Nhà giáo - Tâm nhàn trí không nhàn

Chủ Nhật, 05/07/2009, 08:51
Đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Phan Cự Nhân, một nhà giáo mẫu mực, một nhà khoa học tận tụy với nghề suốt 45 năm ở Đại học Sư phạm Hà Nội, gắn bó với ngành công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp ở nước ta.

Quê ông ở làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu), một làng nằm ven biển miền Trung, đã hình thành trên 620 năm, nổi lên như một địa danh văn vật sáng chói của xứ Nghệ. Đất Quỳnh Đôi đã sinh ra nhiều văn nhân, kẻ sĩ, những sĩ phu đỗ đạt cao, nổi tiếng trong cả nước, là vùng đất có truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng. Công bằng mà nói, truyền thống hiếu học không chỉ có đất Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu. Nhưng ở vùng địa linh này có đặc trưng riêng: hiếu học đi đôi với khổ học. Nhà giàu, nhà đủ ăn cho con đi học đã đành; nhà nghèo, thậm chí rất nghèo "sáng khoai, trưa khoai, tối khoai" cũng có tâm lý muốn con bằng người, con học giỏi là vinh hạnh cho cha mẹ, dòng họ.

Ngạn ngữ vùng này có câu: "Nửa bụng chữ bằng nửa hũ vàng", biểu tượng lòng ham muốn học thức của người dân. Thời trước, học để làm quan phụng sự các triều đại, học để mở mang dân trí, phục vụ dân sinh, học còn là nghề để kiếm sống. Hình ảnh ông đồ xứ Nghệ người Quỳnh Lưu mang tráp chứa đầy bút nghiên, sách thánh hiền đi khắp các vùng quê đem cái chữ đến với dân nghèo còn đọng lại trong tâm trí dân giàu về sự ham học, sự hay chữ: "Bắc - Hành Thiện, Hoan Diễn - Quỳnh Đôi". Chính từ cái nôi chiều dày văn hóa này đã sinh ra gia đình cụ ông Phan Duy Triệt, cụ bà Nguyễn Thị Dâu có ba con trai đều là giáo sư, trong đó có hai viện sĩ, hai nhà giáo nhân dân, GS Phan Cự Nhân là anh cả.

Thời trai trẻ của Phan Cự Nhân thật xứng đáng danh hiệu nhà giáo - chiến sĩ. Năm 1950, mới ngoài 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, được kết nạp Đảng, ông đã xung phong, vượt Trường sơn, băng qua những đỉnh đèo hiểm trở Ba Rền U Bò vào chiến trường ác liệt Bình - Trị - Thiên, nhận trách nhiệm giảng dạy và làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Thế Hiếu. Trường đóng tại chiến khu Cùa (Quảng Trị) và là trường trọng điểm của tỉnh. Nhớ lại thời kỳ hào hùng đó, chúng tôi đang ở tuổi 15 - 17, khi mới học xong năm đầu bậc trung học cơ sở thì có nguy cơ không học lên được vì thiếu thầy. Thiếu trường, lớp thì học ở nhà dân, hoặc dựng bằng tre, lá; thiếu học trò thì có thể chiêu sinh ở khắp tỉnh, kể cả vùng bị tạm chiến, nhưng thiếu thầy làm sao đây? Bỗng nhiên như một vận may, một đoàn giáo viên trẻ măng cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, trong đó có Phan Cự Nhân, Hồ Đình Lư, Phạm Viết Trinh… được coi như những vị cứu tinh trong việc hình thành hệ trung học của Trường Lê Thế Hiếu.

Tôi không sao quên được gương mặt của những người thầy nói giọng Nghệ, vai đeo ba lô đầy sách trong bộ áo quần nâu dã chiến với chiếc mũ lá rộng vành, chân đi dép cao su lại làm nhiều việc tày trời thời chiến để giữ cho ngọn lửa kiến thức tỏa ấm đến lớp học sinh đang thiếu chữ. Bấy giờ, gian khổ, thiếu thốn chưa phải là cái ăn, cái ở, mà chính là những lần địch từ Cam Lộ đi càn vào Cùa, pháo tầm xa bắn từ Đông Hà lên, những đợt ném bom thiêu cháy cả trường lớp. Những lần như vậy, thầy Nhân, thầy Lư cùng chúng tôi vào rừng chặt tre, nứa, dựng lại lớp học - ngoài những giờ chính khóa, chúng tôi còn có nhiều hoạt động ngoại khóa: sinh hoạt văn nghệ, viết báo tường, đi về các xã vùng đồng bằng tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp, dạy bình dân học vụ, tham gia các buổi mitting, đốt lửa trại, luyện tập quân sự, hành quân dã chiến về đến tận các xã Cam Thuỷ, Cam Mỹ, Triệu Sơn, cách vùng tạm chiếm chỉ vài cây số v.v… Nhiều năm sau, gặp nhau ở Hà Nội, ông tâm sự: "Những năm ở chiến trường Quảng Trị thời chống Pháp là những tháng ngày đẹp nhất của đời mình".

