Nhà báo Huy Thịnh, dấu ấn của sự lạ

Thứ Năm, 15/07/2010, 16:28
Huy Thịnh thuộc trang lứa với ông thông gia mệnh yểu của tôi - nhà báo Phạm Mạnh, Tổng biên tập Báo Bạn đường. Người có công nâng tờ báo giống như một bản tin nội bộ lên thành một tờ báo chuyên ngành ngang tầm với mọi tờ báo quốc gia bởi chất văn hóa và sự thông đạt.

Những sự lạ đa chiều về Huy Thịnh

Vậy tức là Huy Thịnh kém tôi năm tuổi tây và sáu tuổi ta. Anh em tôi cũng chẳng mấy khi gặp nhau. Một năm giỏi lắm chừng ba bốn bận. Thường thì là tình cờ ở quán bia cỏ góc phố nào đó. Quan trọng hơn một chút là cuộc gặp mang chất lễ nghi, khánh tiết nhân Ngày Nhà báo 21/6 hay dịp cuối năm nào đấy.

Không gặp thì thôi, gặp anh em tôi đều chặm vặp lấy nhau cười nói hể hả mọi chuyện trên trời khó dứt. Khi vơi vơi thường thì tôi lại ngồi nghe Huy Thịnh vốn là tay hoạt ngôn bẩm sinh lại làm tôi ngạc nhiên hết tao này sang tao khác. Tôi cũng như không ít bạn bè biết Thịnh đều công nhận nghe gã không thấy chán. Bởi trời sinh ra cho gã thế mạnh ở sự ăn nói có duyên.

Cái duyên ấy ở sự phát âm chuẩn của kẻ quê ven đô Hà Nội. Duyên ấy ở kiến thức và sự tích nạp đời thường của kẻ có thói quen thu lượm những sự hài, sự phát hiện. Kể cả lúc Thịnh văng tục. Sự nói tục của gã không phải là ngôn từ của kẻ bợm bãi mà như một thủ pháp nhấn cho ý đồ nào đó. Thịnh lại là kẻ có học. Dân Tổng hợp Văn đa phần là thế.

Sau vào đời lại theo nghiệp báo, nghiệp văn khi đã vào mạch nói thì cứ có thể nói trùng điệp, khó dứt. Nói nhiều mà kẻ nghe không thấy nhạt như Huy Thịnh trong đời không nhiều, với Thịnh lại lộ ra tố chất của người có mầm mống của sự tài. Riêng với Thịnh, mỗi lần gặp ở mỗi giai đoạn tôi lại phát hiện ở gã những sự lạ.

Thoạt nhìn bề ngoài tưởng Thịnh - giờ đương chức Trưởng ban Hà Nội Mới cuối tuần - là kẻ làm báo sự vụ, cắt dán và xào nấu tư liệu trên mạng. Ai dè. Suốt gần một thập kỉ cuối của thế kỉ XX từ 92 đến 98 gã gần như giữ chức phận chuyên trách MC cho các liveshow Hoa hậu thời trang, người đẹp của thành phố.

Với cátsê bán lưỡi một đêm 2 triệu (chòm chem bốn chỉ vàng thời đó). Năm 2004 được cố Nghệ sĩ Vũ Hà vì quá tin tưởng nghệ thuật khẩu thuật (giả tiếng người khác) của Thịnh đã mời gã vào vai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong kịch truyền thanh "phòng tiếp khách phía Tây" của Hoài Giao.

Đến năm 2004 đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn hát bằng tiếng Nga ca khúc trứ danh của xứ sở bạch dương "nước Nga - Tổ quốc tôi" trong lễ đón mừng ông Lusacốp - Thị trưởng Moskva. Bài hát được thể hiện hay và chuẩn về phát âm đến độ ngài Thị trưởng hỏi mãi Thịnh học tiếng Nga ở đâu. Ông đâu dè, đấy chính là di sót trình độ ngoại ngữ hồi làm sinh viên Tổng hợp Văn.

Năm 2007 thì thình lình Thịnh cho NXB Kim Đồng in bản dịch Truyện cổ Campuchia trong đó có hẳn một truyện dịch thành truyện thơ với những câu thơ khá mượt mà "nhìn trăng sáng giống nàng trong trắng. Mặt nước pha óng ánh rạng ngời. Nhớ đêm nào đôi ta cập bến. Tình vợ chồng ăm ắp em ơi".

Tôi đã nhiều lần sang Campuchia, nhìn thứ chữ loằng ngoằng và nghe thứ tiếng nói lào xào của dân xứ sở này quả tình tôi không thể hình dung mình tiếp xúc thế nào. Sau này lại biết trông tưởng hoang dã vô lối là vậy những hệ thống ngôn ngữ này cũng rất khoa học với 24 nguyên âm cùng 33 phụ âm, kèm 33 chính phụ âm.

