Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: “Cần chân thành và trung thực”

Thứ Sáu, 05/09/2014, 09:00

- Hồng Thanh Quang: Chắc anh sẽ đồng ý với tôi khi tôi nói rằng, không thể nào xác định được tính cách một dân tộc chỉ bằng cách đưa ra các thống kê các tính từ. Bởi lẽ, có nêu ra bao nhiêu tính từ cũng vẫn là chưa đủ, thậm chí có thể còn chưa thỏa đáng. Tính cách một dân tộc cũng như một con người được thể hiện chân xác nhất qua hành động. Và để tìm hiểu về tính cách đó thì cách tốt nhất là qua các nhân vật văn học mang tính điển hình. Theo anh, ở ta, có thể tìm ra những nhân vật văn học mang tính điển hình như thế không trong các tác phẩm văn học?

- Nguyễn Hòa: Đúng vậy, xác định tính cách một dân tộc qua năm bảy cái gạch đầu dòng là việc của khoa học. Còn trong thực tế, năm bảy cái gạch đầu dòng ấy lại “thiên biến vạn hóa” đến mức không thể nắm bắt nếu thiếu khả năng liên tưởng, phân tích, hình dung, định tính, định danh… Chẳng hạn quan hệ huyết thống, cha ông chúng ta khẳng định: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng đồng thời cha ông chúng ta lại quả quyết: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Tại sao có quan niệm “nước đôi” như vậy? Và chỉ có được câu trả lời khi tìm hiểu cách thức tổ chức cộng đồng truyền thống của cư dân nông nghiệp lúa nước. Khoa học không có khả năng mô tả sự “thiên biến vạn hóa”, không thể mô tả trong môi trường sống cụ thể mỗi cá thể người hình thành ra sao, đã sống, suy nghĩ, giao tiếp, hành động,… như thế nào. Đó là công việc chủ yếu thuộc về nghệ thuật, như qua văn học, có thể nắm bắt và hình dung về con người với các nét riêng - chung giữa cộng đồng; có thể hình dung về một số nét tính cách của cộng đồng mà nhân vật là thành viên. Lịch sử văn học thế giới cung cấp nhiều nhân vật điển hình giúp hiểu về tính cách một dân tộc nào đó; ở Việt Nam cũng vậy, từ “người con gái Nam Xương” trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Dữ, đến Sở Khanh, Mã Giám Sinh, rồi Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ,… đều như có mang bóng dáng tính cách dân tộc trong một thời đoạn lịch sử.    

- Có ý kiến cho rằng văn học Việt Nam thành công hơn là ở việc tạo dựng nên những nhân vật tiêu cực. Thí dụ như Chí Phèo của Nam Cao chẳng hạn? Anh có nghĩ rằng Chí Phèo là nhât vật mang những nét tính cách điển hình của một bộ phận không nhỏ người Việt không? Vì sao?

- Oái oăm là ở chỗ: chính “ý kiến cho rằng” ấy lại có phần chính xác! Hôm nọ sang Đức, tôi gặp một anh người Việt sống ở đó đã mấy chục năm. Trò chuyện với anh, tôi liên tưởng tới Chí Phèo và nhân vật truyền hình mà cố nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn thủ vai. Người bé nhỏ nhưng lại nói rất to, áo phanh ra như để “khoe” bộ sườn giống phím đàn organ, đầu đội mũ vải dúm dó, chân tay khuỳnh khoàng, uống rượu như uống nước lã, giọng điệu ngang tàng bất cần đời… Nghe kể thì anh sống và cư xử rất tốt với bà con người Việt, nhưng mấy vị “đầu trọc” lại ngán. Có việc gì liên quan đến cánh “đầu trọc”, nhờ thu xếp là anh một mình đến gặp họ, khua chân múa tay văng tục mấy câu tiếng Đức “bồi”, thế mà cánh “đầu trọc” lại nể, xuống nước! Xem ra cái nét gì đó na ná “Chí Phèo” lại có vẻ rất đắc dụng! Kể như vậy để thấy sự liên tưởng của tôi có nguồn gốc từ một sản phẩm tinh thần có tính khái quát rất cao của Nam Cao. Chí Phèo thể hiện một cách sinh động một số nét tính cách của người Việt không chỉ tồn tại trong thời đại Nam Cao, mà thời nay chúng ta vẫn gặp đâu đó. Sự trải nghiệm, khả năng quan sát, khái quát, đặc biệt là tài năng, đã giúp Nam Cao định tính được một kiểu loại người rồi “đặt tên” cho nó. Tôi nói là khái quát vì khó có thể gặp một Chí Phèo cụ thể trong cuộc đời, nhưng một hay vài nét nào đó của Chí Phèo thì vẫn có thể gặp, vì thế Chí Phèo trở thành điển hình.

