Nhà báo Phùng Nguyên: Tự nguyện “đứng về phe nước mắt”

Thứ Bảy, 20/06/2015, 10:19
Cầm quyển tuyển tập phóng sự “Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi” vừa mới ra lò Nguyên tặng, đương dưng thấy bừng bực: “Quả giai đẹp này rõ ư đểnh đoảng, đã mất công ra sách mà còn in... xấu thế này”. Nhưng rồi lại tự nhủ thầm, biết đâu đấy là lựa chọn có chủ đích, bởi giữa thời buổi chuẩn thẩm mỹ đang bị lộn tùng phèo, cái đẹp đang “đè bẹp cái nết” hay nước sơn được tung hô cổ súy hơn phần bên trong nhiều lần thì Phùng Nguyên vẫn cố chấp “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vẫn bình thản viết, làm nghề, không cuống cuồng vội vã, vẫn kiên định chọn cho mình chỗ đứng tử tế đàng hoàng trong làng báo làng văn mà từ chối a dua, tránh để những chập chờn bề nổi dạt xô ám thị mình...

1. Tháng 3, Hà Nội hầm hập sốt vì những dải cây xanh um tùm phố bị đốn hạ dần dần, chat cùng Nguyên qua facebook, thấy than buồn và xót, xót xa quá. Bảo viết đi, chỉ cười: “Em đang ở Cửa Lò dự trại sáng tác của Nhà xuất bản Công an nhân dân, hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết dang dở”. Bẵng vài hôm, thời gian như một chớp mắt vèo qua, chưa ai kịp trở tay làm cho ra dáng nổi việc gì, đã nghe Phùng Nguyên tin vui râm ran thông báo: Tiểu thuyết Thành phố không có cầu vồng được giải cuộc vận động sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức 5 năm một lần. 

Thắc mắc không rõ Nguyên viết văn vào lúc nào, khoảng thời gian ấy vẫn nhót cái lại “xách balô lên và đi” trong những chuyến công tác dài ngày, vẫn chỉn chu phận sự cơ quan công việc tòa soạn mà dáng vẻ lúc nào cũng đủng đỉnh an nhàn không thấy chi kiểu cách của những người chỉ nhăm nhăm vùi đầu vào chữ nghĩa.

Mê văn chương, mê viết từ tuổi học trò, rụt rè cộng tác rồi thường xuyên có bài đăng báo ngay lúc sinh viên, tốt nghiệp đại học xong chẳng mấy khó xin về được báo Tiền Phong, rồi tự nguyện ép mình vào mảng phóng sự, và từ đó để chính cuộc sống kéo lê, lôi cuốn theo những phận người, phận đời, những nhân vật cứ bấp bênh bên lề xã hội. Là sinh viên đã chấp nhận mò mẫm, dám đơn độc giữa khuya ra nghĩa trang Văn Điển để thử cảm giác, Nguyên không nề hà một sự dấn thân nào.

Như những cây viết phóng sự gạo cội đàn anh đàn chú đồng nghiệp, Nguyên đi nhiều. Đương nhiên, anh mò mẫm tới không thiếu một góc bể chân trời nào và hoặc do phận số đẩy đưa hoặc do căn cốt vậy bản tính vậy được mặc định từ khuôn mặt sáng, nụ cười hiền, nhìn đã ra ngay kiểu người có hậu nên cũng dễ bắt sóng, chạm trán với những mảnh đời éo le hoàn cảnh, chông gai khốn khó nhọc nhằn. Chịu đi chịu xê dịch, phần thưởng dành cho Nguyên chính là những câu chuyện hi hữu, những tình tiết khúc quanh tháng ngày của một nhân vật quá đỗi đặc biệt nào đó mà Nguyên diện kiến, rồi không cần phải điệu đàng câu chữ sắp đặt tình tiết chi cho ra chiều đỏm dáng, cứ bình thản điềm nhiên kể lại đã lan tỏa nỗi ám ảnh sự bâng khuâng cho bạn đọc lắm rồi. Nguyên ôn tồn kể câu chuyện người cha già viết đơn xin hiến xác cậu con trai chết não nhiều năm liền, nhưng rồi lá đơn đó chưa thể gửi đi vì chính cô con dâu lại chẳng bao giờ chấp nhận. 

Lê Thị Đức Hạnh, người mà cha chồng muốn cái chết thực sự của chồng chị sẽ là cách giải thoát cho người vợ khỏi những nỗi đày đọa khổ sai, thoát khỏi gánh nặng khó ai san sẻ nổi trong hành trình duy trì cuộc sống cho người chồng chỉ còn tồn tại như một sinh vật vô tri giác, người con dâu đã sống, đã làm người y như cái tên cha mẹ chị đặt cho - Đức Hạnh - lại sẵn sàng ôm nỗi cơ cực cay đắng vào lòng, chấp nhận giữ chồng bên mình, chăm sóc một thân xác đàn ông vô tri giác đơn giản vì làm vợ phải thế, bổn phận người vợ đơn thuần đồng hành đồng cam cộng khổ với chồng đến cuối cuộc đời.

Chuyện thật giữa đời thường mà như những tình tiết hoang đường của phim viễn tưởng, dường như Nguyên đã nuốt nước mắt vào trong để trần thuật lại, tránh đưa xúc cảm vào cốt sao chân dung người đàn bà Đức Hạnh đến với độc giả sinh động gần gũi y như chị đang sống hằng ngày. 

