Nhà báo Trường Phước: Ta sai, tức là người ta đúng

Thứ Ba, 29/06/2010, 15:48
Năm 2002 (hai năm trước ngày mất), ông viết trong nhật ký: "Việc liên miên. Người mệt mỏi và vội vàng. Lúc nào cũng ở tâm thế vội vàng như có việc hẹn, việc dở dang. Những người thân thiết của tôi ơi. Ngày tôi quá ngắn. Sức tôi quá bé, làm sao theo kịp lòng tôi để trang trải cùng các bạn...".

"Nếu trời cho thắng lợi, lúc nghỉ dưỡng bệnh tôi sẽ viết báo cáo về vấn đề chuyên nghiệp hóa. Nếu ghép thận còn khó khăn về luật và tục lệ, nguồn thận quá ít thì nên hình thành sự chuyên nghiệp về chăm sóc sức khỏe bệnh nhân sau ghép khép kín. Ở ta cái chết là thiết bị đã thiếu lại không đồng bộ, thầy thuốc thì không chuyên. Tôi sẽ gửi báo cáo và đề nghị cho Ủy ban ghép thận quốc gia… Chưa chi tôi lại trở lại cái tật của mình rồi: thích làm việc. Ưu điểm mà cũng là khuyết điểm". Nhà báo Trường Phước viết những dòng nhật ký ấy vào ngày 20/5/2004 để rồi một tuần sau đó, ông trút hơi thở cuối cùng sau cuộc ghép thận lần thứ 2 không thành công ở Côn Minh- Trung Quốc. Dòng nhật ký cuối cùng ấy cũng như biết bao trang nhật ký khác không chỉ mang trong đó tâm sự của một con người mà còn là bao phát hiện, trăn trở của một nhà báo trước những vấn đề còn chưa hoàn thiện của cuộc sống. Ông ra đi khi còn rất nhiều việc muốn làm, phải làm vì một cuộc sống tươi đẹp hơn, hoàn thiện hơn….

Ngoài đời, ông tự nhận mình là người tuềnh toàng, thậm chí cẩu thả nhưng trong nghề nghiệp, một sự thiếu cẩn thận nào cũng có thể làm ông nổi giận. Cũng bởi sự cầu toàn ấy mà ngay cả khi phải vào nằm viện điều trị căn bệnh thận đeo đẳng, ông vẫn chỉ đạo, tổ chức sản xuất cho các chương trình hàng tuần. Nhiều đề tài khó, lo lắng cộng sự của mình không đảm đương nổi, ông lại ngồi viết kịch bản, gọi điện liên hệ, sửa từng câu dẫn cho đến ưng ý mới thôi.

Đã có lần, vì tính chất quan trọng của một chương trình về đề tài "Vai trò giám sát của Quốc hội" với sự góp mặt của nhiều nhân vật quan trọng, vừa ra viện ngày hôm trước, ngày hôm sau ông đã nén sự mệt mỏi đến Đài để tham gia ghi hình. Trường quay để nhiệt độ thấp, chương trình kéo dài ngoài dự kiến khiến một người sức đề kháng yếu như ông phát sốt trở lại.

Con gái ông - cũng là học trò của ông trong nghề truyền hình - đến giờ vẫn còn nhớ đến cảm giác vừa giận vừa thương bố khi ngồi trong phòng máy lúc đó. Giận vì nghĩ đến công sức hàng tháng trời của gia đình và các bác sỹ để lo cho bố chóng khỏe thế mà chỉ trong phút chốc trở thành vô nghĩa. Nhưng nhiều hơn là thương, thương bố vì quá yêu nghề mà hi sinh cả bản thân, thương bố suốt đời đau đáu cho những vấn đề dường như không phải của mình. Và thương bố vất vả mưu sinh để trang trải tiền thuốc cho "căn bệnh nhà giàu" của mình cũng như nuôi hai chị em ăn học.

