Nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko: Hãy yêu mãi và để tôi yêu mãi!

Thứ Năm, 19/11/2009, 09:49
Trong tương lai rất gần, nhà thơ Nga lừng danh Evgueni Evtushenko sẽ mở cửa một viện bảo tàng của riêng ông tại khu làng dành cho văn nghệ sĩ Nga ở Peredelkino, ngoại ô Moskva.

Đó là thông tin mà chính nhà thơ vừa tiết lộ ngày 20/10/2009 trong một buổi tiếp tân tại Đại sứ quán Nga ở Washington nhân dịp ông được trao giải thưởng của Quỹ Hợp tác Văn hóa Nga-Mỹ nhờ những đóng góp vào sự nghiệp củng cố quan hệ văn hóa giữa hai nước. Những năm gần đây, Evtushenko sống và làm việc chủ yếu ở Mỹ.

Tới bảo tàng Evtushenko, những người quan tâm tới sáng tác và cuộc sống của nhà thơ Nga lỗi lạc này sẽ có thêm nhiều điều kiện để tìm hiểu về người mà họ yêu mến.

Evtushenko nói: "Bảo tàng đã được xây xong ở Peredelkino, trên khu đất riêng của tôi. Tại đó sẽ có những bức tranh tuyệt nhất mà tôi đã sưu tập cả đời".

Cộng thêm vào đó sẽ có 300 bức ảnh do chính Evtushenko chụp. Cũng xin nói thêm là một nhà thơ nhưng Evtushenko đã thử sức mình trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Ông không chỉ say mê nhiếp ảnh mà còn từng viết tiểu thuyết, kịch bản phim, đạo diễn phim, đóng phim khá ấn tượng.

Đối với xã hội Nga, quyết định mở bảo tàng cá nhân của nhà thơ nổi tiếng thế giới từ thời Xôviết này quả thực là một hành động mang tính cách mạng, chưa từng có trước đó.

Các danh nhân Nga trước kia chỉ mới lập ra các thư viện khi còn sống (thí dụ như nhà văn Korney Tchukovski đã từng mở một thư viện dành cho thiếu nhi cũng tại Peredelkino), nhưng chưa ai tự mở viện bảo tàng riêng khi còn sống cả.

Tại Peredelkino mới chỉ có một bảo tàng được mở trong khu vực trại nghỉ riêng, đó là bảo tàng Boris Pasternak (tác giả tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago", từng được trao giải Nobel văn chương), nhưng bảo tàng này chỉ được khai trương sau khi nhà văn đã mất từ lâu.

Do sai lệch trong giấy khai sinh nên Evtushenko có hai năm sinh: 1932 và 1933. Chính vì thế nên ông từng hai lần liên tiếp tổ chức lễ kỷ niệm các năm sinh 65, 70 và 75 tuổi vào các năm 1997-1998, 2002-2003 và 2007-2008. Trong những dịp kỷ niệm như thế, tại Nga, ông tổ chức các chương trình đọc thơ, trình diễn thơ rất trọng thể và hấp dẫn, có những buổi thu hút tới cả nghìn người hâm mộ tới nghe, trong đó có khá nhiều người trẻ. Năm 2007, tại cung thể thao Olympus đã trình diễn vở rock-opera "Những bông tuyết trắng rơi" do nhạc sĩ Gleb Mai soạn nhạc trên cơ sở các tác phẩm thi ca của Evtushenko…

Tuy nhiên, là người sống trong thi ca và bằng thi ca, Evtushenko hiển nhiên không thể thích thú khi thấy thơ hiện nay không còn giữ được vị trí cuốn hút trong xã hội Nga như dưới thời Xôviết. Không ít người trong nước Nga hiện tại đang dửng dưng với thi ca, với các thi sĩ của mình. Đã có lần ông cáu kỉnh viết: "Nước Nga không có thi ca Nga thì chỉ như công quốc Luxembourg to xác"…

Trong suốt cuộc đời mình, ngay cả khi đã ở tuổi "xưa nay hiếm", Evtushenko luôn luôn thích hành xử không giống bất cứ ai, thậm chí hơi quá đà, dễ khiến những người khác phải kinh ngạc. Ông không thích những sự tầm tầm, nhạt nhẽo hay quá ư chừng mực. Ông muốn trào lên như sóng và cháy lên như lửa, tới lúc thành tro mới thôi. Trong một bài thơ viết từ năm 1958, Evtushenko từng chân thành thổ lộ:

"Trong đời tôi chỉ uống rượu là nhiều,
Tôi đã sống canh tân và cũ kỹ.
Tôi từng yêu chút ít thôi, có thể,
Và cũng từng được chút ít người yêu.

