Nhà báo Hữu Thọ: Có lý nhưng phải có tình

Thứ Ba, 16/10/2012, 11:23
Hình như ông vua Solomon (sống khoảng năm 965-928 trước CN) trị vì xứ Israel đã từng nói: “Không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời này”. Thực sự là tôi cũng thấy như vậy. Lắm khi những điều mà chúng ta đang coi là mới mẻ chẳng qua là những điều đã có từ trước nhưng chúng ta vì một hai ba bốn lý do khách quan hay chủ quan nào đó đã không quan tâm tới đúng mức.

Và chính vì thế tôi đã không ngạc nhiên khi hay tin bộ sách tập hợp các tác phẩm chọn lọc đã in từ nhiều năm qua của nhà báo lão thành Hữu Thọ mang tên chung là “Chạy” vừa được phát hành nhằm phục vụ quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”. Ðây là lần đầu tiên một tác giả có số lượng ấn phẩm lớn nhất được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật tái bản cùng một thời điểm.

Nói thật là trước khi biết tin này, tôi đã dự định tới gặp nhà báo Hữu Thọ để tiến hành một cuộc trò chuyện xung quanh những vấn đề đang là tâm điểm chú ý của xã hội hiện nay. Vẫn với giọng nhỏ nhẹ quen thuộc, ông nói với tôi rằng có lẽ nên để lúc khác thì hơn… Vả lại, ông bảo, chúng ta thực ra cũng đã nói tới những chuyện ấy không chỉ một lần rồi.

Đúng thế thật. Đọc lại những dòng ghi chép từ các cuộc trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ suốt mấy năm nay, tôi đã tìm ra quá nhiều điều như mới vừa được nói hôm nay. Và tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc của Chuyên đề ANTG GT.

Anh hùng đoán giữa trần ai

- Nhà báo Hữu Thọ: Nói thực, mình không muốn xuất hiện nhiều trên báo chí đâu. Mình nghiệm ra rồi, mỗi khi mình được chỗ này chú ý quá thì thể nào ở chỗ kia cũng có người không hài lòng. Mà mình bây giờ thì không muốn có những xung đột. Ở tuổi này, có lẽ ai cũng muốn lấy chữ “yên” làm trọng.

- Hồng Thanh Quang: “Yên tĩnh, mình chỉ thấy được trong mơ”, - thi sĩ Nga Alexander Blok từng viết thế. Hơn nữa, hành nghề báo không thể làm người vô danh được, bởi lẽ mục tiêu của bất kỳ ai bước chân vào nghề này cũng là phấn đấu trở thành người có tiếng nói được xã hội chú ý đến.

- Thì cũng biết vậy. Đã làm báo thì phải phấn đấu trở thành một cây bút có thẩm quyền trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Tức là ý kiến của mình phải mang tính chuyên môn, có hàm lượng chất xám, hữu ích cho xã hội, chứ không phải là chỉ “ăn theo, nói leo”.

- Đấy là điều giúp nghề báo khác với nghề mõ ở làng quê xưa. Tôi cứ nghĩ rằng, một tờ báo muốn chiếm được vị trí xứng đáng trong lòng độc giả thì bao giờ cũng cần tới những cây bút có tên tuổi, có bản lĩnh và có chủ kiến, dứt khoát không bao giờ chịu “ăn theo, nói leo”. Cũng như một chương trình ca nhạc muốn hấp dẫn đông khán giả thì cần phải có những ngôi sao thực thụ, biết tạo nên những khoảnh khắc đột biến vô tiền khoáng hậu. Ông có nghĩ như thế không?

- Tờ báo nào cũng cần phải có ngôi sao. Chính Tổng Biên tập phải là người phát hiện và lăng xê những người có tài thành ngôi sao. Sở dĩ tờ báo Ngày nay thời trước Cách mạng sống được là nhờ đằng sau nó có những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Chính vì biết tôn trọng người tài nên nó đã giữ được vị trí đặc biệt của mình và tạo nên một thời kỳ “Tự lực văn đoàn”. Thời đó, những ông chủ báo cũng không phải là những “Mạnh Thường Quân” đâu, nhưng vì mục đích phát hành báo, “lợi nhà” nên họ buộc phải tôn trọng những người có tài. Tất nhiên, họ phải có con mắt tinh đời, biết phân biệt đúng xem cây bút nào ăn khách.

