Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15

Thứ Hai, 22/09/2008, 10:00

Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Pháp, ông Trịnh Ngọc Thái, là một người rất am hiểu tình hình Việt kiều tại Pháp. Gần đây trong một lần gặp gỡ, tôi được ông cho biết: Cộng đồng người Việt tại Pháp phần đông là trí thức, đã sống nhiều năm, nhiều đời nơi đất khách quê người song tình cảm với quê hương, đất nước vẫn rất sâu nặng.

 

Họ bày tỏ lòng yêu nước bằng nhiều cách, có người thông qua Hội Việt kiều, có người hoạt động với tư cách cá nhân. Giáo sư Tiến sỹ vật lý Đỗ Đình Chiểu là một người như thế...

Trưởng thành trong gian khổ

Tôi may mắn có dịp được cùng cựu đại sứ Trịnh Ngọc Thái và GS Đỗ Đình Chiểu về thăm xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng Yên, quê vợ GS Chiểu). Với tư cách chủ nhà, GS Chiểu mời chúng tôi vào chùa làng Xuân Cầu, rồi đến thăm nhà lưu niệm Tô Hiệu cách đó không xa. Ông say sưa giới thiệu về nhà cách mạng Tô Hiệu và tỏ ra tự hào về quê hương của những danh nhân như Lê Văn Lương, Nguyễn Công Hoan... Điều đó khiến không chỉ riêng tôi ngạc nhiên về một Việt kiều đã hơn 50 năm xa đất nước. 

Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15 -0

GS Đỗ Đình Chiểu (bìa phải) thời kỳ học tại trường Chasseloup Laubat, Sài Gòn ngày 6/5/1954.

Đúng hẹn sáng mùng 2/9, tôi đến thăm GSTS vật lý Đỗ Đình Chiểu. GS Chiểu mở đầu câu chuyện về một vấn đề thời sự quốc tế đang khá nóng: "Hôm nay là Ngày Quốc khánh của Việt Nam. Chúng ta được sống trong một không khí yên vui nhưng nước láng giềng Thái Lan đang dậy sóng biểu tình, hỗn loạn; chưa kể những vụ đánh bom ở một vài quốc gia khác... Người Việt Nam chúng ta thật may mắn! Tôi từng là người trải qua cảnh chiến tranh, loạn lạc nên rất hiểu điều đó".

Thời ấu thơ của GS Chiểu trôi qua trong bom rơi, đạn lạc. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), làng Hòa Xá quê ông (Ứng Hòa, Hà Đông cũ) có nhiều cơ quan Trung ương về tản cư. Tháng 3/1947, trong một trận càn của quân Pháp, gia đình cậu bé Chiểu trốn xuống một hầm tăng xê ven bờ sông Đáy. Từ sáng đến xẩm tối, tiếng bom đạn nổ đì đùng khắp nơi. Đói, khát và sự sợ hãi bao trùm khiến không ai dám ra khỏi hầm, phải ngắt những ngọn cỏ quanh miệng hầm mà nhấm nháp để cố quên cái đói, cái khát cứ giầy vò. Khi trời tối hẳn, địch rút đi nhưng nhiều người dân Hòa Xá, trong đó có bà nội của Chiểu đã bỏ mình trong cảnh hoang tàn còn lại sau trận càn quét. Đây là ấn tượng sâu đậm nhất về chiến tranh đối với cậu bé Đỗ Đình Chiểu.

Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15 -0

GS Đỗ Đình Chiểu trong một tiết giảng tại Pháp.

Trong hoàn cảnh ấy, thân phụ của GS Chiểu vốn là một nhà Nho vẫn quyết tâm cho con cái được học hành. Cụ tâm niệm: "Thà để lại cho con một bụng chữ còn hơn để của cải. Sau này thành người, bán chữ mà sống!". Cậu bé Chiểu lúc này 10 tuổi, được vào học tại trường Nguyễn Huệ (mới tản cư về). Bom đạn, đói khổ không làm nản chí cậu trò nhỏ. Giữa năm 1950, người cha trụ cột gia đình mất, để lại mẹ và 3 anh em Chiểu bơ vơ; riêng người anh thứ Đỗ Trọng Đài đã đi bộ đội từ năm 1949 và không có tin tức gì (sau này, ông Đài là cán bộ được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng). Cậu bé Chiểu không được đến trường nữa, mới mười một, mười hai tuổi đã bị bắt đi phu...

