Nguyên thứ trưởng Bộ Công an Trần Quyết: Tôi chọn họ Trần vì nghĩ tới đồng chí Trần Phú

Thứ Hai, 22/08/2005, 07:27

Tuy đã 83 tuổi, ông kể chuyện vẫn say sưa và hấp dẫn. Chuyện đời và chuyện công việc đan xen với nhau, sinh động như chính cuộc đời cách mạng sôi nổi của ông.

Tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Hà Nam

Tên thật là Phạm Văn Côn, khi hoạt động bí mật ở quê, ông đổi là Biên. Cụ Hoán, chú ruột của ông, vào Đảng năm 1930, dìu dắt ông hoạt động cách mạng. Năm 1939, cụ Hoán bị giặc bắt. Không nản chí, ông Biên chủ động đi tìm và gặp được ông Xuân, phụ trách tỉnh Hà Nam, bí mật đưa về nhà mình ở Ngọc Động (Duy Tiên). Ông lập được 2 tổ Thanh niên, Phụ nữ Cứu quốc ở địa phương.

Ông tổ chức rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu ở những nơi đông người như cây đa làng Chuông, ga Đồng Văn, chùa Hương... để tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh.

Năm 1942, giặc Pháp bắt được ông ở Nam Định, chúng đày ông đi Căng Bá Vân, rồi Nghĩa Lộ (Yên Bái). Tại nhà tù, ông trở thành đảng viên, ra sức học tập kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nâng cao trình độ lý luận và quân sự. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia phá trại giam, về tổ chức lãnh đạo nhân dân Hà Nam khởi nghĩa, giành chính quyền.

Là người phụ trách quân sự của chính quyền non trẻ, ông Quyết đã áp dụng nhiều biện pháp nhu có, cương có để đối phó với âm mưu chống phá cách mạng của quân Tưởng và bè lũ tay sai. Một lần chặn xe của quân Tưởng chở Quốc dân đảng từ Thanh Hóa định chạy ra Hà Nội, ông buộc quân Tưởng giao bọn phản động, nộp vũ khí, tài liệu cho ta. Khi yêu cầu đưa xe ôtô vi phạm này về để công an xử lý thì quân Tưởng không chịu, chủ động nổ súng tấn công ta. Quân ta đáp lại và diệt tại chỗ hai tên. Nhiều người lo cho tính mạng ông, sợ quân Tưởng đòi phải đền mạng. Ông báo cáo vụ này lên trên và khảng khái nói: “Để bảo vệ Cách mạng, dù có phải hy sinh tôi cũng sẵn sàng!”.

Mười sáu năm gắn bó với Tây Bắc

Năm 1946, ông được điều lên Tây Bắc, từ đó đến năm 1951 là Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Ông đổi bí danh là Trần Quyết. Ông chọn họ Trần vì nguyện noi gương chiến đấu và hy sinh của Tổng Bí thư Trần Phú. Lên Sơn La, ông Quyết chăm lo việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ, tập hợp thanh niên, mở lớp huấn luyện, hướng dẫn phương pháp công tác cho họ.

Giặc Pháp đánh chiếm nơi này nơi khác, mà chỉ trông chờ vào quân chủ lực thì rất bị động. Lúc gay go nhất, cán bộ phải nương nhờ đất Đà Bắc, Hòa Bình. Có người khuyên tạm về xuôi, gây dựng lực lượng, khi nào đủ sức thì lên giành lại đất Sơn La, ông đáp: “Chưa lấy lại được đất Sơn La, tôi thề không trở về xuôi nữa!”.

Nhiệm vụ trên giao, dù khó khăn, gian khổ mấy ông cũng quyết làm tròn. Tuổi trẻ còn được tình yêu chắp cánh. Trong số những cốt cán, ông đã để ý đến một cô người Thái. Rồi hai người hẹn ước với nhau, quyết định giữ bí mật cho tới phút chót. Và cô Điêu Thị Hảo (sau là bà Trần Quyết), qua thử thách đã trưởng thành nhanh chóng trong công tác và chiến đấu.