- Thời xưa cũng có câu, cần phải dùng người tài, nhưng nếu không dùng được người tài thì phải giết đi, kẻo “địch thủ” sử dụng mất thì nguy (!). Ngày nay thì khó “giết” người tài lắm, nên không biết dùng người tài thì tất yếu, chẳng sớm thì muộn sẽ bị thua trong cuộc cạnh tranh sinh tồn. Vậy nên, phẩm chất cần có của một người làm thủ lĩnh là phải “anh hùng đoán giữa trần ai”, biết nhìn ra người tài. Và chính vì thế thông thường ở một doanh nghiệp, ở một tổ chức, trong thế hệ đầu thì bao giờ người lãnh đạo cũng phải là người có “con mắt xanh”. Khác đi thì không thể khởi nghiệp một cách “hoành tráng” được. Đáng buồn là, phần lớn những người kế tục họ không phải bao giờ cũng được như thế và đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều sự nghiệp không được phát huy xứng đáng ở những đời kế tục.

- Trong lịch sử chúng ta, triều đại nào cũng thế, thường bao giờ Thái Tổ, Thái Tông cũng đều tuyệt vời. Nhưng sau Tổ, Tông xong, thì con cháu lại bắt đầu hư hỏng, ăn mòn vào cái vốn cha ông để lại.

- Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Quy luật bất biến là vậy chăng?

- Quy luật thì cũng có thể như thế. Nhưng “xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều”...

Chân lý từ thiểu số

- Trong một xã hội dân chủ, phải biết trân trọng những ý kiến khác nhau, ở đây không phải là ý kiến đối lập, mà là những ý kiến khác nhau. Và việc này phụ thuộc vào trách nhiệm của người nghe, chứ không phải người nói. Người nói thường mang rất nhiều dằn vặt, trước khi nói phải uốn lưỡi 3 lần. Chân lý nào cũng bắt đầu từ thiểu số. Rồi khi được thực tiễn công nhận, nó mới trở thành đa số. Nếu đòi hỏi có chân lý ngay thì không thể có, hoặc đó không phải là chân lý đáng giá. Nên những ý kiến khác mang ý nghĩa bổ sung cần được trân trọng. Tất nhiên là chúng ta có đội quân hàng triệu người nhưng khi chiến đấu là phải như một, thống nhất hành động, thiểu số phải phục tùng đa số. Nhưng ngay cả trong những tình huống như vậy, vẫn phải trân trọng ý kiến thiểu số, nhất là ý kiến thiểu số của những người có kiến thức, có kinh nghiệm trong xã hội. Đây là một thuật dùng người tài. Người tài bao giờ cũng có những ý tưởng sáng tạo. Mà người hiền không có nghĩa là người hiền lành đâu, mà đôi khi họ ở trong những người hay cãi. Một vị giám đốc người Nhật nói rằng, tiêu chuẩn để chọn trợ lý chính là những người có ý kiến khác mình, còn những người có ý kiến giống mình thì trở nên dư thừa.

- Ngay cả một người lãnh đạo lỗi lạc muốn phát triển, muốn hành động chuẩn mực cũng cần có người phản biện, chứ không phải chỉ cần những người luôn a dua theo mình. Vì vậy phải sử dụng những người thực sự có năng lực, có lòng tự trọng. Nếu chúng ta không biết dùng người tài, nhất là trong cơ chế hiện nay, rất có thể họ sẽ đi làm những việc khác với những đối thủ của chúng ta. Nhưng muốn dùng được người tài, phải có cơ chế hợp lý. Làm thế nào để người tài thực sự phát huy được năng lực của mình? Theo ông, chúng ta cần nhìn nhận hay thay đổi cơ chế như thế nào nhìn từ phương diện xã hội?

