Nhà báo Trần Ấm: "Trọn đời với nghề"

Thứ Tư, 09/07/2008, 10:00
Đó là tên cuốn sách của nhà báo Trần Ấm, tập hợp 55 bài báo và 55 bức ảnh ông chụp trong những năm làm báo của mình, được xuất bản cách đây cũng đã gần chục năm. Đối với tôi, ông là bậc đàn anh không chỉ về tuổi đời mà còn về tuổi nghề, nhất là về cống hiến của ông trong những năm tháng gian khổ làm báo ở chiến trường miền Nam.

Ông là một trong số rất ít nhà báo của Thông tấn xã giải phóng trước đây có mặt tại Sài Gòn sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 may mắn còn sống trở về.

Ở tuổi 70, về hưu cũng gần chục năm nay, nhưng ông vẫn thế, vẫn năng nổ, tâm huyết với nghề, vẫn say sưa cầm bút, cầm máy ảnh như những ngày còn sung sức. Gặp ông là được nghe ông kể về những vui buồn của nghề làm báo, những "bức xúc" và cả "nỗi niềm nghề nghiệp" vẫn còn cuộn chảy trong ông…

7 lon gạo và quãng đường 21 cây số

Trần Ấm bảo, tuổi thật năm nay đã 70, nhưng tuổi đi học, đi làm thì mới 68, vẫn "còn trẻ chán"! Ông quê ở Kim Động, Hưng Yên, tuổi thơ đói nghèo, vất vả như bao nhiêu người cùng thời, có khác chăng là ông phải chịu nhiều đau thương, mất mát hơn.

Lên 10 tuổi cậu bé Trần Ấm đã phải chứng kiến cái chết thê thảm của cha, khi ấy là cán bộ của ta bị địch bắt, tra tấn, giết chết, phơi xác ở Bốt Đởm thuộc huyện Ân Thi. Sau 7 ngày đêm cha bị phơi xác, mẹ cậu mới được đem xác cha về chôn.

Bốt Đởm "ác ôn" khét tiếng, đến mức người dân đã truyền nhau hai câu ca mà đến nay ở tuổi 70 Trần Ấm vẫn thuộc: "Chiều chiều ra đứng bờ đê/ Trông về Bốt Đởm mà ghê cả người".

Cũng trong năm đó, anh trai cả của cậu, khi ấy là Chính trị viên Huyện đội Kim Động bị một kẻ phản bội chỉ điểm nên bị giặc bắt, giết chết tại Bốt Ngàng trong huyện, ít ngày sau khi cha hy sinh.

Một năm chịu hai cái tang lớn, mẹ cậu suy sụp hẳn; còn cậu, việc học hành cũng dang dở, mãi mấy năm sau, mới được tiếp tục đi học. Lên cấp 3, huyện và tỉnh chưa có trường, cậu phải thi vào Trường Phổ thông cấp 3 Hồng Quang ở thị xã Hải Dương. Thi đỗ, Trần Ấm "khăn gói" về Hải Dương trọ học.

Thứ bảy hàng tuần, cậu đi bộ 21 cây số về nhà, nhà nghèo chỉ dám xin mẹ 7 lon gạo cho 7 ngày ăn trong tuần, phần còn lại cậu tự xoay xỏa. Trần Ấm xin đi dạy bổ túc văn hoá cho một đơn vị thuộc ngành Công an, mỗi tối được 6 hào, đủ mua 1,5kg gạo.

Sau đó, cậu xin được một chân phụ chụp ảnh cho hiệu ảnh Tiến Lư ở đường Trần Hưng đạo, có thêm ít tiền tự lo cho cuộc sống của mình. Và, có lẽ cái nghiệp nhiếp ảnh sau này ràng buộc số phận của Trần Ấm bắt đầu từ những năm tháng làm thợ phụ chụp ảnh này.

Học hết cấp 3, năm 1962, Trần Ấm thi đỗ vào Khoa Pháp văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thuộc loại "sinh viên già" của khóa 1 khi đó. Năm 1965 tốt nghiệp, anh không trở thành nhà giáo như nhiều bạn bè khác mà lại được Thông tấn xã Việt Nam chọn để đào tạo thành phóng viên chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tấm thẻ căn cước giả và những đồng nghiệp đã hy sinh

Ngày 3/2/1966, Trần Ấm, với bí danh Hồng Long (sông Hồng, sông Cửu Long) lên đường đi B, cùng đoàn báo chí, văn nghệ sĩ khá hùng hậu vào chiến trường miền Nam, trong đó có những người sau này rất nổi tiếng, như nhạc sĩ Hoàng Việt, họa sĩ Lê Lam, biên đạo múa Thái Ly, nghệ sĩ tuồng Võ Sĩ Thừa…

Sau gần bốn tháng vượt Trường Sơn, Trần Ấm vào đến căn cứ của Thông tấn xã giải phóng (TTXGP) đóng ở Tây Ninh và chỉ mấy tháng sau anh đã "xung trận", cùng nhiều phóng viên TTXGP khác bám sát các đơn vị chiến đấu của Quân giải phóng để đưa tin, viết bài, chụp ảnh về chiến công đánh thắng trận càn lớn, mang tên Gianxơn City của Mỹ, vào căn cứ đầu não của ta.

