Nguyên soái Xô Viết cuối cùng Dmitri Yazov tiết lộ những điều trọng đại

Thứ Năm, 06/05/2010, 10:41
Ngày 28/5/1987, một chàng trai Đức tên là Mathias Rust (sinh năm 1968) vốn ưa thích mạo hiểm đã liều lĩnh lái chiếc máy bay nhẹ Cessna 172 bay từ Hensinki (thủ đô Phần Lan), vượt qua hàng rào phòng không của  Liên bang Xôviết, hạ cánh ngon lành xuống Quảng trường Đỏ ở Moskva. Vụ tai tiếng này đã dẫn tới những thay đổi lớn trong lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô, đưa ông Dmitri Yazov, lúc đó đang là Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách công tác cán bộ lên vị trí lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tuần san Itogi, Nguyên soái Yazov đã kể chi tiết về việc thăng chức này và nhiều bí mật khác của chính quyền Xôviết dưới thời lãnh đạo của Mikhail Gorbachev, người về sau đã phản bội lại tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dẫn tới tan vỡ Liên Xô.

- PV: Thưa ông, ngày 28/5/1987 lịch sử đã tạo nên một vòng bay bất ngờ: Mathias Rust đã hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ và Nguyên soái Sergey Sokov đã bị cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

- Nguyên soái Yazov: Ở thời điểm đó, tôi mới ở vị trí Thứ trưởng phụ trách công tác cán bộ được ba tháng. Một sáng, tôi đang nằm trên giường đã bị đánh thức dậy: Vào lúc 9 giờ phải có mặt tại cuộc họp Bộ Chính trị với hồ sơ của tất cả các tư lệnh các quân đoàn của lực lượng phòng không. Rõ ràng là sẽ có chuyện xử lý các vụ bay.

Thoạt tiên, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Quốc phòng, Đại  tướng Lushev đứng ra báo cáo, nhưng Gorbachev (lúc đó là Tổng Bí thư - LC) đã cắt lời ngay. Rồi vị Nguyên soái hàng đầu của lực lượng không quân, Koldunov, người đã hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô, được mời lên phát biểu nhưng Gorbachev cũng không để cho ông nói hết: "Tán gẫu đủ rồi, chúng tôi đã nghe quá nhiều những điều như thế!". Tổng Bí thư cũng không giữ kẽ gì với cả Tư lệnh lực lượng phòng không của Quân khu Moskva, Nguyên soái Konstantinov. Và cuối cùng Gorbachev nói với Nguyên soái Sokolov: "Đồng chí Sergey Leonidovich, đồng chí cần làm việc tiếp, còn các vị khác được tùy nghi".

Các Ủy viên Bộ Chính trị đã rời vào phòng Orekhovaya, còn chúng tôi ngồi đợi ở phòng ngoài. Ba mươi phút sau, Chánh phòng 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Savinkin bước ra và cầm tay tôi mời: "Chúng ta cùng vào đây". Nguyên soái Kulikov hiểu ngay  lập tức: "Đã có Bộ trưởng mới rồi…". Tôi bước vào phòng Orekhovaya, xưng danh. Gorbachev nói luôn không rào trước đón sau gì cả: "Bọn mình đã quyết định đưa cậu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng". Đối với tôi, đó là một cái tin hết sức bất ngờ. Tôi đáp: "Tôi mới chỉ ba tháng ở Moskva, tôi còn chưa biết hết hệ thống đặt mua vũ khí và nhiều vấn đề khác cũng thế…". "Không sao, bọn mình sẽ cho cậu thêm một ngày đêm nữa để tìm hiểu thêm công việc…".

- Nguyên soái Sokolov đã tiếp nhận quyết định bãi chức mình như thế nào?

- Đó là một con người rất kiềm chế, rất đàng hoàng và có tính chuyên nghiệp ở mức độ rất cao. Khi Rust bay tới Điện Kremli, Nguyên soái Sokolov đang phải cùng Gorbachev và Ryzhkov (Thủ tướng Xôviết lúc đó - LC) ở Berlin, trong phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính trị các quốc gia thành viên khối Hiệp ước Varshava. Hơn nữa, sau sự cố với chuyến bay của máy bay Boeing Hàn Quốc (năm 1983, máy bay Boeing 747 của Hãng Hàng không Hàn Quốc Korean Airlines  đã xâm phạm không phận Liên Xô và bị máy bay tiêm kích Xôviết SU-15 bắn hạ với 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn. Nguyên nhân dẫn tới việc máy bay Boeing trên bay lạc vào không phận Liên Xô được xác định là do lỗi của tổ bay và những mưu toan "xui nguyên giục bị" của các cơ quan tình báo Mỹ - LC), lực lượng phòng không Xôviết đã bị cấm bắn hạ các máy bay dân sự. Hãy tin tôi đây - bắn hạ Rust là chuyện dễ như không. Tại đây có nguyên cớ khác. Đấy đơn giản là người ta muốn thoát khỏi ông Sokolov như thoát khỏi một nhân chứng của một câu chuyện chẳng hay ho gì.