Người anh cả của GS Chiểu là Đỗ Mạnh Pha, vào Nam từ năm 1936 theo người chú ruột Đỗ Trọng Cảnh (liệt sĩ chống Pháp năm 1953), nhờ chăm chỉ, học hành đỗ đạt, anh Pha được tuyển làm công chức Nha học chánh của Ủy phủ Cộng hòa Pháp. Nhận được tin dữ, năm 1951, anh Pha về đón mẹ và các em vào Sài Gòn.

Hạnh phúc lớn nhất của cậu bé Chiểu là lại được cắp sách đến trường. Sau một thời gian học dự bị, Đỗ Đình Chiểu thi vào trường Chasseloup Laubat (trường dành cho con Tây và con em quan chức người Việt tại Sài Gòn), điểm toán 10 nhưng Pháp văn 0! Sau 3 tháng thi lại, toán vẫn 10 và Pháp văn có tiến bộ hơn, đỗ vớt vào trường! Với trí thông minh vốn có, với quyết tâm cao và sự trải nghiệm cuộc đời bằng thời ấu thơ gian khó, Đỗ Đình Chiểu luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập, ba lần liền thi "nhảy cóc" và hoàn thành tú tài toàn phần khi mới 17 tuổi vào năm 1956.

Lời nguyền tuổi 15

Trong câu chuyện xúc động về những năm tháng đã qua, GS Đỗ Đình Chiểu cho tôi xem một bức ảnh được chú thích phía sau, chụp ngày 6/5/1954 tại trường Chasseloup Laubat và kể: Đúng ngày này, sự kiện Điện Biên phủ đã gần đi vào hồi kết. Trong lớp tôi, có con trai của tướng Pháp Gambiez đang có quân sa lầy ở Điện Biên phủ. Mỗi chúng tôi một tâm trạng, riêng tôi tự nhủ những người lính đã xông pha nơi trận mạc để giải phóng quê hương thì bản thân mình phải học giỏi để một ngày nào đó sẽ góp phần kiến thiết đất nước. Đây là một tâm niệm, một lời nguyền của cậu bé Chiểu năm xưa, GSTS Đỗ Đình Chiểu sau này...

Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15 -0

GS Đỗ Đình Chiểu thời kỳ làm nghiên cứu sinh tại Pháp.

Với kết quả học tập xuất sắc, Đỗ Đình Chiểu được Chính phủ Pháp cấp học bổng du học tại Đại học Bordeaux; tiếp đó, ông còn học thêm một số chuyên ngành khác tại các trường đại học nổi tiếng của Pháp. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ quốc gia về vật lý năm 1972. Một điều GS Đỗ Đình Chiểu cho rằng mình rất may mắn là được học tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những người thầy nổi tiếng như các Giáo sư Louis Neel (giải Nobel vật lý năm 1970 về từ học), Pierre Gilles de Gennes (giải Nobel năm 1991 về môi trường đông đặc) và Felix Bertaut. Cả ba nhà khoa học này đều rất có thiện cảm với Việt Nam. Họ nhiệt tình truyền đạt kiến thức khoa học, ủng hộ những ý tưởng của người học trò Việt Nam nhằm giúp đỡ quê hương, đất nước.

Vào khoảng năm 1966, Giáo sư Nguỵ Như Kom Tum sang thăm Pháp. Trong một cuộc gặp gỡ với trí thức Việt kiều tại Genob, ông nói: "Bác Hồ nhờ tôi nói với các bạn rằng, các bạn đừng nôn nóng. Mỗi người một phận sự. Hãy tiếp tục học tập. Khi nào nước nhà được thống nhất, các bạn hãy trở về góp tay xây dựng Tổ quốc!". Nhớ lại 12 năm trước, khi đang học trường Chasseloup Laubat mình cũng có suy nghĩ như thế, Giáo sư Đỗ Đình Chiểu càng phấn khởi, tin tưởng vào ngày trở về Tổ quốc.

Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15 -0

GS Đỗ Đình Chiểu trong lần về thăm quê vợ (làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên, năm 2008).

