Nhà soạn nhạc thiên tài người Pháp Georges Bizet: Đau bởi hoa hồng...

Thứ Hai, 04/04/2011, 14:59
Georges Bizet cứ bối rối hết đứng nghiêm lại đứng nghỉ ở cạnh lầu hóng mát. Đã đến lúc anh phải lên đường... - Đợi anh hai năm nữa ư? Nhưng tôi muốn được yêu ngay bây giờ cơ! - Giuseppa ném thẳng vào chàng trai đôi mắt cháy ngời như lửa bỏng và từ mái tóc mun của nàng rơi ra bông hồng đỏ thắm. - Tùy anh thôi, anh đâu phải là người đàn ông duy nhất ở thành Rome này...

Georges im lặng vì chẳng biết thanh minh thế nào. Giuseppa lại dằn dỗi nói: “Thế mà anh đã bao lần khoe rằng trong họ nhà anh có cụ tổ là người Italia. Đâu phải thế, trong huyết quản của anh chỉ là dòng máu lạnh như kem như mọi người Pháp khác... Anh cứ về với Paris của anh đi!” - Và dúi vào bàn tay đang run rẩy của Georges, cô gái bật khóc rồi bỏ chạy.

Chàng trai sững người như trời trồng: chẳng lẽ đó là tình yêu của nàng với những lời "thệ hải minh sơn" đó ư? Ôi, Giuseppa tuyệt vời và tinh quái! Mới tối qua nàng còn thủ thỉ bên tai anh rằng nàng không thể sống thiếu anh dẫu chỉ một ngày. Trời ơi, chẳng lẽ anh có lỗi nếu như anh có nghĩa vụ phải quay trở về nhà? Dù sao anh cũng chỉ là một sinh viên của Nhạc viện Paris, nhờ chiến thắng trong cuộc thi operetta do Jacques Offenback tổ chức năm 1857, nên mới được học bổng Roma để sang thực tập ba năm ở đây.

Và anh đã mơ ước là khi trở lại Paris, anh sẽ kiếm được công ăn việc làm tử tế để đón Giuseppa sang làm lễ cưới. Anh tất nhiên không giàu có gì, nhưng Giuseppa cũng có phải là cành vàng lá ngọc gì đâu. Chú của nàng cũng chỉ là đầu bếp trong Villa Medicis mà thôi.

Tệ hơn nữa, người ta còn đồn rằng, ông ấy thậm chí chẳng phải là đầu bếp gì cả, mà chỉ là một gã buôn lậu. Nhưng thế cũng chả sao đối với Bizet. Giuseppa là mối tình đầu của anh, trước khi gặp nàng anh chỉ sống trọn vẹn cho âm nhạc.

Bizet.

... Ngay từ khi mới lên 4 tuổi, Georges Bizet đã học đọc nốt nhạc và chơi dương cầm. Cậu bé có thể hát lại dễ như ăn kẹo bất cứ một giai điệu nào mà cậu nghe được. Mẹ cậu - xuất thân từ một dòng họ nhiều đời gắn bó với nghệ thuật - đã dồn con trai học nhạc nhiều đến mức lắm khi cậu ngủ thiếp đi trên những phím đàn.

Hai tuần trước khi tròn 10 tuổi, Georges đã thi đậu vào Nhạc viện Paris, học chơi piano dưới sự hướng dẫn của giáo sư lừng danh Antoine Francois Marmontel. Và mẹ cậu đã không ngạc nhiên chút nào vì bà luôn tin chắc rằng, con trai bà là một thiên tài!

Rồi nhà soạn nhạc nổi tiếng Jacques Fromental Halevy nhận dạy cậu bé thần đồng và ngay từ năm 13 tuổi, Georges đã bắt đầu sáng tác nhạc - thế là cậu có những bản nhạc valse đầu tiên, những ca khúc, những bản giao hưởng thanh xuân và thậm chí cả một vở opera hài...