- Đó là chuyện gì vậy?

- Chuyện liên quan tới tên lửa Oka. Theo Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa  tầm trung và tầm gần, chúng ta và người Mỹ đều phải trong vòng ba năm tiêu hủy tất cả các hệ thống như thế và không được chế tạo chúng trong tương lai. Liên Xô đã phải loại bỏ những tên lửa R-12 và R-14 từng được chế tạo trong những năm 50 và loại tên lửa RSD-10 hiện đại hơn cũng như các hệ thống tên lửa chiến thuật Temp - S và Oka. Còn Mỹ phải tiêu hủy những tên lửa Pershing-1A được chế tạo trong những năm 60 cũng như những tên lửa mới nhất Pershing-2 và BGM-109G. Tới tháng 6/1991, hiệp ước này đã được thực hiện hoàn chỉnh. Chúng ta đã có những nhượng bộ đáng kể. Tuy nhiên, tên lửa mặt trận Oka với tầm bắn tới 400 km đã không thể bay tới Pháp hay Đức, chứ đừng nói gì tới Mỹ, và hoàn toàn không nằm trong diện đối tượng của hiệp ước này.

Thế nhưng, đó là một loại tên lửa rất chuẩn xác và hiệu quả. Và ngoại trưởng Mỹ George Shultz đã thuyết phục được ông bạn Eduard Shevardnadze, lúc đó đang lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô, đưa tên lửa Oka vào danh sách cần phải tiêu hủy. Tổng Tham mưu trưởng Akhromeyev và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sokolov đã kịch liệt phản đối việc này. Thế nhưng, như về sau mới rõ, dường như Gorbachev cũng đã bị đánh lừa về chuyện ấy: khi  người ta đưa cho ông ấy ký hiệp ước, thì người ta lại nói rằng, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng đều đồng tình với nó. Cũng có thể, đã chẳng cần phải nói dối như thế với Gorbachev… Trong bất luận tình huống nào, tôi cho rằng, chính câu chuyện liên quan tới hệ thống tên lửa Oka đã trở thành nguyên nhân chính để bãi chức Nguyên soái Sokolov.

- Thế ông sau này có lần nào thử bảo vệ tên lửa Oka không?

- Tất nhiên là tôi đã cố gắng - tới thời điểm đó, kinh phí dành cho việc tiêu hủy tên lửa, một việc theo tôi là hoàn toàn hóa dại, đã tốn phí tới hơn 4 tỉ rúp. Nhưng tôi đã uổng công vô ích, không đạt được kết quả gì cả.  Nói gọn lại, việc khi đó không phải ở tên lửa Oka. Khi bắt đầu quá trình tiêu hủy tên lửa tầm trung và tầm gần, chúng ta đã cử các quan sát viên của mình tới hai nhà máy của Mỹ, còn người Mỹ gửi quan sát viên của họ tới kiểm tra tại 117 địa điểm của chúng ta. Tôi lên gặp Gorbachev và nói: "Không thể nào làm như thế, họ đã biết quá nhiều về chúng ta rồi, giờ thì họ sẽ biết tất cả". Ông ấy đã lắc đầu quầy quậy: "Cậu nghe này, đừng tới chỗ tôi nữa. Chúng ta sẽ làm theo cách này nhé: chúng ta sẽ lập ra một ủy ban do Zaikov (Bí thư Trung ương Đảng - LC) đứng đầu và cậu sẽ quyết định mọi việc với cậu ấy!".

Ngoài ông Zaikov, trong ủy ban còn có ông Shevardnadze và ông Criuskov (người về sau đã đứng đầu cơ quan an ninh KGB - LC) cùng các thành viên phái đoàn từng tham gia đàm phán với người Mỹ. Chủ tịch KGB Chebrikov và người kế nhiệm ông Criuskov đã đứng về phía tôi trong quan điểm, còn những người từng tham gia phái đoàn đàm phán và Zaikov cũng như Shevardnadze đã ủng hộ đề nghị của người Mỹ. Người Mỹ đã vượt lên trên chúng ta trong mọi luận điểm. Thí dụ, tiềm lực hạt nhân chính của chúng ta tập trung trong lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN), còn của người Mỹ - trên các tàu ngầm. Thế mà họ đã tìm ra cách để đưa hải quân ra ngoài khuôn khổ đàm phán và đã nhận được ưu thế vượt trội khổng lồ!