Kể từ lần đầu tiên về nước năm 1979, đến nay GS Đỗ Đình Chiểu đã gần như dành nửa thời gian trong năm ở hẳn Việt Nam, tham gia các hoạt động khoa học, kết nối các chương trình giao lưu, hợp tác, hội thảo khoa học vật lý. Giáo sư TSKH Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý vẫn nhớ năm 1979, Viện Vật lý được GS Đỗ Đình Chiểu tặng 1 chiếc máy chiếu Retro Projecteur và nhiều sách, tài liệu quý hiếm về vật lý mới xuất bản ở Pháp và châu Âu. Hiện nay các loại máy chiếu sử dụng những phần mềm tiện ích hầu như cơ quan nào cũng có, nhưng thời điểm năm 1979, nó là một món quà đặc biệt quý hiếm vì lúc này cả Viện Vật lý, thậm chí nhiều cơ quan khoa học đầu ngành của đất nước cũng chưa có.

Mới đây, qua trao đổi với Giáo sư TSKH Đào Vọng Đức, nhà khoa học vật lý nổi tiếng này cho biết: "Nhiều năm qua GS Đỗ Đình Chiểu đã có sự hợp tác, giúp đỡ chặt chẽ và rất hiệu quả với chúng tôi. Trung tuần tháng 8 vừa rồi GS Chiểu có tham dự Hội nghị vật lý lý thuyết toàn quốc lần thứ 33 tổ chức tại Đà Nẵng. Giáo sư Chiểu đã tham luận về công nghệ nano, gợi mở và cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin bổ ích".

Đi đến đâu, GS Chiểu cũng luôn quan tâm tới công tác giáo dục và khoa học. Ông tham gia thuyết trình, giảng dạy tại nhiều trường đại học, trung tâm khoa học của đất nước mà không nhận thù lao với sự vô tư, trong sáng như lời nguyền của ông ở tuổi 15.

Nhà khoa học vật lý Đỗ Đình Chiểu: Lời nguyền tuổi 15 -0

GS Đỗ Đình Chiểu tại nhà riêng và tác giả (Hà Nội, ngày Quốc khánh, 2/9/2008).

Biết tôi băn khoăn về điều này, ông giải thích: Chính phủ Pháp vẫn trả lương giáo sư cho tôi; các đồng nghiệp luôn khuyến khích, ủng hộ tôi giúp đỡ Việt Nam nên tôi làm những việc đó với cái tâm của một người trí thức Pháp mang dòng máu Việt Nam. Trong đại lễ Phật đản Vesak 2008 tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trước hàng ngàn vị khách, khi Giáo sư Đỗ Đình Chiểu trong trang phục truyền thống áo dài, khăn đóng Việt Nam thuyết trình về mối tương đồng giữa vật lý và đạo Phật, khán giả đã nhiệt liệt tán thưởng. Với quê hương Hòa Xá, GS Chiểu là người thành lập và đóng góp rất hiệu quả cho quỹ khuyến học Trường THCS Hoà Xá từ năm 1999. Nguồn quỹ này, theo thầy hiệu trưởng Vũ Quang Tuyến, đầu năm học 2008 - 2009 đang có 81 triệu đồng.

Một lòng vì quê hương đất nước, điều GS Đỗ Đình Chiểu luôn trăn trở là phải làm gì để góp phần xây dựng nền khoa học Việt Nam ngang tầm với thế giới. Trong buổi sáng Tết Độc lập thiêng liêng này, Giáo sư Chiểu tâm sự: Ai cũng biết người Việt Nam mình thông minh, giỏi giang. Vấn đề là phải làm gì, tổ chức ra sao để nền khoa học nước mình theo kịp với trình độ quốc tế. Việt Nam mình đã có bước tiến dài về nhiều mặt, thế và lực đã khác trước. Nếu huy động và tổ chức để hội tụ đủ Thế (kinh tế, tri thức) - Tình (thiên thời, địa lợi, nhân hoà) - Tâm (cái tâm sáng, quyết tâm cao) thì nước mình sẽ phát triển rất nhanh. Giáo sư cũng cho biết thêm: Hầu hết bà con Việt kiều đều có tình cảm với quê hương. Họ đều mong muốn được góp sức mình dựng xây đất nước. Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể, phù hợp nhằm thu hút Việt kiều về nước, làm cho Việt kiều rất tin tưởng, phấn khởi.

Với Giáo sư Đỗ Đình Chiểu, lời nguyền ở tuổi 15 vẫn còn đó. Và ông sẽ tiếp tục góp sức mình vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.

 

Trần Duy Hiển
.
.