsky. Ông ấy ra chỉ thị để thi sĩ không bị buộc phải làm việc chân tay quá sức. Rồi còn chọn một số bài thơ của Brodsky để đăng lên tờ báo địa phương. Rõ ràng là trong thời Xô viết, làm thế là khá mạo hiểm đối với một bí thư.

- Chứ còn gì nữa…

- Dĩ nhiên đó cũng là một cách để tháo gỡ: in thơ như thế để chứng tỏ rằng nhà thơ đang làm việc tốt, đã có tiến bộ trong nhận thức… Chắc là như thế. Và vị bí thư ấy đã gửi tờ báo in chùm thơ đó lên các cơ quan đảng cấp trên…

- Làm thế là đúng cách.

- Thế nhưng Brodsky về sau đã không hề nói bất cứ một lời tử tế nào về vị bí thư huyện tốt bụng đó trong các bài trả lời phỏng vấn của mình ở nước ngoài. Hình như anh ấy ngại để lộ ra quan hệ của mình với đảng hay sao ấy…

Rồi Joseph trở về Leningrad của mình. Tôi đã cố gắng giúp anh ấy xuất bản một tập thơ. Nhưng không được vì ở đâu người ta cũng từ chối. Cuối cùng tôi với Aksenov (người rất sùng mộ Brodsky) mới quyết định in một chùm thơ của anh ấy trên tạp chí Yunost, nơi mà cả tôi và Aksenov đều có chân trong Hội đồng Biên tập. Chúng tôi đã chọn 8 bài thơ. Và đưa ra điều kiện là nếu không in thì chúng tôi sẽ xin ra khỏi Hội đồng Biên tập. Tổng biên tập Boris Polevoi (tác giả Người Xô viết chúng tôi - HTQ) hoàn toàn không muốn dính vào việc này. Và chính bản thân ông cũng không thích những bài thơ đó  lắm. “Anh chàng này viết cái gì ở đây thế nhỉ, - Polevoi vừa dằn giọng vừa giơ cho chúng tôi xem bài Nhân dân rượu chè vui tính của tôi, - Đâu phải ai cũng rượu chè, tôi cũng là người Nga, nhưng tôi đâu có rượu chè, việc gì mà phải vơ đũa cả nắm như thế”. Dễ hiểu là khi đề cập tới một chùm thơ có tới 8 bài thì nhận xét như thế là một cách chê trách nặng nề rồi. Nhưng nói cho cùng, có thể xóa bớt đi những câu thơ này  và nếu như sự kiêu hãnh không cho phép làm thế, thì có thể loại bài thơ đó ra không in nữa. Đằng nào cũng vẫn còn 7 bài thơ khác. Có đúng vậy không nào?

- Có lẽ là như thế.

- Nhưng vì sao đấy Brodsky lại không thể hành động như thế. Anh ấy làm ầm ĩ cả lên. Sau này tôi mới biết rằng sở dĩ anh ấy làm àm ĩ như thế là vì anh ấy đã viết đơn xin xuất ngoại và ở thời điểm đó nếu in thơ trên một tạp chí phát hành rộng rãi ở đất nước Xô viết thì sẽ không có lợi cho danh giá ở Mỹ. Có cảm giác như ở trong anh ấy luôn có sự lên gân nào  đó. Anh ấy thuộc về lớp người không muốn bày tỏ sự biết ơn đối với những ai khác. Việc đó đối với anh ấy là hạ mình.  Và anh ấy cũng rất “kẹo” những lời khen. Chỉ độc một lần duy nhất anh ấy bày tỏ cái sự như thể đồng tình  với tôi. Liên quan tới bài thơ Những bông tuyết trắng rơi: “Ở đây thì chính anh cũng không thể ngờ mình đã viết được cái gì. Một khi tiếng Nga còn thì bài thơ này sẽ còn”. Tôi đã rất kinh ngạc vì chuyện xảy ra thực bất ngờ. Chứng kiến việc này chỉ có độc một cô gái mà khi đó anh ấy đang tán tỉnh.

- Và tiếp theo là gì nữa?

