Nhà báo Trần Liêu: Bản lĩnh của người lính chiến

Thứ Ba, 24/10/2006, 10:00

Trong cuốn sách: "Bản lĩnh của người lính chiến" ông đã viết thế này khi ông quyết định rời bỏ công việc, thứ mà ông đam mê cả đời để về với sự tự do - và thanh thản: " Hãy nhớ không thể tắm hai lần trong một dòng sông vì thế mà tôi cảm thấy tôi thật hạnh phúc vì đã không uống cạn tận đáy chén những niềm vui của mình".

Bây giờ, khi những ràng buộc về thời gian, không gian, hay nói một cách cụ thể hơn là sự ràng buộc với chính mình bởi những nghĩa vụ và trách nhiệm của những phần việc đã luôn theo suốt và đeo bám ông trong một chặng thời gian dài, cả khi ông không cần phải lệ thuộc nó nữa, thì ông cũng đã cởi bỏ và rời xa nốt. Còn lại là sự đến- đi- tự do của thời gian, của ý nghĩ, tư duy, và cả chính ông, một cách phóng khoáng nhất.

Trong đôi dòng kỷ niệm của cuốn sách "Bản lĩnh của người lính chiến" mới ra mắt bạn đọc của ông cuối năm 2006 này, mà tôi gọi là cuốn sách cuộc đời của một người lính trọn đời cống hiến cho cách mạng ông đã thốt lên rằng: "Tôi đi bộ đội năm 17 tuổi, một mạch 58 năm liên tục trong lực lượng vũ trang- không có thời gian "xả hơi" dù chỉ là một tháng  (1947-2005). Không phải trực chỉ một mạch như chạy một trăm mét điền kinh. Cũng vòng vo, thăng trầm. Cũng ngọt ngào cay đắng. Cũng vượt qua những dặm dài gian khổ lên thác xuống ghềnh... Suốt ngần ấy năm chung quy lại, tôi chỉ có hai nhiệm vụ chính: Làm lính có pha mùi tập tò viết báo. Rồi chuyên trách làm báo. Lại làm lính. Năm cuối của thế kỷ XX, giã từ binh nghiệp, tôi làm dân cựu chiến binh của Thủ đô Hà Nội".

Chao ơi, cả một đời binh nghiệp đằng đẵng có đến gần sáu chục năm, bằng tuổi của một kiếp người, xông pha từ thời chiến cho đến thời bình, làm cách mạng trong thời binh lửa gian nguy cho đến ngày hoà bình đổi mới biết bao trầm luân dâu bể thế mà ông chỉ gói gọn trong mấy mươi chữ nghĩa.

Từ một người lính mới tò te đi vào chiến trường lửa đạn, phấn đấu, trưởng thành được đề bạt vào cương vị Tổng biên tập đầu tiên của tờ Báo Công an nhân dân khi Báo được nâng lên cấp Cục, rồi lại luân chuyển vào bao nhiêu vị trí công tác chiến đấu khác là biết bao thời gian cực nhọc cho quá trình rèn luyện phấn đấu không ngừng nghỉ.

Tôi biết ông không nhiều, cái tên Trần Liêu một thời đã vang lên đầy kiêu hãnh trong Báo CAND, mặt trận báo chí tuyên truyền của ngành, thế nhưng với lớp trẻ hậu sinh như chúng tôi thì ông đã thuộc về một phần của lịch sử. Bởi vậy, lần đầu tiên tôi gặp ông ở toà soạn của Báo ANTG, tôi thấy ông là một người già, nghiêm cẩn với cặp kính trắng, với chiếc bút ngay ngắn bên trái nắp túi áo, bộ quân phục thẳng nếp và trên bàn làm việc cơ man bản thảo với chi chít màu mực đỏ gạch chân, trực giác mách bảo tôi ông là một người quan trọng ở toà báo, người biên tập lâu năm và đầy kinh nghiệm.

Mãi đến sau này, trong những cuộc họp chuyên môn ở cơ quan, Tổng biên tập Hữu Ước của chúng tôi mỗi một lần đưa ra bàn bạc thảo luận vấn đề chuyên môn đều mời ông phát biểu ý kiến trước. Từ đó tôi mới biết ông là thủ trưởng cũ của sếp tôi, là người “gác cổng” giúp cho báo chúng tôi trong lĩnh vực chuyên môn cũng như chính trị tư tưởng. Ông ngồi làm việc trên chiếc bàn nhỏ kê nơi góc phòng tầng 3 của toà soạn báo. Mặc cho sóng gió, bão táp trong chính mỗi cây bút, mỗi vấn đề chuyên môn của các bài báo nóng hổi có thể nổi lên ở nơi đây, thì ông như cây cổ thụ tĩnh tại và vững chãi cho chúng tôi tựa vào những lúc khó khăn, lúng túng trong tác nghiệp báo chí. Ông miệt mài, nghiêm túc và cẩn trọng đến từng ly từng tý. Bằng cách trực tiếp trao đổi hoặc gián tiếp qua các bản thảo bài viết, ông thay mặt Tổng biên tập, giúp chúng tôi cách để trở thành một cây bút trưởng thành trong lực lượng vũ trang.