Hứng khởi vì những thành công ban đầu của con trai, mẹ cậu đã dồn hết tâm trí và sức lực vào Georges: bà đích thân đưa con tới nhạc viện và đón con ở cổng để Georges không thể bị cám dỗ bởi bất cứ thú vui đường phố nào. Về nhà, bà gần như nhốt con trong phòng có cây đàn dương cầm.

Và những nỗ lực đó đã mang lại trái ngọt: năm 19 tuổi, Georges, người trẻ nhất được học bổng Roma, đã sang thực tập ở "thành phố vĩnh cửu" và trú tại Villas Medicis mà hoàng đế Napoléon trước kia đã tặng cho Viện hàn lâm Pháp quốc ở Roma để sau này là nơi ở của tất cả những ai được nhận học bổng Roma tới đây tu nghiệp.

Geneviève Halévy.

Tại đây, anh đã lần đầu tiên được nghe nhạc của Giuseppe Verdi mà tên tuổi lúc đó đang vang dội khắp châu Âu. Tuy nhiên, Georges cảm thấy các vở opera của Verdi hơi bị hào nhoáng và cồng kềnh quá. Bù lại, chính tại Roma, Georges đã được gặp Giuseppa.

... Georges bóp bông hồng trong lòng bàn tay chặt tới mức bị gai đâm ứa máu, nhưng anh vẫn không cảm thấy đau - trái tim anh đang bấn loạn vô chừng...

Paris đón chàng trai trẻ với những tin tức không vui - gia đình anh đang lâm vào cảnh túng bấn, mẹ anh lại bị ốm nặng đến mức các bác sĩ cứ lắc đầu quầy quậy... Georges ngồi cạnh giường nghe mẹ nằm ra lệnh: "Hãy viết một bản giao hưởng thật hoành tráng!" và gật đầu lia lịa dù biết rằng sẽ không có ai chơi bản giao hưởng của một nhà soạn nhạc dù tài năng nhưng còn trẻ và chưa có danh tiếng. Có lẽ anh phải kiếm tiền bằng cách khác. Và thế là Georges tìm tới Antoine Schudan, ông chủ nhà xuất bản vào loại uy lực nhất ở Paris.

- Tôi mơ ước được soạn nhạc nhưng mỗi một ngày mới đều đón tôi bằng cánh tay chìa ra đòi tiền, - Georges than thở.

Ông Schudan xoay xoay cái bút ngòi vàng trong bàn tay mũm mĩm, nói:

- Đối với tôi, thưa quý anh, bản nhạc, đó là hàng hóa. Cần phải bán nó. Nhưng tôi thử hỏi anh, liệu có ai mua những sáng tác của một nhà soạn nhạc mới vào nghề không? Nếu anh muốn kiếm sống, hãy soạn lại cho dương cầm các tác phẩm opera nổi tiếng, thí dụ như vở Philemon và Baucis của Charles - Francois Gounot hay Erostrate của Ernest Reyer. Mỗi một bản như thế tôi sẽ trả 300 quan.

Và thế là từ đó Bizet suốt cả ngày đêm phải vật lộn với tác phẩm của thiên hạ: cha anh đã cạn kiệt tiền của rồi vì lo cho người vợ ốm nặng như thế là một việc quá tốn kém. Nhà anh đã phải thuê cả người chăm sóc riêng cho mẹ. May mà cô bé Maria Reiter này mới tới Paris từ Alsace nên đòi tiền công xá không nhiều. Nói chung, đó là một cô gái rất tận tình và chu đáo, chăm sóc cho mẹ anh như chính mẹ của mình.

Than ôi, bà Bizet đã không có được hạnh phúc có mặt trong bất cứ một chương trình công diễn chính thức các tác phẩm của con trai - bà đã sớm phải rời cõi thế vào ngày 8/9/1861. Hai bố con Georges từ đó phải nhờ cậy cả vào sự chăm sóc của cô giúp việc Maria. Và chẳng bao lâu sau thì trái tim người cha lại nảy nở tình yêu và gia đình Bizet lại sắp sửa có con thơ. Georges hiểu rằng mình không có quyền phán xét phụ thân...