Mới đó mà đã gần 60 năm. Bây giờ nhiều học trò của thầy Nhân đã thành danh, nhiều người được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, có học hàm, học vị cao và có những đóng góp hữu ích cho đất nước. Nói đến con đường khoa học của GS. Phan Cự Nhân, tôi tấm đắc hai điều: Phương pháp luận và trình độ ngoại ngữ được ông coi là xương sống của nghiên cứu khoa học.

Không có phương pháp luận biện chứng và đúng hướng, không có ngoại ngữ tốt thì nhà khoa học chẳng khác nào người lính thiếu vũ khí. Anh có thể có tinh thần cao, thừa lòng dũng cảm, nhưng chiến đấu không có hiệu quả. Phương pháp luận của Phan Cự Nhân được thể hiện ở các phương pháp nhỏ: lý thuyết gắn với thực tiễn; nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả; vừa tập trung điểm vừa mở rộng diện; vừa tham bác tài liệu nước ngoài, vừa không quên những vấn đề đặt ra ở cơ sở sản xuất trong nước v.v…

Năm 1970, ông là một trong ba người đầu tiên làm luận án tiến sĩ ở trong nước giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt. Luận án tiến sĩ đối với một nhà nghiên cứu khoa học xã hội thì chỉ cần có sách tạm gọi là đủ. Còn luận án của nghiên cứu sinh Phan Cự Nhân về di truyền học ở động vật, phải sử dụng phương pháp điện di nghiên cứu các chỉ tiêu di truyền sinh hoá protein huyết thanh, sữa kiểu hermoglobin để vận dụng vào việc nuôi giống bò sữa ở nông trường Ba Vì, thì đâu chỉ có sách vở, tư liệu nước ngoài! Ngoài ra còn phải chuẩn bị thiết bị, máy móc, hoá chất quý hiếm, đặc hiệu, mà các thứ này thì không đào đâu ra ở trong nước, nếu nghiên cứu sinh không có ý thức chuẩn bị từ trước khi còn là thực tập sinh ở Đại học quốc gia Matxcơva. Tiếp theo là việc trao đổi kinh nghiêm với các phòng thí nghiệm các viện, các trường đại học trong nước, trong đó có việc trao đổi giấy điện di, sắc ký với phòng sinh hoá Bệnh viện Bạch Mai.--PageBreak--

Quá trình làm luận án tiến sĩ với các thủ tục khoa học ở Phan Cự Nhân cũng có điều đặc biệt, đòi hỏi ý chí, nghị lực. Nghiên cứu sinh không có thầy hướng dẫn khoa học, đã thế có người lại đòi hỏi quá cao về một luận án bảo vệ trong nước vào thời chiến. Trước tình hình đó, ông phải viết luận án và tóm tắt luận án (bằng tiếng Nga) gửi ra nước ngoài, xin nhận xét thẩm định của các giáo sư danh tiếng như GS. Mackurieva (Đại học Lômônôxốp), GS. Anouler (Viện Thú y quốc gia Liên Xô), GS. Đubinin (Viện Di truyền học đại cương). Nhờ có phương pháp luận đúng đắn, có chuẩn bị, có bài bản, đến ngày bảo vệ, nghiên cứu sinh đã có ba bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành di truyền học, tế bào học ở Nga, Ucraina và Anh quốc.

