Nhà báo Hữu Thọ: Để công tư hài hòa

Thứ Tư, 11/10/2006, 09:00

“Bây giờ, nếu anh không lo cho gia đình anh được yên ấm thì anh khó có thể lo cho tập thể ăn nên làm ra... Tất nhiên, không thể đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể được. Phải làm sao để công tư hài hòa, trong đó phải biết coi trọng lợi ích cá nhân, gia đình thì mới gọi là hợp đạo lý trong lúc này”, Nhà báo Hữu Thọ, nói.

Cần thuyền trưởng

- Như một nhà thơ đã viết, thật thương cho những chân trời không có người bay. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, cũng nói theo cách của nhà thơ, ông Bertolt Brecht, người Đức, thực bất hạnh cho những dân tộc lúc nào cũng phải cần tới những anh hùng... Thưa nhà báo Hữu Thọ, thực sự là không có cách gì để sống thật bình thường, thật lành hiền, mà vẫn đủ cơm ăn áo mặc, vẫn yên vui hạnh phúc? Hay là muốn đạt được những mục tiêu căn bản ấy, chúng ta lúc nào cũng như đang sống trong tình trạng khẩn cấp, phải liên tục gồng mình lên hết thế hệ này đến thế hệ khác? Và lúc nào chúng ta cũng phải cần tới những anh hùng đưa đường chỉ lối?

- Trong lịch sử dân tộc ta phải đối mặt và vượt qua những khó khăn to lớn do địch họa, thiên tai là do hoàn cảnh lịch sử chứ không phải ta muốn thế. Còn với từng người thì tôi vẫn có cảm giác như thế này: ai hay gồng mình lên để cố trở thành "người lớn" thì khó mà trở thành lớn lao được. Những người thực sự lỗi lạc không cố tình trở thành như thế mà do hoàn cảnh lịch sử, cùng những nỗ lực dâng hiến cá nhân, hợp lại với nhau, gặp gỡ cùng nhau khiến họ trở thành thủ lĩnh, trở thành những anh hùng. Những người như thế đưa ra được những giải pháp đúng đắn, hữu ích đáp ứng những câu hỏi thiết thân đối với cộng đồng cho nên được cộng đồng tôn vinh. Họ là những người bạn đường được lựa chọn của nhân dân, của xã hội và họ phải gánh trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng...

- Tôi hiểu điều ông nói. Trong những khúc ngoặt của lịch sử, rất cần tới những thủ lĩnh đưa đường dẫn lối. Nhưng trong hoàn cảnh bình thường, chẳng lẽ không là tốt hơn chăng nếu ta huy động được trí tuệ, sức mạnh của tất cả các thành viên, các giai tầng, nếu ta luôn ý thức được rằng, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc, phải tự cứu mình trước khi trời cứu? Tâm lý ỷ lại vào một trí tuệ siêu việt nào đó lo hộ cho ta mọi việc dễ khiến xã hội trở nên yếu ớt và thụ động... Và một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của chúng ta hôm nay là góp tay vào cùng xây dựng một cơ chế mà không cần là anh hùng vẫn làm những việc tốt, những việc xuất sắc? Không cần là anh hùng vẫn lao động có hiệu quả, có chất lượng, vẫn lấy chữ tâm làm gốc?

- Tôi lại nghĩ rằng, xã hội nào cũng cần phải có những anh hùng của mình, cũng cần có những nhà lãnh đạo của mình....

- Có một triết gia đã nói, một nhân dân thế nào thì sẽ có một chính phủ như thế, chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ có một thành phần nội các tương ứng như thế... Vậy thì trách ai đó làm gì?!

- Tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên tôi ít nhớ tên các danh nhân, nhưng tôi nhớ những danh ngôn liên quan tới những điều mình suy nghĩ, như những lời khuyên của lịch sử. Có một nhà triết học đã nói rằng: Khi bình yên thì không nói làm gì, chỉ cần một áng mây đen hiện lên ở chân trời, thì đại đa số người ta phải tìm ngay người lãnh đạo - tức là người đã chỉ cho họ phải làm gì, khi nào thì làm và làm ra sao. À, hình như đó là Richard S.Sloma thì phải. Không có lãnh đạo thì khó thấy rõ con đường đầy khúc ngoặt, không thể đạt được sự đồng tâm nhất trí để vượt các nguy cơ, đè sóng, cưỡi gió mà đi... Và rất lắm khi, thời thế tạo anh hùng, chính trong giông bão mới thấy rõ, ai là người anh hùng thực sự, ai là thủ lĩnh đích thực...

- Tức là chúng ta có thể nói thế này, một thủ lĩnh đích thực cũng như một người cảnh sát chân chính, trong cuộc sống bình thường không cần quá lộ diện, không nhất thiết là ở ngã tư nào cũng túc trực cạnh đèn xanh, đèn đỏ, nhưng khi có việc bất thường xảy ra, thì lập tức phải có mặt đúng nơi đúng lúc?

- (cười)...--PageBreak--

Kiên trì lối đã đi

- Lại nói tới chuyện đèn xanh, đèn đỏ. Từ lâu tôi đã nhận thấy rằng,  trong xã hội có một số người "thích tự do" cảm thấy rằng, tại sao lại cần phải có đèn xanh, đèn đỏ, tại sao lại cần phải có sự ràng buộc như vậy?! Tại sao lại không cho họ cứ phóng "tít cung mây" theo đúng ý của mình?! Thế nhưng bình tĩnh lại ngồi mà nghĩ xem, trong những thành phố đông đúc và náo nhiệt, ở ngã ba ngã tư nếu không có đèn xanh, đèn đỏ thì hẳn đã xảy ra thêm nhiều tai nạn thế nào! Cái có thể làm chậm một người nhưng lại là yếu tố cần thiết để giữ an toàn cho biết bao nhiêu người khác thì cần phải tôn trọng. Đi đúng hiệu đèn xanh, đèn đỏ tưởng là chậm, là phiền nhưng lại đi nhanh hơn, an toàn hơn, thoải mái và chủ động hơn. Xã hội tồn tại được bền lâu là nhờ những quy tắc chung, nhờ khế ước chung mà mọi người phải tôn trọng, như ngày xưa Jean-Jacques Rousseau đã nói.

- Tôi hoàn toàn nhất trí với ông. Thế nhưng, điều tôi muốn nói là, trong một xã hội lành mạnh theo đúng nghĩa của nó, một mặt, chúng ta vẫn kêu gọi tinh thần xả thân vì việc nghĩa, vì cái chung của từng cá nhân, nhưng mặt khác, chúng ta phải đảm bảo đủ điều kiện, đủ đèn xanh đèn đỏ để mỗi một thành viên không phải quá cố gắng vẫn thực hiện được cần và đủ các nghĩa vụ của mình và hạnh phúc. Làm thế nào để có được một cơ chế xã hội mà trong đó, chúng ta không là VIP nhưng vẫn được sống đúng với nghĩa một con người?

- Thì chúng ta đang tiến ngày một gần hơn tới cơ chế xã hội đó. Trong cuộc đời không phải cái gì muốn cũng được. Thực tế là thế này, chúng ta hiện nay đang đi vào một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tương lai của mô hình kinh tế thị trường vẫn ẩn chứa hai khả năng phát triển, có thể tích cực và có thể chưa chắc đã là tích cực. Lịch sử thế giới trên dưới hai thế kỷ gần đây cho thấy, trong hơn 190 nước thì tuyệt đại đa số đều đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa và rốt cuộc là chỉ có một thiểu số quốc gia đạt được thịnh vượng, còn lại là vẫn khó khăn, nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra đến mức bất ổn xã hội, bất ổn toàn cầu. Theo quan niệm của chúng ta, nền kinh tế thị trường là kết quả văn minh chung của nhân loại, chứ không nhất thiết gắn bó với mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa, mặc dầu theo quán tính chung thì kinh tế thị trường thường là phát triển theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh thực tế của mình hiện nay, chúng ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Vừa rồi nước ta đã được APEC đánh giá là quốc gia giải quyết tốt nhất sự công bằng xã hội trong các nước đang phát triển. Tôi cũng nghĩ rằng, nếu quay lại lối đi cũ của nhiều nước khác, chúng ta dễ bị lọt vào đội ngũ những nước tư bản chậm phát triển và nghèo đói với vô số những hệ lụy kèm theo. Còn nếu tiếp tục đi theo con đường đã chọn, chúng ta có cơ hội không nhỏ để đạt được phồn vinh trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... Vậy nên không có gì mà phải cắc cớ nữa?!

