Nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer (10/4/1847 - 29/10/1911): Nhất nghệ tinh

Thứ Ba, 13/05/2014, 10:10

Cách đây 110 năm, chủ bút tờ The New York World, người làm báo nổi tiếng và cũng không ít tai tiếng thời đó ở Mỹ là Joseph Pulitzer, đã lần đầu tiên viết trong bản di chúc làm trước của mình về việc lập ra giải thưởng mang tên ông cho những chiến sĩ trên mặt trận chữ nghĩa. Theo đó, sẽ có 13 giải thưởng Pulitzer được trao hàng năm: 4 giải cho báo chí, 4 giải cho văn học, 4 cho sân khấu và một cho giáo dục.

Là người lão luyện trong làng báo, Pulitzer ngay từ khi đó rất nhạy cảm với những thay đổi không thể cưỡng được của thời cuộc nên đã lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Từ năm 1917, giải Pulitzer được hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Columbia ở New York trao vào tháng tư hàng năm. Kèm theo đó là khoản tiền 10 nghìn USD. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung, trong đó có  thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, sách tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhậc... Đây vẫn được coi là một trong những giải thưởng danh giá hàng đầu ở Mỹ trong lĩnh vực sáng tạo.

Ngay từ khi còn sống, Joseph Pulitzer đã trở thành huyền thoại của làng báo Hoa Kỳ. Tay không lập nghiệp, bằng tài trí và sự nỗ lực tới quên mình, người đàn ông gốc Do Thái di cư sang Mỹ đã không ngại mạo hiểm để xây dựng nên một phong cách báo chí có ấn tượng không chỉ đối với một thế kỷ...

Sống phải say mê

Pulitzer sinh ra tại một thị trấn nhỏ Maco của Hungary ngày 10/4/1847 trong một gia đình có cha là nhà buôn bánh mì giàu có người Do Thái và mẹ là người Đức. Đến tuổi trưởng thành, Pulitzer không nối nghiệp cha mà nhất quyết xin đi lính. Cùng một lúc, anh thanh niên Joseph ứng thí vào quân đội 3 nước: Áo, Pháp và Anh. Tuy nhiên, chẳng có quân đội nào chịu thâu nhận anh cả vì chàng trai mắt thì kém, còn sức khỏe lại yếu. Thế mà, Joseph không nản chí và tìm mọi cách để gia nhập quân đội Mỹ. Tuy nhiên, hiện thực đã nhanh chóng làm cho Pulitzer cảm thấy chán chường với đời lính đánh thuê đến mức, ngay khi tàu chưa kịp cập bến Boston, anh đã ôm số tiền ứng trước của những người sang châu Âu tuyển mộ lính và nhảy ngay xuống biển bơi vào bờ. Tuy nhiên, “chạy giời không khỏi nắng”, Pulitzer vẫn phải khoác lên mình áo lính và bị sung vào biên chế trung đoàn kị binh số 1 của New York. Tuy nhiên, tới năm 1865, nội chiến ở Mỹ chấm dứt, Pulitzer phải ra quân. Chàng trai 18 tuổi không biết làm gì tiếp theo.

Tại Saint Louis, nơi Pulitzer tá túc sau khi rời quân đội, cuộc sống của một kẻ nhập cư chẳng dễ chịu chút nào. Anh nói thạo tiếng Đức và tiếng Pháp nhưng lại rất kém tiếng Anh nên mãi không tìm ra được một việc làm tử tế, đành phải lúc thì đi dọn rác, lúc lại đi làm bồi bàn, rồi cả việc chăn súc vật nữa. Tuy nhiên, Pulitzer không nản chí, cứ rảnh rỗi là anh lại lên thư viện để nghiên cứu ngôn ngữ và luật.

Vận may đã mỉm cười với Pulitzer trong phòng chơi cờ vua, nơi thỉnh thoảng anh ghé vào sau lúc đọc sách trên thư viện. Số phận của anh được định đoạt bởi một lời mách nước mà anh đã nói bên bàn cờ vua. Hai đấu thủ nghe lời khuyên của anh lúc đó lại là biên tập viên của báo Westliche Post in bằng tiếng Đức. Đánh giá cao sự sáng dạ của Pulitzer, họ mời anh tới tòa soạn cộng tác. Và, công việc làm báo đã khiến Pulitzer thành đạt nhanh tới mức, ở tuổi 25, anh đã là đồng sở hữu tờ Westliche Post.

“Bán chữ”, nếu chạy, luôn là nghề hái ra tiền. Tới năm 1878, Pulitzer cảm thấy mình đã đủ giàu có để lập gia đình. Cuộc đời tiếp tục nở hoa với anh, nhưng không phải vì thế mà Pulitzer thanh nhàn hưởng thụ hoa thơm trái ngọt. Năm 1878, Pulitzer mua tờ báo St. Pouis Post-Dispatch và bắt đầu hành trình khổ ải vì nghề. James Barrett, người viết tiểu sử cho Pulitzer, khẳng định rằng, từ đó trở đi, Pulitzer “ngồi vào bàn làm việc từ sáng sớm cho tới nửa đêm, đôi khi còn muộn hơn, không bỏ sót bất cứ một chi tiết nào trong “đế chế” của mình”. Cho tới cuối đời, Pulitzer vẫn tuân thủ theo nguyên tắc của mình: Sống là phải làm việc say mê.

