Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Không thể sốt ruột

Thứ Tư, 29/10/2008, 15:45
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc bảo: Người Hà Nội thực ra rất là mềm mại, rất là uyển chuyển và là người biết tiếp thu và khiêm nhường, cho nên có khái niệm người hàng phố với nhau; ở nhà quê là người hàng xóm, lên đến Hà Nội thì là người hàng phố, sớm hôm có nhau, tạo thành một cái hình thái kiến trúc là hình thái nhà phố cổ, nó nói lên được sức cuốn hút của một cộng đồng...

PV: Có một số người hoài nghi bảo rằng, làm gì có khái niệm Hà Nội học nên làm gì có cái gọi là nhà Hà Nội học! Ông nghĩ thế nào về chuyện đó? Cá nhân ông hình dung thế nào là bộ môn Hà Nội học? Thế nào là nhà Hà Nội học?

Ông Nguyễn Vinh Phúc (NVP): Thực ra đó là một cái danh xưng dân dã thôi. Trong chương trình học của nước mình không có chương trình nào là Hà Nội học cả. Tại các nước khác chỉ có khái niệm về địa phương học, côrôgraphi...

PV: Vâng, tôi hiểu rồi, đó là bộ môn tìm hiểu về các vùng đất...

Ông NVP: Có các bộ môn khoa học nghiên cứu về các quốc gia, thí dụ như Trung Quốc học, Việt Nam học, rồi ấn Độ học... Cũng có những bộ môn đi sâu vào nghiên cứu những tác giả văn học lớn, thí dụ như Shakespeare học, Puskin học... chẳng hạn. Tôi nghĩ, ở Việt Nam ta chưa có giáo trình nào về môn Hà Nội học, nhưng có danh xưng nhà Hà Nội học là do bắt đầu từ tôi. Người ta gọi tôi là nhà Hà Nội học...

PV: Tôi công nhận, đó là sự thật! Thực ra có không ít người nghiên cứu về Hà Nội nhưng quả thực là danh xưng nhà Hà Nội học dường như chỉ được dùng để gọi ông. Và tôi nghĩ, thế cũng công bằng thôi. Ông không chỉ là tác giả của hàng chục cuốn sách viết về Hà Nội mà còn là người có công giới thiệu cõi đất con người Hà Nội một cách phong phú, sinh động và hấp dẫn vô cùng... Nhưng hình như cách gọi đó về ông cũng làm một số vị giáo sư khả kính cảm thấy khó chịu, có đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Họ đố kị...

PV: Đố kị?

Ông NVP: Đúng thế. Nhưng tôi cũng chẳng lấy đó làm điều. Cái danh xưng ấy thực ra chỉ xuất phát từ sự quý mến của bạn đọc...

PV: Của nhân dân...

Ông NVP: Của nhân dân!..

PV: Của "giang hồ"... Tức là của anh em đồng nghiệp, một cách không chính thức...

Ông NVP: Của "giang hồ"!.. Thực ra thì cách đây 5-7 năm, trong một chương trình của Thành ủy Hà Nội có ghi một việc là đưa môn Hà Nội học vào các trường phổ thông và đào tạo cán bộ ở Thủ đô. Hình như sau năm 2000 chúng ta cũng đã công nhận rằng có một bộ môn khoa học gọi là ngành Hà Nội học, trên đại thể là một khoa học nghiên cứu riêng về lịch sử văn hóa Thủ đô.

Tôi là người viết chỉ chuyên về lịch sử văn hóa Thủ đô thôi. Tất nhiên, vì viết về lịch sử văn hóa nên đề cập đến nhiều mặt, đề cập đến đất đai, đề cập đến thổ nhưỡng, sông ngòi, lũ lụt, miếu mạo, nhà thờ v.v… Và nhất là đề cập tới con người Hà Nội. Trong sách tôi viết, bạn đọc tìm thấy được nhiều mảng của cuộc sống Hà Nội, vì vậy mới gọi tôi là nhà Hà Nội học.

PV: Đúng vậy...