- Điều này tôi đã nói và viết không chỉ một lần. Theo tôi, những người tài sợ nhất 3 trường hợp. Thứ nhất, họ sợ không có chỗ để thi thố tài năng, đó là một điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay, một số tỉnh đang có chính sách thu hút nhân tài bằng việc cấp đất, tăng lương... Việc đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất đối với người tài. Bởi người tài cần nơi để thi thố tài năng, chứ không chỉ cần các tiện nghi sinh hoạt. Có một tỉnh với chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” kiểu tăng tiêu chuẩn hưởng thụ, thì lúc đầu cũng thu hút được 8 người có bằng cấp cao về. Sau 2 năm, 7 người bỏ đi. Đó là bởi vì ở địa phương ấy, chính quyền không tạo điều kiện cho họ làm việc thực sự đúng tầm. Không được làm việc mà lại hưởng “lộc” cao thì người tài không thích.

Cái sợ thứ hai của người tài là sợ mình không được thực sự tin dùng. Một số người không dùng người tài mà lại thích dùng kẻ xu nịnh. Người tài sợ nhất là kẻ nịnh vì người tài không biết nịnh. Cái “ngu dốt” nhất của người tài là không hiểu biết về “khoa học xu nịnh”. Vì họ không có thời giờ để học những cái đó! Người quân tử không phải không có trí, không phải không có mưu, nhưng người quân tử không thèm làm những mưu mô và xảo trá mà tiểu nhân dám làm. Và đấy là những điều kiện để kẻ tiểu nhân hay thắng được quân tử!

- Không phải người tài không tường tận “nghệ thuật đánh quả”, nhưng người tài không làm thế, vì coi việc đó thấp dưới nhân cách của mình. Người tài cũng cần tiền nhưng muốn đồng tiền kiếm được phải sạch sẽ và đàng hoàng. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều tiền không hẳn đã là nhiều tài, theo đúng nghĩa chân chính và đạo đức của từ này.

- Đúng vậy. Thứ ba, người tài sợ là chủ nghĩa phân phối bình quân, vì thực sự ra, người tài không quan tâm đến vật chất, nhưng  luôn nghĩ rằng: Đôi khi vật chất lại là thước đo sự đánh giá, sự trân trọng. Khổng Tử bỏ nước Lỗ mà đi chỉ vì trong một dịp Tết, vua Lỗ không chia phần thịt cho mình. Nhiều người hiểu lầm Khổng Tử vì tham miếng thịt nên bỏ cả Tổ quốc mà đi. Nhưng không phải. Anh không chia phần thịt cho tôi tức là anh không coi tôi thuộc lớp người được kính trọng trong thiên hạ, để khi cần thì hỏi ý kiến nên tôi không thể nào ở với anh được. Cũng như lương của chúng ta bây giờ, những người tài năng thường làm ngoài lương, nhuận bút 2 bài báo có khi vượt cả lương tháng. Nhưng lương là biểu hiện đánh giá của cả một tập thể đối với tôi, nên không thể dùng chính sách bình quân phân phối. Nếu không khắc phục được 3 điều này sẽ rất khó thu hút được người tài. Tất nhiên, cũng có nhiều loại tài, có tài lớn, tài nhỏ.

- Và “minh chủ” là người biết tập hợp và sử dụng đúng chỗ những tài lớn, tài nhỏ đó. Một nhà lãnh đạo tài ba là phải biết sử dụng cả Quan Công lẫn Trương Phi, cả Triệu Tử Long lẫn Mã Siêu, Mã Tốc...

- Bác Hồ đã nói “Dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng đúng tài năng của họ vào đúng công việc thì mới phát huy được. Nghề báo lại càng đòi hỏi như vậy. Ở một tờ báo có những ngôi sao, có những cây bút có thẩm quyền, nhưng tôi cũng lại cần những phong cách đa dạng của nhiều cây bút. Ăn cơm với rau muống nhưng được chế biến theo nhiều cách sẽ thấy lạ miệng hơn. Với bạn đọc ngày nay trình độ ngày càng cao, sự thích thú nhất của họ chính là sự đa dạng. Chính văn kiện Đại hội Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới từng chỉ rõ, báo chí cách mạng phải chống sự giản đơn, hời hợt, đơn điệu, một chiều, sáo rỗng. Đừng phê phán khi tôi làm tờ báo đa dạng, nhiều chiều. Quan niệm nhiều chiều đồng nghĩa với đối lập là rất nguy hiểm.