Tôi đã sợ những toàn phần cảm xúc,
Dẫu đắng cay khi mọi sự lưng chừng.
Tôi được khen sơ sơ và đôi lúc
Bị ăn đòn nhẹ nhõm như không.

Tôi đòi hỏi và tôi cầu khẩn,
Hồn than van và không mỏi thét gào:
Hãy yêu mãi và để tôi yêu mãi,
Nếu đánh tôi, hãy nhừ tử đi nào!.."

Những cảm xúc thường trực trong tâm hồn thi sĩ Evtushenko là một nỗi niềm hướng thiện khôn thỏa, bất chấp mọi khó khăn trở ngại và đau đớn thách thức:

"Không tin vào thắng lợi trở bàn tay,
luôn gắng vượt qua ngàn tai họa,
tôi bám sát tuổi thanh xuân từng bước,
lạc lối trong bát ngát sương mờ.

Tôi đã đi, đường gập ghềnh trắc trở,
(đồng lòng cùng số phận u mê)
trong sầu tủi rền rĩ than bão tuyết,
ngỡ muôn đời tôi bị nhấn chìm đi.

Nhưng vứt bỏ mọi điều phiền nhiễu,
dáng vẻ ngoài, thôi chẳng cần chi,
dồn nốt sức để không quỵ ngã,
tôi lại bước đi, tôi lại bò đi.

Mọi phúc lộc trần gian, với tôi còn chưa đủ,
đêm và ngày còn chưa đủ cho tôi.
Tính vô độ đã nuôi tôi lớn,
sự tham lam ăn vào máu tôi rồi.

Khó ai sánh cùng tôi thèm khát,
mãi mãi, luôn luôn- ở khắp mọi nơi
mọi cô gái, trong mơ tôi muốn hiện,
tôi muốn hôn mọi phụ nữ trên đời!"

Bốn lần cưới vợ và đang rất hạnh phúc trong lần hôn nhân cuối cùng, Evtushenko vẫn không thoát khỏi cảm giác ân hận mơ hồ nhưng sâu sắc trước những người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ đã yêu ông hết mực. Và cảm giác đó luôn được thể hiện rõ nét trong thơ ông:

"Dưới tán liễu vẫn còn chưa hết lệ
bên bờ sông tôi mãi trầm ngâm:
cách chi khiến người mình yêu hạnh phúc?
Việc đó phải chăng tôi sẽ chẳng thể làm?

Nàng chưa đủ với bầy con, sung túc,
với bạn bè tụ họp, xem phim.
Nàng cần tôi trọn vẹn, không chút gì được sót,
nhưng tôi tự lâu cũng chỉ là những gì sót mà nên.

Với thời đại tôi giơ vai gánh đỡ
đến sầy da, sứt sẹo bao lần,
thế mà với người mình yêu tôi lại
không giơ vai thấm lệ cho nàng.

Bao thường nhật dồn xuống người yêu dấu,
tặng những nếp nhăn thay vì đoá hoa hồng
đám đàn ông vụng trộm không chung thủy
mặc người mình yêu tan nát cả tâm hồn.

Cách chi khiến người mình yêu hạnh phúc?
Dưới chân nàng tôi tới đặt gì thêm
nếu đời đã mang cho nàng quả rám
dẫu chỉ trong lần cắn thử đầu tiên?

Nỗi gì vui, nếu thường xuyên vô cớ
làm người mình yêu sầu tủi đớn đau?
Ai cũng biết cách khiến nàng bất hạnh.
Giúp nàng hạnh phúc thế nào - có ai biết gì đâu!..".

* Các bản dịch thơ Evgueni Evtushenko trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện

Linh Vân
.
.