- Anh đánh giá thế nào về hình tượng Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng? Theo anh, trong xã hội đang vận hành theo cơ chế thị trường hiện nay, những nét tính cách nào của Xuân Tóc Đỏ đang trở nên ngày một thịnh hành hơn? Chúng ta có thể làm gì để hạn chế được tác hại của những Xuân Tóc Đỏ đời mới?

- Với nỗ lực có tính lưu manh, Xuân Tóc Đỏ đã đi tới chỗ được xã hội mà anh ta là thành viên trọng vọng. Việc “Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà; lấy sấu các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm vui. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, bán cao đơn hoàn tán trên xe lửa, chạy rạp hát, và với ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nên nó một đứa hoàn toàn vô giáo dục, nhưng tính nó quái lắm, thạo đời lắm”... được coi là “vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc”, hoặc bà Phó Đoan được trao mấy chữ “tiết hạnh khả phong” đã chứng minh điều Emin Zola cho rằng, đó là “tấn kịch thực sự của con người giữa những sự giả dối buồn cười”! Nói cách khác thì lưu manh, giả dối đã tìm được môi trường để sinh sôi nảy nở. Đọc Số đỏ thấy buồn cười song tôi tin nhiều người cũng sẽ thấy buồn người. Nếu kinh tế thị trường hoang dã với lối kinh doanh chụp giật, đỏ đen, mánh lới, hàng giả,… lại kết hợp với một số trọc phú trước khi xông vào thương trường lo chuẩn bị túi đựng tiền hơn là lo chuẩn bị túi đựng văn hóa, cùng với một số chức sắc lo “kiếm ghế”, “giữ ghế” hơn là lo cho dân thì đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho kiểu tính cách như Xuân Tóc Đỏ ra đời. Câu hỏi của anh làm tôi liên tưởng tới trò giả trang, ở đó mỗi người đều giấu mình dưới hình hài của một trang phục nào đó. Nhưng nếu giả trang vào ngày hội thì đấy là niềm vui, còn nếu lại diễn ra trong cuộc sống thì đó là cơ hội cho sự dối trá cùng mấy lời “đãi bôi” lên ngôi. Muốn kiểu người như Xuân Tóc Đỏ không có đất sống, chỉ có cách duy nhất là cả xã hội phải biết sống một cách chân thành và trung thực.

- Theo anh, thực trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận, có thể là không nhỏ, trong xã hội hiện nay có phải bắt nguồn từ việc chúng ta không lường trước được những hệ lụy nghiêm trọng của cơ chế thị trường đối với cách hành xử của con người nên đã không kịp thời xây dựng các hệ thống tiêu chí phòng ngừa? Nhiều việc mà chúng ta làm trong lĩnh vực này hóa ra vẫn chỉ là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”...