Ông NVP: Không riêng gì văn thơ, không riêng gì lịch sử, không riêng gì lễ hội, không riêng gì tôn giáo, mà họ tìm thấy trong các bài viết của tôi về Hà Nội có một cái nhìn bao quát về các mặt sinh hoạt của Thủ đô. Tôi luôn luôn tự nhận mình chỉ là người nghiên cứu địa phương thôi, chứ không dám tham vọng gì cả, không có tham vọng gì khác. Bởi thực tế gọi là nhà Hà Nội học nhưng không có bổng lộc nào cả, không có một sự đánh giá nào trong con mắt quan phương.

Trong con mắt quan phương của một số học giả chính danh thì danh xưng nhà Hà Nội học nó không là cái gì cả. Nhưng tôi vẫn cứ làm, vẫn cứ đi theo con đường mà mình đã chọn cho đến bây giờ. Từ ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 cho đến bây giờ, tôi thấy dải đất này đáng yêu thật, bởi vì ngoài sự mỹ lệ của núi sông ra, ngoài cái thanh lịch của con người ra thì nó còn chất chứa, còn hàm dưỡng bao nhiêu cái gọi là tiềm năng, tiềm lực của đất nước.

 

PV: Vâng, tôi hiểu rồi. Nhưng tôi muốn hỏi thế này: Cái gì có trước, quả trứng hay là con gà mái có trước? Sự mỹ lệ của núi sông tạo ra sự thanh lịch của con người, hay sự thanh lịch của con người tạo ra sự mỹ lệ của một đất kinh kỳ Tràng An, theo ông?

Ông NVP: Câu hỏi của anh cũng khá là đặc sắc bởi vì cõi đất và con người nó là dính dáng đến nhau. Cõi đất tồn tại sở dĩ có tiếng tăm là vì nó gắn với con người. Vậy thì từ Hà Nội đẹp xinh này, từ Hà Nội mỹ lệ này nó hình thành khái niệm con người Hà Nội đẹp thanh lịch hay ngược lại? Tôi nghĩ rằng, thực ra đó là đôi bạn song hành. Các địa phương khác cũng đẹp đẽ đấy chứ, các địa phương khác cũng đều có những người thanh lịch cả chứ. Dân Kinh Bắc, dân xứ Đoài, dân Nghệ Tĩnh, dân Thanh Hóa, dân Huế,… ở đâu cũng có những người thanh lịch chứ, ở đâu con người họ cũng phải thanh lịch chứ, đất đai của họ cũng mỹ lệ chứ, họ cũng có núi Tản sông Đà...

PV: Sông Hương núi Ngự... Nội Duệ Cầu Lim....

Ông NVP: Cầu Vồng Yên Thế, Nội Duệ Cầu Lim… Đủ hết cả!.. Nhưng thường thường nói đến Hà Nội là phải nói đến chất thanh lịch đầu tiên, bởi mọi người về Hà Nội bị hấp dẫn đầu tiên không chỉ bởi vẻ mỹ lệ của đất nước mà là vẻ thanh lịch của con người đất kinh kỳ.

Cho nên trong bài "Thượng kinh phong vật phú" người ta cứ huyên truyền là của ông Lê Quý Đôn, nhưng thực ra là của một tác giả nào đó sau ông Lê Quý Đôn, nhưng mà dù sao cũng là của cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX, có nói là, mọi người xô nhau đổ về đất Thượng Kinh như thể đi về đất Kinh Triệu đời Tần Hán đấy. Điều đó chứng tỏ dải đất này là hấp dẫn, là lôi cuốn lắm chứ.

Cũng nhờ được nó là kinh đô cho nên hấp dẫn tài hoa bốn phương về đây, tài có cao, nghề có tinh mới trụ được ở đất này. Bách nghệ đều ở lại đây được nếu giỏi, nếu tinh: nghề làm bồ, nghề làm chiếu, nghề làm vàng bạc, nghề văn, nghề dạy học… nghề nào cũng thế. Anh về Hà Nội, anh trụ được, anh mới nổi tiếng. Thiếu gì nhà văn, nhưng chỉ những ông nào về Hà Nội và trụ được Hà Nội, nổi danh ở Hà Nội thì ông sẽ có cơ hội trở thành bất tử trên văn đàn Việt Nam.

