Nhà thơ Mai Linh: Thơ là cuộc đón đường không hẹn trước

Thứ Năm, 04/08/2011, 15:12
Người Thanh Hóa tự hào vì có hai ông Mai Linh nổi tiếng: Một Mai Linh Taxi và một Mai Linh nhà thơ. Ông Mai Linh nhà thơ mà chúng ta sẽ gặp gỡ trong bài viết này là người không thích đọc thơ mình trước  đám đông, rất ngại ngùng khi được giới thiệu là nhà thơ.

Cho dù trong đời mình, Mai Linh đã từng làm rất nhiều nghề để mưu sinh, nhưng ông luôn dành cho thơ một tình yêu âm thầm và mãnh liệt. Bởi thơ ca với ông là tiếng nói thẳm sâu, tinh khiết, là điều gì đó giấu kín trong lòng, không phải thứ có thể phô trương hay ngoa ngôn về nó. Cuộc tình tự giữa thơ ca với độc giả chính là một cuộc tình tự trong im lặng. 

Mai Linh không thích cái màn tặng sách. Ngay cả tập thơ Cho được trao giải Hội Nhà văn, ông cũng giấu biệt, chẳng màng đến sự quan tâm của bàn dân thiên hạ. Tìm hiểu ra, thấy ông còn "dan díu" với nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh…nhưng ông chưa bao giờ công khai những mối tình đó cả.

Mai Linh bảo, chỉ có một cuộc duy nhất ông dành cho thơ, đó là một đêm trong một ngôi làng ở Huế, cùng với nhà thơ đồng hương nổi tiếng Nguyễn Duy, ông đọc thơ mình trước công chúng.  Mai Linh là kiểu nhà thơ không thích đứng cạnh những bài thơ của mình. Ông thích trốn biệt, để cho thơ được sống cuộc đời của chính nó, trải nghiệm số phận của chính nó, mất còn trong sự định đoạt của độc giả.

Ông ví công việc của nhà thơ giống như công việc của con dã tràng xe cát: "Con dã tràng cõng mặt trời trên lưng mình/ nhẹ tênh vì lộng lẫy/ bản thảo cát phì nhiêu và táy máy/… kiệt sức niềm tin/ lấp lánh tuyệt vọng". Nhà thơ, anh chỉ có một sứ mệnh là mang ánh sáng, trong sự hồn nhiên đến tận cùng của bản thể.

Anh không biết điều gì đang đến. Và cho dù khoảnh khắc sống của thơ chỉ là giữa hai đợt thủy triều đi nữa thì niềm tin về ánh sáng vẫn không ngừng chảy trong anh. Không có bất kỳ dấu vết nào của sự toan tính cả. Vẽ gương mặt mình trong thơ, Mai Linh nói: "Tôi cho rằng mình chỉ là phương tiện của sự trào dâng. Thơ tự ứa ra, như ai đó ký gửi qua mình, chứ thực ra mình không làm ra thơ. Rất nhiều lúc thơ hẹn hò đón đợi mình ngoài cửa. Mình yếu đuối và mình bị thơ quật ngã. Đó thực sự là một cuộc đón đường không hẹn trước".

Không ít người kinh ngạc đến khó tin khi nghe Mai Linh kể rằng, ông viết tập thơ Cho - tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005 chỉ trong…hơn 2 tiếng đồng hồ. Đó là thời điểm nhà thơ ở trong tâm trạng buồn và vô định nhất. Công việc thất bại, ông giam mình trong nhà và bất ngờ thơ đến. Nó ào ạt đến nỗi ông phải làm thơ "theo hàng ngang".

Cứ 5-6 tờ giấy trải ra trước mặt, chưa viết xong bài này, bài khác đã ập tới, như những đợt sóng. Thậm chí hết giấy, ông phải viết trên mảnh bìa cứng mà vợ ông để góc nhà làm dụng cụ hót rác. 54 bài thơ đã tạo nên hình hài của cuốn sách, trong đó có rất nhiều bài ông đặt tên Không đề.

Có lẽ ngay trong chính sự ký gửi bất thình lình của thơ ấy, thi sĩ cũng chưa kịp hiểu hết các tầng bậc của ngôn từ. Sau này, khi xuất bản tập Cho, Mai Linh làm một động tác giả đáng yêu là dưới mỗi bài thơ ông đề một ngày tháng, một địa điểm khác nhau. Ông không thích độc giả hiểu câu chuyện ông viết tập thơ trong vài tiếng đồng hồ giống như một sự kiêu ngạo.

Về độc giả, Mai Linh nói, họ chính là những người mà nhà thơ không bao giờ nhìn thấy mặt. Nhưng sao họ có thể cổ xúy nhà thơ, tôn vinh nhà thơ? Không gì khác là nhà thơ đã làm họ mủi lòng. Mai Linh thích dùng từ mủi lòng hơn là từ quyến rũ. Thơ chỉ có thể làm mủi lòng độc giả khi nó chạm vào trái tim của họ.

