Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bạn uống rượu lòng ta không thể chán…

Thứ Sáu, 29/02/2008, 09:00
Hoàng Trung Thông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say kia mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa. Ông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi. Nếu gặp bạn chuyện, một ly rượu của ông có thể kéo dài cả giờ đồng hồ, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu...

Bạn hiền và người tình

Nhà thơ Hoàng Trung Thông rất thân với Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Riêng với Xuân Diệu, ông có bài thơ nổi tiếng "Mời trăng" tặng bạn: "Đã đến lung linh một ánh trăng rằm/ Thu thực thu, trăng thực trăng, trăng nguyệt cầm còn đó/ Bạn sẽ sống thêm, cứ làm việc thêm, dù thêm được một năm/ Nâng chén thưởng trăng trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm/

Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm/ Bạn uống rượu lòng ta không thể chán/ Ta thương ta thương người xa, thương thầm/ Bạn như biết mà không nói hết/ Bạn cùng ta chén trước chén sau/ Bạn uống cạn thì ta uống cạn/ Tửu lượng ta nào kém ai đâu/ Ta đọc "Khuyến quân cách tận nhất bôi tửu"/ Bạn đọc "Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu".

Chế Lan Viên có cả một bài thơ dài "Gửi Trạng Thông họ Hoàng tặng cho người bạn yêu quý của mình: "Ông thì hay say/ Tôi thì quá tỉnh/ Mà ông đằm tính/ Tôi thì hay gây/ Thiên hạ người người yêu ông/ Tôi, thiên hạ ghét/ Gặp tôi, người ta lườm nguýt,/ Nghe ông, người ta thông/ Thế mà lạ không/ Hai đứa thân nhau mãn kiếp".

Tháng 6/1988, trong một bức thư gửi cho nhà thơ Chế Lan Viên ở TP Hồ Chí Minh, ông viết: "Thông định vào trong kia một chuyến và trò chuyện với Hoan nhưng không có tiền. Yếu lắm. Yếu cả về tiền bạc và thể lực. May mà viết xong được cái truyện thơ. Nhà xuất bản đang giục cố gắng để ra được vào năm 1990. Không biết mình còn sống được đến năm đó không".

Nhà thơ Hoàng Trung Thông không viết nhiều thơ tình yêu. Trong đời thực, khác với những người bạn thân cùng thời hào hoa phong nhã nhiều người yêu, lắm người tình, lắm nỗi si mê, Hoàng Trung Thông là thi sỹ chung thủy vào loại nhất nhì nước.

Không phải ông không lãng mạn, không mê phụ nữ nhưng tình yêu đầu đời sâu sắc thủy chung và tuyệt vời của người vợ hiền thảo đã đủ cho ông đắm mình trong hạnh phúc. Một điều nữa, ông kết thân với rượu quá sớm, rượu đã hủy hoại sức khỏe của ông, vì vậy, tình yêu, người tình có chăng trong tâm tưởng ông cũng chỉ là những ảo giác.

Cuối những năm 80, Hoàng Trung Thông có một tình bạn thân với chị Châu Anh Phụng (lúc đó chị Phụng ở tuổi 35), cháu cụ Nguyễn Đình Chiểu. Chị thường xuyên họa thơ với ông và đã chăm sóc ông vô cùng chu đáo nhiệt tình trong những ngày ông nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bà Hoa biết chuyện này nhưng bà một mực tin chồng. Điều đó cũng làm cho ông càng thấy vợ mình là một người tuyệt vời. Tuy nhiên, Hoàng Trung Thông cũng có những bài thơ tình da diết: "Có biết không em mỗi buổi chiều/ Trời mây u ám gió hiu hiu/ Anh chờ em mãi em không đến/ Chỉ mấy chim non cánh dập dìu". "Chao ôi chờ em mãi/ Chỉ thấy mịt mù tăm/ Một chữ không nhận được/ Mỏi mắt chờ đăm đăm/ Giận thì không thể giận/ Còn thương - ai biết chăng?".

Đây là những bài thơ cuối cùng trong tập di cảo của ông. Không biết, đây có phải là những bài thơ tình yêu gửi riêng cho một người trong một nỗi buồn u hoài của nhà thơ.

Triền miên những cơn say

Khổ cho bà Hồ Thị Hoa người vợ hiền yêu quý của nhà thơ Hoàng Trung Thông, biết ông hay rượu, trong nhà bà bao giờ cũng chăm chút ngâm trữ nhiều loại rượu ngon để chiều chồng và đãi bạn của chồng. Kèm với rượu ngon là những thứ đồ giã rượu phòng khi chồng say.

Khổ nỗi, Hoàng Trung Thông lại không thèm rượu ở nhà. Ông thèm đến nơi đông vui, đến nơi có bạn hữu thì thứ men say kia mới đủ sức quyến rũ làm cho ông thăng hoa.

