Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến: Tài sắc đa đoan

Thứ Năm, 25/12/2008, 13:30
Tháng 11/2001, Hội Nhà văn Việt Nam mở trại sáng tác ở Nha Trang, Lam Luyến là một trong 15 người dự trại viết này, song chị chỉ ghé qua khoảng 5 ngày. Thế mà chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi đó, nhà thơ tài sắc này đã để lại ấn tượng rất đẹp cho cả trại.

Vóc người nhỏ nhắn thon thả trong bộ quần áo thường là màu đen, mái tóc nâu được chăm sóc cẩn thận, đôi mắt sáng và nụ cười tươi của chị đã làm ít nhất một nhà thơ nam giới trong trại viết lao đao! Song có thể nói sự tháo vát, tài hoa của chị đã chinh phục được cảm tình của hầu hết mọi người.

Chỉ ngồi trên xe đi từ thành phố Nha Trang vào vịnh Cam Ranh, Lam Luyến đã khiến mọi người cười rôm rả vì những câu thơ chị tả chân dung biếm họa các nhà văn trong trại.

Nghe tôi kể chuyện, hôm trước tôi theo nhà thơ Đào Xuân Quý đến gặp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (là con rể của ông), nhà thơ đã gọi điện cho con từ tối hôm trước, thế mà khi chúng tôi đến cổng UBND tỉnh, người bảo vệ nhất định không cho vào. Ông và tôi đã đưa ra nào thẻ nhà báo, thẻ nhà văn, chứng minh thư… nhưng người trực ở cổng UBND vẫn khăng khăng:

- Không có giấy giới thiệu của cơ quan hoặc giấy mời của UBND tỉnh, tôi không thể để bác và chị vào được. Mong bác và chị thông cảm.

May sao lúc đó có một người từ bên trong đi ra, cung kính chào nhà thơ Đào Xuân Quý và nói với người bảo vệ:

- Đây là ông già của Chủ tịch tỉnh đó!

Anh chàng tái mặt, ấp úng:

- Cháu xin lỗi. Mời bác và chị vào ạ. Tại sao bác không nói ngay cho cháu biết…

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến nghe xong, đọc ngay một bài lục bát tả chân dung bác Quý theo kiểu Bút Tre:

Trại ta có bác Đào Xuân

Quý này xấp xỉ đã gần tám mươi

Thơ hay cả nước đọc rồi

Vào dinh con rể có người xua ra. 

Nhà thơ Liên Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên vỗ tay:

- Hay, hay tuyệt vời!

Lam Luyến:

- Em đố các bác biết câu này em viết về ai nhé:

Cái tay thì của thày tu

Đôi mắt thì của ông sư lộn chùa!

Cả xe lại cười nghiêng ngả vì đúng là Liên Nam rất rụt rè trong giao tiếp, nhất là với phụ nữ, song anh lại có đôi mắt rất tinh ranh.

Đi Cam Ranh về, ai nấy mệt lừ, tắm giặt xong là lăn ra ngủ. Song, khoảng 12h đêm, Lam Luyến dựng nhà văn Trần Thị Trường và tôi dậy, hào hứng:

- Em viết xong chân dung biếm họa cả đoàn mình rồi, hai chị nghe xem có được không nhé.               

Nghe Luyến đọc thơ, chúng tôi cười quá to khiến nhà thơ Vĩnh Nguyên ở Huế, nhà văn Phan Cao Toại của Khánh Hòa, nhà thơ Mạnh Lê của Thanh Hóa đều thức dậy và mở cửa ngó sang xem có chuyện gì. Và tất cả vừa tiếp tục nghe Luyến đọc thơ vừa bịt miệng cười, sợ anh chị em thức dậy cả thì nguy. Chân dung nhà thơ Anh Thơ, người chị cả của trại sáng tác:

Tuổi thì đã ngoại tám mươi

Áo dài trắng cứ đầy vơi nắng chiều

Hỏi rằng chị có còn yêu?

Ừ thì ba bảy cũng liều chứ sao!

Cười xong, chúng tôi le lưỡi nhìn nhau:

- Tếu quá, không được đâu.

Nhưng Lam Luyến nháy mắt:

- Thơ đùa ấy mà, chị Anh Thơ chắc không giận đâu.

Quả nhiên, hôm sau nghe rồi, chị Anh Thơ chỉ lắc đầu: "Đồ quỷ!".

Nhà văn Trần Thị Trường vốn theo Công giáo, Lam Luyến đọc:

Nhà văn giờ có "Thị Trường"                                 

Ai gặp ngoài đường tưởng…  Ma-ri-a

Không mua bán, khổ người ta

Húc vào, dám chắc… lộn ba bốn vòng!

