Nhà báo Xuân Vui: Khoảng lặng cuộc đời

Thứ Bảy, 24/10/2009, 10:08
Căn hộ đầy ánh sáng và những khoảng không gian trống… tạo cảm giác rộng rãi và vắng. Đồ đạc trong nhà vừa phải, kiệm diện tích, một cái bàn nhỏ phía ban công vừa là bàn ăn, vừa là chỗ đọc sách kê những lọ hoa thuỷ tinh trong suốt một màu tím.

Tuổi thơ dữ dội

Một mình trong căn hộ xinh đẹp và rộng rãi, bà Xuân Vui đã mở lòng tâm sự với tôi về cuộc đời của bà. Ở tuổi ngoài 60, bà vẫn giữ được vóc dáng trẻ trung, gương mặt và nước da mỏng manh trắng ngần. Chất giọng Bình Định ấm lạ. Mặc dù bà xa Bình Định từ lúc còn rất bé, mới tròn 6 tuổi thế mà hơn năm chục năm trôi qua, sống giữa Thủ đô Hà Nội, giọng Bình Định của bà vẫn không phai, vẫn dịu dàng cất lên nghe rất thương.

Xuân Vui có một tuổi thơ dữ dội. Dữ dội ngay từ cuộc đời riêng của những đấng sinh thành ra bà, như một nghiệp chướng đã gieo sự cô đơn trống vắng trong đường đời của bà sau này. Ba của bà Xuân Vui đã có một đời vợ con trước. Vợ ông bệnh nặng mất, ba tục huyền với má của bà Xuân Vui và đẻ ra bà. Khi Xuân Vui lên 4 tuổi, ba đi chiến trường và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Ký ức về ba, bà chỉ nhớ được ít lắm, mơ hồ lắm, những cũng đủ làm cho bà nhói đau trong suốt cả cuộc đời thiếu vắng người cha thân yêu. Bà Xuân Vui nhớ láng máng ngôi nhà của bà gần ga tàu lửa chạy qua. Mỗi lần ba về phép, cứ chiều chiều, trong lúc chờ má làm cơm, ba đặt bà ngồi lên vai và công kênh ra trước ngõ nơi có tàu lửa chạy qua để xem tàu. Ký ức về ba quá ít ỏi bởi ba bận đi đánh giặc nên vắng nhà suốt.

Năm bà lên 4 tuổi thì cả nhà nhận được giấy báo tử của ba. Má bà lúc này còn quá trẻ, sau đó ít lâu, má bà đã đi bước nữa. Khi Xuân Vui lên 6 tuổi, bà được Đảng và Nhà nước quan tâm cho đi tập kết ra Bắc. Không giống như những đứa trẻ miền Nam tập kết ra Bắc có ba hoặc mẹ đi cùng, Xuân Vui lủi thủi một mình với tay nải quần áo nhẹ tênh má túm cho và xuống tàu thuỷ vượt biển ra Bắc.

Cơn lắc duềnh say sóng trên biển Đông đã dứt bà ra khỏi nơi chốn rau cắt rốn để đưa bà sang một ngã rẽ khác của cuộc đời. Nằm mê man trên tàu thuỷ, khi cô bé Xuân Vui tỉnh dậy bước chân lên đất liền cô không hề hay biết cuộc đời cô đã rẽ sang một trang khác, một chặng đường khác mà phải đến hơn 30 năm sau cô mới gặp lại gia đình. Xuân Vui có cả anh chị em cùng cha khác mẹ và anh chị em cùng mẹ khác cha. Thế nhưng rốt cục bà vẫn cô đơn, lẻ loi một mình trong đường đời lúc đó. Chiến tranh quá khốc liệt, số phận của những con người thời chiến cũng khốc liệt không kém, trong đó có gia đình lớn của bà và chính số phận bà.

Từ 6 tuổi đã sống một mình, ở tập thể và tự lập lớn lên, tự lập trong tất cả mọi nỗi buồn vui của đời mình. Tuổi thơ của Xuân Vui trôi qua trong những ngày sinh hoạt tập thể với các bạn trong trường học sinh miền Nam ở thành phố cảng Hải Phòng. Nơi đó, tuổi thơ bà được cất giấu và gìn giữ với bao kỷ niệm. Bà nhớ những ngày cuối tuần đẫm nước mắt vì nhớ nhà, ra cái vũng nước bé ở giữa sân trường và gấp những bức thư dài thành chiếc thuyền giấy thả xuống nước với hy vọng mong manh thư sẽ đến được tay má.

Chiến tranh đi sơ tán, bà học từ trường số 6, số 7, rồi lên lớp 8 thì về Phủ Lý, Hà Nam, lên lớp 9 lớp 10 lại về Đông Triều, Quảng Ninh. Nỗi cô đơn khi không có gia đình, người thân, ba má bên cạnh đã đành, bà Xuân Vui hầu như không bao giờ nhận được một lá thư hay một dòng tin tức ngắn ngủi của má. Xuân Vui đơn độc và bà giấu kín mọi nỗi niềm, để lao vào học tập và phấn đấu.