Ngót những năm dài, rượu đã trở thành gánh nặng cho vợ con ông, và trước tiên là bản thân ông. Nhiều khi ông không còn giữ được phong độ của mình, làm cho căn bệnh huyết áp của ông thêm trầm trọng.

Khi còn đang là Viện trưởng Viện Văn học, ông hay uống rượu ở 91 Bà Triệu. Bạn bè và nhân viên cũ của ông kể lại: Mỗi buổi sáng, ông thường đi sớm tạt qua 91 Bà Triệu uống rượu và trò chuyện với bè bạn trước khi đến cơ quan. Buổi chiều đã thấy ông ở đó.

Hoàng Trung Thông có thói quen uống rượu từ từ chậm rãi, dường như mượn rượu để trò chuyện nhiều hơn là uống rượu. Rất khác với một nhà văn cũng nổi tiếng về rượu là Tô Hoài. Tô Hoài vào quán lặng lẽ kín đáo. Ngồi uống rượu hồi ấy Tô Hoài ít nói chuyện. Mà có lẽ không có thời giờ để nói chuyện. Vì vào quán Tô Hoài gọi một vài chén vại, mỗi chén làm một hơi là ra đi.

Còn Hoàng Trung Thông, một ly rượu có thể kéo dài cả giờ đồng hồ, nếu gặp bạn chuyện. Ngày mới nghỉ hưu, ông thường đến cơ quan cũ. Những bạn bè yêu quý ông thường hay mời thủ trưởng cũ ra quán cóc đãi rượu. Có rượu vào, ông nói chuyện rất phiêu. Chuyện đông tây kim cổ, các tri thức uyên bác, bao nhiêu hiểu biết về tinh hoa văn hóa Trung Quốc, thơ Đường v.v... ông đều đem hết vào những tiệc rượu.

Với những người vốn kiến văn không đủ để mê ông nói chuyện thường tìm cớ cáo lui ra về. Chỉ vài ba người hiểu ông, mê tri thức uyên bác của ông mới ở lại cùng ông cho đến phút cuối. Khi môi đã mềm, bàn chân đã bước đi không vững nữa ông mới chịu để anh em dìu về nhà.

Nhân viên ở Viện Văn học kể: Không biết ông kết thân với rượu từ bao giờ. Chỉ biết trước khi về làm Viện trưởng, ông đã dùng rượu như nhu cầu thường nhật. Cái sự rượu cũng làm cho hình ảnh của ông trở nên bé nhỏ, dị mọ đi trong con mắt của người đời, những ai không hiểu ông, không hiểu nhân tình thế thái trong cuộc đời.

Tôi tin những lúc không say, ông nhận biết được điều đó, ông nhận ra những gì mà rượu mang lại cho mình, nhưng đã trót say nhau rồi, ông không bỏ được, để rồi ông lại say nhiều hơn.

Rồi ông không hay đến cơ quan cũ nữa. Căn bệnh huyết áp buộc ông phải kiêng rượu, thế nhưng làm sao ông bỏ được rượu. Rượu như một người tình quyến rũ ông đắm say quên hết đường về.--PageBreak--

Con trai út của ông, họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ kể lại rằng: Những năm trước khi ông già bệnh nặng, ông hay đi uống rượu sáng. Cứ 4h sáng là ông thức dậy và đạp xe ra bến xe, ga tàu. Chỉ ở những nơi người ta đợi tàu, đợi xe mới có rượu bán từ sáng sớm. Và cũng chỉ ở những nơi đó uống rượu khi trời chưa sáng mà vẫn đông vui, vẫn có mặt người để trò chuyện.

Ông uống rượu xong lóc cóc đạp xe về nhà. Lúc đó tôi đi chơi thâu đêm mới trở về nhà. Hai cha con gặp nhau ở chân cầu thang, ông nhìn tôi cười và bảo: "Mình trông cậu quen quen".

Rồi anh kể những năm tháng cuối cùng của bố mình, nhà thơ Hoàng Trung Thông gần như bị một căn bệnh ảo giác do rượu mang lại. Ông rất hay nói chyện một mình, nói suốt đêm cùng với cái bóng của mình trên tường, ông băn khoăn khi chiếc quạt treo tường bỗng phát ra tiếng người, nhìn vào bóng đèn lại thấy có người đang đối thoại.

Lắng nghe thật kỹ, ông chưa bao giờ nói những điều gì vô nghĩa. Ông nói những điều hiền minh, về chuyện đông tây kim cổ, cho dù không có người nghe.

Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ nói rằng, cũng chẳng hiểu vì sao ngày đó chúng tôi sống trong một gia đình mà mẹ thì "hiền nhất nước", bố cũng "hiền nhì nước" vì tất cả 5 chúng tôi lớn lên rồi trưởng thành không bao giờ bị bố hoặc mẹ đánh đòn, cũng không áp đặt, không định hướng công việc hay xin cho con cái một nghề nghiệp sau khi học hành ra trường.