Ngay từ những năm về công tác ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Phan Cự Nhân đã có ý thức rất sớm quan niệm: giảng dạy phải đi đôi với nghiên cứu khoa học. Cái trước vừa là mục đích vừa là phương tiện để truyền bá kiến thức cho sinh viên; còn cái sau là làm phong phú cho giáo trình, giáo án, viết sách, công bố công trình. Sau khi bảo vệ thành công luận án, Phan Cự Nhân không bằng lòng để công trình của mình nằm yên trên giá sách thư viện. Qua tìm hiểu, tôi được biết cái mới của luận án đầu tiên ở Việt Nam là việc nghiên cứu các chỉ tiêu di truyền sinh hoá máu, sữa, hermoglobin gia súc, gia cầm. Nhiều năm sau luận án được triển khai các đề tài ứng dụng như: di truyền sinh hoá của các giống vật nuôi ở bò, lợn, vịt phối hợp với nhiều cơ sở sản xuất như nông trường Ba Vì, Trại giống lợn Cầu Diễn, Xí nghiệp vịt Đại Xuyên, Công ty Gia cầm Thanh Hoá. Các kết quả luận án được viết thành sách giáo khoa cho các trường đại học và là cơ sở khởi nguồn cảm hứng sáng tạo các luận án tiến sĩ, thạc sỹ của nhiều nghiên cứu sinh do giáo sư hướng dẫn.

Trong gần nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy đại học và sau đại học, GS Phan Cự Nhân đã có 6 công trình công bố ở nước ngoài, 12 công trình ở trong nước, 17 đầu sách là tác giả, 5 đầu sách dịch về cụm đề tài di truyền học và các đề tài tiếp cận. Có được những thành tựu trên là nhờ giáo sư nắm được tương đối tinh thông ba ngoại ngữ: Pháp, Nga, Anh. Ý thức tự học cần mẫn, kiên trì, vượt khó để nắm được các ngoại ngữ trên (dù chỉ đọc được ngành chuyên sâu) đâu phải dễ. Ở đâu không biết, chứ ở nước ta về lâu dài nhà khoa học, nhà giáo mà không biết ngoại ngữ thì dễ "mù" thông tin.

Không có thông tin, không có kiến thức mới, có nghĩa là giẫm chân tại chỗ, chưa muốn nói bảo thủ, lặp lại mình hoặc bắt chước nước ngoài. Khi còn ở bậc trung học, Phan Cự Nhân đã nắm được tương đối tiếng Pháp nên việc đi vào tự học tiếng Nga, tiếng Anh cũng có phần thuận lợi. Biết ngoại ngữ, GS Phan Cự Nhân cũng không khó khăn khi tiếp xúc với các đại biểu tại các cuộc hội thảo khoa học ở nhiều nước.

Phan Cự Nhân không chỉ là người đam mê nghiên cứu khoa học, làm tròn phận sự người chồng và người cha của một gia đình hạnh phúc có các con thành đạt, mà còn là nhà hoạt động xã hội, hoạt động quản lý. GS là Phó chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, là nhà quản lý với 12 năm ở cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Đại học SP Hà Nội, Phó bí thư Đảng uỷ kiêm Phó chủ nhiệm Khoa Sinh vật trong 14 năm; chủ trì một số đề tài cấp Nhà nước về đề tài "Sinh học phục vụ nông nghiệp" v.v…

Nói đến Phan Cự Nhân, chúng tôi và nhiều đồng nghiệp của ông ở các trường đại học thường có một nhận xét: Đó là một con người hiền lành, kiệm lời với phẩm chất khiêm tốn tối đa, làm nhiều hơn nói, biết mười nói một. Đó chẳng phải là một trong ba đức tính mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn trí thức khoa học và văn nghệ sĩ: "Trau dồi đạo đức cách mạng, trước hết là đức khiêm tốn… Mình hơn người thì chớ kiêu căng, người hơn mình thì chớ nịnh hót".

Ngày trước cổ nhân ta thường dặn các bậc văn nhân, nho sĩ: "Muốn lập công, lập ngôn trước hết phải lập đức". Có đức chưa phải là có tất cả. Nhưng đức phải là gốc. Phan Cự Nhân đã biết lấy đức, lấy chí làm nền tảng cho sự nghiệp khoa học, coi đó là động lực để đương đầu với mọi thử thách, vượt qua mọi gian lao trên đường gập ghềnh của khoa học và cuối cùng, ông đã đi tới đích. Học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương khác là phần thưởng cao quý mà Đảng và nhân dân đã dành cho nhà trí thức "tâm nhàn, nhưng trí không nhàn" ngay cả những năm tháng bước vào tuổi bát tuần

Hồ Sĩ Vịnh
.
.