- Năm 1972, tôi trở về từ nước Mỹ, nơi tôi đã bị hành hung và đồng thời cũng được Tổng thống Nixon tiếp. Và bỗng nhiên tôi bị khám rất cẩn thận ở sân bay.  Và phải nói rằng, người ta đã tìm thấy khá nhiều thứ. Khi đó tôi đã mang về thứ mà tôi mơ ước nhất, do vị giảng viên Trường Đại học Priceton, James Billington (về sau là vị Giám đốc thứ 13 của Thư viện Quốc hội Mỹ - HTQ) tặng: đó là 82 số tạp chí Những ghi chép đương đại xuất bản ở Paris, ấn phẩm chất lượng nhất của giới Nga kiều lưu vong, nơi in các tác phẩm của Bunin, Tsvetayeva, Nabokov… Và rất nhiều thứ khác nữa. Rốt cuộc thì họ cũng đã trả lại tôi gần hết những thứ đã tịch thu trừ tuyển tập truyện tiếu lâm Đây là Đài tiếng nói Erevan. Họ đọc xong thì mê quá!

Chính trong giai đoạn xảy ra câu chuyện rắc rối này, tôi đã gặp một vị quan chức lớn của KGB và hỏi: “Chẳng lẽ các anh nghĩ rằng sau vụ việc này thì tôi sẽ yêu chính quyền Xô viết hơn ư?”. Rồi sau đó tôi hỏi qua chuyện Brodsky: “Các anh đang hành hạ một con người đấy, các anh trả lại tự do cho anh ta nhưng lại vẫn duy trì theo dõi thường xuyên. Trong khi anh ấy đang rất cần được in một cuốn sách”. Vị quan chức KGB đó nói với tôi: “Bàn chuyện Brodsky thì đã muộn rồi, anh ta đã mấy lần viết đơn đòi di cư xuất ngoại. Đã có quyết định cho anh ta đi”.  Tôi mới nói rằng, làm như thế là bi kịch đối với chàng trai đó, thôi thì hãy làm sao cho nó tử tế, đừng để ai giày vò anh ta nữa trước khi anh ta ra đi”. Đấy là nội dung cuộc trò chuyện.

Về, tôi gọi điện thoại cho Brodsky ngay lập tức và bảo rằng tôi đã ở KGB, tôi kể chuyện là có nói tới việc của anh ấy và về việc tôi đã yêu cầu để người ta không hạ nhục anh ấy. Anh ấy không bày tỏ sự vui mừng nào cả nhưng vẫn cảm ơn. Tôi vẫn nhớ điều này. Tôi nhớ rằng anh ấy còn nói: “Zhenia, anh đừng bao giờ nghĩ tệ về tôi, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”.

Và anh ấy xuất ngoại.

Rồi sau đấy hình như là một năm, trên đường đi Canada, tôi gọi điện thoại cho người bạn tôi là Albert Todd (chính anh ấy theo yêu cầu của tôi đã lo cho Brodsky vào làm ở Trường Cao đẳng Queens) và hỏi thăm tình hình của Brodsky rồi nói, gặp lại nhau được thì hay. Todd lảng chuyện, không nói gì. Tôi vốn hiểu rõ Todd nên hỏi ngay: “Có chuyện gì thế?”. Anh đáp: “Zhenia, cậu không cần phải gặp anh ta đâu. Anh ta nói về cậu toàn những chuyện không hay. Anh ta còn nói chính cậu liên quan  tới việc anh ta phải bỏ nước ra đi”. Tôi nghe thế thì thét lên luôn: “Chính vì thế nên càng cần phải gặp!”. Brodsky tới khách sạn. Tôi nói với anh ấy: “Joseph, tôi biết anh đã nói những gì về tôi, biết rằng anh bảo tôi dường như liên quan tới việc anh bắt buộc phải bỏ nước ra đi. Sao anh lại nói toàn những điều không đúng sự thật như thế? Sao anh lại có thể làm như vậy?”. Anh ấy im lặng. Tôi tiếp tục nói: “Anh có lẽ khinh rẻ những người trong năm 1937 đã viết những lá thư vu cáo, sao anh lại làm đúng cái việc như thế? Chẳng lẽ đó không phải là những việc giống nhau ư?”.

- Thế Brodsky đã đáp thế nào?

