Nhà báo Đào Phan nắng sớm từng vung gươm hổ trướng

Thứ Năm, 16/07/2020, 13:54
Ngày 27 tháng 3 năm 1996 (ngày 9 tháng 2 năm Bính Tý), nhà báo Đào Phan qua đời trong nỗi tiếc thương của nhiều trí thức và chiến sĩ cộng sản cùng thế hệ ông. Đào Phan từng là một nhà chính trị, từng là một chủ bút báo lẫy lừng. Giáo sư Vũ Khiêu có câu đối viếng: "Nắng sớm từng vung gươm hổ trướng/ Rừng chiều chẳng thẹn cúc Uyên Minh".


Côn Đảo kiên cường, Sơn La bất khuất

Trong thư gửi đồng chí Lê Phước Thọ - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng (1992), ông Đào Phan bày tỏ: "Xuất phát từ nhân cách của một gia đình trí thức sớm yêu nước và dấn thân đi làm cách mạng cùng với nhiều anh chị em ruột thịt đã hy sinh chịu đựng trong lao tù đế quốc. Tôi luôn tự hào nêu tên các anh chị em ruột thịt của tôi:

Anh cả chúng tôi là Đào Duy Anh, từng là Tổng Bí thư của Đảng Tân Việt, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đế quốc Pháp bắt năm 1929, ra tù hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc ta bằng phương pháp khoa học mới của thời đại để góp phần sớm truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân. Đã cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm báo Tiếng Dân và mở Quan Hải tùng thư ở Huế;

Anh Đào Duy Phiên bị Pháp bắt năm 1940 do tham gia phong trào chống Pháp ở Sài Gòn, bị đày ra Côn Đảo năm 1945 mới được về;

Anh Đào Duy Liên (cùng cha khác mẹ) bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tại Sài Gòn năm 1956, đày ra Côn Đảo 5 năm vì tội chống ngụy quyền và đế quốc Mỹ;

Chị Đào Thị Quyền và chồng là anh Đào Văn Lan đã hoạt động bí mật cho Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hải Phòng (1936-1939), ở Sài Gòn năm 1940 là cơ sở của đồng chí Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh và các đồng chí khác ngay lúc Nam Kỳ khởi nghĩa;

Anh Đào Duy Kỳ là trí thức hoạt động tuyên truyền, báo chí, huấn học cho Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1935, Quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1941-1942, đã bị Pháp bắt tù Hỏa Lò (Hà Nội) và đày ra Côn Đảo và vợ là chị Trần Thị Minh Châu, cựu Bí thư Liên tỉnh Hà Đông - Hưng Yên thời hoạt động bí mật, đã trực tiếp chỉ huy Đội Du kích Bắc Sơn, rồi tham gia Ủy ban khởi nghĩa ở Tân Trào (Tuyên Quang) 1944-1945;

Em Đào Thị Đính hoạt động bí mật ở Thừa Thiên - Huế bị Pháp bắt năm 1940 giam tại nhà tù Thừa Thiên, tham gia Ủy ban khởi nghĩa tháng 8/1945 ở Huế. Là Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội Phụ nữ Trung ương…".

Nhà báo Đào Phan (1920 - 1996). Tư liệu KMS.

Về cá nhân mình, ông Đào Phan viết: "Xuất phát từ nhân cách một chiến sĩ đi làm cách mạng từ năm 16 tuổi, đã từng làm Bí thư Thành ủy Huế năm 1937 và Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Hà Nội (Bí thư Thành ủy) trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, đã từng bị Pháp bắt giam 2 lần tại các nhà tù Thừa Thiên năm 1938-1939, Phan Rang năm 1939-1940, Hỏa Lò - Sơn La năm 1942-1943, Côn Đảo năm 1944-1945".