Một mình thay đổi cả thị trường báo chí

Để độc giả mua tờ báo của mình, Pulitzer thường xuyên tung ra những phóng sự điều tra táo bạo, hấp dẫn với những lời bình luận đầy ấn tượng. Ông viết về nạn tham nhũng, ăn hối lộ, những trò trốn thuế và về những tên trộm cướp “rách giời rơi xuống”... Những sự kiện nóng bỏng gây hứng thú vô biên đối với người đọc và số lượng phát hành của báo không ngừng gia tăng, đồng nghĩa với việc Pulitzer càng ngày càng trở nên giàu có.

Tuy nhiên, sự cống hiến quên mình cho công việc không phải là không gây ảnh hưởng xấu. Tới tuổi 35, Pulitzer đã bị giảm thị lực nghiêm trọng. Thế là ông đành cùng vợ về “lục địa cũ” tìm thầy chạy chữa mắt. Tuy nhiên, đi tàu hỏa tới New York, chưa kịp lên tàu thủy để đi châu Âu,  Pulitzer lại bị cuốn theo niềm đam mê báo chí. Thấy tờ The New York World đang ở  bên bờ vực phá sản, ông mua nó luôn. Và quên đi chuyện mắt kém, ông lại lao mình vào công việc. Bắt đầu “cuộc cách mạng của một người”, như Barrett sau này viết.

Nắm The New York World, Pulitzer thay đổi hẳn cách làm, nội dung và cả khổ báo. Ông đưa tờ báo này lên vị trí đầu bảng về chống tham nhũng trong nền chính trị Mỹ lúc đó. Cùng với những bài bản cũ mà ông đã từng sử dụng thành công ở tờ St. Pouis Post-Dispatch, khi làm The New York World, ông đã đưa ra thêm một số công thức mới: Trên các trang báo đã xuất hiện minh họa màu và những bài dài kỳ. Pulitzer còn rất chú trọng đến tính thời sự của các bài viết và tin. Chính The New York World là tờ báo đầu tiên đã miêu tả bức tượng mà người ta mãi không chở được từ Pháp sang Mỹ, bức tượng mà hiện giờ cả thế giới đều biết tới với cái tên Tượng thần Tự do.

Bốc đúng “bệnh” cho The New York World, Pulitzer không chỉ làm hồi sinh tờ báo này mà còn giúp nó sau 10 năm trở thành một trong những cơ quan báo chí hàng đầu của nước Mỹ thời đó với lượng phát hành lên tới 600 nghìn bản.

Những thay đổi ở The New York World dĩ nhiên không làm cho các ông chủ báo khác hài lòng. Pulitzer bị đố kỵ ở khắp mọi nơi, nhiều “đại gia” trong làng báo Mỹ thời đó đã tìm mọi cách để “chẹn họng” ông, kể cả chơi “võ bẩn”. Thí dụ, tờ The Sun còn bêu riếu xuất thân của ông, cho ông là một người Do Thái  “mất gốc” (?!) Sau khi bài báo này ra đời, một thời gian dài, người gốc Do Thái sống ở New York đã không mua tờ báo của Pulitzer nữa...

Làm một tờ báo hay đã mệt mỏi rồi, chống lại những kẻ không muốn mình làm được một tờ báo hay còn mệt mỏi hơn nữa. Sức khỏe của Pulitzer vì thế đã bị suy giảm nghiêm trọng. Năm 1890, ở tuổi 43, Pulitzer đành phải ngừng làm công tác biên tập báo và phải đi chữa bệnh ở những cơ sở y tế tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, mọi sự đã muộn. Hai mươi năm cuối đời, ông đành phải sống trong những căn hầm cách âm ở biệt thự của mình tại New York và trên du thuyền riêng. Tuy thế, ông vẫn cầm chắc dây cương đối với “đế chế” báo chí của mình. Đôi lúc, ông còn ngoan cường đích thân đứng ra điều khiển những cuộc chiến với các đối thủ cạnh tranh...

Ngày 29/10/1911, trong lúc đang ở trên du thuyền, Pulitzer đã trút hơi thở cuối cùng. Trước đó, ông đã đọc cho thư ký chép lại câu mà ông coi là phương châm hành xử chủ yếu của mình trong nghề làm báo: “Chỉ có ý thức trách nhiệm chân thành nhất mới cứu được nghề báo khỏi rơi vào vị thế nô lệ trước giai cấp hữu sản, giai cấp luôn theo đuổi những mục tiêu ích kỷ và hoạt động chống lại lợi ích của xã hội”.

Sống cả sau khi chết

Ngay từ năm 1904, Pulitzer đã viết trong di chúc về việc để lại cho trường Đại học Tổng hợp Columbia 2 triệu USD. Ông chủ báo này muốn ba phần tư số tiền đó được sử dụng vào việc lập ra phân viện báo chí, phần tiền còn lại dùng để lập ra giải thưởng báo chí. Một năm sau ngày Pulitzer mất, phân viện báo chí được thành lập tại Trường Đại học Tổng hợp Columbia. Còn giải thưởng mang tên ông bắt đầu được trao hàng năm (từ năm 1917). Ngót trăm mùa xuân đã trôi qua, uy tín của giải thưởng này vẫn không bị suy giảm, bất luận những biến thiên trên chính trường và làng báo chí Mỹ. Câu nói của Pulitzer cho tới hôm nay vẫn đáng để những người làm báo suy ngẫm: “Tôi suốt đời làm báo và tôi hiểu rằng, báo chí có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới trí óc con người. Tôi muốn làm cho cái nghề này trở nên hấp dẫn đối với lớp trẻ mạnh về tinh thần và anh minh về trí tuệ, cũng như muốn giúp cho những ai đã chọn nghề làm báo có được những phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ cao”

Trần Trọng Thanh
.
.