- Tôi nghĩ, các hệ lụy từ kinh tế thị trường là có thật và tình trạng chưa chuẩn bị tâm thế để bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thị trường không phải là hư cấu, nhưng quy các vấn nạn mà xã hội đang phải đối diện cho kinh tế thị trường là chưa sòng phẳng. Như cha ông bảo: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, có lẽ cần nhìn nhận về mình trước khi nhìn ra xung quanh. Ví như khi tắc đường, nếu bạn và tôi biết nhường nhau, chịu khó chờ đợi một chút, đường sẽ sớm thông; còn nếu tôi cố gắng vượt lên trước bạn chỉ nửa bánh xe máy, là tôi và bạn cùng tắc rồi cả hai đều ngóng cổ lên phía trước: “Thằng nào làm gì để tắc đường thế nhỉ?”, trong khi chính tôi và bạn cũng là tác nhân gây ách tắc cho người đi sau! Thời chiến tranh, có bậc cha mẹ rất xấu hổ vì có con “B quay”, và dù xã hội vẫn có chị mậu dịch viên hách dịch, có chị kế toán và ông đội trưởng sản xuất tính điểm gian lận cho xã viên,… nhưng không vì thế làm xã hội phải đối mặt với các vấn nạn. Khi đó, mục đích hành động của toàn xã hội rất cụ thể, thống nhất, hệ giá trị để xã hội - con người đạt tới mục đích cũng cụ thể, thống nhất. Lương tri, trách nhiệm và cả sự chặt chẽ của kỷ luật thời chiến buộc mọi người phải gạt sang một bên một số nhu cầu cá nhân, tính xấu phải giấu đi hoặc tự giác triệt tiêu. Và như thế, sẽ dễ ngỡ rằng các giá trị này tiếp tục có ý nghĩa khi lịch sử thay đổi, và đó là cách nhìn siêu hình. Đáng tiếc là dường như chúng ta không nhận ra, để rồi tập quán xã hội thời chiến và thời bao cấp đeo bám cuộc sống, tới khi các điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội thay đổi thì không kịp hình thành một tập quán sống mới, đẩy tới tình trạng nhiễu loạn giá trị, có thể làm một số người mất phương hướng.

Thợ điêu khắc gỗ thế kỷ 19.

- Có ý kiến cho rằng, việc chúng ta trong không ít trường hợp đã mặc định những tính từ tốt đẹp qua một số danh từ đã làm cản trở cuộc đấu tranh làm trong sạch xã hội. Vì thế, tiếng là không có vùng cấm nhưng hóa ra vẫn có vùng cấm... Anh nghĩ thế nào về ý kiến đó?

- Việc chúng ta mặc định một số đức tính tốt đẹp của dân tộc qua một số danh từ không cản trở việc chúng ta đấu tranh làm trong sạch xã hội. Chí ít thì mặc định đó cũng là khái quát, khẳng định các phẩm chất tốt đẹp mà cha ông phải đổ mồ hôi và xương máu mới có được, đồng thời cũng là góp phần xác định các tiêu chí giúp chúng ta hướng tới. Vấn đề là ở chỗ, không phải bất cứ người Việt Nam nào sinh ra cũng mang sẵn trong mình các đức tính tốt đẹp, muốn có phải thâu nạp, rèn giũa để biến các đức tính này thành tài sản tinh thần của chính mình, từ đó hành động nêu gương với người đi sau. Tôi và anh đều muốn con mình chịu khó đọc sách, nhưng hai ông bố lại chẳng bao giờ ngó ngàng sách vở, xểnh ra là tụ tập bát ngát bia rượu, liệu điều chúng ta muốn có giá trị hay không? Còn cái gọi là “vùng cấm”, tôi nghĩ không phải là điều ghê gớm, nhất là với văn học. Sứ mệnh của văn học đâu phải chỉ nhận thức, phản ánh những điều xấu xa, còn nhận thức và phản ánh cả những điều tốt đẹp nữa chứ. Trên thế gian này, không thể tìm đâu một dân tộc, một quốc gia lại phát triển chỉ bằng những điều xấu. Mà cả khi văn học viết về điều xấu thì cũng là để chia sẻ, đồng cảm, thức tỉnh con người và cảnh báo xã hội, chứ không phải hằn học bới móc, bêu riếu, chửi bới,… Chắc Hồng Thanh Quang không thể tìm được tác phẩm nào viết từ sự hằn học bới móc, bêu riếu, chửi bới mà tồn tại như tuyệt tác! Phê phán cái xấu, vạch rõ căn nguyên, bản chất cái xấu, giúp con người xa lánh cái xấu và lại chứa đựng và vun đắp cho mầm thiện, hướng con người tới điều tốt đẹp,… thì chẳng có “vùng cấm” nào cả, tôi nghĩ như vậy.

