Nhà biên kịch Nguyễn Hồ: Đam mê những số phận Việt

Thứ Năm, 22/10/2009, 15:21
Nguyễn Hồ gần bảy chục tuổi, nhưng sức đi và niềm đam mê vẫn hừng hực như tuổi mười bảy. Những ký sự truyền hình dài kỳ vẫn khiến ông phải xa nhà, dấn bước vào những hành trình vạn dặm, với một niềm tin mình sẽ làm ra những thứ đáng giá nhất và rẻ nhất.

Nguyễn Hồ là người không đua nổi trong cơ chế thị trường với dòng phim giải trí giản đơn, và cũng là người không chịu thỏa hiệp. Ông chấp nhận cuộc chơi một cách sòng phẳng. Nhưng cũng có thể vì thế, mà những dự án phim tài liệu dài kỳ về nhiều đề tài, nhiều miền đất do ông thực hiện được liên tiếp ra đời, từ "Mê Kông ký sự" cho đến "Thăng Long ngàn năm thương nhớ".

Điểm ấn tượng nhất trong những tác phẩm tài liệu ấy, đó là những số phận người Việt, được ông coi như những nhân vật quan trọng nhất. Những số phận con người tạo nên số phận của những miền đất, không bao giờ lẫn vào nhau…

1."Thăng Long ngàn năm thương nhớ" là bộ ký sự dài 140 tập do BHD và hãng TFS sản xuất, để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vào thời điểm hiện tại, những bộ phim như thế không thiếu, nhất là những phóng sự tài liệu truyền hình. Nhưng, Nguyễn Hồ vẫn xây dựng được một đề cương kịch bản mà ông tin là sẽ mới lạ. Xuất phát từ bài thơ "Nhớ Bắc" của Huỳnh Văn Nghệ, ông bắt đầu cho góc nhìn của mình. "Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"…

Nguyễn Hồ đi vào câu chuyện của những người phương Nam nhìn về Hà Nội, với những nỗi niềm, với những điều muốn khám phá và bày tỏ. Nguyễn Hồ không muốn đi lại những câu chuyện cũ. Ông muốn nhấn mạnh yếu tố thực tế của truyền hình hiện đại. Đó sẽ phải là những thước phim sống động, ghi lại những câu chuyện thông qua hình ảnh và những nhân vật có thật, cụ thể. Sức thuyết phục của dòng phim ký sự nằm ở những tư liệu sống, chứ không phải là sự áp đặt của những lời bình vào những hình ảnh quay đại trà.

Sức sống của "Mê Kông ký sự" không phải những hình ảnh lộng lẫy về dòng sông vắt qua một miền đất rộng, mà bởi cách kể câu chuyện về dòng sông. Ở đó, con sông như một cái cớ. Mà chuyện về con người và những nền văn hóa của những tộc người từ thượng nguồn con sông đến khi con sông đổ mình vào biển mới làm nên giá trị của bộ phim. Với "Thăng Long ngàn năm thương nhớ",

Nguyễn Hồ không muốn ăn lận vào kiến thức lịch sử, cũng như không muốn đi quay những đoạn phim về dư địa chí. Và cái mốc dấu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là cái cớ. Cái quan trọng mà ông muốn tạo thành một lát cắt, đó là dòng chảy trong đời sống của con người, trên miền đất ngàn năm này. Ngàn năm trôi đi, vật đổi sao dời, nhưng có những điều thuộc về căn cốt trong con người, tạo nên tính cách, tạo nên một đặc tính, thì sẽ chảy truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự gắn bó không nằm trong những kết cấu giản đơn về mặt thủ tục hay những ràng buộc mang tính hành chính. Mà sự gắn bó với một miền đất là từ những hành động nhỏ nhất.

Sự nặng tình cũng không phải là những lời nói. Nó là những chi tiết mà mỗi người nhìn về nhau, nhìn về mỗi việc diễn ra mỗi ngày. Hà Nội chậm rãi, như sông Hồng chậm rãi, chảy nhịp nhàng. Nguyễn Hồ đã chọn không gian ấy, bắt đầu đi vào Hà Nội, thanh thản và an nhiên…

Sau giải phóng, Nguyễn Hồ mới có dịp ra Hà Nội, sau khi vừa ở chiến khu ra, với thân hình còm nhom chỉ còn vài chục ký. Những ngày đó, ông có những người bạn văn chương, những người bạn chiến đấu. Trong những ngày Hà Nội vất vả và cả thành phố giống nhau trong sự nghèo khó và giản đơn, ông tìm được những điều quý giá trong tình người. "Ngày đó tôi có thể lên tàu điện và đi vòng quanh thành phố, thuộc kỹ từng góc đường với những nét đặc trưng. Về sau này, tôi không tìm được điều đó. Tôi cảm thấy Hà Nội bây giờ rộng dài và bề bộn hơn. Nhưng những gì thuộc về hồn cốt của thành phố, thì tôi nghĩ vẫn còn. Và tôi muốn tìm về những điều ấy".