- Đúng thế! Vậy nên tiếp tục kiên trì đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã chọn. Tất nhiên, đây là một mô hình phát triển mới, chưa từng có trước đây. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI, khi chúng ta mở ra thời kỳ Đổi Mới, chúng ta đã phải nói rằng, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì con đường chúng ta đi chưa có tiền lệ trong lịch sử. Chúng ta phải chú tâm học tập kinh nghiệm các nước, những kinh nghiệm của chúng ta là mỗi khi dập khuôn theo mô hình này hay mô hình khác đều thất bại. Và đây chính là lúc chúng ta cần một người lãnh đạo, cần người chỉ đường dẫn lối. Đó cũng là lý do chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...

- Theo cảm nhận của cá nhân tôi, trong bối cảnh tình hình phức tạp như hiện nay, không có Đảng Cộng sản thì chúng ta khó có thể giữ được hiện trạng như đang có. Thế giới đang bị cuốn theo những cơn lốc bạo lực ma mị với vô số những mâu thuẫn trầm kha. Nước ta đâu có được những điều kiện phát triển thuần chất và thuận lợi. Một quốc gia dân đông mà diện tích không lớn, có rất nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống, có nhiều tôn giáo, lại ở trình độ phát triển còn xa mới có thể gọi là thịnh vượng...

- Cần phải thấy rằng, khi chúng ta khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình phát triển của đất nước thì không phải chúng ta muốn giành lấy vị trí ấy để đáp ứng nhu cầu của một cá nhân hay một bộ phận nào đấy. Đó là nhu cầu chung của đất nước, của dân tộc trong quá trình ổn định và phát triển. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì trong tình hình cụ thể hiện nay, rất khó có thể phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, rất khó xử lý hài hòa các mâu thuẫn khác nhau đang diễn ra trong xã hội, rất khó kéo gần khoảng cách giàu nghèo để khỏi dẫn tới tình trạng bùng nổ...

Chúng ta không bao giờ được quên rằng Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc và có nhiều tôn giáo, mà trong đó có 6 tôn giáo lớn với số lượng tín đồ chiếm 20% dân số... Nhìn quanh ngay ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á thôi đã thấy bao nhiêu chuyện đầu rơi máu chảy ở ngay những nước có trình độ phát triển cao hơn ta vì những mâu thuẫn nội tại không được điều hòa kịp thời. Một số tổ chức quốc tế đánh giá: Việt Nam là một nước ổn định chính trị, người dân tin ở tương lai. Đó là một điều kiện quan trọng để nước ngoài cũng như nhân dân yên tâm đầu tư cho phát triển. Sống vào lúc này chúng ta càng thấm thía sâu sắc quan điểm của Đảng ta, coi ổn định là điều kiện để phát triển và phát triển là tiền đề để ổn định. Chúng ta chưa phải là một nước giàu nhưng chúng ta ổn định và phát triển với nhịp độ khá cao, chẳng phải mẹ hát con khen hay mà nước ngoài cũng đánh giá thế.--PageBreak--