- Nói cho cùng, cách hành xử của con người thực ra chỉ là phương thức tự bảo vệ mình đối với các điều kiện của môi trường sống. Và nếu con người phải bộc lộ nhiều nét tiêu cực trong hành xử thì có lý do không nhỏ ở sự xuống cấp của xã hội. Tất nhiên, và ngược lại cũng thế. Anh có thể nói gì về câu chuyện này?

- Tôi nghĩ tự vệ chỉ là một phương diện, bởi nhiều khi hành xử của con người còn là kết quả của tình trạng muốn phóng chiếu khát vọng hoặc tham vọng của cá nhân vào xã hội; rồi từ khát vọng hay tham vọng mà người ta tìm ra phương thức hành xử tương ứng. Hình như khi đi tìm căn nguyên tình trạng xuống cấp, chúng ta ít quan tâm đến vai trò của con người. Nếu coi con người là chủ thể của xã hội thì sự xuống cấp của xã hội có nguồn gốc trước hết từ sự tha hóa con người, sau đó là việc xã hội tạo điều kiện để sự tha hóa có cơ hội hoành hành. Tôi lái xe ẩu, vi phạm luật giao thông. Là người có ý thức, tôi sẽ chịu phạt, chịu tạm giữ bằng lái; nhưng thiếu ý thức thì tôi nghĩ đến “phong bì” cho người có liên quan; khi người liên quan nhận phong bì, nghĩa là họ cũng tha hóa như tôi. Một hệ thống con người bị tha hóa mới làm nên một xã hội bị tha hóa. Nên cá nhân tự ý thức chỉ là một mặt của vấn đề, mặt quan trọng nữa là vai trò của pháp luật, của người thực thi pháp luật.

- Cụ Phan Chu Trinh từng nói đại ý rằng, dân tộc ta luôn có hai đặc tính cực đoan trái ngược nhau (chữ cụ Phan dùng là “phản đối” nhau). Chính vì thế nên đi kèm theo hình tượng Thạch Sanh bao giờ cũng có hình tượng Lý Thông. Anh nghĩ thế nào khi có người nói rằng cơ chế thị trường là mảnh đất màu mỡ để nở rộ hơn hiện tượng “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”?