Sau khi mẹ mất, cuộc sống của Georges hầu như chẳng có gì thay đổi: ban ngày anh phải lụi cụi làm việc theo đơn đặt hàng của Schudan, còn đêm tới mới ngồi sáng tác.

Và, có công mài sắt có ngày nên kim, cuối cùng Georges Bizet cũng được nhìn nhận. Ngày chủ nhật 11/1/1863, tại rạp xiếc Napoléon lừng danh đã tổ chức một chương trình âm nhạc lớn. Trên tờ quảng cáo nhan nhản những tên tuổi gạo gội và ở giữa đó có tên một nhạc sĩ chẳng mấy ai biết tiếng, Georges Bizet.

Nhưng trong phúc luôn luôn ẩn họa. Ngay ở đêm diễn đó, không ít khán giả đã bỏ về giữa chừng khi tác phẩm của Georges Bizet được tấu lên: tại sao giữa những tinh hoa âm nhạc của Haydn, Mozart và Beethoven lại có cả một khúc Scherzo (hài hước) do một gã trai trẻ vô danh tiểu tốt nào đó sáng tác? Và ngay sáng hôm sau, các tờ báo ở Paris đã làm dấy lên một cơn tsunami (sóng thần) bài bác. Khi đọc những nhận xét đó trên báo, Bizet thở phào vì mẹ anh đã không còn sống để phải chứng kiến nỗi khốn khổ này...--PageBreak--

Bizet quyết định rời Paris ngay, đi xe lửa về Vezines, nơi cha anh cùng Maria đang hưởng những tháng ngày trăng mật kéo dài, mong tìm thấy ở đó một nguồn an ủi. Đoàn tàu đi chậm rãi, nhưng hành khách lại có cảm giác là nó đang lướt như gió với tốc độ điên cuồng. Từ ngoài cửa sổ bay vào tuyền những tro bụi mùa hè và các quý bà ngồi trên tàu phải che mặt bằng những cái quạt giấy mà họ vừa mua ở sân ga với giá một xu một cái.

Bỗng nhiên bước vào toa tàu mà Bizet đang ngồi là một thiếu phụ cầm trên tay cái quạt lụa có gắn kim cương. Nàng ngồi xuống ghế, hai chân bắt chéo lên nhau rồi lôi từ cái túi lụa quai dài ra một cái tẩu. Bizet mắt tròn mắt dẹt: đúng là kỳ nữ, chẳng khác gì Georges Sand!

- Vui vẻ nhé! - Thiếu phụ cất tiếng, giọng hơi khàn khàn.

Nghe giọng nói đó, Bizet càng kinh ngạc hơn nữa vì anh đã đoán ra được đấy là ai. Người đàn bà này có rất nhiều tên gọi và cả Paris đang nghiêng mình trước nàng. Đó chính là nàng Mogador vô tiền khoáng hậu, diva opera Lionel, nữ văn sĩ thời thượng Celeste Veinard và cũng là bá tước phu nhân De Chabrillan.

Nàng là khuôn mẫu để các mỹ nữ học tập và là khao khát nồng nàn của giới mày râu. Bizet nghe đồn rằng, thời trẻ, nàng đã phải "con ong đã tỏ đường đi lối về" ở các lầu xanh đô thị. Rồi số phận run rủi cho nàng gặp được ông Brididi, chủ nhân của phòng nhảy khét tiếng Bal Mabille và nàng được mời về đó để trình diễn điệu Polka - khi ấy điệu nhảy này mới bắt đầu thịnh hành và rất ăn khách.

Ông Brididi chỉ đặt cho nàng một điều kiện: nàng phải nhảy trong tình trạng váy áo nửa kín nửa hở! Thân lươn chẳng quản lấm đầu, nàng đồng ý ngay. Và thế là những tấm ảnh chụp Mogador diễm lệ đã được lan truyền khắp nước Pháp. Rồi nàng trở thành nhân tình của đệ nhất thi sĩ Alfred de Musset và vì thế, tức cảnh sinh tình, cũng hóa ra đam mê sáng tác.