- Tôi cũng nghĩ rằng giữ được ổn định xã hội quả thực là một thành tựu lớn của chúng ta. Con đường chúng ta đã chọn cho mình có thể không phải là con đường bằng phẳng và thuận lợi nhất nhưng chắc chắn đó là phương án tối ưu cho hoàn cảnh cụ thể của nước Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI này. Và nếu ai không hiểu điều này thì thực sự người đó chính là đi ngược lại xu thế vận động có lợi cho dân tộc và người đó trở thành một bộ phận của trào lưu phản động đối với tương lai của dân tộc... Trong tình thế hiện tại, chúng ta không thể đi như những nước khác, và tiếp tục đi theo lối đã chọn là cơ may duy nhất để tự khẳng định mình, để giành cho mình tương lai tươi sáng. Tất nhiên, trong thực tế, chúng ta cũng ý thức được rằng, mọi sự không dễ dàng và đang không ít những điều khiến chúng ta chưa hài lòng, phải đau buồn, trăn trở... Nhưng đời có gì hoàn thiện ngay, thưa nhà báo Hữu Thọ?

- Đúng vậy! Bây giờ, theo tôi, người ta mong muốn ba điều: làm sao tiến nhanh và bền vững hơn; làm sao chống có hiệu quả tệ tham nhũng, lãng phí; làm sao giảm các tệ nạn xã hội. Đó là những bức xúc lớn của xã hội.

Yêu mình và yêu người

- Tôi không phải là người sùng bái chủ nghĩa cá nhân. Nhưng nói thực tôi vẫn nghĩ rằng lịch sử nhìn chung có được những cú nhảy vọt là nhờ sự năng động và tài tình của những cá nhân kiệt xuất. Và người anh hùng đích thực là người làm được thành công việc mà tất cả tập thể mong muốn. Không có anh hùng thì không có đột biến. Theo ông, nhận định này hôm nay có thể diễn giải như thế nào? 

- Quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là vấn đề rất lớn, với từng dân tộc và với cả thế giới. Không có những cú hích của các cá nhân xuất chúng thì không có động lực phát triển. Nhưng nếu tất cả mọi thành quả phát triển mà chỉ ghi cho vai trò của một cá nhân nào đó mà không quan tâm tới đóng góp chung của cộng đồng thì đó quả thực cũng là một nguy cơ cho sự phát triển. Có một ông huấn luyện viên bóng đá đã nói một câu chí lý: Người tài không bao giờ là số đông, nhưng người tài ở trong số đông; không có "ngôi sao" thì khó có bàn thắng nhưng một đội bóng bao giờ cũng là sự gắn bó chặt chẽ, ăn ý của 11 người. Và trên sân phải có thủ lĩnh. Cá nhân xuất sắc là huy động được sức mạnh toàn dân.

- Từ lâu, tôi vẫn quan tâm tới chuyện, liệu một quốc gia có thể phát triển đúng với tầm cỡ của mình không nếu không cần sự hy sinh của một, hai thế hệ nào đó? Trong chiến tranh, khi cần đốt cả dãy Trường Sơn để giành độc lập, tự do thì sự hy sinh như thế có thể là có lý. Nhưng trong thời bình, liệu chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cần thiết không nếu không phải đưa ra những lời kêu gọi thắt lưng buộc bụng hay phấn đấu quên mình, quên những nhu cầu chính đáng của thế hệ đang là sung sức?

- Gần đây, tôi có đọc một số tác giả chuyên nghiên cứu về các xã hội của những quốc gia mới phát triển vượt bậc mà chúng ta hay gọi là những "con rồng mới". Thí dụ như Hàn Quốc. Hiện nay, một số trí giả ở Hàn Quốc tỏ ra lo lắng trước hiện tượng, thế hệ thanh niên hiện tại không còn tinh thần xả thân như cha anh mà chủ yếu lại lo hưởng thụ. Nhớ lại quá khứ, giai đoạn sau chiến tranh, khi mà GDP tính theo đầu người ở Hàn Quốc chỉ ở mức 50 USD đầu người thì những người Hàn Quốc lại tràn trề quyết tâm vươn lên. Và kết quả là sự thịnh vượng của quốc gia này. Thế nhưng, theo họ, lớp trẻ hiện nay đã không còn tinh thần xả thân vì nước như thế mà chủ yếu chỉ lo tìm cách đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ đa dạng của cá nhân mình. Đó là nhận định của các vị đó, cũng lấy để tham khảo cho mình.