- Dường như các cặp phạm trù đẹp - xấu, lương thiện - bất lương, hay - dở,… luôn tồn tại song hành trong cuộc sống con người và bao giờ con người cũng hướng tới cái đẹp, sự lương thiện, điều hay,… Tôi cũng nghĩ đến sự cực đoan trong hành xử của người Việt, và tôi thấy chủ yếu là từ cảm xúc, suy nghĩ cảm tính mà ra. Hồi làm đường dây 500KV và Đường Hồ Chí Minh, bao nhiêu ý kiến xì xào phản đối. Đi trên Đường Hồ Chí Minh nhiều lần, lần nào tôi cũng thấy thay đổi. Dân cư ngày càng nhiều hơn, nhà cửa, các công trình ngày càng nhiều hơn. Con đường đã cho thấy rõ giá trị đối với sự phát triển. Gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án xây dựng đường xe điện ngầm, lập tức có người ta thán… cây cổ thụ bị chặt! Tắc đường thì kêu ca, làm đường mới thì ta thán cây bị chặt, liệu đó có phải kết quả của suy nghĩ lý tính? Quan sát và tổng kết tôi thấy có lẽ lối quan niệm, suy nghĩ nhảy từ “cực” này sang “cực” kia đã trở nên “thâm căn cố đế” trong tư duy của người Việt? Sự thay đổi dựa trên cơ sở phân tích lý tính, khoa học vẫn còn chưa lường hết được hậu quả, huống hồ sự thay đổi chủ yếu dựa trên cảm xúc, cảm tính. Với lối suy nghĩ dựa trên cảm xúc, cảm tính, người Việt đi vào kinh tế thị trường - lĩnh vực chúng ta chưa có mảy may kinh nghiệm, càng chưa được trang bị cơ bản về lý thuyết, nên nhiều người trong chúng ta ngỡ kinh tế thị trường là được làm ăn, kinh doanh thoải mái, muốn làm gì thì làm. Giống như mấy vị lái ôtô bằng thói quen của người đi xe máy, đường đông hay bị tắc là phóng luôn lên vỉa hè; hình như một số người cũng đang “chơi chứng khoán” bằng thói quen của người “chơi xổ số”! Và đúng là kiểu quan niệm kinh tế thị trường hoang dã ấy đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho những “ông bà Lý Thông lên ngôi”!

Nhân vật Xuân Tóc Đỏ (giữa) trong phim Trò đời.

- Cá nhân tôi không nghĩ rằng việc nêu ra các thói hư tật xấu của người Việt lại có tác dụng gì nhiều trong việc sửa đổi tính cách của đồng bào ta, vì rõ ràng là một trong những “gót chân Asin” lớn nhất của chúng ta là dễ tự ái. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh mà nhìn nhận, nếu chúng ta biết rõ hơn được các điểm yếu chung thì có nghĩa là chúng ta sẽ có thêm cơ hội để cải thiện, hoàn thiện chính bản thân mình. Theo anh, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn hoá, anh có thể nêu lên những nhận định tổng quát nhất của mình về đặc tính Việt hiện nay không, cả những nét tiêu cực lẫn tích cực?

- Nếu chỉ chăm chăm đi tìm thói xấu của dân tộc mà bỏ qua các điều tốt đẹp thì đó cũng là một thói xấu! Mà với người Việt cụ thể, có lẽ vì thiếu khả năng biết lắng nghe nên nói về thói xấu của người khác thì dễ, nếu ai đó chỉ ra thói xấu của chính mình là nổi khùng lên ngay. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa bỏ qua không nói về thói xấu, mà cần chỉ đích danh để khắc phục. Hồng Thanh Quang chẳng cần tìm đâu xa, cứ đọc trong Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan là có thể nhận diện gần như đầy đủ. Hồi nhỏ, không hiểu câu “Ghét đào đất đổ đi” là gì, tôi hỏi mẹ. Bà giải thích: Ghét đến mức miếng đất người mình ghét đã đứng lên cũng phải xúc đổ đi. Nhớ lại vẫn thấy ghê, ghét đến mức đó là cùng! Gần đây, thấy các bạn trẻ dùng chữ GATO để bàn tán việc gì đó, tôi cũng tò mò. Lúc đầu, tôi nghĩ đấy là “bánh ga tô”, nhưng văn cảnh lại chẳng dính dáng đến bánh trái. Mãi sau tôi mới biết, GATO là viết tắt của “ghen ăn tức ở”! Tôi cười, tán thưởng. Cười vì lý thú, tán thưởng vì như vậy các bạn trẻ cũng nhận ra và định danh một thói xấu, nhưng họ nhận ra và định danh theo cách của thế hệ họ. Đó là điều cần khuyến khích, đồng cảm. Ở thời điểm hiện tại, tôi thấy người Việt Nam đã bắt đầu thẳng thắn hơn, dám nghĩ và dám làm, nhiều người trẻ đang nghĩ đến thực học chứ không chỉ đến kiếm cái bằng; khi hiện tượng vô cảm bị lên án gay gắt và gặp các bạn trẻ hễ có thời gian là lại rủ nhau quyên góp để đi làm từ thiện trên mọi miền đất nước mà không khoa trương, tôi nghĩ tình người vẫn giữ vị trí ưu thắng… Còn thói xấu ư, đáng tiếc theo tôi là hơi nhiều. Quá nhiều trong chúng ta đang sống ích kỷ theo lối “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”; quá nhiều người trong chúng ta đang xem thường văn hóa và tri thức, hoặc coi văn hóa và tri thức chỉ như “đồ trang sức”; quá nhiều người trong chúng ta đang kinh doanh theo lối “bóc ngắn, cắn dài”; quá nhiều người trong chúng ta đang nói nhiều hơn làm; quá nhiều người trong chúng ta đang thiếu khả năng thẩm định, đánh giá nên đẩy tới hiện tượng “vinh danh một số giá trị giả”; và quá nhiều người trong chúng ta không coi trọng việc noi gương tốt cho thế hệ trẻ, mà đôi khi còn tự làm cho mình trở thành tấm gương “mờ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng…  