Chính thời gian ngồi tù Sơn La (1943), ông Đào Phan là người đã truyền đạt cho chi bộ nhà tù chủ trương mới của Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5/1941). Trước đó, chi bộ đã nghe qua lời truyền đạt của ông Trần Đăng Ninh tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ VIII vào cuối năm 1942 nhưng chưa được cụ thể.

Lần này, thay mặt cấp ủy, ông Lưu Đức Hiểu (Lưu Quyên) đề nghị ông Đào Phan ghi lại thành văn bản tóm tắt để phổ biến cho toàn thể anh em trong nhà tù Sơn La. Đến tháng 10 năm 1944, khi ông Bình Phương (sau này là Trưởng ban Nội chính Trung ương) mang văn bản chính thức lên, đem so sánh với bản tóm tắt của Đào Phan thì thấy "không có gì khác nhau về cơ bản".

Nhưng trong cuộc báo cáo với Chi bộ nhà tù Sơn La của Đào Phan đã có duy nhất ý kiến thắc mắc: "Chính sách mới gì mà lại liên hiệp cả với tư sản, địa chủ, phú nông, ngụy quân, ngụy quyền? Thế còn lập trường giai cấp và chuyên chính vô sản thì sao?". Hai bên lời qua tiếng lại và đó cũng là cái mầm tai vạ với Đào Phan về sau…

Tại trường học cách mạng nhà tù Sơn La, ông Đào Phan tham gia làm báo Suối reo như Lời tựa của tờ báo này: "Thu sang hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung/ Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối reo lên để cho lòng ta reo". Chính ông Xuân Thủy đã chọn ông Đào Phan làm biên tập viên vì biết tính cẩn thận, cần cù, hiểu biết và nhạy cảm về chính trị, như chia sẻ của nhà văn Hoàng Công Khanh sau này. Ngoài việc viết bài, ông Đào Phan còn có nhiệm vụ đọc các bài gửi đến, tóm đại ý, xếp loại để ông Xuân Thủy lựa chọn.

Mạnh Thường Quân của văn nghệ sĩ

Trước khi qua đời, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới biết đến Đào Phan với tên tuổi của một tác giả nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Chí Minh. Đào Phan là tác giả 3 tập sách: Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa; Đạo Khổng trong văn Bác Hồ; Suy tưởng trước Ba Đình. (Năm 2018, bộ tác phẩm này được Nhà xuất bản Văn học in chung trong một tập sách thuộc dòng sách Nhà nước đặt hàng mang tên gọi: Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp nhà văn Sơn Tùng và nhà báo Đào Phan (thứ 2 từ trái qua) - Tư liệu Sơn Định.

Trong sổ tang, ông Phạm Tuấn Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, người bạn tù Sơn La với ông Đào Phan viết: "Nhớ mãi anh ở ngục Sơn La với báo Suối reo. Cuối đời dù trong cảnh ngộ nào anh cũng giữ vững niềm tin. Công trình nghiên cứu về Bác Hồ và Chủ nghĩa Đại Hán của anh còn lại mãi mãi".

Sinh ngày 10/7/1920, năm nay tròn 100 năm sinh, ông Đào Phan tên khai sinh là Đào Duy Dzếnh. Bút danh Đào Phan là ghép của họ ông và họ vợ - bà Phan Thị Bội Hoàn - cô nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

Năm 1947, ông là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Quân du kích (Cục Dân quân - Bộ Quốc phòng) kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Quân du kích. Tòa soạn báo Quân du kích đóng tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Chiều chiều những trí thức Hà Nội lên non theo kháng chiến ùa ra bãi chơi bóng chuyền: Cục trưởng Lê Liêm, Trưởng phòng Chính trị Lưu Quyên, ký giả Trần Kư, có cả "cây bóng đá Hà thành" Lê Bách…

Quy tụ xung quanh ông Chủ bút họ Đào là các cây bút như Trần Kư, Lưu Động, Hoài Tín, Hoàng Văn rất thạo tiếng Tày, thường "ca noọng" với các thiếu nữ địa phương ... Các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích, Lê Lam... Khi Ban chấp hành lâm thời Hội Những người viết báo Việt Nam ra đời (1950), Đào Phan với uy tín của mình trong giới, được cử làm Phó thư ký.