- Theo ông, liệu đây có phải là một quy luật chung đối với mọi quốc gia không, nếu đời cha không ăn mặn thì đời con tất yếu sẽ chán nước, nếu các thế hệ cha anh phải nín nhịn nhiều nhu cầu chính đáng thì các thế hệ tiếp theo sẽ dễ bị cuốn theo xu thế "chơi bù"? Nếu trong một giai đoạn lịch sử nào đó ta buộc phải hô hào và lôi kéo quần chúng theo hướng hy sinh tất cả thì chắc chắn là khi thời thế được cải thiện, phong trào "trẻ không hư, già đổ đốn" sẽ là tất yếu? Và nếu điều này là đúng, cần phải làm gì để ngăn chặn và giảm thiểu hệ lụy của nó?

- Tôi cũng lo rằng điều đó có thể đối với cả chúng ta nữa, nếu như mình không tỉnh táo mà kịp thời phát hiện ra nó và đưa ra những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Mỗi giai đoạn lịch sử có một lý tưởng cụ thể, một mục tiêu phấn đấu cụ thể. Và động lực hành động cũng như suy nghĩ của con người, mỗi giai đoạn cũng một khác... Tôi nhớ trong thời chiến tranh ác liệt, tôi, có thời là phóng viên thường trú ở vùng Quảng Bình. Đấy chính là nơi đã sinh ra khẩu hiệu: Xe không qua, nhà không tiếc. Tôi từng tận mắt chứng kiến cảnh người dân phá dỡ nhà mình cho xe đi vào tiền tuyến, không hề một chút băn khoăn suy tính thiệt hơn. Cũng như ở cả Điện Biên, tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy những cái xe thồ mà bánh xe được làm từ gỗ án thờ: người dân đã phá bỏ cái thiêng liêng nhất trong nhà mình để cống hiến cho kháng chiến, cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do... Nay thì sao? Mới đây tôi có trở lại vùng này thì tôi đã phải chứng kiến cảnh, cũng những người dân ấy, cũng là con cháu của những người từng xe không qua, nhà không tiếc ấy lại đòi hỏi quyết liệt cho từng mét vuông đất chưa được đền bù thỏa đáng khi phải di dời để phát triển công nghiệp, du lịch... Vậy nên việc này đâu phải do dân, mà do họ thấy là chúng ta chưa ứng xử được công bằng...--PageBreak--

- Bác Hồ từng nói rồi, không sợ đói nghèo, chỉ sợ thiếu công bằng...

- Ngày xưa quy luật chung là tất cả để chiến thắng quân xâm lược. Bây giờ, mọi người ai cũng phải quan tâm đến lợi ích của bản thân mình. Và đó là nhu cầu chính đáng. Nghị quyết 5 của TW khoá IX vừa rồi cũng đã nêu ra khẩu hiệu: phải làm giàu cho gia đình, cho tập thể và cho Tổ quốc. Gắn gia đình, tập thể với Tổ quốc. Ngẫm lại, thấy vô cùng có lý.

- Chúng ta nếu không yêu bản thân mình thì không thể yêu người khác được. Có điều, có những lúc phải biết quên mình vì lợi ích chung. Không có ai một mình hạnh phúc. Muốn vỗ tay thì cũng cần phải có hai bàn tay mới đập thành tiếng được...

- Vấn đề là ở chỗ, khi nào thì đặt cái gì lên thành yếu tố chủ đạo. Bây giờ, nếu anh không lo cho gia đình anh được yên ấm thì anh khó có thể lo cho tập thể ăn nên làm ra... Tất nhiên, không thể đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể được. Phải làm sao để công tư hài hòa, trong đó phải biết coi trọng lợi ích cá nhân, gia đình thì mới gọi là hợp đạo lý trong lúc này.