- Có ý kiến cho rằng, việc chúng ta quá kiên quyết trong đấu tranh nhằm xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân rốt cuộc lại dẫn tới nảy nòi mạnh mẽ hơn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Câu hỏi của anh làm tôi liên tưởng đến những nghịch lý rất oái oăm. Ở một số nước, xã hội rất phóng khoáng về “sex” thì dân số bị “già đi” vì thiếu thanh niên và trẻ em; còn ở nước dư luận ngặt nghèo về “sex” thì lại đẻ sòn sòn, dân số tăng vùn vụt! Rồi ở các nước phát triển thiếu gì máy tính, Internet, sách điện tử nhưng từ tàu điện ngầm, tàu hỏa, máy bay tới công viên, vườn hoa,… lại luôn thấy có người chăm chú ngồi đọc sách thậm chí vừa đi vừa đọc, thì ở nước đang phát triển lại hô hoán “văn học mạng” lên ngôi! Và điều Hồng Thanh Quang đưa ra cũng là một nghịch lý. Tôi nghĩ nghịch lý đó có căn nguyên từ việc chúng ta chống chủ nghĩa cá nhân nhưng chưa cung cấp cho xã hội một quan niệm cụ thể để mọi người hiểu thế nào là cá nhân, cá nhân cần quan hệ với xã hội ra sao, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ xã hội như thế nào,… Được trang bị các hiểu biết cơ bản đó, mọi người sẽ không hành xử theo xu hướng phóng chiếu ham muốn của bản thân vào xã hội, không đòi hỏi xã hội phải đáp ứng ham muốn của họ,… mà còn thấy trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội. Nói về lý thuyết thì thế thôi, chứ trên thực tế, từ góc nhìn trực quan của mỗi người, nếu chỉ thấy người có địa vị xã hội là có nhà cao cửa rộng, ôtô phóng vèo vèo, uống chai rượu bằng cả tháng lương của người nghèo,… thì thói ích kỷ, vun vén cá nhân còn có cơ phát triển.  

- Trở lại với nhà văn Nam Cao, theo tôi, có lẽ ông là một trong các nhà văn thành công nhất trong việc mô tả những đặc tính điển hình của tầng lớp trí thức Việt, không chỉ của những người sống đồng thời với ông mà cả ở sau này nữa. Những giáo Thứ trong “Sống mòn” hay nhân vật nhà văn Hoàng trong “Đôi mắt”... Anh cảm nhận thế nào về tính cách trí thức Việt qua các nhân vật của Nam Cao?