- Anh ấy chồm lên và nói: “Tôi vẫn chưa gặp được người nào xứng đáng với sự khinh bỉ của tôi…”. Tôi đã nói thêm rằng, tôi không muốn trò chuyện thêm với anh ấy nữa và không đưa tay cho anh ấy bắt. Anh ấy đã đứng sững lại và không bỏ đi. Rồi anh ấy nói, vì sao đấy lại gọi tôi bằng ông: “Zhenia, ông phải biết rằng, việc đầu tiên xảy ra với bất kỳ ai khi phải rơi vào cảnh sống lưu vong là, anh ta muốn tìm câu trả lời: ai có lỗi trong việc đó”. “Nhưng ai đã rất sai lầm, Joseph”. “Nhưng anh biết không, - anh ấy lại chuyển cách xưng hô, - chính anh đã nói với tôi rằng anh là cộng tác viên của KGB cơ mà”. “Anh làm sao thế Joseph? Tại sao tôi lại là cộng tác viên?” - “Thì chính anh đã khuyên họ không hạ nhục trước khi tôi ra đi là gì?!”. “Anh nghĩ theo kiểu gì vậy? Nếu như tôi thấy có một anh cảnh sát thô bạo với một người phụ nữ ở trên phố và tôi thét lên rằng, không được làm như thế thì có nghĩa tôi là cộng tác viên của cảnh sát hay sao?!”. Anh ấy đứng lặng đi rồi lầm bầm: “Thôi, thứ lỗi cho tôi!”. “Thôi được, - tôi nói. - Tôi chuẩn bị đi ăn trưa với những người quen chung của cả hai chúng ta. Liệu anh có đủ lòng dũng cảm để tới đó nói rằng mọi chuyện không phải là như anh đã kể?”. Hai chúng tôi đi. Todd và những vị khách khác đã kinh ngạc khi thấy hai chúng tôi tới cùng nhau. Sau một lúc thì Brodsky mới lên tiếng: “Thưa các vị, tôi muốn nói rằng, tôi đã nói về Zhenia những lời không xứng với anh ấy và tôi muốn được xin lỗi anh ấy”. Và khi ấy tất cả đều vây lấy anh ấy và yêu cầu nói cụ thể hơn. Brodsky mặt đỏ bừng lên và chỉ nói: “Tôi muốn được xin lỗi Zhenia”. Tới đó thì tôi đã nghĩ mọi chuyện đã được giải quyết xong, không cần phải nói thêm gì nữa.

- Và dường như mọi sự đã được ổn thỏa?

- Hoàn toàn không phải thế. Câu chuyện chưa kết thúc. Sau đó tôi cho xuất bản cuốn sách Những câu thơ thế kỷ. Không có thơ Brodsky trong đó thì sách hẳn sẽ không hoàn chỉnh vì anh ấy là một tượng đài lớn trong nền thơ Nga.  Thoạt tiên tôi đã nhờ anh Albert Todd thực hiện việc chọn thơ. Không thể nhờ các thi sĩ tự lựa chọn những bài thơ hay nhất của mình. Theo kinh nghiệm của cá nhân mình tôi biết, đó là việc khó nhường nào. Nhưng rồi, biết rõ tính Joseph, tôi vẫn nhờ anh Brodsky tự chọn đủ số bài như của tôi, của Andrey Voznhesensky và Bella Akhmadulina. Anh ấy đã chọn. Thực đáng tiếc là sự lựa chọn đó không phải là tốt nhất, theo góc nhìn của tôi.

Thế thì tôi có thể làm gì? Bản in bằng Anh ngữ cuốn sách đã được xuất bản với những bài thơ mà anh Brodsky đã chọn. Nhưng khi chuẩn bị bản thảo tiếng Nga, tôi đã quyết định giúp anh ấy. Ngay cả những sinh viên của tôi cũng để ý tới việc anh ấy đã không chọn bài nào từ những gì đã viết khi còn sống ở nước Nga. Nhưng chính trong giai đoạn đó, anh ấy đã viết ra những câu thơ hay nhất, ấm áp, phóng túng, trẻ trung. Tôi không xâm phạm tới những bài thơ mà Brodsky đã chọn, vẫn để in nguyên như thế, nhưng trong bản in bằng tiếng Nga, tôi đã thêm vào những bài thơ của anh ấy mà tôi đã chọn.

- Và đó đã là nguyên cớ để xảy ra một vụ ầm ĩ mới?

- Không hoàn toàn như thế. Chuyện là thế này. Vào thời điểm đó thì Albert Todd qua đời. Đây là người bạn của tôi, người đã làm rất nhiều việc để phát triển các mối quan hệ văn hóa giữa nước Nga và nước Mỹ… Và vì thế, tại lễ đưa tang anh Todd, tôi đã nói lời tiễn biệt. Và có một người vốn là dân thành phố Leningrad, nhà phê bình văn học Vladimir Soloviev,  tìm tới gặp tôi và nói: “Cái chết của anh Albert đã giúp tôi thôi phải tuân thủ một điều cấm kị. Anh ấy trước đây đã cấm tôi đưa cho anh xem một lá thư”. Tôi giở lá thư ra đọc. Tôi biết được điều gì? Hóa ra là, Brodsky đã viết một lá thư gửi tới  lãnh đạo Trường Cao đẳng Queens, nơi đã duyệt giấy tờ của tôi năm 1991, nói rằng, tôi không có quyền về đạo đức được làm giáo sư ở đó. Vì rằng, theo anh ấy viết, tôi dường như đã xúc phạm tới quốc kỳ Mỹ trong thơ của mình. Anh ấy đã dẫn ra những dòng tôi viết trong bài thơ tưởng niệm Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, bài thơ từng được in không chỉ ở Nga mà cùng một lúc cả ở trên tờ  New York Times năm 1968:

Lincoln trọng thương thở dốc trên ghế đá hoa cương,
Ông lại thêm một lần bị bắn. Ác thú cùng ác thú,
Và những ngôi sao như những vết đạn xuyên thủng,
Nước Mỹ ơi, trên quốc kỳ của người.