Có tài ở đâu cũng quý

- Hiện nay ở một số nơi, một số cấp, một số ngành đang trở thành mốt thời thượng câu khẩu hiệu: phải trọng dụng người tài! Tôi nghĩ hơi khác một chút: phải làm sao để người không có tài lắm vẫn có thể cống hiến được đúng sức mình cho công việc chung. Theo ông, liệu chúng ta có nên quá lo lắng về cái gọi là hiện tượng chảy máu chất xám đang diễn ra hiện nay không?

- Thế giới luôn chuyển động theo quy luật di cư đất lành chim đậu, thường chỉ có hai điều kiện: nơi nào dễ làm ăn hơn và có đời sống tinh thần thoải mái hơn thì nơi ấy thường thu hút được nhiều nhân lực giỏi. Có thời, châu Mỹ la tinh là điểm thu hút một làn sóng di cư rầm rộ từ châu Âu sang chỉ vì tại đó có nhiều cơ hội ăn nên làm ra và sống xông xênh hơn sao?! Theo tôi nghĩ, nếu những người trẻ của chúng ta có xu hướng muốn tìm đến những tổ chức có điều kiện làm việc thuận lợi hơn và được trả lương cao hơn thì ta cũng đừng nên vội phê phán. Hãy coi đó là nhu cầu chính đáng, là ham muốn đáng được tôn trọng...

- Và ta cũng không nên vội coi đó là sự chảy máu chất xám. Nếu chất xám của ta được sử dụng ở một nơi nào đó có hiệu quả và nhờ thế, ta cũng được "thơm lây" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng thì tốt hơn nếu ta cứ giam hãm chất xám đó ở cạnh ta và ta không sử dụng được vào việc chi hữu lợi cả. Tôi luôn luôn cho rằng, một người tài có thể áp dụng năng lực của mình vào bất cứ lĩnh vực nào và ở bất cứ đâu sinh ra nhiều hiệu quả nhất, miễn là cuối cùng vẫn góp ích được cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình, chứ không nên cứ bo bo: ngồi yên mà không làm gì hữu lợi cả... Tại sao ta không nghĩ rằng, hễ ở đâu có người Việt Nam thì ở đó tinh thần Việt Nam, tâm linh Việt Nam tồn tại? Mang lại lợi ích chung cho nhân loại cũng là mang lại lợi ích riêng cho dân tộc mình... ông nghĩ thế nào về cách nghĩ của tôi?

- Nhưng có những con người xuất chúng, họ có thể bỏ nơi làm việc với mức lương 200 nghìn USD một tháng ở đất khách để về quê hương làm việc hữu ích với mức lương khiêm tốn hơn nhiều. Chuyện này báo chí đã viết rồi. Tuy nhiên, theo tôi, đó không phải là số đông.

- Không nên kéo người tài về để không sử dụng được hết công suất của họ? Theo tôi, nếu ta làm ở nơi xa mà ta phát huy được năng lực và nhờ thế, ta có thể trợ giúp được quê hương thì còn hơn là ta kéo nhau về quê và rốt cuộc chẳng làm nên cơm cháo gì cả...

- Muốn lôi kéo được người tài về với mình thì phải tạo cho họ đủ điều kiện để phát huy tài năng. Người tài không chỉ vì tiền lương cao mà về, tất nhiên người tài phải được sống sung túc. Nhưng hơn hết là họ cần được tin cậy, cần có điều kiện để làm việc đúng tâm, đúng tầm... Người tài ở đâu cũng quý, miễn là phát huy được hết công suất thiên phú. Khi chúng ta coi người Việt định cư ở nước ngoài là một bộ phận của dân tộc Việt Nam thì phải coi người tài năng ở nước ngoài cũng là tài sản quý của nước nhà.--PageBreak--