Nguyễn Hồ nói, ông muốn bộ phim được thực hiện bằng góc nhìn của những người phương Nam. Hà Nội có con đê dài ôm lấy một phần thành phố. Và sông Hồng chảy dài trong nỗi nhớ của nhiều người. Những con đê trị thủy, nhưng đã thành một phần quan trọng trong cách sống, cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Điều ấy không có với những dòng sông phía Nam. Người dân phương Nam sống theo những mùa nước nổi. Nhưng, sẽ có một ngày, khi khí hậu biến đổi, người dân phía Nam phải nghĩ đến những con đê. Và những con đê sẽ gợi cho khán giả một sự khám phá mới về Hà Nội, một Hà Nội của ngày hôm nay, của những công việc thường nhật của con người.

Cũng như vậy, Nguyễn Hồ không miêu tả cụ rùa hồ Gươm theo những truyền thuyết. Ông muốn tìm người chiến sỹ Công an năm xưa đã tìm mọi cách để cứu cụ rùa khỏi cái chết. Và hình ảnh tiêu bản rùa tại đền Ngọc Sơn như một sự bắt đầu câu chuyện về loài rùa đặc biệt sống trong mặt hồ trung tâm với sự linh thiêng thần thánh. Đó là lối đi mà Nguyễn Hồ đến với khán giả, tính thực tế sẽ giúp cho ông không vấp phải những con đường cũ, những cách kể cũ vốn đã quá phổ thông.

2.Nguyễn Hồ nói, ông còn rất nhiều kịch bản phim truyện và những đề cương tiểu thuyết đang dở dang. Ông từng làm giám đốc hãng phim truyền hình TPHCM TFS nhiều năm. Và từ công việc ấy, ông có cái nhìn thực tế hơn về phim ảnh và những vấn đề liên quan đến sự sống còn của truyền hình. Nhưng, ông tự nhận, mình đã thua cuộc và không thể chạy theo kịp kinh tế thị trường. Điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất vài phim. Còn truyền hình thì buộc phải thích ứng bằng những bộ phim giải trí, với chuyện tình tay ba càng éo le càng tốt. Ông không phản đối cách làm đó. Nhưng nó không thuộc về ông.

Người đàn ông vào binh lửa, ra đời thường, không bảo thủ, nhưng không chọn được con đường theo thời. Không theo thời, ông kiên định… theo mình. Thế nên những kịch bản phim về chiến tranh và số phận con người vẫn còn nằm đó, trong những ngăn tủ, lưu trong ổ cứng máy tính. Và ông muốn giữ nó, để đến một lúc nào đó, ông tìm kiếm được nguồn kinh phí, để làm phim. Trong khi không chạy theo kịp những bộ phim ăn khách, ông chuyển qua làm phim ký sự.

Dòng phim ký sự của TFS đã tạo nên một sức sống khác của phim tài liệu. Lần đầu tiên, có những bộ phim tài liệu của Việt Nam được giới… đĩa lậu săn tìm và khán giả chờ đón. Những "Mê Kông ký sự", "Ký sự Tân Đảo", "Đi tìm dấu tích ba vua" được coi như "đặc sản" trên sóng truyền hình TP Hồ Chí Minh. Và đó là món quà vô giá của những người làm phim. Nguyễn Hồ nói, ông không kỳ vọng vào việc kiếm tiền từ những bộ phim. Ông chỉ muốn, vào những ngày tháng này, làm được điều gì đó, có ý nghĩa…--PageBreak--

3.Làm phim tài liệu là làm phim con nhà nghèo. Không có nhiều tiền. Nhưng nếu ai đã yêu thích thể loại ấy, thì sẽ đắm đuối với nó như một tình yêu không cần đền đáp. Không mang lại danh tiếng, sự khuất lấp của đời sống vội vã và những thứ hào nhoáng, nhưng giá trị của những người làm phim không nằm trong danh tiếng ấy. Và, như một thứ đạo, những người làm phim tài liệu không mong chờ được vinh danh. Đó chính là lý do, vì sao, những người làm phim tài liệu sẵn sàng đến những nơi xa nhất, với hành trang gần như không có gì.

