Nhà báo, GS. Đào Nguyên Cát: “Mặt trận tư tưởng” là ta phải nắm

Thứ Sáu, 18/07/2014, 13:00
Trung tuần tháng 6 này, trong một cuộc gặp mặt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do một cơ quan tổ chức, khi tôi tới thì nhà báo lão thành Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có mặt rồi. Thấy tôi đi ngang, ông vẫy tay gọi vào ngồi cạnh (nói thật là từ lâu lắm rồi, mỗi lần gặp, ông đều tỏ ra rất quý mến tôi, không chỉ với tư cách trưởng lão đối với người đồng nghiệp trẻ tuổi hơn nhiều mà như với một người bạn đồng tâm đồng tính...). Ở tuổi cận kề cửu thập (ông sinh năm 1925), trông ông vẫn rất tươi tắn, lạc quan, hóm hỉnh... Và đôi lúc, trong những câu đùa vui, vẫn hào hoa tới độ đa tình...

Lát sau, xuất hiện nhà báo Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng Biên tập báo Lao động và hiện đang là Tổng Biên tập báo Dân trí. Anh Hoàn bước nhanh tới bắt tay nhà báo Đào Nguyên Cát và nói đùa: “Phải bắt tay anh trước để lấy “hên”, nối tiếp truyền thống...”. Nhà báo Phạm Huy Hoàn năm nay cũng ở độ tuổi “xưa nay hiếm” rồi nhưng xem ra, vẫn còn có thể đảm đương được công việc người cầm lái ở tờ Dân trí không chỉ một thập niên nữa...

Nhìn các bậc đàn anh cao niên trong nghề gặp gỡ nhau, tôi không khỏi chạnh lòng... Những người đi trước thực sự là những người vượt trội... Thế hệ tôi chắc gì đã có ai lặp lại được những kỷ lục của họ...

Và tôi lại nhớ tới một lần được hầu chuyện nhà báo Đào Nguyên Cát. Những gì mà ông từng nói, với tôi hôm nay vẫn còn những bài học khó có thể phai nhạt về nghề nghiệp và về cuộc đời ...

- Hồng Thanh Quang: Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông quê ở làng Cổ Am, tức là cạnh quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?

- Giáo sư Đào Nguyên Cát: Thế này nhé, gọi là cạnh cũng được,  mà gọi là cùng quê cũng được. Cổ Am của chúng tôi trước kia là 1 làng có 18 thôn Am: Cổ Am, Đông Am, Tiêm Am, Hậu Am...

Trạng Trình quê ở Trung Am, còn Cổ Am là nơi ông ấy dạy học. Chùa Mét là di tích lịch sử bây giờ vẫn còn.

- Ra thế. Sở dĩ tôi muốn nhắc tới cụ Trạng Trình vì tôi nhớ hai câu thơ của cụ: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người tới chốn lao xao…”. Khi chưa nhiều tuổi, Trạng Trình đã nghĩ như vậy. Ở lứa tuổi bát thập hiện nay mà vẫn phải tiếp tục lãnh đạo một tờ báo lớn như “Thời báo Kinh tế Việt Nam” chứ chưa được hưởng thú an nhàn của tuổi già, thì không biết có thể gọi là khôn hay dại đây?

- (Cười): Thế thì tôi sẽ nói thế này: Làng Cổ Am của chúng tôi có thể được coi là một làng điển hình của cả miền Bắc, như cái làng Vũ Đại trong truyện ngắn của Nam Cao ấy. Ở đó có đủ các kiểu người, có cả Bá Kiến, cả thầy giáo Thứ, có cả Chí Phèo, cả Lão Hạc và Thị Nở (cười). Đủ hết! Thậm chí còn nhiều kiểu người hơn thế vì đấy là một vùng quê ven đô. Làng tôi có dòng họ nhà văn Khái Hưng, tức Trần Khánh Dư, Trần Tiêu…

- Khái Hưng của “Hồn bướm mơ tiên”, Trần Tiêu của “Con trâu”…

- Tất cả những nhân vật của Hồn bướm mơ tiên hay Con trâu đều có nguyên mẫu ở trong làng, đều nằm ở quanh cái lò gạch. Thậm chí đều có trong gia tộc họ Trần ấy. Gia tộc của Khái Hưng với Trần Tiêu là đại quan lại, bố nhà văn từng là quan thượng thư của triều đình nhà Nguyễn. Ông Thượng thư ấy sau khi về hưu cách đây ngót trăm năm đã cho xây dựng cả một khu nhà ba tầng. Trước khi ông ấy chết, ông ấy đã cho đắp cả một quả núi, dặn con cháu sẽ đặt quan tài của ông ấy vào một chỗ bí mật trong quả núi ấy, để hậu thế không thể tìm ra chỗ đích xác.