Nhưng cái khó của tiếng này là khi đi với hai nhóm thì nguyên âm lại phát âm hoàn toàn trái nhau. Vậy mà chỉ sau năm tháng học trong nước để đi nhận nhiệm vụ thường trú ở Campuchia, Huy Thịnh chẳng những đọc thông, viết thạo thứ tiếng kì lạ này mà còn am hiểu đến độ dịch được truyện dân gian của họ thì riêng về thẩm thấu ngôn ngữ lạ gã đã vượt lên sự sáng dạ mà đạt đến sự kì tài.

Không hiểu việc này có sự tác động nào của vợ Huy Thịnh là giảng viên Phan Hồng Liên dạy ngôn ngữ Trường Đại học Quốc gia không. Chưa hết. Trong hai năm liền Huy Thịnh lại liên tiếp được mời vào vai hai phim truyền hình vào loại ăn khách. Năm 2008 là 35 tập phim "Mùa cưới ".

Năm 2009 là "Bí mật Eva" tạo cho gã hàng đống fan đáng tuổi hai thằng con trai gã. Còn vào tháng 6 này khi gặp gã ở nhà hàng Biển Nhớ, Thịnh khoe ngay. Hai năm liền Nhà hát Chèo Hà Nội liên tiếp dựng hai kịch bản của gã. Năm 2009 là "Chàng Ca Tu và nàng Tum Tiêu" theo cốt truyện thơ chính gã dịch. Năm 2010 này là "Thăng Long đệ nhất kẻ sĩ" viết về danh nhân đồng hương với Huy Thịnh - Cao Bá Quát. "Ai đạo", Tôi trố mắt hỏi. "Doãn Hoàng Giang chứ còn ai vào đây nữa. Ông anh còn bảo phải là mày viết Cao Bá Quát mới đích".

Tôi lại thêm một lần ngạc nhiên và không khỏi phục Thịnh. Tôi biết đạo diễn kì tài này cách đây không dưới 20 năm hồi ông còn ở căn nhà chênh vênh như tổ chim bồ câu ở ngõ nhỏ phố Huế. Hôm đó, tôi còn nhớ anh em đang trò chuyện thì nghệ sĩ Nguyệt Ánh - vợ cũ đạo diễn đến. Anh Giang bảo tôi luôn: "Thôi được rồi, chú về đi, tao với Nguyệt Ánh có chuyện riêng".

Sau này hai anh em tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau và trong tay anh Giang còn hàng mớ kịch bản của tôi mà chưa bao giờ thấy hồi âm. Vậy mà với Huy Thịnh, hai năm hai kịch bản được Doãn Hoàng Giang dựng thì gã quả là người viết kịch kì tài, xưa nay hiếm thật.--PageBreak--

Những chặng đời cũng không kém lạ

Cũng là sự run rủi hay do vượng khí của một vùng quê nên Huy Thịnh được sinh ra trên mảnh đất đã sinh ra Chu Thần Cao Bá Quát, làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Một người thông minh, trí lự hơn người nhưng cũng thật nghênh ngang, tự tin và hào sảng với tuyên ngôn "Thiên hạ có bốn bồ chữ thì Quát tôi có hai bồ, anh tôi - Cao Bá Đạt cùng bạn tôi là Nguyễn Văn Siêu một bồ, còn một bồ chia đều cho thiên hạ".

Nhưng cũng là một người không giấu được sự thương dân đến rát ruột khi ông viết "Thái bình vô nhất lược. Lộc lộc sĩ vi nho" (không khó gì cho thiên hạ thái bình. Thẹn mình là nhà nho kém cỏi). Còn với Huy Thịnh ngay khi chân ướt chân ráo vào đời đã chứng tỏ là kẻ nhập thế. Vào khoa văn Trường Đại học Tổng hợp đúng năm tôi ra trường 1970.

Nếu làm một lèo hết khóa thì thành cử nhân vào năm 1974 nhưng vừa xong năm thứ nhất đã gia nhập quân ngũ. Để rồi đến năm 1972 cùng một loạt đồng đội mà sau này không ít trở nên người có tiếng tăm trong thiên hạ như Hoàng Nhuận Cầm, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Văn Thạc… tham gia trận đánh đã đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh chống Mỹ - Cuộc tấn công Thành cổ Quảng Trị.

Không hiểu cảm nhận thế nào về gã đồng đội đồng hương Hà Nội cao một mét bẩy, môi gọn và mỏng mà Hoàng Nhuận Cầm (con trai Nhạc sĩ Hoàng Giác tài hoa quê gốc ở làng Thụy Phương tên chữ của làng Chèm cùng quê với kẻ viết bài này, tác giả hai nhạc phẩm kinh điển về chất lãng mạn Hà thành "Ngày về" và "Mơ hoa") đã đưa Huy Thịnh thành nhân vật trong bài thơ "Thư mùa thu"- một trong chùm bốn bài thơ của Cầm đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972 với những câu thơ đẫm kỉ niệm ấu thơ giữa cuộc chiến ác liệt "Tiếng hát làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non? Thịnh cùng tôi cầm đèn rọi ve quanh gốc sấu"…

Không biết có phải bị ám ảnh vì tiếng hát được nhắc trong thơ của Cầm như vậy mà năm 1973 gã trai quê của Chu Thần trở thành ca sĩ có chất giọng baritong trong đoàn văn công của Sư đoàn 325 và làm thơ cho nhạc sĩ của đoàn phổ nhạc. Ca khúc "Đêm trăng xóm lưới" của Lê Nguyên Thêu ra đời từ một trong những ràn rạt bài thơ của Huy Thịnh là vậy. Nhưng rồi cuối cùng cóc ba năm lại quay đầu về núi.