Ông Nguyễn Du dân Hà Tĩnh chứ, ông Nguyễn Gia Thiều dân Bắc Ninh chứ, bà Hồ Xuân Hương có thể đúng là dân Nghệ An chăng, còn ông Nguyễn Tường Tam là người Quảng Nam nhưng mà sinh ra là ở Hải Dương chứ, ông Trần Khánh Giư cũng vậy... Từ khắp nơi nhưng về Thăng Long - Hà Nội mới trở thành lừng lẫy... Và ngay đến các bậc lãnh tụ chính trị cũng thế. Cụ Hồ ra đi từ Sài Gòn, nhưng Cụ là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ở Hà Nội... Rồi ông Trường Chinh cũng thế. Và những người mở đầu cho sự đổi mới của đất nước đều là phải xuất phát từ Hà Nội mà đi lên...

PV: Cái đấy là do yếu tố khách quan, yếu tố địa chính trị tạo dựng góp phần vào việc ấy, đúng không ạ?

Ông NVP: Đúng thế!

PV: Nói thật, cho tới bây giờ tôi vẫn cứ  hoài nghi về khái niệm gọi là chất người Hà Nội. Bởi vì sao? Bởi vì cái gọi là chất người Hà Nội thực ra không phải là một khái niệm bị đóng khung trong một khuôn mẫu nào đó ở chính Hà Nội mà nó là sự hội tụ, hội chuẩn tinh hoa từ bốn phương và thanh lọc tất cả những cái gì tinh tuý nhất của đất nước Việt này.

Theo ông, cách hiểu như thế có đúng không? Và nếu đúng, thì không ai có thể tự xưng mình là người Hà Nội gốc và vỗ ngực được. Nếu anh không biết mở lòng ra tiếp cận tất cả những tinh hoa của Hà Nội, của Việt Nam và của cả bốn phương nữa thì anh không bao giờ có thể tự coi anh là người Hà Nội chân chính. Liệu cách nghĩ của tôi có đúng không, thưa ông?

Ông NVP: Tôi nhất trí với anh. Thực ra nói về người Hà Nội gốc, thì Thăng Long cũ thực ra chỉ tập trung quanh quanh quận Hoàn Kiếm thôi, một phần Ba Đình, mở rộng ra quận Đống Đa với quận Hai Bà Trưng một chút. Đó là tất cả đô thành Thăng Long - Hà Nội cho đến tận đầu thế kỷ XX. Cho nên số người chẳng là bao.

Tuy nhiên, trước đó bao nhiêu thế kỷ và bao nhiêu thế hệ đã hội tụ về Thăng Long, họ đem cái tài hoa của họ về Thăng Long. Và nhất là họ biết tự điều chỉnh mình, biết nâng mình lên tầm cao hơn so với khi ở địa phương. Cũng thịt ấy, cũng rau cỏ ấy, nhưng về Thăng Long, về Hà Nội, người ta cố gắng chế biến làm sao cho nó ngon lành hơn, cho nó có tính chất cuốn hút hơn, hấp dẫn hơn. Đó chính là cái tinh hoa của đất kinh kỳ.

PV: Trong sự va đập hòa quyện của các tinh hoa thì chất tinh hoa càng trở nên tinh hoa hơn, tinh tế hơn, có đúng không ạ?

Ông NVP: Đúng thế! Anh nói thế là đúng đấy. Tôi lấy ví dụ, như món chả cá nhé. Chả cá thì nơi nào chẳng có thể làm được, nhưng riêng ở phố Chả Cá, bà Trưởng Mềm đã nghĩ ra được cách làm chả cá ngon đến thế. Bà Trưởng Mềm ấy đẻ ra ông Đoàn Văn Hy, bà Đoàn Thị Thái. Họ đem những khéo léo về đây, họ cố gắng, họ điều chỉnh, họ tìm mọi cách để mà nâng cao chất tinh hoa, chất kinh kỳ lên, bởi vậy nên nó thành ra cuốn hút, nó hấp dẫn mọi người, ăn miếng chả cá ở Hà Nội nó khác miếng chả cá ở các nơi.