Cần thuyền trưởng

- Như một nhà thơ đã viết, thật thương cho những chân trời không có người bay. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, cũng nói theo cách của nhà thơ, ông Bertolt Brecht, người Đức, thực bất hạnh cho những dân tộc lúc nào cũng phải cần tới những anh hùng. Thưa nhà báo Hữu Thọ, thực sự là không có cách gì để sống thật bình thường, thật lành hiền, mà vẫn đủ cơm ăn áo mặc, vẫn yên vui hạnh phúc? Hay là muốn đạt được những mục tiêu căn bản ấy, chúng ta lúc nào cũng như đang sống trong tình trạng khẩn cấp, phải liên tục gồng mình lên hết thế hệ này đến thế hệ khác? Và lúc nào chúng ta cũng phải cần tới những anh hùng đưa đường chỉ lối?

- Tôi vẫn thường có cảm giác như thế này: ai hay gồng mình lên thì khó mà trở thành lớn lao được. Những người thực sự lỗi lạc không cố tình trở thành như thế mà hoàn cảnh lịch sử, những “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cũng như những nỗ lực dâng hiến cá nhân, hợp lại cùng nhau, gặp gỡ cùng nhau khiến họ trở thành thủ lĩnh, trở thành những anh hùng. Những người như thế đưa ra được những giải đáp hợp lý, hữu ích cho những câu hỏi thiết thân đối với cộng đồng nên được cộng đồng tôn vinh. Họ là những người bạn đường được lựa chọn của quần chúng, của xã hội và họ phải gánh trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng.

Ảnh: Minh Trí - Việt Đông.

- Tôi hiểu điều ông nói. Trong những khúc ngoặt của lịch sử, rất cần tới những thủ lĩnh đưa đường dẫn lối. Nhưng trong hoàn cảnh bình thường, chẳng lẽ không là tốt hơn chăng nếu ta huy động được trí tuệ, sức mạnh của tất cả các thành viên, các giai tầng, nếu ta luôn ý thức được rằng, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc, phải tự cứu mình trước khi trời cứu? Tâm lý ỷ lại vào một trí tuệ siêu việt nào đó lo hộ cho ta mọi việc dễ khiến xã hội trở nên yếu ớt và thụ động. Và một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của chúng ta hôm nay là góp tay vào cùng xây dựng một cơ chế mà không cần là anh hùng vẫn làm những việc tốt, những việc xuất sắc? Không cần là anh hùng vẫn lao động có hiệu quả, có chất lượng, vẫn lấy chữ tâm làm gốc?

- Tôi lại nghĩ rằng, xã hội nào cũng cần phải có những anh hùng của mình, cũng cần có những nhà lãnh đạo thích ứng với mình.

- Có một triết gia đã nói, một nhân dân thế nào thì sẽ có một chính phủ như thế, chúng ta như thế nào thì chúng ta sẽ có một thành phần nội các tương ứng như thế. Vậy thì trách ai đó làm gì?!

- Tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên tôi ít nhớ tên các danh nhân, nhưng tôi nhớ khá nhiều danh ngôn. Có một ai đó đã nói rằng: khi trời yên biển lặng thì có lẽ cũng chưa cần tới người cầm lái trưởng, nhưng trong khi giông bão nổi lên thì lúc ấy hơn bao giờ hết tất cả đều cần tới thuyền trưởng. Không có lãnh đạo thì không thể đạt được sự đồng tâm nhất trí vượt các nguy cơ và rất khó có thể tìm được con đường thoát hiểm an toàn nhất. Và rất lắm khi, thời thế tạo anh hùng, chính trong giông bão mới thấy rõ, ai là người anh hùng thực sự, ai là thủ lĩnh đích thực.

