Nhà khoa học - nhà thơ

Thứ Bảy, 18/09/2010, 16:07
Có một hiện tượng đáng quý, hồi kháng chiến chống Mỹ, nhiều người hoạt động ở lĩnh vực, khoa học cũng say mê làm thơ. Dường như họ muốn góp tiếng nói động viên toàn dân tham gia cuộc kháng chiến. Trên báo chí và trên các đài phát thanh, xuất hiện những bút danh mới, dần dần được độc giả và thính giả yêu mến: Nguyên Linh (Nguyễn Thiện Luân), Khánh Nguyên, Trường Giang, Vương Tâm…

Một số tác giả trong đó, về sau chuyển hẳn sang lĩnh vực hoạt động văn học. Nhưng cũng có một số tác giả vẫn trụ lại ở lĩnh vực quen thuộc của mình, vừa hoạt động khoa học vừa viết văn làm thơ. Nguyễn Ngọc Oánh là một trong những người trụ lại. Anh là Phó Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế, hoạt động lâu năm trong ngành ngân hàng và được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Việt Nam.

"Anh vừa làm kinh tế vừa sáng tác văn học, có ảnh hưởng gì đến công việc?", tôi hỏi. Câu trả lời của anh: "Tôi làm nghề ngân hàng, một nghề đòi hỏi phải nhạy cảm, quyết đoán và giàu ước mơ… Điều này gắn với thơ. Hằng ngày sống với những con số, những tư duy chính xác, có bản lĩnh trong quản lý và kinh doanh, càng cần đến thơ… Thơ như của nhặt được, nhiều khi tự dưng mà có. Nàng thơ kiêu sa thường đến lúc nghỉ ngơi. Vì thế, dù bận đến đâu vẫn có thể chung sống với nàng, miễn là vẫn rung động vì nàng" (nhà văn Việt Nam, NXB Hội Nhà văn Việt Nam, 2007).

Cái điều tác giả nói "thơ như của nhặt được, nhiều khi tự dưng mà có", thực ra là cả một quá trình tư duy. Quá trình tác giả làm ngân hàng là cả một quá trình tư duy, để nàng thơ hiện ra đột ngột ở thời điểm nào đó mà mình không biết trước.

Nhà khoa học, nhà quản lý cũng phải biết mơ mộng. Nhiều danh nhân đã nhắc nhở ta điều này. Sáng tạo khoa học và sáng tạo văn học, hai lĩnh vực hỗ trợ cho nhau. Nhà khoa học mà sáng tạo văn học, không nhất thiết trong tác phẩm của mình phải có dấu vết nghề nghiệp: Làm cơ khí thì phải viết về máy móc, làm giao thông thì phải viết về con đường, về các phương tiện vận chuyển như con tàu hoặc ôtô…

Nhưng dẫu sao, muốn hay không muốn, chất liệu đời sống, trực tiếp là chất liệu trong lĩnh vực hoạt động khoa học kỹ thuật của mình, dễ để lại dấu vết trong tác phẩm văn học.

Hằng ngày tiếp xúc với tờ giấy bạc, hình ảnh tờ giấy bạc cũng ám ảnh đến Nguyễn Ngọc Oánh. Anh suy nghĩ về nó với khía cạnh nhân ái và đã viết được bài thơ hàm súc "Trước bàn tay" gói gọn trong sáu câu, cứ hai câu là một khổ:

Trước bàn tay ngửa ra/ Thấy mình thêm giàu có/ Trao món tiền nho nhỏ/ Thấy mình vừa giàu thêm/ Tờ bạc nhàu và nát/ Lành lặn hai phía nhìn…

Ngày nào Nguyễn Ngọc Oánh cũng ngồi trong một căn phòng sang trọng ở nhà Ngân hàng Trung ương, cùng với các đồng chí lãnh đạo khẩn trương điều hành công việc với hàng trăm nhân viên. Cái chính xác của nhà khoa học thường trực trong đầu. Song hành với cái chính xác ấy là cái mơ mộng của nhà khoa học đồng thời là nhà thơ.

Ngoài thì giờ hành chính, anh chăm chỉ học thêm nghiệp vụ, đọc sách, giao lưu với bạn bè. Những luồng ý nghĩ về cuộc sống, về tình người cứ thường xuyên đến với anh và một cuốn sổ trong túi anh thường xuyên ghi chép.

Trong thơ anh, đầy ắp hình ảnh và âm thanh tươi non của thiên nhiên: Ve ngân réo rắt/ Rung vòm trời xanh/ Tìm ve chỉ thấy/ Một vùng âm thanh (Ve lột vỏ II).

Xuống làm việc với các cơ sở chi nhánh ngân hàng cũng là dịp anh tích lũy thêm kiến thức và tình cảm với xã hội. Một công hai việc. Lên các tỉnh miền núi, anh phát hiện ra cái sức sống vô tận của rừng núi: Ngỡ như hút kiệt nước rồi/ Rừng sinh thủy, thác lưng trời mãi reo (Sổ ghi chép).

Ở Hà Nội, anh chắt chiu lắng nghe được hơi thở mãnh liệt của đất trời: Trong nhà sương lạnh buốt phên/ Ngoài vườn quất đã thắp đèn chờ xuân (Sổ ghi chép). Và anh cảm nhận được cái mong manh của cái đẹp để nhắc nhở mọi người phải giữ gìn: Lộc vừng chập tối nở hoa/ Sáng ra vừa chạm tiếng gà đã rơi (Sổ ghi chép).