- Tôi đọc Sống mòn từ ngày còn nhỏ. Sau mấy chục năm, chi tiết lúc thầy giáo Thứ đi qua vòi nước công cộng, mấy “con sen, thằng ở” nhìn theo và bảo đại loại là nhìn thế thôi, chứ trong bụng toàn rau muống luộc, vẫn cứ ám ảnh. Cái nghèo của người thầy thời Pháp thuộc kéo dài sau mấy chục năm, đến thế hệ tôi vẫn gặp các thầy cô nghèo và an phận nghèo. Nhưng trí thức không chỉ là thầy cô giáo, mà còn là nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ,… Và nếu là trí thức đích thực thì họ thường không màng danh lợi. Hình như sự say mê khám phá, sáng tạo để cống hiến cho đời đã khiến họ không quan tâm nhiều đến nhu cầu khác và sẵn sàng chịu đựng kể cả khi nhu cầu tối thiểu không được đáp ứng? Hai nhân vật của Nam Cao mỗi người một vẻ. Người thì cam chịu, người lại thiếu đi một “đôi mắt”.      

- Ai đó đã nói rằng, trí thức là người nghĩ về người khác tốt hơn là người khác nghĩ về trí thức. Tuy nhiên thực tế ở ta hình như không phải như vậy. Ý kiến của anh? Vì sao lại có hiện tượng đó?

- Hồi còn sống, thầy tôi là học giả Đoàn Văn Chúc đưa ra một định nghĩa: “Trí thức là người có khả năng phóng vào trường trí tuệ của nhân loại một ánh sáng mới”. Tôi nghĩ đó là một đòi hỏi hơi cao, nhưng không phải là không có lý, vì lao động trí tuệ của mỗi trí thức sẽ có ý nghĩa gì nếu anh ta chỉ nghiên cứu và đưa ra mấy điều vô thưởng, vô phạt? Ở Việt Nam, hình như có quan niệm rằng, người có tấm bằng cử nhân trở lên đều là trí thức, và ai viết văn, làm thơ cũng là trí thức? Thời trước, lao động trí tuệ thường chỉ gói gọn trong việc xướng họa, viết văn làm thơ,… còn người làm công việc nghiên cứu như Lê Quý Đôn không có nhiều; lại thêm quan niệm “dài lưng tốn vải” làm cho xã hội nhìn nhận trí thức không như tư cách người sáng tạo để làm các công việc hữu ích. Có lẽ, vì trí thức đích thực làm công việc hữu ích cho mọi người, nên họ nghĩ về mọi người tốt hơn chăng? Còn trí thức lấy bằng cấp để vây vo, lòe đời, rồi viết và nói những điều “đao to, búa lớn” nhưng vô bổ thì làm sao nghĩ tốt về con người. Và con người có coi thường họ thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.      

- Vladimir Mayakovsky từng viết: “Trí thức là một từ phỉ báng”. Anh có lý giải được tâm trạng của nhà thơ Nga nổi tiếng đó khi ông phải hạ bút than thở như thế không?

- Tôi không biết Vladimir Mayakovsky viết ra điều này trong văn cảnh nào, về phần mình tôi đồ rằng, ông viết khi có sự thất vọng ghê gớm về trí thức. Từ những gì đã đọc, đã tiếp xúc, đã tìm hiểu, lý giải, và từ sự thất vọng, tôi có thể chia sẻ với ông điều này. Với một số người, tôi nhận ra tri thức chỉ là “đồ trang sức trí tuệ”, và sản phẩm mà trí thức đó làm ra có nhiều điều khôi hài, thậm chí là có hại với nhận thức chung, thì đúng là “phỉ báng” tri thức và làm xấu mặt trí thức.      

- Trí thức Việt trong bối cảnh hiện nay có thể làm gì hơn nữa để cải thiện tính cách Việt?

- Theo tôi, chẳng có gì to tát lắm đâu, nếu đã là trí thức thì hãy biết trân trọng tri thức, hãy là trí thức đích thực để có sản phẩm hữu dụng, qua đó nhận được từ xã hội và mọi người sự trân trọng...

- Xin cảm ơn anh

H.T.Q.
.
.