Nhà báo Trường Phước là như vậy. Dù ở đâu, trước vấn đề gì ông đều dùng tư duy của một nhà báo, đầy trách nhiệm và trăn trở. Ông tự bạch trong nhật ký của mình viết năm 1992: Có người nói: "Điều tệ hại nhất của bọn nhà báo là chúng nó làm việc bất cứ chỗ nào và ở đâu chúng nó cũng quay sang công việc của chúng nó được". Đó là niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ của một nhà báo thực sự. Đúng là anh ta làm việc bất cứ lúc nào, kể cả trên bàn tiệc, giữa lúc ngồi chơi hay giặt tã cho con. Đề tài mà anh ta đeo đuổi, ấn tượng mà anh ta thu nhận được, từ ngữ mà anh ta định dùng, bố cục chương trình mà anh ta thai nghén… tất cả, tất cả cứ đeo đẳng, hành hạ anh ta. Tôi không dám đi xe máy một thời gian dài, một phần vì không có tiền, phần quan trọng hơn là không bỏ được thói quen vừa đi đường vừa viết bài. Nếu anh ta là một nhà báo quảng giao, anh ta luôn bị mời gọi, lôi kéo vào những vụ việc gần như vô tận. Một nhà báo đi nghỉ vì sức khỏe kém đã bỏ giữa chừng đợt nghỉ để lao vào một cuộc "viễn chinh" chỉ vì gặp một người oan ức khó khăn ngay trong nhà nghỉ ấy.

Nếu anh là một nhà báo truyền hình quen mặt, người ta nhận mặt anh ta, người ta chào hỏi, làm quen, đưa name card và rắc rối hơn, người ta túm lấy anh để than thở một điều gì đó hoặc tranh cãi với một ý kiến nào đó của anh trên sóng. Cùng vào hàng quán với một phóng viên như thế chẳng thú vị gì và bạn bè nhanh chóng chán ngấy cùng đi chơi với anh. Nhưng sống trong một tâm thế như vậy cũng là thú vị: sôi động, đầy ắp thông tin và sự kêu đòi, cảm giác về sự cần thiết của mình cho người khác. Trong rất nhiều lý do tôi yêu nghề báo có cả lý do ấy nữa - một cuộc sống sôi động.

Cảm giác về sự cần thiết của mình cho người khác mà ông nói đến không gì khác chính là trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của nhà báo - một cụm từ được nhắc đến nhiều trên các trang báo những ngày tháng 6 này. Cảm giác ấy đeo đuổi ông suốt hơn 30 năm làm báo, từ khi là chàng thanh niên mới ra trường cầm tấm bằng đỏ khoa Văn - Đại học Tổng hợp về nhận công việc tại Ban Vô tuyến truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam - về sau là Đài Truyền hình Việt Nam năm 1971. 

Cũng như những đồng nghiệp thuộc thế hệ đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, ông đến với truyền hình với hành trang chỉ là sự khát khao tìm hiểu một lĩnh vực mà mọi thứ mới bắt đầu từ con số 0 tại Việt Nam lúc ấy. Tự nhận mình thuộc loại người "khốn nhi tri chi" (chịu gian nan khốn khó, đem cái thân mình ra trải nghiệm để biết), ông lao vào làm nghề, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ghi chép, tìm hiểu, học hỏi để rồi đến cuối đời, ông có thể tự hào rằng mình đã thành công ở khá nhiều thể loại của truyền hình: bình luận, điều tra, tọa đàm, phóng sự…

Điều làm nên thành công ấy với ông không gì khác chính là việc nói và viết trước áp lực về cái cảm giác về sự cần thiết cho người khác. Ông luôn nhấn mạnh với các học trò, cái làm nên sức sống của chương trình chính là sự tươi rói của chi tiết và để có những chi tiết như thế người phóng viên phải hiểu người trong cuộc nghĩ gì, mong muốn gì. Nhìn một gói tăm do người mù mang vào trường học bán, ông nghĩ về số phận và nhân cách của những người không may mắn để rồi chẳng biết lúc nào cây tăm nhỏ trở thành nỗi bận tâm của ông.

Cuối năm 1990, khi các đồng nghiệp đi tìm hiểu thị trường Tết, thấy giữa những hàng hóa thiết yếu là la liệt những gói tăm Thái, tăm Tàu, ông bức xúc làm một bài bình luận ngắn, đại ý nước ta có nguồn nguyên liệu thừa sức làm tăm, đến ngay người khiếm thị cũng làm tăm có chất lượng. Tại sao lại bỏ một lượng ngoại tệ đáng lẽ ưu tiên cho trang thiết bị, cho nguyên liệu ta chưa tự sản xuất được để đi nhập một mớ tăm tre.