Với bút danh Celeste Veinard, nàng đã tung ra thị trường tới cả nửa trăm cuốn tiểu thuyết, trường ca, kịch bản về những tình yêu cháy bỏng. Công chúng đua nhau mua các tác phẩm của nàng còn nhanh hơn cả các tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Rồi nàng đã khiến cho bá tước De Chabrillan say mê đến mức ông phải ngỏ lời cầu hôn với nàng.

Của đáng tội, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau vài ba năm làm chồng, bá tước đã bị đột tử. Thiên hạ đồn rằng, ông sớm sang thế giới bên kia chỉ vì quá say mê vợ mình. Trở thành góa phụ, người đàn bà kỳ diệu này đã đứng ra mở một nhà hát và với nghệ danh Bà Lionel, đã trở nên lừng lẫy trên sàn diễn như một diva opera giọng hát tuyệt vời.

- Sao lại như người mất hồn thế? - mỹ nhân với vẻ cười cợt hỏi chàng trai trẻ đang ngồi sững như tượng trước mặt mình, khi tàu dừng lại ở ga Vesines. - Hãy giúp tôi xuống tàu đi!

Bizet đứng phắt dậy:

- Đúng rồi, tôi cũng phải xuống ga này.

- Thế à? Tôi ở đây và mới mua biệt thự Lionel.

- Đúng là duyên kỳ ngộ, biệt thự đó nằm ngay cạnh nhà cha tôi.

- Hay nhỉ, - thiếu phụ lẩm bẩm và nhờ Bizet đưa đi thêm một đoạn đường.

Tới trước cổng nhà mình, mỹ nhân mỉm cười:

- Anh biết không, nhà tôi có cây dương cầm tuyệt vời lắm. Anh là nhà soạn nhạc, anh hãy tới mà chơi...

Bizet không bắt người đẹp phải chờ lâu: ngay ngày hôm sau, anh đã tới thăm người bạn đường hấp dẫn. Bà Lionel hỏi han về các tác phẩm và công việc của anh. Thật tiếc là Bizet chẳng có nhiều chuyện để khoe... Vở oepra Những kẻ tìm kiếm ngọc trai đã được dàn dựng quá hấp tấp.

Thời hạn đến đêm công diễn chỉ còn hai tuần mà Bizet vẫn chưa nghĩ ra được cách kết thúc vở như thế nào, vì anh không hiểu nổi điều mà ông giám đốc nhà hát muốn trong vở diễn này. Lúc ông ta yêu cầu phải có cái kết vui vẻ trẻ trung, lúc lại bảo, phải làm sao để khán giả bật khóc khi hết vở. Rồi một lần, khi hai người không thể thống nhất được ý kiến thì ông ta lại thốt lên: "Cứ để cho mọi sự cháy bùng lên!".

Quá mệt mỏi vì những trò đồng bóng của ông giám đốc nhà hát, Bizet đã làm đúng theo nghĩa đen của câu ông ta nói: Anh đã viết cả một đoạn về đám cháy. Rốt cục là không thể dớ dẩn hơn: mọi thứ xung quanh đều cháy đùng đùng mà các nhân vật, thay vì đi dập lửa, lại đứng say sưa hát những khúc aria dằng dặc... Thế thì làm sao mà vở diễn thành công được!

- Chỉ có một điều duy nhất hay, - Bizet ngán ngẩm tổng kết. - Danh tiếng đến rồi đi, nhưng sự vô danh thì luôn luôn còn lại.

- Khi nào anh đau khổ, hãy tìm tới với tôi! Anh có thể trút lòng mình thoải mái! - Celesta an ủi. - Tôi đã ngoại tứ thập rồi, còn anh mới chỉ chớm ba mươi, chúng ta sẽ là đôi bạn tuyệt vời.

Một buổi hoàng hôn, hai người rẽ vào lầu hóng gió được quây bởi những nhánh tầm xuân chi chít. Hương hoa hồng mọc quanh dâng ngát làm Bizet cảm thấy lâng lâng tới chóng cả mặt. Anh kéo Celesta lại gần mình và thấy cả thế giới trở nên chung chiêng hẳn đi.