- Tức là chúng ta có thể nói thế này, một thủ lĩnh đích thực cũng như một người cảnh sát chân chính, trong cuộc sống bình thường không cần quá lộ diện, không nhất thiết là ở ngã tư nào cũng túc trực cạnh đèn xanh đèn đỏ, nhưng khi có việc bất thường xảy ra, thì lập tức phải có mặt đúng nơi đúng lúc?

- (Cười)...

Cẩn trọng với thời cơ

- Thưa nhà báo Hữu Thọ, theo ông, nước chúng ta là lớn hay nhỏ? Nói thực, tôi vẫn quan niệm rằng, giá trị của một quốc gia không phải ở chỗ tự cho mình là lớn hay nhỏ mà là ở chỗ làm sao để sống đúng được với tiềm năng vật chất và tinh thần của mình. Nếu ta tự huyễn hoặc ta bởi những tham vọng và kỳ vọng thì tất yếu ta chỉ mang về mình tai họa.

- Tư tưởng của Bác Hồ là “sánh vai cùng bè bạn năm châu”, chứ không phải biến Việt Nam thành một nước lớn của thế giới. Bè bạn năm châu thì có nước lớn có nước nhỏ, có nước giàu nước nghèo... Tức là làm sao để chúng ta không thua chị kém em.

- Sống đúng mình và không thua chị kém em, chứ không phải nuôi tham vọng đứng trên đầu thiên hạ. Thưa nhà báo Hữu Thọ, tôi có nghe một số người nói tới thời cơ vàng của đất nước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cá nhân tôi không nghĩ vậy và nói chung, tôi vẫn không tin rằng có một bài bản ngoại nhập nào được sao chép một cách nhắm mắt nào có thể giúp cho chúng ta trở nên hùng cường theo đúng nghĩa của từ này. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng, chúng ta cần cẩn trọng với các thời cơ. Trong cuộc đời của mình, tôi đã nhận thấy là, khi chúng ta cứ kêu vống lên về thời cơ lại là lúc chúng ta dễ bị vỡ mộng, dễ bị vấp váp nhất.

Không thể vô can

- Ông có cảm giác rằng, có một số người về hưu ở cương vị tương đương như ông, tâm sự như ông đôi khi viết thì lại khiến cho người đang làm việc khó nghe, cảm thấy các cụ có gì gây phiền nhiễu cho công việc hiện nay không? Tại sao lại như thế? Ông thấy có hiện tượng ấy không?

- Tôi thấy có hiện tượng ấy. Thật ra trong chuyện này có hai thái độ tiêu cực. Tôi xin kể một câu chuyện ở một nước láng giềng. Có một nhà lãnh đạo cao cấp về hưu, đã tuyên bố một câu: “Về hưu đọc sách không bàn chính sự”. Mà ông ấy thực hiện như thế thật. Ai đến nhà ông ấy bàn quốc gia đại sự thì ông ấy đều gạt đi, ai đến nhà thậm chí bàn chuyện nhân sự ông ấy cũng gạt đi. Ông ấy ngồi ông ấy đọc sách và thời gian còn lại thì đi giảng bài ở một trường đại học mà trước đây ông từng học. Nhưng thực chất, nói như thế cũng là cực đoan, vì nói không bàn chính sự thì cũng phải bàn chính sự. Mình viết báo bây giờ là có ý kiến về thời sự chứ, bởi vì làm sao con người tách khỏi trách nhiệm thời cuộc. Nhưng vấn đề là bàn thời sự với một thái độ như thế nào và nói chung là phải ủng hộ những người đang làm việc, đừng gây rắc rối cho người ta. Mỗi một thế hệ đều có trách nhiệm với lịch sử, với thời đại mình đang sống và cái công việc mà mình đang đảm nhiệm. Ai cũng thế thôi. Thế nên phải để cho người ta làm việc, để cho người đang làm việc, đang giữ cương vị người ta đưa ra những quyết định, và người ta chịu trách nhiệm trước lịch sử.