Trong khi người khiếm thị vào từng trường học vận động mua gói tăm chỉ đúng 500 đồng, vậy phải chăng việc nhập tăm tre của một số người là vừa phi kinh tế vừa phi đạo lý? Người sáng nỡ cạnh tranh với cả người mù? Những điều ấy đơn giản được nói ra từ trách nhiệm của một nhà báo và ông thấy vui khi đã làm được một việc tốt cho những người mình chưa hề quen biết. Niềm vui nho nhỏ ấy càng khiến ông không thể nào quên khi đến Tết năm ấy, Hội Người mù gửi ông một món quà Tết nho nhỏ cảm ơn. Ông viết lại những dòng suy nghĩ của mình khi ấy: "Tôi nóng bừng mặt. Những người không may ấy lại nghĩ về người khác nhiều quá. Chúng ta đáng lẽ còn có thể làm rất nhiều và phải làm rất nhiều cho họ thì họ lại cảm ơn chúng ta. Lòng tôi trào lên lẫn lộn cả vui lẫn buồn, cảm phục và suy nghĩ về trách nhiệm dù chỉ bằng hạt cát".

Trách nhiệm nghề nghiệp dần dần trở thành một phần trong cuộc sống của ông. Nhiều khi, ông dành hàng giờ nói chuyện với người khác không phải để tìm chất liệu cho phóng sự của mình mà bởi đơn giản ông biết người đối diện mình đang cần được giải tỏa, cần có ai đó để chia sẻ những khó khăn của mình trong cuộc sống. Các vị khách có mặt trong nhà của ông đủ thành phần, một người nông dân lam lũ, một doanh nhân từ phương Nam xa xôi hay một vị trí thức nhiều tâm trạng… Dành cả tiếng đồng hồ trò chuyện với họ rồi ông giải thích với các con: "Cũng biết như vậy là rất mệt nhưng có lẽ được người ta tin tưởng trao cả tâm can cho mình như vậy chắc bố cũng phải tu được vài kiếp mới may mắn đến vậy". Chẳng ai biết, đằng sau cái thái độ nhẫn nại, ân cần chia sẻ với những câu chuyện dường như không phải là của mình ấy là dự cảm mơ hồ về ngày từ biệt cuộc sống không xa của ông.

Năm 2002 (hai năm trước ngày mất), ông viết trong nhật ký: "Việc liên miên. Người mệt mỏi và vội vàng. Lúc nào cũng ở tâm thế vội vàng như có việc hẹn, việc dở dang. Những người thân thiết của tôi ơi. Ngày tôi quá ngắn. Sức tôi quá bé, làm sao theo kịp lòng tôi để trang trải cùng các bạn...".

Dự cảm là vậy nhưng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông chưa bao giờ mảy may ghét bỏ cuộc sống. Quả thật, cuộc đời làm báo của ông đầy vất vả chông gai nhưng cũng mang đến cho ông thật nhiều điều kỳ diệu mà không phải ai cũng có được. Ông thường nói với bạn bè: "Mấy ai ốm đau mà được cả nước hỏi thăm, quan tâm giúp đỡ như mình".

Trận ốm thập tử nhất sinh của ông năm 1994 kéo dài 3 năm tưởng như vô vọng nhưng được sự giúp đỡ của rất, rất nhiều người, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo của Ủy ban ghép thận quốc gia, ông đã được ghép thận thành công. Để rồi từ đó cho đến cuối đời, người phóng viên tuổi không còn trẻ ấy bước vào cống hiến như những ngày đầu mới vào nghề như để trả nợ cho cuộc sống, đền đáp cho những người yêu quý mình.

Nhiều thành công đã đến với ông mà đáng kể nhất chính là hai giải Báo chí toàn quốc cho hai chuyên mục mà ông tham gia xây dựng từ đầu là: Vấn đề hôm nay và Chính sách và cuộc sống. Điều chinh phục khán giả từ hai chuyên mục ấy chính là vai trò của một bình luận viên sắc sảo, quyết liệt những bức xúc nhưng ẩn sau trong đó là lòng tin yêu vào cuộc sống.

Ông tâm sự: “Cho dù có chiến đấu trong 100 vụ tiêu cực thì cũng là vì lòng thương yêu quý trọng con người”. Tôi không thích cái từ mà một số bạn đồng nghiệp đã dùng "đánh" chỗ này, "đả" chỗ kia, "giềng" chỗ nọ. Làm báo, nếu không thực tâm xuất phát từ lợi ích cuộc sống xã hội, chỉ nhăm nhăm đấu đá vì ý thích riêng hay tệ hơn nữa là vì quyền lợi riêng sẽ nhanh chóng gặp sai lầm. Mắt tôi đã từng thấy những tài năng thực sự bị hư hỏng đi như thế nào vì lý do ấy. Thậm chí, có những vụ chúng ta sai, phải xin lỗi, trên một khía cạnh nào đó ta cũng vui vẻ. Ta sai, tức là người ta đúng - một cuộc sống vẫn tốt đẹp"

Việt Linh
.
.