Cuộc sống tự lập đã rèn luyện Xuân Vui thành một học trò ngoan, gương mẫu, từ bé đã làm lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn. Mười chín tuổi đã được kết nạp Đảng. Tốt nghiệp phổ thông xuất sắc, đạo đức phấn đấu tốt, bà là một trong số ít học sinh được chọn gửi sang các nước XHCN để tu nghiệp.

Bà học Đại học Tổng hợp ở Bucharest, Rumani. Tu nghiệp 6 năm, từ 1960-1972 bà trở về nước và bắt đầu công việc BTV ở Đài Phát thanh Giải phóng. Năm 1976, bà chuyển về làm BTV của Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Bà lần lượt giữ các chức vụ cho đến Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, và bà nghỉ hưu năm 2002.

Truyền hình và những cuộc thể nghiệm ấn tượng

Những năm thập kỷ 80-90 khi mà Truyền hình bắt đầu đến với mọi người, mọi nhà thì cái tên BTV Xuân Vui khá nổi tiếng trong giới truyền thông khi bà đã làm nên những đột phá mới mẻ và táo bạo cho các chương trình văn nghệ của Đài Truyền hình. Bà là một trong những người đầu tiên đi tiên phong trong việc tạo nên những cuộc thể nghiệm ấn tượng trong các chương trình do bà làm kịch bản.

Khán giả yêu truyền hình hồi ấy không ai không nhớ chương trình: "Đọc chuyện truyền hình", "Đến với bài thơ hay", và "Câu lạc bộ những người yêu thơ". Đọc chuyện truyền hình không giống như đọc truyện trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Truyền hình thường gắn liền với hình ảnh, âm thanh. Bởi vậy, khi đề ra chương trình đọc chuyện truyền hình, BTV Xuân Vui với tình yêu văn học nghệ thuật đã sáng tạo bằng cách chuyển thể các truyện ngắn hay, các tác phẩm văn học đặc sắc thành những tiểu phẩm truyền hình phát sóng trong các chương trình văn nghệ truyền hình.

Tiểu phẩm truyền hình thành công nhất, gây ấn tượng mạnh với khán giả truyền hình nhất trong số những tiểu phẩm truyền hình mà BTV Xuân Vui đã làm đó là tiểu phẩm: "Chát xình, chát chát bùm" của Azit Nêxin trong đó NS hài Trịnh Mai là người thủ vai chính. Hay trong chương trình "Đến với bài thơ hay", BTV Xuân Vui đã chuyển tải tới khán giả truyền hình những tác phẩm thơ kinh điển, đặc sắc.

Mỗi chương trình chỉ đề cập tới một bài thơ nổi tiếng của một tác giả nổi tiếng nào đó. Lời bình, kèm với xuất xứ bài thơ, hay có những clip trò chuyện với tác giả (nếu tác giả còn sống), các nhà phê bình, và những người yêu thơ nói về bài thơ. Ở những bài thơ nào được phổ nhạc thì phát sóng luôn bài hát đó và có những clip phỏng vấn chính người nhạc sỹ đã phổ nhạc bài thơ này. Chương trình "Đến với bài thơ hay" đã đưa đến cho khán giả một loạt các bài thơ nổi tiếng của các tác giả Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính và một số các tác giả trẻ mới xuất hiện nhưng đã có những bài thơ xuất sắc. --PageBreak--

Có một chương trình nổi đình, nổi đám những năm 90 trên văn nghệ truyền hình đó là "Câu lạc bộ những người yêu thơ" cũng do nhà báo Xuân Vui biên tập và nhà thơ Hồng Thanh Quang là người soạn kịch bản và dẫn chương trình cùng BTV xinh đẹp Thanh Hương. Câu lạc bộ những người yêu thơ phát sóng chương trình đầu tiên vào năm 1999. Trong 3 năm liền, chương trình đã làm dấy lên trong khán giả một tinh thần thơ ca, khơi gợi cảm hứng sáng tạo, tình yêu thơ ca trong lòng khán giả, đặc biệt là những người yêu văn chương. Những cuộc thi thơ, bình thơ, ứng tác thơ của các bạn sinh viên, của khán giả đã phần nào tạo nên tinh thần say mê văn học và yêu thích bộ môn văn học hơn.

Nhớ lại những ngày tháng hào hứng say mê đó, BTV Xuân Vui tâm sự: "Đó là một quãng thời gian vô cùng đẹp đẽ trong công việc của tôi. Hồi đó, chúng tôi làm việc với một tinh thần say mê, tận hiến hết mình cho công việc. Không bon chen, không kinh tế thị trường, không một toan tính thiệt hơn…".

Sau khi BTV Xuân Vui nghỉ hưu, các chương trình thử nghiệm của bà ở Ban Văn nghệ cũng lần lượt lùi vào quá khứ để nhường chỗ cho những show giải trí khác. Trong sự phát triển nhanh chóng và luôn luôn đổi mới của truyền hình, có lẽ những chương trình văn học nghệ thuật thể nghiệm ban đầu của BTV Xuân Vui ít nhiều đã giữ lại được những ký ức tươi đẹp và đáng nhớ trong lòng khán giả Truyền hình Việt Nam trong những ngày "vạn sự khởi đầu nan" ấy.