Ăn bánh cốm ở Hà Nội cũng khác với bánh cốm ở các nơi. Cốm nhiều nơi có chứ không chỉ riêng làng Vòng mới có đâu, nhưng ở Hà Nội cách điều chế, cách tinh chế nó được nghiên cứu, chăm sóc và nó được lựa chọn cái phương thức làm bánh nào đó để nó trở thành của ngon vật lạ.

Phở bây giờ cũng thế, phở tỉnh nào chẳng có, nhưng tôi thấy ở Hà Nội, phở có hương vị của nó, chứ nhiều nơi cứ dẫn gia truyền này, gia truyền nọ, tôi không tin. Nơi nào phở cũng đều có cả, nhưng chỉ có ở Hà Nội mới là nơi đúc kết mọi tinh hoa. Vậy cho nên những người về Hà Nội đều phải buộc lòng nâng cao tay nghề để mà làm cho những sản phẩm nó trở thành cuốn hút... Và tất cả những cái đó nó gọi là những tinh hoa đất kinh kỳ.--PageBreak--

PV: Theo nhận thức của tôi, nhìn vào tính chất người Hà Nội thì nó vừa là sự nỗ lực chủ quan của những cư dân sống ở trên đất kinh kỳ, nhưng mặt khác nó phải tính đến một yếu tố cực kỳ quan trọng và khách quan, đó là do Hà Nội vẫn là nơi hội tụ tài hoa cả nước, tài hoa của bốn phương, mà nếu chúng ta không hiểu điều đó thì sẽ có một số người Hà Nội trở nên hợm hĩnh và không tự biết mình. Và điều đó làm xúc phạm đến cả những tinh hoa của những vùng đất khác, có đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Đúng, đúng thế.

PV: Và một trong những nét phong cách mà tôi cho là căn bản nhất của người Hà Nội gốc, phải là: không bao giờ được hợm hĩnh, không bao giờ được coi mình như rốn vũ trụ. Và nếu anh nghĩ anh là rốn vũ trụ thì anh không phải là người Hà Nội chân chính. Có đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Đúng thế! Người Hà Nội thực ra rất là mềm mại, rất là uyển chuyển và thực ra là người biết tiếp thu và khiêm nhường, cho nên có khái niệm người hàng phố với nhau; ở nhà quê là người hàng xóm, lên đến Hà Nội thì là người hàng phố, sớm hôm có nhau, tạo thành một cái hình thái kiến trúc là hình thái nhà phố cổ, ngôi nhà mái liền mái, tường liền tường, thấp thôi, bé bỏng nhưng mà nó xinh xắn, nó nói lên được sức cuốn hút của một cộng đồng...

PV: Đọc sách cũ có thể thấy rằng, nếu đích thực là người Hà Nội, người ở đất kinh kỳ, đất Thăng Long, người Tràng An phải rất biết liên tài, phải rất trọng người có tài, có đức, dù họ từ đâu đến, thành phần xuất thân ra sao, nói giọng thổ âm gì. Ví dụ như là những ông quan rất quyền cao, chức trọng ở Hà Nội xưa bao giờ cũng thích gả người con gái yêu nhất của mình không phải cho người con của ông quan khác, mà cho một người tài trai nào đấy dù ở bất cứ địa phương nào đến đây. Đấy là tấm lòng liên tài, trọng tài, một nét tính cách rất căn bản của người Hà Nội, có đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Đúng. Anh nói rất đúng, người Hà Nội có tính liên tài, tức là biết trân trọng những tài năng dù là người ở phương trời nào. Anh ở Lạng Sơn, Cao Bằng về chẳng hạn, anh là người Tày hay người dân tộc thiểu số gì cũng đều được trân trọng nếu có tài... Những công chúa của Chúa Trịnh, vua Lê vẫn gả cho những ông…

PV: Hàn sĩ thành đạt... Nếu ta chứng minh được mình là người giỏi sẽ được vào cửa quan làm con rể (cười)...