- Nàng ơi, ta chẳng có gì để tặng nàng cả, nhưng hãy cho ta một ít thời gian nữa. Ta sắp viết xong vở La Jolie Fille de Perth và sẽ được một khoản tiền nhuận bút lớn. Khi đó, chúng mình sẽ cưới nhau.

- Nhưng tôi đâu có định lấy anh làm chồng! - Celesta dửng dưng nói. - Nói chung, tôi không thích những gã đàn ông dễ bị chinh phục đâu.

Nàng giật bông hồng rồi đưa cho Bizet đang sững người như trời trồng, và lặng lẽ bỏ đi. Thêm một lần Bizet chỉ nhận được từ tình yêu những gai hồng nhọn sắc...

Đêm công diễn vở opera La Jolie Fille de Perth được ấn định vào ngày 26/12/1867. Bizet cố viết nốt những cảnh cuối với trái tim tê buốt. Ngay từ đầu mọi sự đã chẳng ra đâu vào đâu. Giọng tenor trẻ hát ở đoạn nào cũng rụt rè, còn giọng nữ chính thì do không lượng trước sức mình nên càng hát càng đuối.

Ngồi ở trong lô dành cho khách VIP, Bizet ôm đầu tuyệt vọng. Bỗng nhiên có ngón tay ai đó chạm nhẹ vào tay anh: "Anh Georges ạ, đừng lo, thành công kiểu gì cũng sẽ tới! - Một giọng thanh nữ vang lên. - Em biết chắc thế mà, dù em không phải là bà thầy bói Digan".

Bizet quay ngoắt đầu sang: trước anh là đôi mắt ngời sáng tươi tỉnh. Anh nhận ra ngay: đó là Genevieve, con gái của GS Halevy đã từng dạy anh ở Nhạc viện. Ôi, cô bé lớn nhanh quá. Còn nhớ, trước khi anh sang Italia thực tập, GS Halevy đã mời anh tới chơi nhà và ngay ở ngoài hành lang, họ đã vấp phải cô bé Genevieve lao ra như tên bắn.

GS nhìn con gái, lắc đầu trách móc: "Con lại có chuyện gì thế? Này, đây là học trò của cha, anh Georges Bizet, đang muốn cưới con đấy. Nhưng nếu thấy con thế này thì chắc anh ấy sẽ thay đổi ý định thôi". Cô bé nhìn chằm chằm vào anh, đôi mắt huyền mở to: "Anh không thích em ư? Nhưng em thích anh đấy. Có lẽ em sẽ đồng ý làm vợ anh!".

Quỷ quái, khi ấy cô bé bao nhiêu tuổi nhỉ? Chắc chỉ độ lên 10. Còn anh lúc đó đã 19 tuổi rồi. Thế mà đã mười năm trôi qua. Và cô bé đã trở thành một mỹ nhân thực thụ. Những tràng vỗ tay như sấm cắt ngang dòng hồi tưởng của Bizet. Thành công thực à? Cô bé Genevieve quả là nói gì đúng đấy.

Hai tuần sau đó, Bizet tới thăm gia đình Halevy và ngạc nhiên khi bị đón tiếp một cách lạnh nhạt. Ở thời điểm đó GS Jacques - Fromental Halevy đã qua đời được 7 năm, còn viện sĩ nhà văn kiêm nhà sử học Leon Halevy, em trai của ông, đã không khách khí mà nói thẳng với Bizet rằng: "Tôi không muốn cháu gái tôi có bạn trai!".

Bizet không thể hiểu nổi anh đã làm gì để chú ruột của Genevieve giận anh đến thế. "Đó không phải vì cậu, mà là vì Genevieve, hay nói đúng hơn, là vì bà bác dâu của nhà tôi" - Ludovic, con trai của viện sĩ, một người bạn lâu năm của Bizet, đã thầm thì vào tai anh như vậy.

Chính thông qua Ludovic Halevy nên Bizet mới biết rằng, mẹ của Genevieve bị mắc chứng thần kinh và căn bệnh này đã bị di truyền cho hai cô con gái. Cô chị, Esther, đã phải vào nhà thương điên.