Khoảng lặng cuộc đời

Những bạn bè thân, những người gần gũi, đủ để hiểu và chia sẻ những thăng trầm trong cuộc đời của bà Xuân Vui, đều có một nỗi tiếc cho bà. Đời bà không có nhiều mùa xuân vui như tên gọi mà ba má bà đã đặt cho bà. Tuổi thơ đã sớm mồ côi ba, sớm xa má, và biệt xa gia đình cho đến hơn 30 năm sau ngày giải phóng mới tìm về được với cội nguồn, mới gặp được người mẹ sinh thành và thốt gọi tiếng má khi trên đầu đã hai thứ tóc. Má bà ngày xa con hãy còn là thiếu phụ trẻ đẹp, giờ gặp lại con thì tóc đã bạc phơ, mắt đã mờ, trí nhớ lúc quên lúc tỏ.

Giờ đây, khi đường sá đi lại đã thuận tiện hơn, kinh tế cũng khá giả hơn đủ để mỗi lần nhớ má lại có thể bay về thăm má thì má bà đã không còn nhận ra bà nữa. Mỗi lần về thăm, Xuân Vui ôm lấy má mà nước mắt rưng rưng, còn mẹ bà thì nhìn bà và kể rằng: "Má cũng có một đứa con gái ở Hà Nội".

Cả đời sống thiếu thốn tình cảm nên bà Xuân Vui luôn thường trực một nỗi khát khao tình cảm. Thế nhưng, số phận có những éo le riêng, và định mệnh thật khó cưỡng. Bà Xuân Vui lấy chồng năm 1973, chồng bà là ông Nguyễn Hữu Ngạn cũng là du học sinh ở Liên Xô về nước. Ông công tác ở Ngoại giao đoàn. Cuộc hôn nhân hạnh phúc đã cho ông bà hai con một trai đầu lòng và một cô con gái giỏi giang xinh đẹp. Gia đình của bà sống mẫu mực và hạnh phúc đến nỗi ít ai nghĩ rằng, đời bà lại có thể có những lúc phải chịu đựng những nỗi đau quá sức, và sự sầu muộn song hành cho đến cuối đời.

Năm 2000, con trai đầu lòng của ông bà mất đột ngột trong một tai nạn. Khi đó, con trai ông bà bước sang tuổi 26. Cái chết đột ngột của con trai đã gieo một cú sốc quá lớn đối với gia đình bà. Chồng bà từ đó lặng lẽ và muộn phiền nhiều hơn, ông thường tìm đến rượu để giải toả. Chỉ đến khi trong một lần cô con gái yêu trở về nhà thấy bố ngồi lặng bên chai rượu đã vơi bớt, cô ném vỡ tan chai rượu và xin bố đừng uống nữa thì ông mới sực tỉnh.

Thương con gái, thương vợ, từ đó ông bỏ rượu và tuyệt đối không đụng đến giọt rượu nào nữa. Thế nhưng sự sầu muộn trong trái tim của một người cha không bảo vệ được con trai mình thoát khỏi bàn tay của định mệnh đã khiến cho ông gục ngã. Năm 2003, chỉ 3 năm sau kể từ ngày con trai đột ngột ra đi, ông đã lên một cơn đột quỵ và mất đột ngột. Khi đó, ông mới ngoài 60 tuổi còn bà Xuân Vui bước sang tuổi 55.

Mọi nỗi đau rồi cũng qua, nghị lực sống trong bà mãnh liệt đủ để vực bà dậy từ trong tận cùng bất hạnh. Giờ đây, bà sống bình yên cùng với cháu ngoại và con gái xinh đẹp thành đạt, niềm tự hào lớn nhất của đời bà. Nhưng con gái rồi cũng bận rộn với công việc, cháu ngoại rồi cũng lớn lên vuột khỏi vòng tay bà ngoại. Bà còn lại với nỗi trống vắng và cô đơn thắt lòng.

Tôi đùa bà rằng, bà ngoại còn xinh đẹp thế này chắc chắn bà ngoại phải ra nơi hò hẹn. Bà Xuân Vui chỉ cười mà lắc đầu. Nói vậy thôi nhưng tôi biết trong lòng bà đã trải chật hết những tình cảm cho người thân, cho người chồng mà bà rất đỗi yêu thương. Ký ức đã nêm chặt trong bà những nỗi nhớ, những khoảng lặng.

Bà tâm sự với tôi. Cả đời bà mang một nghiệp chướng cô đơn. Cả đời sống thiếu thốn tình cảm gia đình, khao khát lớn nhất, thường trực nhất là tình cảm được trọn vẹn bù đắp. Hạnh phúc cứ ngỡ là đã nắm chặt được trong tay mình, không ai có thể dứt hạnh phúc khỏi mình được trừ định mệnh nghiệt ngã. Ai đó nói rằng, tính cách gieo số phận, nhưng với trường hợp của bà, một người phụ nữ đoan trang, hiền lành, nghiêm ngắn và nhiều yêu thương như bà, sao ông trời nỡ gieo vào đời bà những hao khuyết

Lan Tường
.
.