Ông Quyết đi sâu tìm hiểu phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào các dân tộc, thấy rõ niềm tin của đồng bào vào Đảng và Bác Hồ. Tuy nhiên, có những chuyện giống như trong tiểu thuyết. Chẳng hạn như dân tưởng rằng lính da đen có lớp sắt bảo vệ, làm sao mà giết được chúng. Ông tìm cách giết được một tên, mang xác về để người dân thấy rõ da thịt bình thường của chúng. Hoặc có người sợ hết hồn khi bị Tây dọa: “Chúng bay làm gì quan lớn đều nghe và nhìn thấy hết”. Ông lấy ống nhòm cho người này xem và giải thích rằng đó chỉ là lời dọa, người kia mới vững tin, tiếp tục hoạt động.

Những cuốn sách về chiến tranh nhân dân của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các nhà quân sự khác cộng với thực tế những năm đầu kháng chiến chống Pháp khiến ông quyết tâm xây dựng các căn cứ du kích, tự trang bị vũ khí, phát triển lực lượng vũ trang địa phương để giành và giữ đất.

Năm 1948, ông được vinh dự ngồi vào chiếc ghế danh dự tại Hội nghị Cán bộ miền Bắc Đông Dương (một hình thức tôn vinh người có nhiều thành tích hồi đó), được gặp Bác Hồ. Bác bảo: “Mấy chú có khiêng nổi cái bếp trên nhà sàn không?”. Bốn người khiêng được ngay. Rồi Bác bảo: “Bây giờ hai chú thử nhấc xem sao”. Hai người nhấc không nổi dù cố hết sức. Bác kết luận: “Đoàn kết chính là sức mạnh, có nhiều người tham gia mới làm được việc lớn”.

Ông rất chú trọng việc bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc và phát huy tác dụng của già làng, trưởng bản, của những người yêu nước dù họ xuất thân từ tầng lớp trên. Nhiều người trưởng thành nhanh chóng và sau này là những cán bộ chủ chốt của tỉnh, của khu Tây Bắc. Trong việc tiếp tế, ông đã tổ chức dân công gánh muối từ Thanh Hóa lên Tây Bắc và trả công bằng muối theo kiểu khoán, nên đạt kết quả cao.

Từ năm 1953, ông là Phó Bí thư Khu ủy kiêm Giám đốc Công an khu Tây Bắc. Công an lập ra Ban Bảo vệ tiền phương, góp nhiều công vào việc giữ gìn bí mật, diệt trừ gián điệp, bảo vệ lực lượng ta tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau năm 1954, bọn phỉ được các thế lực bên ngoài hà hơi tiếp sức nổi lên như nấm sau mưa. Tiễu phỉ là nhiệm vụ khó khăn, phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng, theo phương châm: lấy vận động chính trị làm chính, quân sự làm áp lực, chăm lo cải thiện đời sống cho dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc. Sau 3 năm, ta đã giải quyết cơ bản tình hình phỉ. Nhiều tên trùm phỉ được giáo dục, cảm hóa đã có tác dụng trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở các địa bàn xung yếu. Chẳng hạn như Nông Văn Kiếm, một tướng phỉ lợi hại, sau lớp quản huấn nói: “Tôi rất phục các ông đã dùng chính nghĩa, lẽ phải làm cho chúng tôi tỉnh ngộ". --PageBreak--

Hai mươi năm làm Thứ trưởng Bộ Công an

Năm 1962 - 1963, ông Quyết đi học nghiệp vụ An ninh ở Liên Xô. Trở về nước, ông làm Cục trưởng Bảo vệ nội bộ. Năm 1967, ông làm Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách các lĩnh vực xây dựng lực lượng và hậu cần. Ông là Bí thư Đảng ủy Bộ Công an từ năm 1967 đến 1974.

Theo đề xuất của ông, việc đào tạo sĩ quan công an trình độ đại học được xúc tiến. Năm 1969, Khóa Đ1 được chiêu sinh tại Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân). Trong lễ kỷ niệm 35 năm ngày tựu trường của khóa này, ông bày tỏ sự vui mừng trước sự tiến bộ, trưởng thành của các cựu học viên Khóa Đ1.