Ông NVP (cũng cười): Và thời Pháp thuộc cũng thế. Các ông vốn chỉ là con nhà trung lưu ở các địa phương nhưng về Hà Nội học giỏi lên thì trở thành chàng rể của Hà Nội.

PV: Vâng, mà Hà Nội nhiều khi mạnh lên bởi những chàng rể tinh hoa từ các địa phương lên.

Ông NVP: Ví dụ như cụ Nguyễn Mạnh Tường, lưỡng khoa tiến sĩ. Cụ là người Cổ Nhuế, ngày xưa thuộc Hà Đông, sau này cụ làm con rể cụ kỹ sư Nguyễn Lễ ở Hà Nội này. Hay cụ Nguyễn Văn Huyên, cụ là người Lai Xá, Hoài Đức, thuộc Hà Đông, bây giờ  mới về Hà Nội thôi, nhưng sau trở thành con rể của Hà Nội, trở thành tài trai của Hà Nội. Cụ Hoàng Xuân Hãn cũng thế, cụ quê tận Hà Tĩnh, nhưng cái tài trai ấy được Hà Nội thu nhận và trở thành chàng rể của Hà Nội...

PV: Hiện nay cũng có rất nhiều tài trai các địa phương về là con rể của Hà Nội và trở thành người Hà Nội đích thực.

Ông NVP: Bây giờ cũng vẫn thế...

PV: Thời gian vừa qua, trong quá trình sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội thì tự nhiên bỗng xuất hiện ra một số người cứ tự coi mình là học giả và cứ gióng lên hồi chuông mà theo tôi là mang tính địa phương chủ nghĩa hơi quá đà, tức là cứ nghĩ tất cả vùng đất văn hóa, văn vật quê mình một khi sáp nhập vào Hà Nội thì mất đi chất ấy.

Theo thiển ý của tôi, tín hiệu báo động ấy là tín hiệu nhầm, vì nếu anh đích thực văn hóa thì về với Hà Nội không bao giờ mất đi tính văn hóa của anh, còn nếu anh không đích thực văn hóa thì anh sẽ tự đánh mất anh ngay cả khi anh chỉ đứng một mình.

Theo ông, liệu nghĩ như vậy có đúng không? Và ông đánh giá thế nào về một số tín hiệu gọi là sôvanh địa phương từ một số người tự coi mình là học giả của cái vùng đất ấy, mà điều đó không chỉ làm rối việc Nhà nước mà làm cho nhân tâm cũng rất là bất bình...

Ông NVP:  Ngay cả nếu anh là người Hà Nội, đã có ba bốn đời sống ở Hà Nội thì vẫn có gốc gác là những miền quê khác nhau, xứ Đông, xứ Đoài tụ họp về đây nên anh không có lý gì mà kỳ thị với  những người ở các miền khác...

PV: Đúng là như thế, người Hà Nội đích thực không bao giờ kỳ thị người ở các địa phương khác, bởi vì chúng ta đều bắt đầu từ vùng khác về đây. Nhưng có điều lạ là, vừa rồi, một số người từ các vùng khác về đây lại tự vỗ ngực bảo về với Hà Nội mất chất của mình, thì theo tôi, đấy là sự hợm hĩnh một cách vô lối, có đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Chính như thế. Mỗi một vùng có một nền văn hóa riêng của người ta. Và về với Hà Nội, thực ra vẫn đầy đủ điều kiện để mọi vùng quê giữ được bản sắc của mình. Văn hóa Hà Nội thực ra cũng đa dạng lắm chứ. Người ta nói kinh kỳ Hà Nội chẳng qua dừng trong 4 quận cũ của Hà Nội cổ, Hà Nội cũ đó thôi, nên cứ nói về tiếng nói, đừng có tưởng anh ghê, anh lên Chợ Bưởi anh nghe khác, hay người làng Sét thường là mất dấu huyền như tiếng Sơn Tây... Tất nhiên họ cũng đã nhuyễn vào, họ hòa nhập, hội nhập vào phát âm Hà Nội của chúng ta rất là uyển chuyển, mềm mại ngọt ngào, tinh tế này nhưng đôi khi họ vẫn giữ hơi hướng thổ âm cũ, vì về làng sống thì vẫn phải hòa với thổ âm của làng. Thổ âm không có gì đáng chê trách cả, mà đôi khi rất tự hào cơ...