- Người càng quyền cao chức trọng càng muốn giấu tung tích sau khi đã qua đời…

- Thế này nhé, người đã làm to thì ân cũng nhiều mà oán cũng lắm… Cạnh quả núi ấy, ông Thượng thư sai xây một ngôi chùa tên là chùa Huệ… Họ Trần ở Cổ Am là một họ lớn. Bây giờ cũng có nhiều người giỏi lắm. Như Trần Bảng trong chèo. Rồi con trai Trần Bảng, cậu gì làm ở truyền hình ấy nhỉ?

- Có lẽ là Trần Lực chăng?

- Đúng rồi, Trần Lực, xin lỗi, tôi giờ hay bị quên tên người quá… Trần Lực cũng tài lắm, lập ra hẳn Công ty Đông A (Đông A là hai chữ ghép lại thành chữ Trần - HTQ), nhưng số cũng vất vả, nghe đâu phải mấy lần lấy vợ…

- Đàn ông tài giỏi bây giờ thường ít ai trụ lại được ở một lần đò! (cười).

- Thì thế! (cười) Tôi hồi nhỏ học cùng lớp với con gái Trần Tiêu, xinh lắm, cả mấy chị em nhà ấy. Hơn bảy mươi năm trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh họ mặc quần áo trắng muốt, đội nón đi trên đường làng. Tất cả đám học sinh lớp 1, 2, 3 chúng tôi nhìn thấy đều mê mẩn… Làng tôi còn có một ông Thượng thư nữa, Đào Trọng Kỳ.

- Cũng là người trong họ của ông…

- Cùng họ. Nhưng trong họ Đào ở Cổ Am cũng có đủ lớp người, giàu có, nghèo có, trí thức có, nông dân cũng có. Tôi mồ côi cha từ năm lên 4. Nhà nghèo nên 10 tuổi đã phải đi theo ông ngoại làm thuốc kiếm kế sinh nhai. Tôi giờ vẫn còn nhớ rõ những kiến thức đông y, biết rõ đủ các vị thuốc ta… Đầu những năm 30, nhiều người ở làng tôi tham gia khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, giết tri huyện Hồng Gia Mô. 4, 5 cái máy bay của Tây mang bom đến thả hàng trăm quả. Chúng còn định triệt hạ cả làng nhưng sau đó lại thôi. Trước năm 1945, nhiều người ở làng tôi cũng đi hoạt động cách mạng, tôi cũng đi. Giờ tôi đã hơn 60 năm tuổi Đảng rồi nhưng thực ra tôi vẫn cảm thấy mình còn trẻ lắm.

- Trông phong độ làm việc của nhà báo Đào Nguyên Cát, có thể thấy rằng khái niệm hưu trí là sự rất xa lạ…

- Thực sự tâm niệm của mình là, mình sẽ làm việc cho đến khi nào rơi xuống thì rơi, kệ nó mà cũng thảnh thơi.

- Nói thật, tôi từ lâu đã nghĩ rằng, đối với chúng ta, những người làm việc trí óc thì không có giới hạn về tuổi tác. Đôi khi, ngoài 60 tuổi mới là lúc “chín”, là lúc có thể cống hiến cho công việc chung được nhiều thứ hữu ích nhất. Ông có nghĩ như thế không?

- Đúng. Tôi thì may là thế này, đến bây giờ, đã có hạn chế là đôi khi hay quên tên người, nhưng về tư duy và lập luận lôgíc thì vẫn minh mẫn và tỉnh táo. Trí nhớ thì quả thực có phần giảm…

- Trong một xã hội càng phát triển thì càng nên xuất hiện những điều kiện để làm sao cho những người đứng tuổi vẫn có thể phát huy được trí tuệ và kinh nghiệm của mình cho công việc chung. Có điều, các cá nhân cũng nên năng động mà chủ động tự tạo cho mình những công việc thích ứng sau khi đã tới tuổi về hưu trong bộ máy hành chính của Nhà nước…

- Ngày xưa đã là thế, những trí thức dù đã có tuổi vẫn tiếp tục làm việc, không phải lệ thuộc vào lương bậc của Nhà nước. Và hiện nay, tôi thấy đặc biệt là chưa bao giờ con người được tự do như thế. Đôi khi chỉ cần một cái máy tính nối mạng là ta có thể ôm tất cả thế giới, cả vũ trụ và cả lịch sử hàng triệu năm…

- Thực ra trong bất cứ giai đoạn nào, những người có tính chủ động, biết dựa vào sức mình là chính, đều hiểu ra nguyên lý của cuộc sống, của vũ trụ là tự cứu mình trước khi trời cứu. Và họ bao giờ cũng tìm ra cách thích hợp nhất cho mình để trở nên hữu ích cho đời. Có đúng vậy không, thưa ông?