Có điều gì xúc phạm nếu như tôi cùng chia sẻ sự tức giận và nỗi đau của đại bộ phận xã hội Mỹ  sau vụ ám sát này.

Tôi rất kinh ngạc vì chính Joseph năm 1968 đã là người đầu tiên nghe đọc bài thơ này và hoàn toàn không nổi giận gì. Anh ấy đã thay đổi hẳn cách xử sự. Có điều gì đó lóe lên trong mắt anh ấy và anh ấy bất ngờ nói với Zhenia Reyn và nhà báo Mul Dimitriev đang ngồi ở bên bàn: “Này, các bạn, chúng ta hãy cùng  tới đại sứ quán Mỹ và ký vào sổ chia buồn!”. Tôi nói: “Nhưng bây giờ đã muộn rồi!”. Anh ấy bảo: “Không sao, đi cùng cậu thì họ sẽ cho cả bọn vào thôi” - anh ấy nói với vẻ châm chích không đúng lúc lắm. Quả thực là đúng như vậy. Họ đã tiếp chúng tôi rất lịch sự, chúng tôi ký vào sổ chia buồn và sau hai ngày, trên tờ New York Times đã xuất hiện những dòng tin về chuyến viếng thăm của chúng tôi và chị Ethel Kennedy (phu nhân của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy - HTQ), một người mà tôi rất quen thuộc, đã viết cho tôi thư cảm ơn. Vậy mà sau đó 23 năm, Joseph lại bày ra trò nổi giận vì bài thơ đó để ngăn không cho tôi có được việc làm tại chính cái Trường Queens đó?! Thật may là Albert đã giấu tôi lá thư đó khi Brodsky còn sống.

Trong những năm cuối đời, Brodsky đã ngừng không bôi bác tôi, tôi nghĩ, đó không phải là tình cờ. Tôi đã đề nghị anh ấy làm lành với nhau thông qua một người bạn của anh ấy là Roman Kaplan, chủ nhà hàng Nga nổi tiếng Samovar ở New York. Nhưng anh ấy đã từ chối. Tôi nghĩ, lý do là anh ấy không rõ là điều gì sẽ xảy ra với tôi nếu Albert qua đời và ai đó sẽ cho tôi xem lá thư đó.

Tôi được biết thông qua Albert rằng, Bordsky đã rất ấn tượng với tuyển tập thơ thế kỷ XX của tôi. Tôi dẫn ra những chi tiết của vụ việc qua lâu này vì đáng tiếc là những câu nói tiêu cực của Brodsky về tôi cho tới nay vẫn tiếp tục được in đi in lại. Trong khi đó không một chuyên gia nghiên cứu về Brodsky nào nhắc tới lá thư mà trong đó tôi đã bảo vệ anh ấy, cũng như về lá thư của anh ấy và về việc anh ấy đã cương quyết cự tuyệt việc tiếp nhận tôi vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ. Và khi không đạt được mục đích đó, anh ấy đã ra khỏi tổ chức này…

…Rất tiếc là quan hệ giữa tôi với Brodsky đã trở nên như thế. Nhưng dù thế nào thì trong tuyển tập mà tôi biên soạn thì anh ấy vẫn sẽ được giới thiệu một cách xứng đáng nhất với những vần thơ hay nhất của mình.

- Già đi một cách đẹp đẽ là như thế nào?

- Không đánh mất những tia lửa trong ánh mắt và lương tâm trong trái tim.

- Nếu không là thi sĩ thì anh đã trở thành ai?

- Thành người đọc thơ.

- Đâu là nét chính trong tính cách của anh?

- Không có khả năng phản bội bạn bè.

- Anh thích nét gì nhất trong tính cách của những người khác?

- Không có khả năng phản bội bạn bè.

- Anh có khẩu hiệu hay phương châm sống gì không?

- Bán đứng người khác là ta phản bội chính mình. Khi bán đứng chính mình là ta phản bội những người khác.

H.T.Q.
.
.