Giờ thì tôi thấy ông một cách khác, trong ngôi nhà như bày đầy tĩnh vật của đôi vợ chồng già là ông và bà, sự hiện hữu của ông cũng thật nghiêm cẩn như xưa nhưng có gì đó ít đi nhiều, tĩnh lặng hơn trong sự vang lên của chính mình. Có những con người cả trong im lặng thì sự tồn tại của họ dù không cố ý vẫn vang lên, lan toả ra xung quanh một cách kiêu hãnh. Ông thuộc về số ít những người như vậy. Có lẽ tại bởi giọng nói trong ấm, từ tốn và vang lên một cách rành rọt, ấm cúng. Cũng có thể là trong những câu chuyện rõ ràng khúc chiết, những ý tứ sâu xa, nhưng ẩn ngữ tinh tế mà thâm thuý sâu sắc trong từng lời nói ấy chăng?

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh  Bản lĩnh của người lính chiến" . Và ký ức sâu thẳm, tha thiết trong cuộc đời binh nghiệp làm báo của ông lại trỗi dậy bừng thức. Trong những ký ức không mờ phai của cuộc đời ông, thì sâu đậm nhất vẫn là những năm tháng làm người lính chiến kiêm nghề viết báo. Đặc biệt là giai đoạn ông làm Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo CAND.

Ông kể: Năm 1981, khi Báo CAND triển khai từ cấp phòng lên cấp Cục, tôi được giao làm Tổng biên tập quản lý một tờ báo bao gồm 5 phòng ban. Phòng Thư ký toà soạn, Phòng biên tập thời sự trong nước và quốc tế, Phòng biên tập khoa học nghiệp vụ Công an, Phòng biên tập xây dựng lực lượng và văn hoá văn nghệ, Phòng trị sự. Nhưng nổi bật nhất, uy tín lớn nhất trong cơ quan vẫn là 2 phòng Biên tập thời sự trong nước và quốc tế do anh Hữu Ước lúc đấy là Trưởng phòng và Phòng biên tập khoa học nghiệp vụ Công an do anh Trần Kính làm Trưởng phòng.

Hữu Ước và Trần Kính là những nhà báo xuất sắc của tờ báo lúc bấy giờ. Anh em trong phòng phải nói là răm rắp tâm phục khẩu phục dưới sự chỉ đạo công việc của các anh. Hồi đó Hữu Ước trẻ lắm, mới độ 30 tuổi, chững chạc, sắc sảo và chắc chắn. Trần Kính thông minh, bài của ông ấy viết về nghiệp vụ chuyên án đọc sướng lắm nhưng cũng có khi do chủ quan về tài liệu, thêm chút ngẫu hứng sáng tạo nên có lúc toà báo bị kiện cho bở cả hơi tai.

Nhớ nhất là chuyện anh Như Phong lúc đó đang ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh công binh là phóng viên của báo Công binh. Tôi nhớ Như Phong đạp chiếc xe đạp Phượng hoàng Trung Quốc tọc tạch đến chỗ tôi để xin về công tác ở Báo Công an. Tôi bảo anh về mang cho tôi một số bài viết cũ tôi đọc xong sẽ trả lời. Anh Như Phong về và hôm sau mang đến cho tôi một cuộn báo dày cộp bao gồm các tin bài đã đăng ở báo Công binh. Tôi đọc qua, nói chung lúc đó không ấn tượng lắm ở những mẩu tin bài vụn vặt ấy, nhưng báo cũng đang cần người, với lại trông Như Phong lúc đó mạnh khoẻ, mặt mũi thông minh sáng sủa tôi nhận ngay và sắp xếp anh vào phòng của Hữu Ước. Tôi đã không chọn nhầm người, sau này họ là cặp đôi lý tưởng trong việc làm nên những kỳ tích của một tờ báo bán chạy nhất nhì cả nước: đó là Báo An ninh Thế giới.--PageBreak--

Làm báo thời đó thiệt vui, thiệt sôi động nhưng gian khổ và vất vả cũng chẳng ai bằng. Khổ nhất là in báo bằng máy ty pô chữ mòn vẹt nên các chữ o, c, d không rõ nét chữ oạng ra một đốm mực đen thui, đọc đến khổ. May mắn tôi có tay làm ma két cừ khôi là Đặng Văn Lân (giờ là Phó tổng biên tập phụ trách trị sự). Lân làm ma két chuẩn và chắc tay lắm, chặt chẽ gần như không mấy khi thừa thiếu các trang khiến cho anh em phải cắt bài hay viết thêm cho đủ đất trống. Nhưng khổ nhất là chuyện hai anh em tôi vào miền Nam in báo. Trong miền Nam đỡ hơn ở ngoài Bắc là có máy in ốpsét nhưng hai cái máy thì cái này chữa lành được, cái kia lại hỏng, gian nan cực nhọc vô cùng mới in được một số báo.