- Tôi đọc ở đâu đấy trên báo chí, kể về chuyện ở Mỹ, những ông tổng thống, những quan chức cao cấp khi đã về hưu, ai cũng có mối quan tâm đến chính sự đương thời và thấy có điều gì mình cần phải bàn, cần phải góp ý cho người kế nhiệm mình, thì vào Nhà Trắng yêu cầu được gặp Tổng thống đương nhiệm và trao đổi tất cả quan điểm, những thắc mắc, những suy nghĩ của mình về vấn đề đang diễn ra. Và sau đó thực hiện theo một quy định không thành văn là không bao giờ tiết lộ nội dung đã được trao đổi trong phòng bầu dục ấy ra ngoài cho báo chí, để khỏi gây ra những “Tôi nghĩ, làm như thế cũng hay đấy chứ”.

- Tôi nghĩ là nên như thế. Thực ra tôi có quan sát, ít nhất là trong một chục năm trước khi về hưu, ở cương vị tôi đã phụ trách, thì tôi thấy, các đồng chí lãnh đạo đương chức luôn hết sức tôn trọng thế hệ tiền bối. Nhiều việc các đồng chí ấy hỏi ý kiến của các đồng chí tiền bối ở cuộc họp chung, nhiều việc đến tận nhà riêng để hỏi. Điều này chứng tỏ sự tôn trọng rất lớn đối với các cán bộ lão thành. Nhưng mặt khác, cũng phải thông cảm với những người đương chức: người ta còn có tổng thể của người ta, có bộ máy của người ta, có những nhiệm vụ cụ thể của người ta. Và cũng phải hiểu rằng, không phải ý kiến nào của một người dù là đi trước cũng có thể thực hiện được vì một khi không còn giữ trách nhiệm như cũ nữa thì nên hiểu rằng mình không được thông tin chính thức một cách đầy đủ, mình không chịu nhiều sức ép như người đương chức nên mình có thể không đưa ra được phương án giải quyết vấn đề tối ưu nhất, có lợi cho hệ thống nhất. Khi người đương nhiệm đến hỏi anh là cán bộ lão thành thì có nghĩa rằng người ta rất tôn trọng anh, nhưng cũng nên hiểu rằng, không phải tất cả điều mình góp ý đều đúng nhất. Nghĩ được như thế thì mình mới yên tâm. Người ta luôn luôn hỏi ý kiến mình, mình luôn luôn góp ý kiến và luôn luôn mình hiểu rằng không phải ý kiến nào của mình cũng đúng.

- Mình không còn ngồi ở vị trí ấy, tức là mình không phải là ý kiến cuối cùng. Hãy để cho những người đương chức họ tự chọn lựa, làm thế nào cho nó đúng! Ông có cảm thấy rằng từ khi ông về hưu, thì cũng cùng một vấn đề, trước đây ông nghĩ khác và bây giờ ông nhìn vấn đề ấy có khác hay không? Hay bây giờ ông vẫn đánh giá vấn đề ấy như thời ông vẫn còn tại chức?

- Thực ra mà nói, bây giờ thì mình có hiểu thêm nhiều thứ thật. Mà cũng chẳng phải chỉ bây giờ đâu. Tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc với một người bạn vong niên, từng có một cương vị cao. Khi đó, tôi còn làm báo, còn ông bạn vong niên ấy vừa về hưu. Gặp tôi, anh ấy phản ảnh tình hình ở địa phương anh ở rất gay gắt, thậm chí hơi đen tối nữa là đằng khác. Anh ấy nhắn một người bạn chung, bảo với Hữu Thọ rằng nếu muốn hiểu thực tiễn thì nói về gặp mình, mà tôi trong khi đang làm báo chứ. Một hôm tôi về, anh ấy nói với tôi tất cả các chuyện, mà thực ra toàn là các chuyện mà người ta biết cả, nhưng xử lý như thế nào thì nó phải có quan điểm xử lý chứ không phải việc gì cũng xử lý giống anh ấy muốn được. Tôi mới hỏi anh ấy một câu: “Anh thì mới nghỉ xong, tôi còn đang làm việc, vấn đề quan trọng là anh về hưu ngay ở trong thành phố của anh chứ có phải anh sang một tỉnh khác đâu, tất cả các việc anh ở phường, xã, khu phố nó diễn ra đều bắt nguồn từ thời kỳ anh phụ trách cả, vậy tại sao thời kỳ anh phụ trách, anh lại không xử lý?”. Anh ấy nói với tôi một câu rất chân thật: “Ông Thọ ạ! Khi mình phụ trách thì mình có biết đâu, nếu biết thì ai lại để như thế”. Lúc bấy giờ, tôi mới sực nghĩ ra là, à, thì ra càng lên cao thì nếu ta không sâu sát thực tế thì có thể, ta càng biết không nhiều những cái cụ thể. Hoặc giả anh không có điều kiện hiểu biết, hoặc là người ta không có điều kiện để tâm sự thật với anh vì anh đang đương chức, người ta rất khó gần gũi với anh để người ta dám tâm sự thật với anh.