Cái nghề cầm bút làm báo lại đưa gã về phóng viên Báo Chiến sĩ giải phóng "để đến năm 1975 lịch sử, Huy Thịnh có cái may mắn trở nên nhà báo nhân chứng của một sự kiện hào hùng của dân tộc khi gã được cùng ngồi trên xe tăng của Quân đoàn 2 của Thượng tá Lê Khả Phiêu lướt trên đường 1 về giải phóng Sài Gòn. Hòa bình trở về, Huy Thịnh lại quay lại khoa văn học nốt chương trình. Năm 1979 tốt nghiệp.

Sau đúng một năm đứng trên bục làm thầy dạy văn học Trung Quốc để sau đó không cưỡng nổi nghiệp giang hồ của báo giới. Năm 1980 gã được tuyển về làm phóng viên TTX trong khóa học cấp tốc tiếng Campuchia để sang nước bạn thường trú. Thời gian làm việc của Huy Thịnh ở TTX tính đi tính lại chừng 14 ,15 năm đúng vào độ giữa tuổi 30 và 40.

Cứ vận từ đời kẻ viết bài này mà nghiệm ra mới thấy. Với độ tuổi đang căng tràn sức lực, lại đầy ắp kiến thức và ít nhiều vốn sống thu thập được cộng với điều kiện khi con người ta đã bén công việc, đã tìm thấy niềm vui của sự sáng tạo và hiệu quả của nó thì quả là…

Trong năm năm từ năm 1988 đến 1993 tức năm năm trời tôi cho in tới 13 tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, dựng 2 kịch bản sân khấu và 2 phim truyền hình không kể hàng trăm bài báo, câu chuyện truyền thanh viết cho Đài TNVN.

Còn với Huy Thịnh, tay nhà báo quê đối diện qua dòng sông Cái làng tôi từ năm 1980 đến 1998 cũng tạo nên một sự lạ trong làng báo xứ ta bởi sức viết ghê gớm đến vậy khi gã cộng tác và đảm bảo bài vở cho 35 tuần báo trung ương, 6 tờ địa phương của TTX.

Gã hiện ràn rạt và đóng vai trò là cây bút chính trên các mục Công thương, Văn xã, Quốc tế, tin tức buổi chiều để rồi đến năm 1993 nghĩa là chỉ trong một năm Huy Thịnh tạo ra một kỉ lục trong báo giới Việt Nam khi gã cho in hơn 1.300 bài báo đủ các thể loại từ tin tổng hợp, phóng sự, bình luận, ghi chép, bút kí văn nghệ…

Vì rất thân với Phạm Mạnh cùng nhóm phóng viên theo dõi ngành giao thông (chúng tôi nói vui là phóng viên nhóm lục lộ) sau này là thông gia với tôi. Nên tôi biết rất rõ. Điều kiện làm việc và cuộc sống của phóng viên TTX hồi đó rất eo hẹp.

Mọi tài liệu đều được ghi chép bằng chiếc bút Trường Sơn hay khá lắm là Hồng Hà để rồi các bài báo đều ra đời từ chiếc máy chữ Optima có ruy băng lờ mờ vì thiếu mực. Đêm xuống ai nhà tỉnh xa lại nằm khoèo ngay trên bàn làm  việc. Thế mới hay kỉ lục viết báo của Huy Thịnh thật kì ảo là vậy…

Tờ cuối tuần của Hà Nội Mới do gã cầm nhịp, chèo chống vài năm trở lại đây tăng tiara và quan trọng hơn là bắt đầu được báo giới, văn nghệ sĩ giới, cả những người có số phận đa đoan cùng những bạn đọc thường giữa cuộc đời chộn rộn nhiều giày vò này tìm đến đọc như một nhu cầu trong khoảng khắc dìm mình vào xã hội thu nhỏ nhiều màu trên Hà Nội cuối tuần đã tìm đến với một chút tin tưởng với một chút thưởng ngoạn và chiêm nghiệm đã thêm một lần nhấn vào sự lạ trong cuộc đời nhiều sự lạ của Huy Thịnh…

Còn chính gã. Huy Thịnh năm nay đã vào tuổi 57, tuổi đã có bề dày thời gian và những thành tựu. Một chút chức sắc kèm một nhiệm vụ giống như một thứ sứ mệnh thành phố quê mặc nhiên giao cho. Hai thằng con trai đã phương trưởng đang chờ để tạo ra sự yên tĩnh về gia thất cho một người bố cả đời lăn lộn cho niềm đam mê để bộc lộ tố chất của mình. Tôi cũng như không ít đồng nghiệp quý gã chính vì cái lẽ đó.

Quỳnh Mai, Đầu tháng 6/2010

Nguyễn Hiếu
.
.