Trong không khí trại viết nghiêm trang và có phần lặng lẽ, Đoàn Thị Lam Luyến đã thổi vào luồng sinh khí tươi tắn, vui nhộn, khiến mọi người hiểu và gần nhau hơn.

Giống như lần dự trại cùng chị năm 1997, tôi thấy, lần này chị vừa đến cũng có ngay một "vệ sĩ" sẵn sàng phục vụ. Nào đưa chị ra phố gội đầu, nào thay chị ra sân bay đăng ký vé khứ hồi về Hà Nội, nào đánh máy tính những bài chị vừa viết xong… Và khi chị đã đi rồi, anh thường than thở với tôi:

- Nhớ em Lam Luyến quá chị Nhàn ơi. Không biết giờ này em đang làm gì? Có nhớ ai trong này không?...

Tôi cười:

- Nàng bận lắm, bây giờ chắc lại đang đọc thơ ở Hải Phòng rồi. May ra đến đêm mới có thể nhớ về Nha Trang được, chịu khó đợi một chút đi.        

Ngoài đời, Lam Luyến nghịch ngầm và tươi tắn, song trong thơ, chị lại bộc lộ rất chân thật sự xót xa đau đớn của tâm trạng và thân phận người đàn bà nhỏ bé, yếu đuối, dễ bị lừa gạt:

- Ta trồng mía hóa lau

Chăm lan mà tốt ngải

Nửa đời trong u mê

Nửa đời toàn chiến bại… 

- Sông kia vốn có đôi bờ

Bên mía thì lở, bên ngô thì bồi

Bên nào anh cũng sang chơi

Bên lở mía ngọt, bên bồi ngô non…

- Đa tình liền với đa đoan

Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm…

- Bạn gái thì lừa bạc

Bạn trai lại lừa tình..

- Em trao cả cho anh

Một tình yêu khao khát

Anh lại trả cho em

Nỗi buồn đau tan nát…--PageBreak--

Lam Luyến dám bộc bạch trong thơ mọi nỗi niềm riêng tư của chị. Những bài thơ "No đòn", "Chồng chị chồng em", "Hát theo Thị Mầu", "Nợ Tiền Đường"… của chị đều làm người đọc nao lòng. Trong bài "Những đứa con mang họ mẹ", chị viết:     

Không hoang cây chỉ hoang đồi

Tôi hoang con bởi có người đi hoang

Cậu con trai duy nhất của chị giẫy nảy:

- Mẹ viết thế này ai đọc cũng sẽ tưởng con là con hoang của mẹ à? Mẹ phải sửa ngay đi!

Lam Luyến thấy con nói có lý, chị loay hoay sửa, thay chữ "Tôi" trong câu thơ trên bằng "Em", rồi bằng "Ai"… nhưng đều thấy không được. Chị tâm sự với con trai:

- Muốn thơ được người đọc cảm thông, mẹ phải tự đặt mình vào vị trí những người đàn bà không có chồng mà có con. Nhan sắc của bài thơ, nếu có, thì người viết phải biết hy sinh nhan sắc của chính mình, con ạ.

Con trai chị hiểu ra, đồng ý để mẹ giữ nguyên câu thơ xa xót "Tôi hoang con"… Đó chính là tiêu chí làm thơ của Đoàn Thị Lam Luyến. Chị biết hy sinh mình cho thơ.

Nhưng "Tôi hoang con"... vẫn chưa phải là câu thơ mà Lam Luyến thấy hài lòng nhất về sự hy sinh của mình. Trong bài "Chiến tranh", chị đã viết một câu khiến bạn chị phải kinh ngạc thốt lên: "Viết gì mà khủng khiếp thế?", còn Lam Luyến thì tự thấy, sau câu thơ dữ dội đó, chị già thêm vài tuổi, nghĩa là nó làm chị "mất nhan sắc" nhất, nhưng đồng thời cũng làm chị hài lòng nhất về sự dám bày tỏ đến tận cùng cảm xúc của mình, nghĩa là đã dám hy sinh đến cùng cho thơ! Câu đó như sau:

"Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia

Như người đàn bà kia đã đoạt anh từ tay người đàn bà khác!"

Theo Lam Luyến, giành giật tình yêu chính là một cuộc chiến giữa những người đàn bà nhằm chiếm đoạt những người đàn ông "Bên nào anh cũng sang chơi - Bên lở mía ngọt, bên bồi ngô non"!...

Những người đàn ông "của chị" thực ra, theo tôi biết, cũng hấp dẫn chị ngay từ "cái nhìn đầu tiên". Ở một trại viết, chúng tôi đã chứng kiến hai người quấn quýt công khai đến mức ai cũng nghĩ chắc sẽ có một đám cưới hoành tráng ngay sau đó! Khi rời trại, chị cùng tôi mua vé về Hà Nội, nhưng đến một tỉnh miền Trung, chị bỗng nhiên đòi xuống, để tôi về một mình, vì sực nhớ ra, đó là quê của "chàng", mà chàng thì vừa chia tay chúng tôi để đi chuyến tàu buổi sáng!