Câu chuyện về một cô gái tật nguyền hàng ngày viết thư cho nhà thơ gửi ở phòng thường trực cơ quan, hay chia sẻ của những người ở cách xa hàng ngàn cây số, không biết tên, không biết mặt…là một phần thưởng lớn đối với Mai Linh. Sự yêu mến lặng lẽ và vô danh ấy có ý nghĩa hơn cả hàng ngàn tràng vỗ tay ở trên các sân khấu trình diễn. Những độc giả không nhìn thấy mặt ấy, họ chính là những người bầu cho phẩm hạnh của người nghệ sĩ, chứ chưa hẳn là những đám đông.

Ngắm nhìn Mai Linh hài hước và uyên bác trong những cuộc vui cùng bầu bạn, tóc bồng bềnh bạt gió, phóng khoáng và hào hoa, không ít người nhận xét, chẳng nhìn thấy bóng dáng một vị Giám đốc - Tổng biên tập trong ông đâu cả. Cho dù ông giấu những bài thơ đi rất kỹ thì hình bóng nhà thơ của ông cứ lộ ra đấy. Mai Linh cười.

Ông kể: "Có lần tôi ngồi cạnh một chàng thanh niên rất trẻ. Cậu ta tặng tôi một bộ sách rất đầy đủ của Dan Brown. Rồi cậu bảo tôi: Em cũng là giám đốc giống anh đấy. Em là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn. Em mất có mấy triệu đồng đăng ký thành lập công ty là trở thành giám đốc, oách chả kém gì anh".

Mai Linh bỏ lửng câu chuyện. Và tôi hiểu rằng, đối với ông, những chức vụ chưa bao giờ là gánh nặng, nó nhẹ bẫng và ông có thể cất nó đi đơn giản ngay khi người ta chưa kịp nhìn thấy nó trên vai ông. Cũng giống như khi làm thơ, ông có thể quẳng đi nhanh chóng tất cả trí thông minh và sự hiểu biết của mình, để được tắm trong không gian của những ngạc nhiên tâm hồn. Ông đã không để thơ vịn vào bất cứ sự khôn ngoan nào của lý trí. Và vì thế, những bài thơ đã được bay bằng đôi cánh của chính nó, trong sự thần thánh của chính nó.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, Mai Linh là một trong số rất ít những người cầm bút có cơ hội được đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Có những nơi ông không chỉ đến một lần. Ông đi rất xa, nhưng trong thơ, ông luôn luôn viết về những điều rất gần. Đó là ngôi nhà của mình, cái làng nhỏ nơi mình sinh ra, người bà, người mẹ, những ký ức cũ xưa, những bông hoa nhỏ dại ven đường.

Mai Linh kể: "Tôi viết những bài thơ hay nhất về bà, về mẹ là khi đang ở Nga, Đan Mạch, Thụy Sĩ. Dường như con người ta càng xa cách về địa lý thì hồi ức dội vào mình càng mạnh mẽ. Bởi văn hóa là cái gì đó rất khó pha loãng. Khi mình đến một đất nước nào đó thì mình sẽ luôn có cảm giác rằng nắng ở đó, cây ở đó, hoa ở đó chẳng giống nắng, giống cây, giống hoa ở quê mình. Mình nhớ quay quắt những tên hoa mà mình biết chắc chẳng nơi nào trên thế giới có cả, những dâm bụt, bần li, bìm bìm và cả những sợi tơ hồng vấn vít rặng cúc tần…Và trong thế giới xa lạ ấy, mình nhớ những khuôn mặt người thân yêu. Mình nói chuyện với một bà mẹ Thụy Sĩ để khuây khỏa nỗi nhớ mẹ ở quê nhà. Mẹ tôi là người đàn bà của làng quê nghèo khó. Bà không chịu được sự xa cách làng mạc của mình. Bà thường đợi tôi đi công tác để "trốn" về làng. Bà là người Hà Nội, nhưng khi lấy bố tôi, bà theo chồng về Thanh Hóa. Và giờ đây với bà, Hà Nội chính là vùng đất ngoại ô".

Những câu thơ về mẹ của Mai Linh bắt nguồn từ đó: "Mẹ cho con tất cả mẹ nguyên vẹn mẹ/ Một mùa trăng nơm nớp cánh đồng", hay: "Quê hương ơi nếu không có người thì mẹ ta chết mất/ giống ta lênh đênh khắp góc biển chân trời/ chẳng nơi nào nhận ra ta/ chẳng nơi nào ta quen mặt/ cây cỏ chẳng thể nào gọi ra tuổi ra tên/ ta thành ngoại ô hoang dại của quê mình".