PV: Tôi hiểu rồi. Nhưng mà tôi muốn nói khía cạnh khác, tức là về hiện tượng một số người ở Hà Tây cứ la lối rằng về Hà Nội là mất chất văn hóa của Hà Tây. Theo ông, điều đó có đúng không?

Ông NVP: Không mất được đâu.

PV: Tôi cũng nghĩ là mất thế nào được. Vấn đề mất hay không là ở anh chứ đâu phải tại Hà Nội...

Ông NVP: Thực ra Hà Tây cũng có nhiều vùng văn hóa khác nhau, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Ba Vì, vùng chiêm trũng Phú Xuyên …

PV: Nói thật, tôi quê ngoại cũng ở Phú Xuyên, Hà Tây, hồi nhỏ ở đấy suốt. Nhưng tôi cũng không đồng tình với việc một vài người quá nhấn mạnh tới sự đặc thù của văn hóa Hà Tây mà coi rằng nhập về Hà Nội là dễ bị mất chất cũ...

Ông NVP: Đúng, không cần thiết phải làm như thế.--PageBreak--

PV: Không cần thiết phải như thế, đừng có làm cho vấn đề trở nên nhạy cảm quá trong khi có thể hoàn toàn làm đa dạng hóa văn hóa địa phương...

Ông NVP: Văn hóa nó chỉ là tiếp bước với nhau và ngày một tinh lọc, ngày một nâng cao.

PV: Trong sự va đập ấy…

Ông NVP: Nên làm gì có chuyện vùi dập nhau cả, hoàn toàn không có chuyện vùi dập nhau...

PV: Từ lịch sử cho thấy, đất Thăng Long không bao giờ là nơi vùi dập tài năng cả.

Ông NVP: Hà Nội rất biết tài năng của mình là của bốn phương góp về.

PV: Trong quá trình đô thị hóa thì hiển nhiên nó sẽ tạo ra sự lộn xộn nhất định. Bởi do sự phát triển quá nhanh, quá mạnh, đôi khi tâm thế của con người, tính cách con người không kịp thay đổi theo sự biến tấu của kỹ nghệ, của công nghệ, của thời đại. Cho nên một số người cho rằng Hà Nội hôm nay không phải Hà Nội gốc nữa, mà Hà Nội gốc nó ẩn vào ngõ nhỏ. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này? Đúng hay sai? Đúng đến đâu và sai đến đâu?

Ông NVP: Tôi thấy có hiện tượng một số sự biến động về cư dân là như vậy. Những người Hàng Đào gốc, giờ con cái lớn lên, 6-7 hộ ở trong một số nhà thì chật quá nên phải bán nhà đi để mua chỗ nơi khác.

PV: Những chủ nhân mới của một số ngôi nhà ở Hàng Đào là người từ những nơi đã ăn nên làm ra trong nền kinh tế thị trường về...

Ông NVP: Thì cứ cho là như thế.  Nhưng tôi nghĩ rằng, những người tạm gọi là ngoại lai đó về Hà Nội, nếu một đời họ chưa kịp tự điều chỉnh mình để hội nhập vào tinh hoa của đất kinh kỳ nghìn năm thì rồi thế hệ thứ hai, thứ ba chắc chắn sẽ hội nhập.

PV: Và thực sự thì trong lịch sử của Thăng Long - Hà Nội cũng đã nhiều lần diễn ra như thế rồi.

Ông NVP: Đã nhiều lần diễn ra như thế.

PV: Theo tôi, chúng ta không bao giờ  nên hoài nghi về sự trường tồn của chất tinh hoa Hà Nội… Phải tin vào linh khí của mảnh đất này, linh khí của con người các thế hệ sống ở trên mảnh đất này. Không bao giờ hoài nghi là Hà Nội có thể biến thành vùng đất khác vì ở đây cả đất, cả người sẽ biến mọi thứ về đây thành đúng chất Hà Nội. Ai về đây cũng đều phải nhập gia tùy tục...