Nửa thế kỷ sau, nhớ về Chủ nhiệm báo Quân du kích Đào Phan, họa sĩ Mai Văn Hiến đã ký vãng trong "Nhất ẩm, nhất trác, giao do… tiền Quân du kích định" về chuyến hành quân của các văn nghệ sĩ theo bộ đội ra mặt trận đường số 4 từ Lạng Sơn nối liền Cao Bằng. Lại đúng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (1949), văn nghệ sĩ được Chủ nhiệm Đào Phan lưu lại ăn Tết ở tòa báo.

Được mấy hôm mà "anh nào trông cũng béo ra". Còn họa sĩ Mai Văn Hiến bình luận: "Lúc ấy nhìn ông Đào Phan như vua Nghiêu, vua Thuấn, hoặc như ông Mê-xen (vua La Mã cổ đại), ông Mạnh Thường Quân (người nước Tề - Trung Hoa xưa) hết lòng giúp đỡ các văn nhân, họa gia, triết gia, hàng trăm tao nhân mặc khách đấy nhá".

Tờ báo Quân du kích và Nhà xuất bản Quân du kích hoạt động ngang ngửa với tờ báo Vệ Quốc quân và Nhà xuất bản Vệ Quốc quân. Các cây bút cũng như Chủ bút báo thi nhau đua tài trên mặt trận tuyên truyền, cho đến năm 1950 Tổng cục Chính trị ra chủ trương sáp nhập hai tờ báo và hai Nhà xuất bản Vệ quốc quân và Quân du kích vào làm một tờ báo mang tên Quân đội nhân dân cùng một Nhà xuất bản cũng mang tên Quân đội nhân dân.

Trước khi sáp nhập, Đào Phan đề nghị với Lưu Văn Lợi (Chủ bút báo Vệ quốc quân) làm một bữa liên hoan mặn. Việc này được Lưu Văn Lợi đồng ý ngay và giao cho Đào Phan làm Trưởng ban tổ chức. Sẵn máu sôi nổi của tuổi trẻ lại mê văn chương, cả hai thống nhất chọn tên cho bữa liên hoan mặn là: Đại hội liên hoan.

Không ai ngờ cái tên đầy hấp dẫn và chữ nghĩa Đại hội liên hoan lại gieo tai họa xuống đầu Đào Phan và một phần vào Lưu Văn Lợi. Tin đồn đại bay nhanh về Tổng cục Chính trị: Người no no dạ, đã thèm/ Cơm canh thừa mứa đổ chìm đáy sông.

Trong khi đó thực tế khác hẳn với tin đồn. Tổng cục Chính trị bắt Đào Phan làm kiểm điểm trước, sau đó cử đoàn đi kiểm tra. Đến tháng 8/1950, tại Khuôn Cầm (Chợ Chu, Thái Nguyên), búa rìu giáng xuống khi họp sơ kết. Đào Phan bị nhiều ý kiến lên án là lãng phí.

Hơn nửa thế kỷ sau, nhà báo Lưu Văn Lợi kể lại chuyện này. Ông chia sẻ như vẫn còn nghe tiếng hét của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) văng vẳng bên tai: "Trong lúc đồng bào thiếu ăn, thiếu mặc, các đồng chí ngồi chè chén, các đồng chí có biết rằng các đồng chí đang uống máu đồng bào không?".

Ngồi bên dưới, Lưu Văn Lợi thấy lạnh cả xương sống. Vì ở xa, không trực tiếp tham dự Đại hội liên hoan nên Chủ bút Lưu Văn Lợi chỉ chịu trách nhiệm gián tiếp; còn Chủ bút Đào Phan chịu kỷ luật.

Kiều Mai Sơn
.
.