Và điều cay đắng nhất là bà mẹ cứ nghĩ rằng chính Genevieve đã làm cho chị mình tìm tới cái chết. Thậm chí bà còn nghĩ là cô con gái út đã mang dây thừng tới cho chị treo cổ tự vẫn. "Tất nhiên là các bác sĩ không tin lời bác dâu tôi nói, - Ludovic nói. - Nhưng quả thực là Genevieve phải chịu gien di truyền không nhẹ nhàng gì".

Thế nhưng, càng cay đắng thế thì Bizet lại càng cảm thấy xót xa cho thân phận Genevieve hơn. Và ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai từ thời thanh niên sôi nổi lại sống dậy trong anh. Và anh quyết định sẽ không bỏ lỡ hạnh phúc thêm một lần nữa.

Anh bắt đầu tới tất cả các buổi biểu diễn mà Genevieve có mặt và làm như tình cờ gặp cô ở chỗ những người quen chung trong các buổi tiếp tân và ngay cả trên phố để trò chuyện với nhau đôi ba câu hoặc nếu may mắn thì được tiễn cô về tới cổng nhà cô...

Và Bizet đã rất kiên trì giải thích cho người thân của Genevieve hiểu rằng, là một nhạc sĩ nghèo nhưng anh không phải là kẻ săn đuổi của hồi môn. Anh cũng sẵn sàng cưới Genevieve mà không cần một xu nào cô phải mang theo. Thậm chí anh cũng sẵn sàng để Genevieve, một thiếu nữ gốc Do Thái, sau khi lấy anh rồi vẫn giữ nguyên tôn giáo cũ.

Nước chảy đá mòn, rốt cuộc là gia đình Halevy cũng đồng ý gả Genevieve cho Georges. Ngày 3/6/1869, hai người đăng ký kết hôn tại tòa thị chính quận IX, Paris. Bizet chỉ mời cha mình và hai người bạn, hai nhà soạn nhạc Charles Gaunot và Ernest Guiraud, tới dự đám cưới. "Đồng hồ đã bắt đầu đếm thời gian khác cho cuộc đời tôi" - nhà soạn nhạc cười mãn nguyện. Anh còn chưa biết rồi anh sẽ phải trả cho tình yêu này bằng cái giá nào.--PageBreak--

Việc Genevieve không biết gì trong công việc nội trợ chẳng khiến Bizet bận tâm vì anh chỉ cần thuê một người giúp việc đảm đang là xong. Nhưng oái oăm hơn cả là người vợ trẻ lại không thể ngồi một mình lúc nào được. Bizet làm gì, đi đâu, cô cũng bám theo như hình với bóng. Thậm chí khi anh ngồi vào đàn sáng tác, cô cũng ngồi bên, ngước mắt nhìn chồng không chớp. Thế thì làm sao mà Bizet làm việc được.Tháng 7/1870 bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Bizet định đưa vợ rời Paris về Bordeaux. Tại đó có ngôi nhà của mẹ Genevieve.

Bà Halevy rất vui khi con rể và con gái mình về Bordeaux. Bizet cũng hạnh phúc với cảnh hiền hòa đầm ấm gia đình. Anh thường ngồi ngoài hiên uống rượu vang và suy ngẫm hàng giờ liền...

Thế rồi một đêm bỗng vang lên tiếng thét. Genevieve hớt hơ hớt hải chạy ra ôm chầm lấy chồng: "Hãy mang em đi khỏi đây ngay, chứ không bà ấy sẽ lại khiến em như Esther". Genevieve vừa khóc vừa kể rằng, mẹ cô bị điên và chính bà ấy đã xui Esther tự tử để rồi đổ tội cho cô con gái út…

Đêm đó hai vợ chồng ngủ lại ngoài sân ga để sáng hôm sau lên con tàu sớm nhất về Paris. Thủ đô đón họ với những chướng ngại vật trên phố. Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày bất ổn ấy, nhà hát Opera Comique vẫn diễn hằng đêm và Giám đốc Camille du Locle đặt Bizet viết vở opera Djamileh dựa trên cốt truyện trường ca Namuna của Alfed de Musset.