 Từ năm 1975 đến 1977, ông phụ trách Cơ quan đại diện của Bộ Công an ở các tỉnh phía Nam. Điều quan trọng nhất ông đã thành công là quy tụ các lớp cán bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo ra sự đoàn kết nhất trí cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Ông đã chỉ đạo phá tan âm mưu của kẻ thù trong việc tình báo Mỹ tung người về nước chống phá ta theo kế hoạch hậu chiến. Trên tàu Thương Tín, bọn địch đưa hơn 1.500 người Việt di tản sang Mỹ tháng 4/1975 trở về nước, chuẩn bị sẵn cả diễn văn kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/1975, cả đáp từ khi được ta tổ chức đón tiếp hòng dùng màn kịch yêu nước để che đậy âm mưu đen tối của địch. Nhưng Công an ta đã đón họ một cách đặc biệt. Phân ra từng toán một, thay đổi quần áo mới, quản lý chặt chẽ, phát hiện ra tài liệu mật ghi trên đồng đôla, tìm ra chân tướng của những phần tử chống phá ta trà trộn trong số đồng bào trở về để xử lý thích hợp.

Trong chỉ đạo công an giải quyết vấn đề FULRO, ông mạnh dạn áp dụng những kinh nghiệm tiễu phỉ ở Tây Bắc, chú trọng phát huy tác dụng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ là người địa phương, coi vận động chính trị là chính, lấy biện pháp quân sự làm áp lực. Đối với những tên ngoan cố thì dùng biện pháp trinh sát, mở chuyên án đấu tranh. Có một lính ra hàng xin được mang súng trở lại tiêu diệt tên trung đội trưởng, đưa cả trung đội về hàng. Ông cho anh ta trở lại rừng và anh ta đã lập công chuộc tội.

Việc bảo vệ tài sản, chống buôn lậu những năm 80 của thế kỷ XX đặt ra rất cấp bách. Ông lần lượt bàn bạc, ký thông tư liên tịch với các ngành kinh tế, xác định rõ trách nhiệm của ngành chủ quản, của lực lượng công an trong bảo vệ tài sản, bảo vệ kinh tế. Có nơi chủ trương mua lại số hàng buôn lậu mà các thủy thủ tàu viễn dương mang về, sợ họ ném xuống biển phi tang thì phí. Ông kiên quyết phản đối chủ trương đó, coi đấy là biện pháp bật đèn xanh cho buôn lậu.

Ông rất quan tâm đến các cán bộ, chiến sĩ công tác ở trại giam, ở lực lượng phòng cháy chữa cháy. Có lần ông “đột kích” vào một trại giam, không báo trước, đúng vào ngày nghỉ. Nhờ vậy, ông nắm được những số liệu, quan sát được thực tế và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Khi Kho 5, Cảng Hải Phòng cháy lớn, ông trực tiếp điều động lực lượng chữa cháy các tỉnh lân cận đi chi viện rồi lao xuống hiện trường, trèo lên thang quan sát, tìm ra cách dập lửa hiệu quả.

Một số địa phương khi có “trục trặc” gì đó trong nội bộ công an, ông thường về dành cả buổi để nói chuyện với toàn thể cán bộ, chiến sĩ, động viên tinh thần anh chị em, xác định phương hướng phấn đấu để khắc phục như ở Hoàng Liên Sơn (cũ), Đồng Nai...

Trước đây, ông viết chữ rất rõ ràng, nhưng sau này để đảm bảo ngày nào xong công việc ngày đó, không “nợ” việc các đơn vị, địa phương ông viết thật nhanh, đôi lúc viết tắt, thiếu dấu nên hơi khó xem.

Tuy bận trăm công ngàn việc nhưng ông luôn tranh thủ thời gian đọc sách và học nhiều nghề khác. Vì thế ông cưỡi ngựa giỏi, lái xe ôtô rất thạo. Ông biết nhiều tiếng dân tộc và am hiểu kỹ thuật làm ảnh. Đọc báo hễ phát hiện thấy tấm gương tốt trong bảo vệ an ninh trật tự là ông nhắc cơ quan chức năng biểu dương, khen thưởng. Đọc đơn thấy người dân kêu công an thế này thế nọ là ông chỉ đạo xác minh, nếu đúng thì phải xử lý, hẹn thời gian cụ thể phải báo cáo kết quả.

Cán bộ, chiến sĩ công an quý mến, tin tưởng ông, sẵn sàng giãi bày tâm tư, nguyện vọng của mình

Xuân Thanh
.
.