Nghe nói sau đó ít hôm, chàng lại theo ra Hà Nội. Nhưng rồi chúng tôi chờ mãi không thấy tin vui. Tôi gặp chị, thắc mắc: "Sao thế?". Lam Luyến cười buồn: "Toàn là những chi tiết vớ vẩn, cơ mà em không thể chịu được".

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị thở dài: "Ví dụ nhé, chiều đang đẹp vô cùng, em muốn đi dạo phố, nhưng chàng cứ nhất định muốn ngồi ở một góc khuất. Hay là đang đi chơi, xe hết xăng, chàng lẳng lặng mặc em trả tiền.

Rồi đến đèn đỏ, chàng quen tay tắt máy, để tiết kiệm xăng, dù em đã nhắc là xe của em mà, cứ đi thoải mái… Đấy là em kể chung về các chàng mà em đã từng "MÊ", chắc sau này còn gặp nữa, đại loại vậy thôi, tính em cầu toàn mà!". Tôi cười: "Tính em cả thèm chóng chán thì đúng hơn". Và Lam Luyến dứ cho tôi một quả đấm, vẻ… chịu thầy!

Về những nét đáng yêu khác mà Lam Luyến đã dành cho tôi, tôi xin ví dụ vài việc mà chắc là tôi sẽ không quên. Nhỏ thì như việc chị cứ dắt tôi theo, bảo là sẽ "cải tạo" tôi, vì tôi ăn mặc quá "nhà quê''.

Hóa ra chị đưa tôi đến nhà may La Hằng, bắt tôi may một bộ đồ nhung đen thêu, mà từ khi may xong đến giờ, tôi rất ít khi dám mặc, vì theo tôi thì… quá điệu! Còn to, thì như năm 2006, khi Hội Nhà văn Việt Nam thông báo cho hội viên về việc chuẩn bị trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, ai muốn được xét thì phải làm đơn theo mẫu có sẵn của Hội.

Tôi không để ý và không làm đơn gì cả, vì tôi nghĩ thơ tôi rất bình thường, hơn nữa tôi lại không thân với ai bên Hội, có làm đơn cũng… chắc chả ai đọc! Nhưng Lam Luyến đến tận nhà tôi, giục tôi viết đơn, thấy tôi ngại, chị mang mẫu đơn của Hội đến, ngồi chờ tôi viết rồi chính chị đi nộp cho tôi.

Khi có yêu cầu phải nộp kèm ba tác phẩm để xét, cũng chính Lam Luyến đến giục tôi chọn rồi cầm đi, tôi cũng không biết là Luyến nộp đơn và mang bản thảo đi đâu nữa.

Sự tận tình và tình cảm của chị khiến tôi nhớ đến nhà thơ Xuân Quỳnh khi lần đầu tiên tôi tham dự một cuộc thi thơ, Quỳnh cũng đã động viên và giúp đỡ tôi một cách nhiệt tình và vô tư như vậy. Ôi, những kỷ niệm thân thương và cảm động biết bao với những người bạn gái làm thơ giỏi giang mà không hề một chút tỵ hiềm, một chút ích kỷ nào.

Ngược lại, các chị mong cho tôi những điều tốt đẹp như là mong muốn cho chính mình vậy. Và năm 2007, tôi đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, một phần là nhờ nhà thơ Lam Luyến đã quan tâm và đã động viên, nhắc nhở tôi rất kịp thời.

Còn về những bài thơ xa xót, chân tình của chị mà nếu bạn đã đọc rồi sẽ thật khó quên, thì điều mà chị nói, là "phải hy sinh nhan sắc của mình", tôi thấy, chị đã không phải hy sinh một cách phí hoài…

Điều mà nhà thơ đạt được hiện nay không phải là sự hiểu lầm về một cô gái "chẳng ra làm sao" bởi luôn đam mê, luôn tìm kiếm, luôn khao khát và hình như cũng luôn… thất bại(!), mà ngược lại, đó là sự thông cảm sâu sắc, sự quý trọng tài năng, sự yêu mến nồng nhiệt dành cho một nhà thơ nữ tài sắc mà đa đoan đã dám bộc bạch nỗi lòng mình cũng như dám bộc bạch giùm bao người đàn bà khác những niềm riêng khó nói để bạn đọc cùng chia sẻ và cũng có thể tìm thấy một phần mình trong những câu thơ của chị

Tháng 11/2008

Phan Thị Thanh Nhàn
.
.