Nguyễn Hồ nói, khi ông làm dự án để xin tài trợ, ông luôn cắt giảm chi phí tối đa, để mức giá có thể rẻ nhất, nhằm làm nhà tài trợ… thuận tai và gật đầu. Ông đã đi làm phim "Ký sự Tân Đảo" trong một khoản ngân sách eo hẹp nhất. Ông phải liên hệ với những người Việt tại đó, để mượn được một căn nhà ở tạm và tự nấu ăn. Khi làm phim về vua Duy Tân, ông được những người con của em trai vua Duy Tân cho mượn nhà và một chiếc xe để đi lại trong thành phố.

Khi ông đi làm phim tại Paris, suốt nửa tháng, ông chạy ngoài đường với lịch quay kín mít cho kịp tiến độ. Bởi nếu kẹt lại thêm một ngày, sẽ đội thêm kinh phí. Và, mặc dù đi châu Âu, ngay giữa thành phố sang trọng nhất, nhưng ông chưa từng biết cảm giác quán xá hay uống một ly cà phê. "Nhưng, khi đi làm phim, cái quan trọng nhất không phải là được sống trong hưởng thụ, mà là được làm và làm được những gì mình suy nghĩ, mình tâm niệm. Thành ra cái khó cái khổ sẽ rất nhẹ nhàng.

"Sắp tới tôi sẽ quay lại Tân Đảo, làm phim ký sự về những người Việt bị lưu đày qua đó trong thời Pháp. Và đoàn phim sẽ chỉ có tôi và một người quay phim kiêm đạo diễn. Phần lớn kinh phí sẽ do tôi tự lo. Tôi muốn tìm đến những phận người đặc biệt bị chìm nổi qua nhiều biến động của lịch sử. Để từ đó có cái nhìn thấu đáo hơn. Cũng là để mình hiểu nhiều hơn. Đó là hạnh phúc và tôi không cảm thấy chạnh lòng vì sự… nghèo của mình" - Nguyễn Hồ chia sẻ. Cũng chính Nguyễn Hồ là người giúp sức cho một hãng phim nhỏ, Mekong Film, thực hiện dự án 100 phim khám phá Việt Nam, mà dự án đầu tiên "Khám phá rừng ngập mặn Cần Giờ" hoàn thành đã gây được ấn tượng đặc biệt. Sắp tới, ông cũng sẽ cùng đoàn phim đi thực hiện bộ ký sự "7 ngày băng qua Đồng Tháp Mười" theo bước chân của Nguyễn Hiến Lê năm xưa.

Tất cả những con đường ấy, ông muốn đi và ông sẽ đi, như một cách để tìm hiểu thêm sức sống mạnh mẽ của người Việt trên nhiều miền đất, với những dấu tích không bao giờ tàn phai, dù thời gian có thể sẽ bào mòn đi nhiều thứ. Cuộc sống của người Việt trong mắt Nguyễn Hồ luôn kỳ diệu và đầy những bất ngờ…

4.Nguyễn Hồ nói, ông muộn mằn trong đường con cái. Đến giờ cậu con trai độc nhất của ông đang học kinh tế tại Pháp. Còn hai vợ chồng ông sống trong căn nhà nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, niềm vui lớn nhất vẫn là những dự định cho niềm đam mê của mình. "Hai vợ chồng có khi cả tuần không ăn cơm với nhau, nhưng tối về thì gặp và lại say sưa bàn việc của nhau. Bà ấy cũng bận rộn lu bu với những tờ báo của bà ấy. Nhưng như vậy cũng tốt, để chúng tôi không cảm thấy già nua" - ông nói.

Mỗi ngày, ông dậy vào lúc 4h sáng, chạy bộ 2 tiếng đồng hồ trước khi đến văn phòng làm việc. Rời vị trí Giám đốc hãng TFS 7 năm, cũng là 7 năm ông gắn bó với hãng phim Việt, bao quát hầu hết các dự án làm phim của hãng này, với vài trăm tập phim mỗi năm. Nguyễn Hồ có cái dẻo dai của một người quen với công việc nặng nhọc. Và ông vẫn còn trường sức cho những dự án của mình.

"Nhưng cố thêm một năm nữa là tôi tự sa thải mình, để trở về với việc viết văn. Đến giờ tôi vẫn muốn viết cho xong. Nghĩ lại, giá mà làm lại thì mình sẽ chuyên tâm một thứ, chứ làm nhiều thứ quá mệt lắm và đôi khi chẳng tới đâu" - Nguyễn Hồ vừa cười vừa nói. Nhưng thực ra, những cái mà ông đang làm cũng là những cái ông rất chuyên tâm. Sự chuyên tâm ấy giúp khán giả có thêm những góc nhìn về cuộc sống, về con người, luôn chuyển động với thời gian. Và, nó không bao giờ vô nghĩa…

Hoài Phố
.
.