Về đến Hà Nội, hình ảnh núi rừng vẫn quấn quýt với anh. Anh sắm sẵn một cái võng dù, thỉnh thoảng lại mắc võng trên hai cây ngoài sân để đu đưa. Âm thanh và hình ảnh núi rừng lại hiện lên tưng bừng: Tiếng chim mắc võng ru ta/ Thiên Sơn tắt nắng, suối Ngà trăng lên (Thiên Sơn - suối Ngà). Hoa rừng đã lùi xa, anh lại thưởng ngoạn hoa vườn: Giữa đồi vương vấn hoa xoan/ Tím sân, tím ngõ, tím làn hương đêm… (Hoa).

Dẫu ở núi rừng, ở đồng bằng, hay thành phố, tâm hồn nhà thơ tràn ngập hương hoa. Thiên nhiên luôn luôn ấp iu và làm nảy nở trong hồn những ý thơ tươi non: Cái đuôi của chú chìa vôi/ Quệt vào nỗi nhớ của tôi, suốt chiều… (Vườn xưa), Đầu nguồn nước nặng tiếng chim/ Cuối sông nước nặng nỗi niềm phù sa (Tản mạn nước). Và không thể không gợi nhớ hình ảnh lầm lũi và vất vả của người mẹ: Gót chân nứt nẻ đông hè/ Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân… (Mẹ).

Quan hệ với môi trường sinh thái, đối với Nguyễn Ngọc Oánh, không chỉ là quan hệ thân thiện, mà là quan hệ ân tình, quan hệ nghĩa tình: Nợ trăng thì trả tiếng đàn/ Nợ nước thì trả chớp ngàn ngang mây… (Tản mạn nước). Tác giả dùng chữ "nợ", nhưng ở đây không đơn giản là chuyện nợ nần, trả vay, mà trong đó chứa đựng một nỗi niềm âu yếm.

Chả thế mà anh luôn luôn giữ tình cảm đằm thắm với làng quê mình sinh trưởng. Dù bận đến mấy, anh vẫn tranh thủ thời gian về thăm gia đình, thăm bà con và bạn bè. Bài "Thăm bạn" chỉ có bốn câu, 20 chữ, nhưng thật là xúc động, bộc lộ tình cảm thủy chung da diết với bạn thuở ấu thơ: Tháng năm xanh ai đốt/ Tàn tro bay trắng đầu/ Về quê thăm bạn cũ/ Mây bồng bềnh mắt nhau.

Mảng thơ tình yêu nam nữ của Nguyễn Ngọc Oánh cũng có những nét độc đáo. Cái độc đáo ấy không nằm trong câu chữ cầu kỳ hoặc trong những ý tưởng bí hiểm, mà là những rung động trong cuộc sống thường ngày: Vòm trời se lạnh rộng thênh/ Để ai mượn cớ nép mình vào ai (Sapa mùa trăng)… Em như nước mặn dư thừa/ Để anh cháy khát giữa trưa nắng nồng (sổ ghi chép).

Các nhà thơ thường viết về tình yêu. Nguyễn Ngọc Oánh cũng vậy. Dường như đó là cốt lõi tình cảm của mỗi người. Nhưng Oánh không bị cái bệnh mòn sáo, anh chịu khó tìm tòi hoặc trong nội dung ý tưởng hoặc trong cách thể hiện: Đã yêu, buột miệng rằng "không"/ Lòng tôi bỗng nổi cơn giông bời bời/ Cách chi buộc lại gió trời/ Để tôi nhặt lại đôi lời nhỡ buông (Nhỡ buông).

Đang thời yêu đương sôi nổi, mấy ai mà tránh được những lúc bồng bột như thế, nhưng đã mấy ai thốt ra được thành lời thơ. Đây là bài thơ "Giáo phái" ghi "tặng Trâm" chính là vợ tác giả: Muốn cùng em lập một giáo phái không tên/ Mà giáo chủ là em yêu tha thiết/ Trái tim anh là thánh đường bất diệt/ Và tình yêu là thánh ca không lời…. Tiếng chuông thánh thót bên trời/ Con chiên ngoan đạo một đời là anh. (Giáo phái).

Nhà của Nguyễn Ngọc Oánh ở thị trấn Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên). Về hưu, anh lập một vườn thơ tại sân gác thượng, đặt tên là "Thi Viên Các". Có cây cổ thụ mọc từ dưới đất, xõa bóng cành một góc sân. Có giàn mướp. Có nhành phong lan. Và có những chậu trồng rau sạch, vừa là chậu cảnh vừa tự túc rau cho các bữa ăn… Đây là nơi tiếp khách và tiếp các bạn thơ thật thú vị.

Trời nắng thì ngồi dưới bóng cây, phe phẩy gió nồm. Trời lạnh mùa đông thì ngồi sưởi nắng. Không mấy khi vắng bóng người. Khách từ Hà Nội sang. Khách từ Huế, từ TP HCM ra… Tiếng chim líu ríu hòa với tiếng người. Thỉnh thoảng các chú khách tí hon hàng xóm rủ nhau tới múa hát đồng dao rộn rã một vùng phố xá… Các chú lại mang theo nắm gạo, rải trên sân, chim sà xuống nhặt, rồi rào rào bay lên hót vang cả một vùng trời…

Mảnh vườn vừa dân dã vừa nên thơ. Tác giả cao hứng, đề tặng "Thi Viên Các": Giàn mướp sẻ đến gửi con/ Suốt ngày chiêm chiếp nhuộm non da trời (….) Cành lan lấp ló mé tường/ Ai buông vào nắng chùm hương lạ lùng…

Võ Văn Trực
.
.