Ông NVP: Mọi thứ về Hà Nội đều sẽ được nâng cao lên, dứt khoát sẽ được nâng cao lên, tinh hoa sẽ được phát triển lên, gọi là kinh kỳ hóa, tức là thanh lịch hóa. Mà xét tới vùng thanh lịch là lối sống có văn hóa, ứng xử, đối xử với nhau, nói năng, ăn mặc, đi lại, hưởng thụ nghệ thuật, giao tiếp… Những cái đó chính là làm nên cái thanh lịch. Người ta nhìn vào chỗ đó.

PV: Và thực ra chất thanh lịch của người Hà Nội, đó là một hình mẫu quan hệ, hình mẫu phong cách mà tất cả những người ở đất nước Việt Nam này đều muốn góp tay vào xây dựng, chứ nó không phải cái gì đặc quyền riêng của người Hà Nội. Nó tụ họp được rất nhiều tinh hoa của các miền đất khác nhau. Hiểu như thế có đúng không ạ?

Ông NVP: Đúng thế. Ngày xưa gia đình tôi vốn gốc ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Ông cụ người Hưng Yên, nhưng về Hà Nội là sắm sanh y phục đàng hoàng, nhất là các cụ bà thì chi tiết từ khăn vấn, từ chuỗi hột đeo ở cổ, đến cái xuyến đeo ở tay cũng là làm cho nó thật thanh lịch cho xứng với nơi mình tới. Sau này chúng tôi vào ở Thanh Hóa, Thanh Hóa tưởng là xa xôi lắm, 170 cây số cơ mà, nhưng  những lần trở về quê hương Hưng Yên, trở về đất Hà Nội này thì các cụ nhà tôi cũng phải sắm sanh các thứ mang theo mình để về đến đất Thăng Long này cũng phải cố làm sao giữ được vẻ nền nếp như của đất kinh kỳ chứ không làm bôi bác nó...

PV: Ngày xưa, khi đi bán rau húng Láng cũng phải "mượn người lịch sự gánh lên kinh kỳ" cơ mà. Kinh kỳ nó tạo ra cho người ta ý thức là phải lịch sự khi lên đấy.

Ông NVP: Đấy mới chỉ là buôn rau mà còn thế...

PV: Vâng, đất kinh kỳ nó tạo cho con người ta một không khí khác, một tâm thế khác.

Ông NVP: Đành rằng các cụ đã nói không sai, tam đẳng nhân, tam đẳng vật, “người ba đấng, của ba loài” mà. Thành thử ra ở Thăng Long tất cả đều có thể thể hiện được, tất nhiên có những người không tự điều chỉnh được mình, vẫn mang cái thô phác của quê hương mình lên đây, mang những nét sinh hoạt mộc mạc khác của quê hương và không tự điều chỉnh được thì đó cũng là người Hà Nội đấy, nhưng không phải chất của Hà Nội. Tam đẳng nhân, tam đẳng vật mà, các cụ thường nói như vậy. Thành thử ra không thể bắt ép tất cả mọi người cùng một lúc nhất thể đều phải trở thành người khác. Cho nên người các tỉnh có về Hà Nội, các địa phương khác có về Hà Nội thì cũng phải dần dần, chắt lọc dần dần, cũng phải kết tinh dần dần, chứ không thể thấy lộn xộn trước mắt rồi thì sốt ruột, phủ nhận tất cả. Cái sự bực mình, sốt ruột trong văn hóa không thể làm được, phải có lộ trình của nó.

PV: Tức là trong hiện trạng Hà Nội giúp chúng ta có thể tự tin rằng là dù trước mắt ở thời điểm nào có thể có những cái chúng ta chưa hài lòng nhưng mà lòng đất Hà Nội nó như cái phin lọc, cuối cùng nổi lên vẫn phải là tinh hoa và cuối cùng mọi cái bèo bọt nó sẽ phải trôi đi, vì đất Hà Nội nó là sự tinh lọc, nó vừa là người vừa là vật nên nó sẽ là tinh khí, nó sẽ lọc được và chúng ta phải tin vào điều đó. Và tất cả vùng đất nào về với Hà Nội chắc chắn họ sẽ giữ được tinh hoa của họ và họ sẽ bớt đi những cái gọi là thô nhám một khi họ chưa nhập về Hà Nội, có đúng vậy không ạ?