- Cũng đúng. Tôi vẫn nói rằng, con người ta phải sống có triết lý mới được. Triết lý ấy đụng đến tất cả các vấn đề thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan và nhiều việc khác nữa. Trong những cái trái ngược nhau cũng có chỗ thống nhất.

- Đó là phép biện chứng của mọi vấn đề.

- Tôi nói với anh nhé, những người duy tâm thì bảo rằng có trời, tất cả mọi thứ đều được sắp đặt trước. Nhưng những người duy vật như chúng ta thì bảo, chẳng có trời nào làm được thế, có là có những cái quy luật của thiên nhiên chung cho mọi sự trong vũ trụ. Không phải một quy luật mà là hằng hà sa số.

Ảnh trong bài: Quang Phúc.

- Mặc dù “xưa nay nhân định thắng thiên đã nhiều” nhưng con người luôn luôn bị những quy luật của tự nhiên chi phối. Cho nên muốn thành công là phải biết cách lựa theo những quy luật tự nhiên ấy mà hành xử sao cho có lợi cho con người nhất. Có đúng vậy không, thưa giáo sư?

- Đúng thế. Con người nói cho cùng cũng là một sản phẩm của tự nhiên nên không thể “qua mặt” các quy luật vũ trụ được. Chúng ta là sinh vật thượng đẳng trong muôn loài thì lại càng cần phải biết rõ những quy luật của vũ trụ để lựa theo. Chỉ có như vậy, con người mới có thể  tận dụng tự nhiên cho có lợi nhất đối với mình.

- Trong quan niệm của tôi, những người thành đạt như giáo sư phải là những người biết tận dụng một cách tốt nhất những quy luật của tự nhiên và xã hội để làm những việc có ích cho mình và cho xã hội. Con người thành đạt dứt khoát không thể là con người tìm mọi cách để chà đạp lên các quy luật, áp đặt ý muốn chủ quan của mình cho vạn vật. Có đúng vậy không, thưa giáo sư?

- Có một vấn đề thế này, những người đã thành đạt nói chung, thì thế nào cũng là những người hiểu biết, hoặc hiểu biết nhiều hoặc hiểu biết ít nhưng không thể thành đạt nếu không nắm được quy luật của sự vận động. Tất nhiên, để thành đạt còn cần những yếu tố khách quan khác nữa, cái này thì con người không thể tự định đoạt được…

- Ngoại cảnh lắm khi cũng rất quan trọng, thiên thời, địa lợi, nhân hòa…

- Với riêng tôi, phải nhấn mạnh rằng, tôi cảm ơn chủ nghĩa Mác, tôi cảm ơn tính biện chứng của chủ nghĩa Mác. Tôi bắt đầu nghiệp học bằng những cuốn sách viết về chủ nghĩa Mác. Tôi nhớ từ năm 1945 đã đọc cuốn sách viết về chủ nghĩa Mác của Hải Triều. Anh ấy viết cuốn ấy giá trị lắm, chúng ta phải tôn vinh cuốn sách đó. Qua cuốn sách đó, ta có thể thấy sự vĩ đại của Mác tới bây giờ vẫn chưa ai vượt được. Tôi nói rằng tôi cảm ơn chủ nghĩa Mác vì từ đó tôi đã có được quan niệm về thế giới, về nhân sinh và bản thân cuộc sống của mình rất đúng đắn, lúc nào cũng lạc quan.

- Ông vừa nói rằng, con người sống phải có triết lý. Vậy triết lý sống của ông là gì?

- Triết lý sống của tôi là thích chân lý, tức là làm cái gì thuộc về  lẽ phải và có tính đồng loại.

- Làm việc chính danh và mang lại lợi ích cho đồng loại chứ không chỉ cho riêng mình?