 - Thực ra, chỉ những người khi đương chức có tính quan liêu thì khi về hưu mới dễ bức xúc trước những sự còn chưa hay của thực tế. Còn những cán bộ lãnh đạo thực sự gần dân, thực sự biết rằng giải quyết các vấn đề của cuộc sống nó cực kỳ phức tạp, khó khăn, chứ không phải đơn giản muốn là được thì những người ấy ngay cả khi về hưu rồi sẽ không có trạng thái bất mãn?

- Họ không bực. Bất mãn thì một số ít người thôi. Khi tôi làm trợ lý cho Tổng Bí thư, tôi thấy có một chị ở một huyện gần Hà Nội viết thư cho Tổng Bí thư, nói rằng, tôi xin xung phong làm Chủ tịch huyện trong một tuần để tôi xử lý những việc mà tôi cho là đã rõ. Tôi đọc thư ấy xong, thoạt tiên tôi hết sức cảm động. Nhưng rồi, tôi lại ngẫm nghĩ, cái nhiệt tình của chị ấy là rất quý, nhưng chị ấy hơi đơn giản. Nếu giao cho chị ấy một tuần làm Chủ tịch huyện, thì không phải chị ấy dễ xử lý vì nó còn có bao nhiêu các nguyên nhân khác nhau, các ràng buộc khác nhau. Chị ấy với tư cách là một người dân, chị nhìn vấn đề tưởng đơn giản nhưng sự thực không phải vậy, mặc dù, tôi thấy chị ấy là một người rất hay. Còn có một chị ở tỉnh khác nữa thì lại viết thư lên, nói, tôi thôi không chống tiêu cực nữa vì tôi mệt mỏi quá rồi, bị trù úm quá rồi, tôi thôi! Một chị thì xung phong chống, còn chị này thì buông xuôi luôn. Cả hai thái độ ấy đều không phải, đều do hiểu vấn đề quá đơn giản. Buông xuôi cũng không được, nhưng làm vội cũng không được.

- Cuộc sống không phải tiểu thuyết, không phải đến trang cuối là kết thúc luôn mọi sự và đôi khi cái khó khăn nhất là sau trang cuối ấy, sau cuộc đấu tranh ấy, sau tình yêu ấy, sau đám cưới ấy, gặp gỡ ấy, phức tạp hơn là phải sống như thế nào cho hợp lý, hợp tình, cho có triển vọng. Đấy mới là cái phức tạp.

- Có một câu chuyện từng xảy ra mà nhiều người đã biết. Có một cán bộ lão thành, từng hai lần được phong Anh hùng Lao động. Vậy mà anh con trai duy nhất của cụ lại bị dính vào những tiêu cực kinh tế ở mức bị kết án xử tử. Cụ ấy đã viết thư cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất, nói, tôi không xin tha tội cho thằng con tôi, tôi chỉ mong các anh hoãn lại thời gian thi hành án, đợi để tôi chết đã, mà tôi thì đã gần đất xa trời rồi. Xử lý những việc ấy đâu có dễ, có lý nhưng phải có tình! Nói vậy để thấy rằng, một khi anh không vào cuộc thì nói rất dễ, còn khi anh đã vào cuộc rồi, anh sẽ gặp những trường hợp rất là phức tạp

H.T.Q.
.
.