Trao cờ đúng lúc

- Tôi có cảm giác rằng, do rơi rớt của tư duy bao cấp cũ nên chúng ta hiện nay vẫn chưa có cách ứng xử thích đáng với người tài. Anh cầu hiền tài về làm gì nếu anh vẫn để cơ chế người không tài lại chỉ huy người có tài hơn. Một người bạn tôi từng có một câu "ranh ngôn" mà tôi rất thích: nếu tôi muốn lên thêm một cấp nào đó thì chỉ đơn giản vì tôi muốn bớt đi một số người kém tài tôi mà lại cứ ngồi chồm chỗm chỉ đạo tôi... Thoạt nghe thì có vẻ hơi ngạo nghễ, không được lễ phép cho lắm, nhưng suy cho cùng, đó là mong ước, khát khao cháy bỏng nhất của không ít cán bộ có năng lực bị buộc phải "cấy" vào cơ chế còn nhiều bất cập của ta hiện nay. ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Đó cũng là thực trạng ở một số nơi, một số ngành. Nhưng cũng chưa khác được. Mọi sự biến đổi đều phải diễn ra từ từ, có trước có sau, không thể đốt cháy giai đoạn...  Chúng ta hiện nay cũng đang tôn trọng hiền tài, tin dùng hiền tài đấy chứ. Đối với người hiền tài, sự tin dùng là vô cùng quan trọng. Bảng vàng, nghi lễ chỉ là hình thức bề ngoài thôi. Quan trọng là tin dùng! Chúng ta gần đây làm rầm rộ các cuộc tôn vinh thủ khoa, mũ áo hoành tráng lắm, nhưng đọc báo chí tôi lại thấy có hơn 80% số thủ khoa ra trường rồi lại không tìm được việc làm thích hợp. Bởi vì sao? Vì cơ quan tôi đã có đủ biên chế, bởi vì các cháu thủ khoa có về thì cũng chẳng có công việc gì cho các cháu làm, lại quét phòng pha nước dài dài thôi... Ở nước ta và cả phương Đông nữa, có tập tục "cây cao bóng cả". Tôn trọng người đi trước là đạo lý đúng. Nhưng lại phải thấy rằng, dưới tán các "cây cao bóng cả" không cỏ cây gì mọc được trong bóng râm, vì cây không được quang hợp, bị cớm nắng. Vậy nên, kính già nhưng cần trọng trẻ.

- Sông có khúc và người thì có lúc. Ông nghĩ thế nào về việc, ai cũng chỉ có thời của mình thôi và khi ta thôi đảm đương chức vụ đã có thì ta nên tôn trọng những ai đương chức, tôn trọng những việc họ đang làm chứ không nên áp đặt cách nhìn cũ của mình mà "mục hạ vô nhân"? Tôi rất không thích một số bình luận viên bóng đá, không rõ trình độ chơi và hiểu bóng đá đến đâu nhưng lúc nào cũng nói vuốt đuôi dạy khôn cho cầu thủ và huấn luyện viên, không hề đặt mình vào vị trí của những người trong cuộc... Lúc tôi còn là một sĩ quan quân đội, tôi rất ấn tượng với một đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị: khi đồng chí ấy vừa thôi chức nhưng vẫn được mời đến dự một cuộc họp với những người kế nhiệm và được mời lên phát biểu đầu tiên, đồng chí ấy đã nói rất vui rằng, không, các anh phát biểu trước đi, ai cưỡi voi người ấy cầm búa... Đó là thái độ cực kỳ có văn hóa!

- Cái đó là rất đúng, cái đó cũng nằm trong tư duy của Đảng ta. Nghị quyết về chiến lược cán bộ của Đảng ta là trao cờ đúng lúc cho thế hệ kế tục. Không sớm hơn nhưng cũng không được muộn hơn. Trao cờ cho người còn có sức khỏe, minh mẫn, còn hoài bão và khả năng sáng tạo. Theo tôi, làm được như thế là thể hiện đạo đức của những người nhiều tuổi, vì lợi ích quốc gia và vì lợi ích của con em chúng ta.