- Tôi từ lâu đã giác ngộ được rằng, chúng ta sống là sống trong xã hội, chúng ta là những con người mang tính xã hội nên phải luôn quan tâm tới đồng loại, tới những ai ở xung quanh mình, làm việc cùng với mình. Tôi rất tâm đắc Mác và đặc biệt là với Lênin trong quan điểm giai cấp. Tôi thấy trong xã hội tồn tại giai cấp là rất rõ và con người ta có gắn với giai cấp thật. Trong những xã hội có giai cấp đối kháng thì sự đấu tranh giai cấp ghê gớm lắm. Tôi đã từng chứng kiến như thế. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, trong con người thì dù thế nào cũng vẫn có chất người, chất nhân văn. Bây giờ chúng ta thấy rồi, trong xã hội ta thôi, không phải cứ giàu có là xấu xa, và không phải cứ nghèo thì mặc nhiên là tốt đẹp… Thế mới biết, làm khoa học xã hội khó khăn lắm. Và cũng vì khó khăn thế nên khoa học xã hội thường tiến chậm hơn khoa học tự nhiên.

- Và khoa học xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời đại. Có cái hôm qua đúng thì hôm nay không hẳn đã đúng nữa. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, nếu một luận điểm nào đó hôm nay không hẳn đã đúng nữa thì không có nghĩa là trong quá khứ nó sai. Chúng ta cần thận trọng và gượng nhẹ, minh bạch và công bằng khi xem xét các vấn đề của quá khứ. Và chỉ như vậy chúng ta mới có thể góp tay vào việc xây dựng quá trình đổi mới hài hòa, có tính kế thừa và không gây mất ổn định. Giáo sư nghĩ thế nào về quan điểm này?

- Đúng thế. Phải tỉnh táo lắm, phải nhân văn lắm…

- Và tạo dựng quá trình thay đổi một cách nhịp nhàng, hiểu biết và có tính kế thừa…

- Khác đi, nếu dốt nát cộng với sự nhiệt tình thì ngang bằng phá hoại.

- Hình như đó là câu của Lênin?

- Dốt nát cộng với nhiệt tình thì là “Pôn Pốt” (cười).

- Ông là cán bộ tuyên huấn từ trong chiến khu Việt Bắc dưới quyền đồng chí Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Chí Thanh… Theo ông, công tác tuyên huấn thời ấy, khi cách mạng mới bắt đầu như thế, còn non trẻ như thế, thì có gì khác so với thời sau này không? Và nếu có khác thì đó là điểm gì?

- Thực ra, tôi đã làm công tác tuyên huấn ngay từ năm 1945 ở Hải Phòng cơ. Và tới bây giờ tôi vẫn tâm đắc một điều: Muốn thu phục nhân tâm, muốn người ta tâm phục khẩu phục thì lý luận của mình phải rất chính nghĩa.

- Chứ nếu “ngụy nghĩa” thì có khéo nói mấy vẫn không đi vào lòng người?

- Đúng thế. Phải có chính nghĩa, phải trên cơ sở của tình yêu đất nước thiết tha. Trước đây yêu nước thì mình cầm vũ khí để giải phóng đất nước, để bảo vệ nền độc lập tự do. Bây giờ yêu nước còn phải làm việc sao cho dân tộc mình không còn nghèo đói nữa, mà càng ngày càng phát triển, thịnh vượng. Nghèo bao giờ cũng dễ bị hèn. Không được quên điều này.

- Tôi rất tâm đắc với điều giáo sư đã viết trên tờ “Thời báo Kinh tế Việt Nam” nhân dịp kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga hồi tháng 11-2007: “Chúng ta ý thức được rằng, dù lý tưởng con người có tốt đẹp biết bao, nhưng nếu nó không bật ra từ cuộc sống vật chất khách quan, không tuân theo những quy luật nghiêm khắc của hình thái kinh tế - xã hội thì nó không thể trở thành hiện thực lâu bền trong cuộc sống. Bạo lực, ý chí có thể là bà đỡ cho chế độ xã hội mới ra đời nhưng một chế độ xã hội không thể trụ mãi chỉ bằng bạo lực và nguyện vọng chủ quan. Xét đến cùng, kinh tế mới là nền tảng của một chế độ xã hội, trong đó lực lượng sản xuất là cơ sở”. Tất nhiên, một dân tộc muốn phát triển bền vững, thì trước hết phải có một triết lý đúng, một tư tưởng đúng. Nhưng để triết lý ấy, tư tưởng ấy đơm hoa kết trái lâu bền thì đúng là phải cần tới một nền tảng vững chắc là một nền kinh tế vững mạnh, giàu triển vọng. Thế giới nói cho cùng, rất “duy vật” nhưng không thể không “duy tâm”… Xin được hỏi giáo sư về thời gian ở chiến khu Việt Bắc, đã có thời gian làm việc gần các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của chúng ta. Giáo sư nhớ những gì về giai đoạn đó?