Cũng tương tự như nhà văn, nhà báo Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong, sếp cũ của Nguyên nhận định: “Thời nào cũng vậy, hướng ngoài bút vào số phận con người, những con người bình thường, những con người có số phận éo le, oan khuất khổ đau... là những đề tài tưởng cũ nhưng lại luôn luôn mới nếu người viết có một tấm lòng, một cách nhìn, một cách tiếp cận mới”, Phùng Nguyên (may mắn) có một trái tim dễ xao động, dễ đồng cảm, một con mắt nhìn tươi tắn, lạc quan với các sự vật hiện tượng và cách tiếp cận đi vào trực diện vấn đề, không hoa lá màu mè, không cố tình làm duyên làm điệu, cốt chuyển tải muôn mặt đời thường theo y như những gì (nó) đang tuần tự diễn ra, và cái đích cuối cùng cũng chỉ để rút ngắn con đường chinh phục người đọc...

2. Làm báo sẵn cơ hội để đi, để nhận biết, để thấu hiểu cuộc đời vốn cực kì phong phú lạ lùng lẫn bí ẩn, cuộc đời luôn chứa đựng những vùng khuất lấp chỉ có thời gian mới bóc trần được lớp bụi lãng quên, rồi một ngày lại chính những tư liệu cuộc đời ấy thành chất liệu cho văn chương mà Phùng Nguyên túc tắc đeo đuổi. Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi không dụng công về mỹ thuật, bù lại từng trang sách lại trĩu nặng những nỗi đau của phận người. Nhờ sách, nhờ Nguyên, nhiều độc giả hôm nay mới lần đầu tiên được tiếp cận câu chuyện bi thương Nỗi đau xé lòng 35 năm mới kể về cái chết của 98 đoàn viên thanh niên vào buổi trưa định mệnh trên công trường thủy lợi xây dựng cống Hiệp Hòa. 

35 năm qua, dường như trừ gia đình các nạn nhân, trừ những người trong cuộc, trừ những chứng nhân của một khoảnh khắc lịch sử, chẳng còn mấy ai mường tượng nhớ nhung hình dung được dưới dòng nước tươi xanh lững lờ trôi tưới tắm cho 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... đã từng trong một tích tắc cướp đi cuộc sống của 98 chàng trai cô gái đang hừng hực tuổi thanh xuân khi công trình cống thủy lợi đang thi công bị sập. Nhờ Nguyên và 4 kì báo đặc quánh nước mắt đăng liên tiếp trên Tiền Phong năm 2013, người đương thời còn ngẩn ngơ hơn khi biết, không một cử chỉ tri ân, không một dấu tích tưởng nhớ nào đã được bảng vàng bia đá khắc ghi hoặc mực đen dấu đỏ chính danh công nhận sự hy sinh của những người trẻ cho công cuộc dựng xây đất nước. 

Ở đâu đó trên khắp dọc dài đất nước Việt Nam, trong miệt mài những tháng năm dựng nước và giữ nước, có thể sẽ còn không nhiều thì ít bí mật như sự kiện Hiệp Hòa sẽ mãi vùi vào cát bụi nếu không (may mắn) có một nhà báo nào như Nguyên khám phá và minh bạch hóa ra bằng các trang viết. Viết để người đời biết không vì mục tiêu phán xét, mà đôi khi chỉ đơn thuần để kêu gọi thêm những hành động tri ân rành mạch và cụ thể giúp vết thương liền miệng nỗi đau dịu ấm phần nào.

Quen kiểu lọ mọ một mình, Phùng Nguyên xem ra cũng không hay sa đà lẫn lộn vào những đám đông, kể cả các đám đông đồng nghiệp, không cuốn mình theo những xu hướng “đánh hội đồng”, khen hội đồng chê hội đồng vốn là một “vũ khí bí mật” của không ít “hội nhóm” làm nghề cầm bút. Vẫn giữ được sự ngạc nhiên, vẫn biết đau đáu với những thăng trầm vinh tủi của nghề, Phùng Nguyên có điều kiện lại “trên từng cây số”, lại balô đầu trần bụi bặm xăm xắn đến những ngóc ngách người thường khó tới lui được cho dù dáng vẻ thư sinh trắng trẻo bề ngoài lại như một sự thách đố với những cung đường... 

Hỏi Nguyên sao không có vẻ bặm trợ ngang tàng bụi bặm như thường thấy ở một gã trai chuyên viết phóng sự, anh sẽ chỉ cười, vẫn nụ cười lành lành dễ được sử dụng để gây thiện cảm cho các nhân vật đã và đang rắp tâm tiếp cận, chinh phục.

Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi và Thành phố không có cầu vồng chỉ là những tập sách mới nhất của Phùng Nguyên - một thể hiện vị thế và chỗ đứng nhà báo, một để chàng trai ở tuổi đang xoan định danh mình giữa chốn văn chương nhiều tị hiềm soi mói. Nguyên 35 tuổi, hơn 10 năm làm báo đã sắp đặt cho mình được một gia tài kha khá. Tập truyện ngắn Mùa phấn vàng đi qua, hai tập phóng sự Tử tù - những nỗi đau số phận Thung lũng mỹ nhân đã thành điểm nhấn của quá khứ, để cả đồng nghiệp (vốn chẳng mặn mà công nhận nhau) và bạn đọc (cũng chẳng mấy khi nhớ tên người viết) phải nhắc tới Nguyên, lưu bút danh Phùng Nguyên để mà háo hức tò mò chờ đợi những trang viết mới. 

Tự nguyện “đứng về phe nước mắt”, làm nghề với nỗi bận tâm “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời, Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”, Phùng Nguyên thây kệ những bộn bề xuôi ngược, những ganh đua giành giật, cứ bình thản sống - bình thản đi - bình thản với những trang viết và hành trình làm nghề của một nhà báo đàng hoàng tử tế.

Ngô Hương Sen
.
.