- Trong quan niệm của tôi, mỗi thế hệ có một giá trị và làm sao để quá trình phát triển của chúng ta vừa có tính kế thừa vừa có đà thăng tiến. Không nên và không được hy sinh quyền lợi của bất cứ thế hệ nào, không nên quá tâng bốc tuổi trẻ và không nên gièm pha người lớn tuổi. Làm sao để các thế hệ có thể hài hòa bổ sung cho nhau... 

- Đúng thế, vấn đề quan trọng là ở chỗ, tuổi trẻ phải hết sức kính trọng người già, còn người già thì phải biết ưu ái thế hệ trẻ...

- Và trong nhiều trường hợp, người lớn tuổi phải cố gắng hiểu đúng việc mà tuổi trẻ đang làm...

- Hiểu việc tuổi trẻ làm, thậm chí không phải chỉ hiểu để thông cảm mà phải trao cờ cho thế hệ trẻ để cho họ vươn lên đúng vào lúc đang có khả năng phát triển nhất. Tôi nhớ dân gian bây giờ đang có câu ca: "Tre già măng mọc lên thôi, Mọc đâu cũng được, nhưng đừng mọc đúng chỗ ngồi của tôi!"... Nói vậy, nhưng người trẻ cũng không được chủ quan, kiêu ngạo, coi những người lớn tuổi là lỗi thời hết...

Cẩn trọng với thời cơ

- Thưa nhà báo Hữu Thọ, theo ông, nước chúng ta là lớn hay nhỏ? Nói thực, tôi vẫn quan niệm rằng, giá trị của một quốc gia không phải ở chỗ tự cho mình là lớn hay nhỏ mà là ở chỗ làm sao để sống đúng được với tiềm năng vật chất và tinh thần của mình. Nếu ta tự huyễn hoặc ta bởi những tham vọng và kỳ vọng thì tất yếu ta chỉ mang về mình tai họa...

- Tư tưởng của Bác Hồ là "sánh vai cùng bè bạn năm châu", chứ không phải biến Việt Nam thành một nước lớn của thế giới. Tức là làm sao để chúng ta không thua chị kém em, xóa đi mặc cảm tự ty của nước "nhược tiểu".

- Sống đúng mình và không thua chị kém em, chứ không phải nuôi tham vọng đứng trên đầu thiên hạ... Thưa nhà báo Hữu Thọ, tôi có nghe một số người nói tới thời cơ vàng của đất nước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cá nhân tôi không nghĩ vậy và nói chung, tôi vẫn không tin rằng có một bài bản ngoại nhập nào được sao chép một cách nhắm mắt nào có thể giúp cho chúng ta trở nên hùng cường theo đúng nghĩa của từ này. Quan điểm của ông thế nào?

- Hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết nhưng hội nhập mà vẫn giữ được tự chủ và bản sắc bao giờ cũng là bài toán không dễ. Tôi cho rằng, chúng ta cần trân trọng thời cơ, nhạy bén chớp thời cơ mà vươn lên. Nhưng nên nhớ rằng Đảng ta đã nói là trong thời kỳ mới có thời cơ lớn và có thách thức lớn, thời cơ và thách thức đan chen nhau. Không phải chỉ là nhận định mà thực tiễn diễn ra cũng đúng như thế. Trong cuộc đời của mình, tôi nhận thấy là, có lúc chúng ta kêu vống lên về thời cơ cho nên coi thường thách thức, kể cả thách thức tiềm năng, rồi quyết ào ào, làm ào ào, dễ bị vỡ mộng, dễ bị vấp váp lắm! Cho nên cần nói cho đầy đủ về bản lĩnh nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức để ổn định và phát triển hài hòa. Đó là bản lĩnh Việt Nam lúc này.

- Xin cảm ơn nhà báo Hữu Thọ!

.
.