- Năm 1945, tôi hoạt động ở địa phương nên không biết gì nhiều về các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Nhưng ở chiến khu Việt Bắc, thì tôi đã có thời gian không ngắn được làm việc gần Bác Hồ. Tôi hồi ấy trẻ lắm, chỉ như một cậu bé thôi. Nhưng Bác rất quý tôi. Người có nhiều cử chỉ ân cần lắm với lớp cán bộ trẻ như tôi. Sau này, đầu những năm 60, trong một chuyến sang Liên Xô, Bác Hồ có tới Bệnh viện ở Moskva thăm đồng chí Nuhắc Phumxavẳn đang điều trị tại đó. Thấy tôi ở đấy, Bác hỏi: “Chú này sang đây từ bao giờ thế” và cười rất vui… Người thứ hai tôi muốn nhắc tới là đồng chí Trường Chinh. Đó cũng là một con người vĩ đại, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp chung. Người thứ ba mà tôi từng gặp và cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất sâu, rất quý là ông Lê Văn Lương - một chiến sĩ cách mạng từng bị thực dân kết án tử hình. Ông Lê Văn Lương thông minh, kiên nghị, trong sáng lắm. Ông Nguyễn Lương Bằng cũng thế. Toàn những nhân vật kiệt xuất mà trong sáng lạ thường… Tôi cũng rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày ấy ở Việt Bắc, tôi làm việc gần Cơ quan Bộ Quốc phòng, thỉnh thoảng vẫn cưỡi con ngựa hồng từ trụ sở cơ quan Đảng sang bên Bộ Quốc phòng, để làm việc với Phòng Tuyên huấn. Tôi từng chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp nhiều lần…

- Đôi khi tôi vẫn nghĩ, cuộc cách mạng của chúng ta trở nên lấp lánh hơn, hấp dẫn hơn đối với nhân dân, với bạn bè quốc tế một phần không nhỏ là nhờ những nhà lãnh đạo cụ thể, những con người kiệt xuất như thế.

- Đúng vậy. Khi Bác Hồ đi Pháp năm 1946 về, theo Bác về là hàng loạt những trí thức hàng đầu, từ bỏ vinh hoa phú quý nơi đất khách để về, chịu hy sinh, gian khổ cùng dân tộc. Sức hấp dẫn của cách mạng, của Bác Hồ lớn như thế cơ mà. Cụ là người cực kỳ thông minh, hấp dẫn… Tôi còn muốn nói tới một nhân vật nữa là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Một con người “ghê” lắm! Nghe ông ấy giảng về chính trị thì mới thấy tầm cỡ của con người này lớn lao thật. Và cũng sắc sảo lắm!

- Có những nhà lãnh đạo xuất hiện không phải do cơ chế “đôn” lên mà do chính tài năng và đức độ của họ tạo dựng thì sự nghiệp lớn nào cũng dễ thành công hơn.

- Tướng Nguyễn Sơn đối với tôi cũng là một thần tượng.

- Một vị tướng ngang tàng và có sức hấp dẫn lớn đối với phụ nữ…

- Ngang tàng lắm! Vóc dáng con người cũng đặc biệt lắm, tóc bồng lên, lông mày rất đậm và nói cứ như sấm ấy. Đi đứng cũng vậy, mạnh mẽ lắm. Nhưng đó còn là một con người rất tình cảm, lãng mạn, hào hoa… Tôi từng đi nghe tướng Nguyễn Sơn nói nhiều lần, ông ấy nói về Truyện Kiều thì ai cũng mê.

- Phụ nữ nghe tướng Nguyễn Sơn nói chuyện Kiều thì như là nghe đàn bầu ấy!

- (Cười): Cuối năm 1950 đầu năm 1951, khi tôi đi học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương, ở Quảng Nạp (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), tướng Nguyễn Sơn có đến nói chuyện. Rất ấn tượng! Một tuần lễ liền, ông ấy nói và lúc nào cũng hấp dẫn, nói về các nhân vật lịch sử, nói về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nói về tình hình cách mạng Trung Quốc...