Nhưng, kỷ niệm làm báo ở chiến trường đáng nhớ nhất, đến giờ vẫn còn in đậm trong ký ức của Trần Ấm, là những ngày anh và các đồng nghiệp được tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 tại Sài Gòn.

Khi ấy Trần Ấm là phóng viên thường trú của TTXGP tại T4 (Sài Gòn-Gia Định), nơi những bậc nhà báo đàn anh, như Khả Minh, Bến Nghé, Mười Minh… từng hoạt động.

Trước Tết ít ngày, Trần Ấm được An ninh T4 làm cho một thẻ căn cước giả của chính quyền Sài Gòn, cấp cho ông " Bảy Ấm, hành nghề tự do", để theo giao liên hợp pháp của ta vào Sài Gòn.

Còn các phóng viên TTXGP khác đều bám theo các đơn vị chiến đấu đánh vào Sài Gòn. Ngoài cây bút, máy ảnh là vũ khí của người phóng viên, tất cả các phóng viên đi theo các đơn vị chiến đấu đều được trang bị vũ khí với đầy đủ cơ số đạn cho một người lính, vào trận là chiến đấu thực thụ.

Ngay trong ngày đầu tiên tiến công Sài Gòn, một số phóng viên của TTXGP đã hy sinh. Phóng viên Hồ Minh Châu, bút danh Minh Nguyễn, quê ở huyện An Biên, Rạch Giá, là học sinh miền Nam, sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng vào chiến trường một đợt với Trần Ấm, bám theo mũi tiến công của Tiểu đoàn Lê Minh Xuân vào khu vực Chợ Lớn, chưa kịp viết một dòng tin về cuộc tiến công này, đã hy sinh ngay trên đường Nguyễn Tri Phương, thuộc quận 5 bây giờ.

Những dòng nhật ký của anh về trận đánh bị địch thu giữ, sau này chúng trích đăng trong cuốn sách "Sài Gòn máu lửa" coi như là một "chiến công" của chúng.

Nhiều phóng viên TTXGP cũng đã hy sinh trong đợt Tổng tiến công này, mà hầu hết đều là những sinh viên các trường đại học ở Hà Nội vào chiến trường cùng đợt với Trần Ấm: Phan Hoài Nam, Lê Tròn, Lê Đình Phụng, Nguyễn Bang, Nguyễn Oanh Liệt...

Đó là chưa kể nhiều phóng viên TTXGP khác cũng đã hy sinh trong khi cùng các đơn vị Quân giải phóng tiến đánh các thành phố, thị xã trong toàn miền Nam. --PageBreak--

Sau khi Hồ Minh Châu hy sinh, Lâm Tấn Tài, phóng viên nhiếp ảnh của TTXGP cùng Hồ Minh Châu theo mũi tiến công của Tiểu đoàn Lê Minh Xuân, bị thương, mất một mắt, phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Chiếc máy ảnh có cuốn phim anh chụp dở bị mất.

Hai mươi năm sau, nhờ một cán bộ ngành An ninh anh mới biết chiếc máy ảnh của mình đã rơi vào tay lính Sài Gòn; chúng đã in ra một số ảnh, sau ngày giải phóng ta thu lại được. Lâm Tấn Tài đã đưa những tấm ảnh đó vào cuốn sách ảnh mang tên "Ảnh thời chiến" của anh, xuất bản năm 2000.

Trong những tấm ảnh đó có ảnh chụp người Tiểu đoàn trưởng anh hùng, liệt sĩ Lê Minh Xuân và có cả ảnh nhà báo Hồ Minh Châu trước khi anh ngã xuống.

Còn Trần Ấm - ông "Bảy Ấm", những ngày khói lửa đó, hoà lẫn trong lòng dân Sài Gòn để viết tin, viết bài về cuộc nổi dậy của nhân dân thành phố.

Những bài báo anh viết ngay lúc đó và cả sau này, như : "Người con gái nhỏ của thành phố Sài Gòn anh hùng", viết về gương chiến đấu dũng cảm và mưu trí của nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Oanh trong mũi tiến công Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hoà; "Ngày hoả tuyến", viết về những cô tiểu thương ở chợ Bến Thành, những cô công nhân hãng dệt Vimitex, hãng nước ngọt BGI, những cô nữ sinh các trường Phan Sào Nam, Lê Văn Duyệt,… ngay trong Tết Mậu Thân đã trở thành "dân công hoả tuyến" tiếp đạn, tiếp lương thực cho Quân giải phóng, sau này nhiều người đã trở thành chiến sĩ giải phóng; hay " Các giới đồng bào Sài Gòn xuống đường chống Thiệu"; "Những mẩu chuyện đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định" v.v…, bây giờ chắc chẳng còn mấy người biết đến, nhưng đối với anh vẫn là những bài báo "đổi bằng xương, bằng thịt của mình", không bao giờ quên.