Ông NVP: Đúng thế. Nhưng nên nhớ rằng là phải có thời gian...

PV:  Và không được sốt ruột.

Ông NVP: Không sốt ruột, giống như  chờ pha phin cà phê ấy...

PV: Thực ra lịch sử không bao giờ cần sự sốt ruột bởi vì vô thủy, vô chung, không có đầu, không có cuối.

Ông NVP: Dùng hình ảnh phin cà phê là đúng. Phin cà phê thì có phin lọc nhanh, phin lọc chậm chứ. Tôi và anh vào cùng uống cà phê phin, phin của anh thì nước chảy thánh thót uống được ngay, nhưng tôi thì phin nó bị tắc, nó lại chậm, rất là lâu...

PV: Nhưng cuối cùng vẫn là nước cà phê tinh chất (cười).

Ông NVP: Vẫn là nước cà phê...

PV: Và bất chấp một số thứ gọi là nhiễu nhương và hơi rối rắm thời hiện đại thì Hà Nội vẫn quay lại nếp sống của nó. Nhưng nếp sống của nó là nếp sống gì, thưa ông?

Ông NVP: Là nếp sống đầy nghị lực và trọng sự tinh tế...

PV: Tức là trong thời điểm nhất định, Hà Nội có thể bị lôi cuốn theo những cái phù du nào đấy ngoại nhập, nhưng cuối cùng lắng đọng lại qua cái phin văn hóa và tâm thế ấy thì vẫn là nghị lực và tinh tế?

Ông NVP: Mình vẫn hy vọng rồi Hà Nội sẽ phải như thế, nhưng tất nhiên phải có sự hỗ trợ. Hỗ trợ đó là gì? Hỗ trợ đó là sự giáo dục của gia đình và xã hội và sự công minh của luật pháp.

PV: Nhưng ông có hài lòng với Hà Nội hiện nay không? Ông có điều gì chưa hài lòng với Hà Nội hiện nay?

Ông NVP: Mình thì chấp nhận mọi thứ đổi thay bởi mình thấy không thể nào bất biến được. Chỉ có dĩ bất biến, ứng vạn biến thôi; dĩ bất biến tức là cái nghị lực, cái tinh tế thôi. Hiện nay nó đang có những biến động, tôi nghĩ vẫn là lúc giao thời thôi, chứ không phải chấm dứt...

PV: Chúng ta lúc nào chẳng sống trong sự giao thời, đúng vậy không thưa ông! Không giao thời này thì giao thời khác, không giao kiểu này thì giao kiểu khác...

Ông NVP: Đây cũng đang là một kiểu giao thời.

PV: Đôi khi tôi cũng nghĩ, hóa ra là mấy nghìn năm nay Thăng Long luôn sống trong sự giao thời, chưa bao giờ lắng đọng. Nước sông Hồng có thể lắng đọng phù sa ở bãi giữa, nhưng mảnh đất Thăng Long này hóa ra là mấy nghìn năm nay luôn luôn ở trong sự giao thời, nhưng mà chính trong sự giao thời ấy cũng có sự lấp lánh và tinh hoa của nó chứ?

Ông NVP: Vâng, và nó nảy ra những bông hoa đẹp, bông hoa lộng lẫy trên sự chảy trôi...

PV: Và cái sự lộng lẫy càng trở nên đẹp hơn vì nó lại lộng lẫy trên một thế cân bằng động, đúng vậy không thưa ông?

Ông NVP: Đúng thế.

PV: Chúng ta phải hiểu điều đó để chúng ta không bao giờ bị bi quan với Hà Nội cả, bởi cái sự đẹp đẽ của Hà Nội nó đã lấp lánh trên sự luôn luôn biến động của mấy nghìn năm nay rồi. Đúng vậy không, thưa ông?

Ông NVP: Đúng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thanh Quang thực hiện
.
.