- Trong cảm nhận của tôi thì người đang giữ chức Tổng Biên tập tờ “Thời báo Kinh tế Việt Nam” có một vai trò đặc biệt vì đã tự mình “lớn” lên cùng tờ báo của mình. Ông đã phải cùng tập thể cộng sự của mình tự gây dựng nên một nội hàm mang tên “Thời báo Kinh tế Việt Nam” như hiện nay chứ không phải thừa hưởng di sản từ những người đi trước nào đó. Cảm nhận của tôi có đúng không, thưa giáo sư?

- Mình muốn nói thế này, đấy cũng là do thời thế tạo ra thôi. Trước khi làm tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam, tôi từng làm Tổng Biên tập đến gần chục tờ báo, từ năm 1950 cơ.

- Tờ báo đầu tiên mà ông làm Tổng Biên tập là tờ “Học tập”, có đúng không ạ?

- Nhưng không phải là tờ Học tập của Ban chấp hành Trung ương Đảng sau này đâu mà là tờ Học tập của Tiểu ban Huấn học Trung ương. Đi học ở Trung Quốc về, tôi cũng bắt chước Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề nghị ra tờ Học tập để giúp cán bộ tự học… Tờ báo của bọn mình chỉ ra có 3 số rồi thôi, vì mình ốm và người thay được điều đi B… Khi mình nghỉ hưu, mình không định làm báo nữa, mà định dành thời giờ làm lý luận. Thế nhưng, ông Giáo sư Trần Phương đến bảo rằng, Hội Khoa học Kinh tế cần ra một tờ báo và “không có ai thay ông đâu, ông phải làm thôi!”. Ờ thì làm! Nhưng tôi có tính đã làm thì làm lớn, làm dài hơi, chứ việc nhỏ lặt vặt là không làm. Ngay từ khi bắt tay vào làm tờ Thông tin kinh tế (tên báo lúc đầu chỉ là thế, mình đã nghĩ đất nước đang xây dựng thì kinh tế là quan trọng, Hội Khoa học Kinh tế phải góp phần vào việc này và tờ báo của Hội không thể úi xùi được. Lúc đó là năm 1991. Tới năm 1992, mình thấy công cuộc Đổi Mới diễn ra nhanh chóng quá, tờ  báo của mình chỉ là thông tin kinh tế thôi thì chưa được. Vậy thì quyết định đổi ra Thời báo Kinh tế sau ba tháng ra Thông tin kinh tế. Gặp Vụ trưởng Vụ Báo chí lúc ấy là Lưu Văn Hân, anh ấy bảo: “Sao anh không thêm hai chữ Việt Nam vào cho nó oách?” Mình thấy hay, gật đầu liền. Đấy, mọi chuyện là do anh em bọn mình quyết định hết. Giai đoạn đầu làm việc cũng gian khó lắm, trụ sở tòa soạn đóng ngay ở nhà riêng của mình, vợ chồng con cái đều chung tay vào làm, từ A đến Z… Nay vẫn còn cái biển tòa báo ở ngay nhà mình. Năm 1993, Thời báo Kinh tế Việt Nam bộ mới ra đời với đặc trưng không bài nào phải đọc tiếp trang sau cũng đã tạo nên dư vị riêng đối với độc giả.

- Ông có thể nói ngắn gọn về quan điểm chuyên môn khi làm tờ “Thời báo Kinh tế Việt Nam” được không?

- Tờ báo phải nói lên được những vấn đề thiết thân nhất của người Việt, của nền kinh tế Việt. Phải có được sự độc lập cần thiết ngay cả khi hợp tác với nước ngoài. Điều tâm niệm này đối với tôi đã ăn vào máu rồi. Gì thì gì chứ “mặt trận tư tưởng” là ta phải nắm. Hợp tác thì hợp tác, ta không hòa tan. Hội nhập nhưng không hòa tan, đó là phương châm hành xử chủ đạo trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

- Thực ra, trong điều kiện hiện nay, có thể có nhiều hình thức hợp tác để xuất bản những ấn phẩm, nhưng quan trọng nhất nếu ta có cán bộ vững vàng, nắm vai trò chủ chốt thì không có gì phải e ngại cả.

- Nhưng cũng không nên để công việc chung phải phụ thuộc vào cá nhân. Phải có đường lối rõ ràng, chứ con người thì có người sai, có người đúng. Đường lối đúng thì người sai cũng khó mà làm sai được.

- Xin cảm ơn Giáo sư

H.T.Q.
.
.