Hồi đó, cố Bộ trưởng Bộ Công an Phạm Hùng vẫn nói vui: Báo Công an làm một tuần, in một tuần, phát hành hai tuần thành thử suốt đời ăn cơm nguội. Sau này chính ông Phạm Hùng đã ra một quyết định có một không hai thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Công an đối với tờ báo là cho Báo Công an được in ở xưởng in ốpsét nơi chỉ dành để in các tài liệu tuyệt mật. Từ đó, Báo công an đỡ vất vả hơn trong công tác in ấn, báo cũng ra nhanh hơn, kịp thời hơn.

Thế nhưng làm Tổng biên tập Báo Công an trong một thời gian vỏn vẹn 7 năm, khoảng thời gian không ngắn ngủi nhưng cũng không phải là dài. Những biến động thăng trầm trong đời một người lính chiến như ông và đồng đội của ông thời bấy giờ có lẽ là quy luật tất yếu của thời đại. Cũng có những lúc ông cảm thấy sức chịu đựng của mình là có giới hạn, và những gì mà ông cũng như lính của ông vấp váp trong cuộc đời lính chiến của mình đã làm nên những vết sẹo đau đớn mà thời gian không dễ gì chữa lành. Thế nhưng với một niềm tin yêu mãnh liệt vào Đảng, vào cách mạng, ông cùng với đồng đội, với những người lính của mình vươn lên, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ.

Có lẽ cái hạnh phúc lớn nhất, kiêu hãnh nhất trong đời làm báo, làm lính chiến như ông là một ngày, trong vòng tròn của định mệnh ông lại được trở về chính nơi ông và những người lính của ông đã ra đi. Về lại Báo Công an nhân dân. Giờ đây, tre già măng mọc, những người lính xuất sắc năm xưa của ông lại ngồi vào vị trí của ông, thực hiện nốt những tâm niệm và ước nguyện của một Tổng biên tập luôn đau đáu một khát vọng làm cho tờ báo ngày một lớn mạnh hơn, nhạy bén, chính xác và trung thực, nhân văn, tin cậy và kịp thời, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an.

Chính vào thời điểm vinh quang nhất, và cũng hạnh phúc nhất cho đời những người lính chiến như ông, ông đã lặng lẽ rời vũ đài, lặng lẽ rút lui tìm về với sự thanh thản - vĩnh cửu. Sau khi sát nhập Báo An ninh Thế giới vào Báo Công an nhân dân, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân Hữu Ước mời ông rời trụ sở chuyên đề An ninh thế giới sang làm cố vấn chuyên môn cho Báo Công an nhân dân ở 66 Thợ Nhuộm, ông đã về lại chốn cũ, đã dốc lòng dồn tâm sức giúp cho tờ báo thêm một năm. Khi mọi thứ đã đi vào quy củ, là lúc ông cảm thấy sứ mạng của mình đã hoàn thành, thì ông lại dứt khoát ra đi, về với tự do, với cuộc sống không vướng bận để nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già.

Giờ đây, nhàn tản cùng ông trong buổi chiều đầu thu Hà Nội, leo bộ cùng ông lên sân thượng để thăm thú cây cảnh, tôi như người đã lâu lắm lại được ngộp thở trong cái không gian yên bình và thanh thản đến nhẹ cả cõi hồn. Ông loay hoay chỉ cho tôi những cọng hoa vươn dài xanh biêng biếc của loài Quế Lan Hương, loài hoa lan kỳ độc chỉ nở hoa một lần trong năm đúng vào dịp rằm tháng bảy. Hương của loài hoa lan này có mùi thơm lạ lùng đậm và ngọt như mùi của loài quế thơm. Trong vô số những thức cây ông chắt lọc để đưa vào mảnh vườn bé xíu này, Quế Lan Hương là loài hoa ông bà chăm chút nhất... Tôi cứ nghĩ vẩn vơ về ngày lễ Vu Lan trong mỗi rằm tháng 7. Những đứa con hiếu nghĩa xa quê đã quá lâu như ông nghĩ về quê hương, về mẹ đã nuôi giữ một chút gì đó như là sự chở nặng những ân tình. Vì thế mà cả ông và bà, những người con của miền Nam, của xứ sở Diêm Tiêu đã trồng lan để nở hoa vào mùa Vu Lan tháng 7.

Hằng ngày, ông đọc báo, tưới cây, không bỏ qua bất cứ một bản tin thời sự nào ở trên truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông nói: "Hãy cứ sống cho đến hết đi, dẫu tận cùng của cả những bất hạnh lẫn hạnh phúc, rồi chúng ta sẽ thấy được sống ở trên đời là một diễm phúc lớn".

Trong cuốn sách: "Bản lĩnh của người lính chiến" ông đã viết thế này khi ông quyết định rời bỏ công việc, thứ mà ông đam mê cả đời để về với sự tự do - và thanh thản: " Hãy nhớ không thể tắm hai lần trong một dòng sông vì thế mà tôi cảm thấy tôi thật hạnh phúc vì đã không uống cạn tận đáy chén những niềm vui của mình"

.
.