Anh rất mừng vì có được việc làm và cũng mừng vì khi đó, vợ anh đang có mang. Anh chỉ lo là, không hiểu gien nhà vợ có ảnh hưởng gì tới đứa con tương lai của vợ chồng anh không, nếu đó là một bé gái. Dầu vậy, anh cũng không nói gì với Genevieve về nỗi lo lắng của anh...

Ngày 10/6/1872, cậu bé Jacques chào đời và mọi mối lo của cha cậu tan biến như sương khói. Có điều, trên sàn diễn thì Bizet vẫn không may mắn lắm. Vở diễn L'Arlesienne của Alfonse Daudet mà anh là người viết nhạc đã bị thất bại. Còn vở Djamileh đã chỉ diễn được 7 buổi rồi phải bỏ…

Một hôm, Ludovic Halevy cùng một người bạn khác là Henri Meilhac tới nhà Bizet chơi và khoe là đã tìm được cho anh một tác phẩm rất hợp. Đó là Carmen của Prosper Merimee. Tuy nhiên, Giám đốc Locle khi hay tin về dự án này đã phản đối: "Nhà hát của tôi là hài kịch, vậy mà các anh lại muốn để cho nhân vật nữ chết".

Henri Meilhac và Ludovic Halevy không nản chí và cùng nhau ra sức thuyết phục Locle rằng, một vở diễn mang tinh thần Tây Ban Nha sẽ rất ấn tượng. Antoine Schdan đã đổ thêm dầu vào lửa khi nói rằng ông sẵn sàng bỏ tiền ra mua bản quyền in vở. Đây là lý lẽ rất có sức nặng với ông giám đốc Opera Comique vì đó chắc chắn sẽ là một khoản tiền không nhỏ.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến lúc có tiền nhuận bút từ vở opera Carmen còn phải cần nhiều ngày nữa. Trong khi đó thì Bizet rất túng bấn. Vì không thể nhận được từ gia tài nhà vợ một xu nào nên Bizet đã phải chạy quanh Paris dạy nhạc lấy tiền về nuôi vợ con.

Mỗi giờ dạy nhạc, anh kiếm được 20 quan. Genevieve như thường lệ luôn trách chồng bỏ cô ở nhà một mình. Thế nhưng, Bizet không còn cách nào khác khi hễ cứ ráo mồ hôi là hết tiền...

Một lần, do học trò ốm nên Bizet về nhà bất ngờ. Và trước mắt anh là một cảnh tượng "ngoạn mục": Genevieve mặc đồ lót nằm trên đi văng với hộp kẹo sôcôla, còn cạnh cô là nghệ sĩ dương cầm Jules - Elie Delabord, vừa mới được xếp vào chức giáo sư Nhạc viện Paris. Đó cũng là chức mà một tháng trước đây, người ta đã hứa để cho Bizet vào...

Bizet tức giận sập cửa lại đi ra phố. Ra là vậy! Trong lúc anh tất tả ngược xuôi đi kiếm từng 20 quan một thì vợ anh ở nhà đã tìm ra thú vui riêng thực "bổ ích"!

Tối đến hai vợ chồng đã cãi nhau một trận tanh bành và từ hôm đó, Genevieve không cho chồng vào phòng ngủ với mình nữa. Thế cũng tốt, vì nhờ vậy mà Bizet có thời gian đêm đêm ngồi soạn nhạc cho vở Carmen. Làm sao để nó được dựng càng sớm càng tốt vì anh đã bí tiền quá rồi.

Ngày 3/3/1875, cả giới tinh hoa Paris đều có mặt ở đêm công diễn Carmen. Nhà soạn nhạc vì quá xúc động nên đã náu mình ở góc cánh gà kín đáo nhất. Màn một bắt đầu và Carmen bước ra hát khúc "Habanera". Và tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Bizet lau mồ hôi toát đầy trên trán. Có lẽ mọi việc cũng không đến nỗi nào. Ở đầu màn hai, khán giả có vẻ như đồng tình với các khúc hát của các Toreador (đấu sĩ). Tới màn ba, trong khán phòng đã vang lên những câu thì thào, húng hắng ho... Màn tư, trong khán phòng lặng như tờ. Khi vở diễn kết thúc và tấm màn nhung buông xuống, Bizet nhìn vào khán phòng: một khoảng trống mênh mông!