Chúng tôi, những đứa trẻ tự lớn lên trong tình yêu của mẹ, của cha, nhưng phải tự mình tìm đường để tồn tại, để sống trong cuộc đời. Thật may là cả nhà đều tử tế và đàng hoàng.

Hoàng Phượng Vỹ ngậm ngùi khi nhớ lại một kỷ niệm với bố: Có một lần, bố tôi mượn xe đạp của nhà văn Nguyễn Văn Bổng đạp ra ga tàu uống rượu sớm. Ông uống rồi say đến nỗi khi ra về, ông đẩy nhầm một chiếc xe đạp khác đã khóa bánh mà vẫn đẩy về được đến tận nhà. Sau này, Công an vẫn tìm ra được xe của nhà văn Nguyễn Văn Bổng và trả lại chiếc xe bị bố tôi đẩy nhầm về nhà.

Những năm tháng cuối đời, khi sức đã kiệt quệ và bị tàn phá do rượu, Hoàng Trung Thông thường đi bộ lẩn mẩn trên vỉa hè phố Ngô Quyền ra Trúc Viên thi quán ở 41 Trần Hưng Đạo. Tại đây bạn ông, người chủ quán trẻ tuổi đã chia sẻ với ông biết bao nhiêu bữa rượu cho đến bữa rượu cuối cùng trong đời.

Trong bài viết viếng ông, chủ Trúc Viên thi quán viết: Tập thơ "Mời Trăng" là tiếng lòng cuối cùng của ông, được viết chủ yếu ở Trúc Viên thi quán, một tập thơ cuối của cuộc đời ông, thấm đẫm tình yêu, một thứ tình chung chung, mơ hồ và ảo giác. Tôi được biết Hoàng Trung Thông sẽ không thể có được một giọt rượu, dẫu để mời gió hay mời trăng, nếu không có tiền! Đành rằng ông vẫn là vị chủ soái trong hội tiệc "Mời trăng".

Song cái chuyện đi chợ, bếp núc v.v... lại phải nhờ cậy bạn bè thân hữu. Trong số đó không thể không nhắc đến Ngô Thảo: Một anh chàng ngổ ngáo mà nhân hậu đến khờ khạo nên luôn được giữ chân "chủ tế" các đám ma.

hắc đến Ngô Thảo lại day dứt nhớ một câu thơ của Hải Kỳ: "Tôi xin đăng ký dại khờ/ Để khôn ngoan chết bên bờ sông Thương". Thời gian này, sau cái chết của họa sỹ Dương Bích Liên, Hoàng Trung Thông cũng đã yếu lắm rồi, ông đi lại không vững nữa nhưng vẫn lần ra Trúc Viên thi quán. Có những hôm buộc phải đơn độc ngồi độc ẩm bên nậm rượu. Ông thường lẩm nhẩm nói một mình trong hư vô.

Mới 68 tuổi nhưng rượu đã làm cho ông già lụ khụ, mái tóc bạc dài, thi thoảng khẽ lắc. Ông không để ria, Chòm râu cằm được xén ngang rất gọn và đẹp. Bạn bè ông xếp ông vào hạng lưu linh tiên tửu. Bữa rượu cuối cùng hôm đó, nhìn thấy ông đi liêu xiêu trên hè phố, đầu ngật ngưỡng ngã chúi về phía trước. Tôi lo lắng dặn khẽ: bác đi từ từ thôi. Ông Thông trả lời: Mình đã đi đâu mà nhanh, cứ như thể ai xô mình từ phía sau.

Tôi khuyên nhà thơ: Bác cần phải có một cây gậy chống đỡ khi đi trên đường. Ông cười, miệng lẩm nhẩm: "Có lẽ đến lúc mình cũng phải có một cây gậy". Than ôi, cây gậy đó ông chưa kịp tìm đến thì ông đã ra đi.

Cũng một ngày đầu tháng, đầu năm mới, Hà Nội rét ngọt và giá lạnh như lúc này, tôi ngồi trên căn gác tầng hai, 70 phố Ngô Quyền lặng nhìn lên bàn thờ ông và đặt bút viết những dòng chữ này. Xin được kết thúc bài viết bằng những câu thơ của ông viết về cái chết: "Nếu tôi chết/ Đừng có ai khóc lóc làm gì/ Thế là hết/ Đừng có ai bi/ Nằm dưới mồ/ Tôi ngượng ngùng/ Chỉ nhớ khúc tình si".

Ông sống một cuộc sống nghèo nàn thanh bạch như một hàn sỹ suốt cả cuộc đời. Có vẻ như ông chấp nhận sự bần bạc đó, để khỏi phải bon chen, để khỏi phải lụy mình và để được sống đúng với tư chất nghệ sỹ của ông đồ gàn xứ Nghệ

Như Bình
.
.