Giống như rất nhiều người cầm bút cùng thế hệ, Mai Linh có một phần đời súng đạn. Ông từng là lính đặc công chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông đã đến với thơ trong chính sự khốc liệt của chiến tranh và nhận ra một điều cơ bản rằng, chiến tranh chỉ là nhất thời, vì nhân loại bao giờ cũng hướng về những giá trị đẹp đẽ. Và tình người là thứ cuối cùng còn lại, nó là sự neo bám gốc rễ nhất giúp cho con người vượt qua cả cái chết. Có một bài thơ nhắc về cái chết của Mai Linh lại được lấy tên là Hạnh phúc.

Đó là một bài thơ hay, rất ám ảnh tâm trí người đọc: “Anh nghĩ dại lúc anh thành ông lão/ em héo đi thành một bà già/ anh nghĩ dại lúc chúng mình xanh cỏ/ tấm lưng còng thành đống đất mấp mô…/ Ta buông tay vĩnh biệt nỗi lo/ nhắm mắt lại không còn day dứt/ cháu con yêu nhau, hôn nhân, hạnh phúc/ chụm nén hương cúng hồn vía ông bà”. Nhân vật trữ tình của bài thơ đã mường tượng cái chết như vậy, trong sự hiểu về hiển nhiên kiếp người. Nhưng, tình yêu và hạnh phúc là khái niệm luôn nằm ngoài cái chết.

Nó tồn tại như một sự biểu đạt về vĩnh hằng. “Ôi/ xin lỗi mình/ chuyện đó còn xa/ anh nghĩ dại lúc hai ta còn trẻ/ hãy thương lấy anh/ em/ ta hãy thương lấy nhau như thể/ cỏ trên mồ vẫn cỏ lúc ta yêu…” Những câu thơ giản dị đã hắt ánh sáng lên trái tim người đọc. Đó là một ví dụ sâu sắc về sự tình tự trong im lặng giữa thơ ca và công chúng.

Ra khỏi chiến tranh, Mai Linh đã từng làm rất nhiều nghề để mưu sinh. Ông đi buôn "nội thất" nhà vệ sinh từ thuở Hà Nội chưa có khái niệm về vật dụng văn minh này. Ông buôn máy điều hòa từ thời người ta nhìn cái máy này còn ngỡ là cái "bẫy chuột".

Rồi ông buôn tủ lạnh, buôn xe máy ở chợ Cửa Nam, bán báo, bán kem… Sau này, ông đi học ở nước ngoài, làm báo, viết văn, làm quản lý. "Có thể hoàn cảnh xô đẩy nhưng tôi nghĩ con người ta phải biết đào rộng trước khi đào sâu. Điều này rất cần trong giáo dục. Khi mình đã đủ rộng rồi thì sự sâu là không khó".

Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Mai Linh kể có lúc ông đã mất tất cả, tay trắng lại hoàn tay trắng. Có những bữa trưa phải ra vườn hoa ngồi để tránh những lời mời của bạn. Vì không có tiền, vì lòng tự trọng không muốn bạn trả tiền cho mình. Và lại hì hục xây đắp nền móng từ đầu, không mệt mỏi. Với ông, mỗi thất bại đều để lại những trải nghiệm quý giá và đó chính là chất men đặc biệt làm nên bầu rượu thi ca.

 Người quảng giao như Mai Linh dĩ nhiên là có rất nhiều bạn bè. Nhưng theo ông, bạn chung thủy thì rất ít. Điều đặc biệt nhất ở Mai Linh là mỗi khi ông ngồi nhậu với bạn, ông bao giờ cũng mang theo một vài đồng nghiệp nấu ăn ngon, với lỉnh kỉnh cả thực phẩm, dụng cụ nấu ăn đến phục vụ.

Đó là các nhân viên trong cơ quan của ông, Trung tâm thông tin của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo điện tử Tổ quốc. Đến nỗi mọi người thường đùa rằng, tiêu chí đầu tiên để Mai Linh tuyển nhân viên là phải biết nấu ăn ngon. Ông bao giờ cũng ân cần và hết lòng với bạn. Mới đây, Mai Linh vừa hoàn thành một công trình tạm gọi là "nhà trên cây", nghe đâu ở Sóc Sơn- Hà Nội.

Theo như ông kể thì đó là một không gian rất hoang vu, nó cao 17,2m so với mặt sông, là nơi ông gặp gỡ bạn bè vào dịp cuối tuần. "Bây giờ có cảm giác như cuộc sống đô thị lúc nào cũng đang cấu xé mình ra làm nhiều mảnh, nó không cho mình được lắng xuống, nên đôi lúc mình có nhu cầu được trở lại với hoang vu. Trong hoang vu nó thi ca vô cùng"…

Bình Nguyên Trang
.
.