Nhà soạn nhạc thất thểu đi về lối cửa sau. Ông giám đốc gượng cười bảo: "Tôi đã nói với anh rồi mà, đây không phải cốt truyện dành cho một nhà hát hài kịch. Khán giả làm sao chấp nhận được một cô Carmen như thế. Một phụ nữ lăng loàn chạy từ vòng tay anh chăn la tới vòng tay chàng du đãng rồi tới vòng tay đấu sĩ!".

Đúng khoảnh khắc đó, trước mắt Bizet là cảnh Genevieve đang kiêu hãnh sánh đôi cùng Delabord. Trong tay nàng là bó hoa hồng to tướng. Tới chỗ chồng, nàng hờ hững rút một bông trao cho anh...

Bizet đi bộ về nhà. Cạnh anh là hai người bạn, Henri Meilhac và Ludovic Halevy, cũng thất thần như thế.

Thất bại của đêm công diễn Carmen đã trở thành chủ đề đàm tiếu của cả nước Pháp. Báo chí không tiếc lời rủa xả. Dầu vậy, Bizet vẫn đủ lòng dũng cảm để tới xem đêm diễn tiếp theo.

Đêm đó, nhân vật Jose lại để quên con dao găm ở trong cánh gà. Và tới thời điểm cần rút dao ra để hạ sát Carmen, anh chàng diễn viên cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Không kiềm chế được nữa, Bizet hét to: "Không có dao thì cứ bóp cổ cô ta đi!". Khán giả cười phá lên ầm ĩ...

Ngày 28/5/1875, Bizet đi về vùng ngoại ô Bougival. Genevieve cũng đi theo anh. Lý do để nàng làm việc này tới sáng hôm sau Bizet mới rõ, khi thấy Delabord xuất hiện trên bãi tắm. "Ra vậy, đủ bộ ba, - Bizet cay đắng nghĩ thầm và nhìn chằm chằm vào mặt tình địch - ai sẽ đuổi ai đi đây?". Rồi anh lao xuống dòng nước lạnh tháng 5. Delabord ngập ngừng một lát rồi cũng cởi bỏ quần áo ngoài lao xuống tắm...

Sáng hôm sau, Bizet lên cơn sốt nặng. Rồi lại một cơn đau tim kéo dài tiếp nối. Khi cơn đau dịu xuống, anh cho gọi Delabord tới, chứ không cho gọi bác sĩ hay Genevieve: "Cậu hãy hứa là cậu sẽ lo cho bà vợ góa của tôi!". Rồi anh lặng lẽ nhắm mắt...

Khi bác sĩ tới, Bizet đã chết. Ở tuổi 37. Thiên tài của anh lúc đó chưa được ai công nhận…

Đám tang của Bizet được tổ chức ở Paris. Ludovic nhìn thấy những bó hoa hồng được mang tới liền nói: "Hãy bỏ hoa hồng đi, Georges rất ghét hoa hồng!". Dưới giai điệu nhạc Chopin, quan tài phủ đầy hoa trắng đã được đưa tới nghĩa trang Montmartre. Genevieve đã không có mặt trong đám tang hôm ấy.

Georges Bizet:

Nhạc sĩ Pháp. Tác giả của hàng chục vở opera, operetta, giao hưởng, tổ khúc… Sinh ngày 25/10/1838. Mất ngày 3/6/1875.

Vở opera nổi tiếng nhất của ông là Carmen. Sau thất bại ở nhà hát Opera Comique (Paris), tới tháng 10/1875 Carmen đã được diễn ở Vienna và gặt hái thành công vang dội. Nhưng phải tới năm 1883 nó mới lại được diễn ở Opera Comique. Hiện nay, Carmen được đánh giá là một trong những nhạc kịch hay nhất của mọi thời đại.

Huyền Anh
.
.