9 năm 8 tháng "B trọc" và tấm ảnh "suýt" được giải thưởng 

Trần Ấm ở lại chiến trường miền Nam cho tới sau ngày giải phóng mới ra Bắc, về tạm trú tại nhà người anh trai là Trần Nhuệ, lúc đó là phóng viên Báo ảnh Việt Nam, để, như anh nói "có hộ khẩu mới có tem phiếu lương thực, thực phẩm".

Qua người anh trai, ông Hoàng Tư Trai, khi đó là Phó Tổng biên tập, phụ trách ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, biết Trần Ấm hồi trẻ đã phụ chụp ảnh, ở chiến trường cũng đã chụp ảnh báo chí, nên điều động anh từ phóng viên tin sang làm phóng viên ảnh, điều mà trước đó anh không nghĩ tới.

Và thế là từ năm 1976 đến nay, suốt mấy chục năm chiếc máy ảnh trở thành người bạn gắn bó với nghiệp làm báo của Trần Ấm. Ông trở thành "phóng viên nhiếp ảnh thứ thiệt" chứ không còn là "tay ngang" như trước.

Trần Ấm đi nhiều nơi, chụp nhiều ảnh về con người, thiên nhiên, cảnh vật, nhất là về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc, từ bản làng heo hút của đồng bào dân tộc ít người ở Điện Biên, Lai Châu, Mèo Vạc, Hà Giang, đến Đồn Biên phòng An Thới thuộc huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang; từ làng hoa Tân Quy Đông, bên dòng sông Tiền thuộc thị xã Sa Đéc đến các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa…và nhiều, nhiều địa danh khác.

Ảnh của ông được in nhiều trên báo, nhiều ảnh đẹp, có giá trị được bạn bè làng báo và giới nhiếp ảnh biết, nhưng ông chưa một lần có giải thưởng báo chí và nhiếp ảnh, và đến bây giờ ông vẫn chưa phải là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Nghe nói, bức ảnh ông chụp nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sau khi được giải cuộc thi âm nhạc quốc tế Sôpanh năm 1980 trở về nước đến thăm trường cũ, một lần "suýt" được giải thưởng.

Nhiều bạn bè trong giới đánh giá cao bức ảnh này, vì ảnh chụp Đặng Thái Sơn với khuôn mặt hiền, nụ cười tươi, tự nhiên, đứng giữa "rừng hoa" của bè bạn tặng, toát lên được cả thần thái của người nghệ sĩ tài hoa này.

Bà Thái Thị Liên, mẹ của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn kể với ông, khi đi cùng Đặng Thái Sơn sang biểu diễn tại Nhật Bản, bà đã thấy bức ảnh nói trên được các bạn Nhật Bản phóng rất to để chào đón Đặng Thái Sơn.

Nghe nói ông "suýt" được giải về bức ảnh này là vì, sau khi có người đề nghị, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam khi đó đã không xét để trao giải chỉ vì ông không phải là hội viên của Hội!

Ngày lên đường đi B, Trần Ấm chưa có gia đình riêng, nên thuộc diện "B trọc", không được để lại lương cho gia đình như những người đã có vợ con. Sau này, có chế độ đối với những người đi "B trọc" như ông, tính ra ông đã có 9 năm 8 tháng, nhưng theo "quy định" không được "tinh tròn" 10 năm, mà chỉ được tính 9 năm rưỡi, mỗi năm được nhận 500.000 đồng, cộng lại được nhận 4.750.000 đồng!

Ông bảo khi cầm những đồng tiền được lĩnh trên tay, ông buồn nhiều hơn vui. Không phải ông "hờn dỗi' hay buồn bực vì số tiền nhận được không là bao so với gần 10 năm ông đã chiến đấu ở chiến trường, mà là vì ông xót xa nhớ đến những người bạn đồng nghiệp cùng ra đi "B trọc" như ông đã không trở về.

Họ nằm trong số hơn 200 nhà báo liệt sĩ của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh, dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Tiền của nào có thể đền đáp được sự hy sinh đó?

Tôi hiểu, từ ngày về hưu, Trần Ấm vẫn đều đặn viết bài tưởng nhớ những nhà báo đồng nghiệp đã hy sinh và hễ có dịp là ông lại cùng đồng đội đi tìm hài cốt của những người bạn hiện vẫn chưa tìm thấy, như đã từng làm đối với Nguyễn Bang, Lê Đình Phụng, Nguyễn Đức Hoằng và bao bạn bè khác.

Tôi biết, ông đang để công sức viết kịch bản cuốn phim tài liệu về Thông tấn xã giải phóng và ấp ủ nguyện vọng cuối đời là làm một cuốn sách ảnh của riêng mình, cho thật "Trọn đời với nghề". Mong rằng công việc và dự định đó của nhà báo Trần Ấm sớm thành hiện thực

Dương Đức Quảng
.
.