Tiếp theo là câu chuyện với máy bay ném bom chiến lược B-52, loại máy bay có thể mang theo mình 12 quả bom hạt nhân hoặc 12 tên lửa có gắn vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ đề nghị coi mỗi một máy bay B-52 như thế là một đơn vị vũ khí. Chẳng lẽ như thế là bình thường ư?.. Chúng tôi lại tới gặp Gorbachev, nhưng ông ta cứ xua chúng tôi như đuổi tà: ông ta bảo, các cậu cứ tự xử lý! Ông ấy không bao giờ muốn nhận trách nhiệm về mình kịp thời cả. Cuối cùng mới rõ là không chỉ Zaikov và Shevardnadze mà ngay cả Gorbachev cũng không hề chống lại cách tính hệ thống tiềm năng hạt nhân của người Mỹ. Đấy, chúng tôi đã phải làm việc trong một điều kiện như thế  đấy!

Theo Hiệp ước về vũ khí thông thường ở châu Âu, chúng ta đã phải cắt giảm 24 nghìn đơn vị vũ khí khí tài bọc thép, còn đối tác thì chỉ phải cắt giảm 60 đơn vị. Về bản chất như thế nghĩa là các sư đoàn của chúng ta đóng ở phần lãnh thổ châu Âu đã không còn được có xe tăng và xe quân sự nữa. Khi đó, tôi đã đưa ra quyết định chuyển cho mỗi hạm đội thêm một sư đoàn. Việc này đã có thể thực hiện được. Người Mỹ tất nhiên là đã ngửi ra vấn đề và ngay lập tức tôi được biết rằng, tiếp theo cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, còn có bà Margaret Thatcher tới Moskva và muốn gặp tôi để trò chuyện.

Bà ấy đã gặp tôi trong phòng làm việc của tôi ở trụ sở Bộ Quốc phòng. "Bà đầm thép" đã tới không phải một mình mà với cả bà Elena Boner (góa phụ của viện sĩ Andrey Sakharov, có quan điểm chống lại chính thể Xôviết - LC). Và bà ta đã nói giọng tấn công ngay: "Tại sao ông lại chuyển sư đoàn cho hạm đội mà không hề thống nhất trước?". "Bà làm ơn thử cho biết, với ai? - tôi vặn lại, - mà tôi  phải thống nhất trước? Nước bà đã đưa cả một đạo quân tới quần đảo Falkland và chúng tôi đã không hề có chỉ thị gì cho nước bà về chuyện đó. Tôi cũng không cần chỉ thị của nước bà về việc điều hành các sư đoàn của chúng tôi".

Thatcher: "Vậy bây giờ chúng ta làm sao có thể tin cậy lẫn nhau?". "Trong chuyện này thì lòng tin liên quan gì, một khi chúng tôi đang để các sư đoàn của mình ở khu vực châu Âu thực tế là không có vũ khí bọc thép? Còn quý vị thì lại thực tế không hề cắt giảm gì cả!".  "Chúng tôi không cắt giảm vì chúng tôi chẳng có gì mà cắt giảm cả!", "Nước Anh với diện tích không hơn tỉnh Leningrad, có lẽ cũng không cần có nhiều xe tăng. Còn nước chúng tôi có chiều dài biên giới lên tới 60 nghìn km…". Nói chung, bà ấy với tôi đã không thỏa thuận được với nhau về bất cứ việc gì cả, và chia tay có thể nói là theo đúng kiểu phớt Ănglê!--PageBreak--

- Gorbachev có am hiểu các vấn đề quân sự không?

- Khi còn là sinh viên, ông ấy đã trải qua một đợt huấn luyện tại khoa Quân sự. Có lần ông ấy kể lại với tôi rằng, trong kỳ huấn luyện, ông ấy chỉ tập được mỗi việc trượt tuyết thôi. Đấy là tất cả những gì tôi nghe được về chuyện huấn luyện quân sự của ông ấy.

- Ông nói gì về ông Pavel Sergeyevich Grachev? (Đây là một sĩ quan Xôviết về sau trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ năm 1992 tới năm 1996 dưới thời Boris Yeltsin, vị Đại tướng đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết - LC).

- Cho tới phút cuối cùng tôi đã không hề hoài nghi gì Grachev cả. Tôi đã coi ông ta đứng ở phía mình. Tôi nhớ, khi Yeltsin chuẩn bị để leo lên chức Tổng thống Nga, Achalov (Đại tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô - LC) và Grachev đã tới chỗ tôi và bảo, rằng họ có thể làm hỏng chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông ta tại Ryazan. Tôi không nhìn thấy có ý nghĩa gì lớn trong việc này nhưng rồi hai người đó đã hành động theo cách riêng của họ và đã tổ chức cho Yeltsin một cuộc diễn tập quân sự.

Mọi chuyện diễn ra trông rất ngoạn mục: có hai cô nhảy dù hạ cánh xuống ngay dưới chân Yeltsin và tặng hoa cho ông ta. Thế là có cớ để cụng ly - họ đã uống mỗi người một cốc rượu. Rồi sau đó là diễn tập. "Thế nào, thưa ông Boris Nikolaievich, ông đánh giá sao ạ?" - "Tuyệt vời!" - Và lại thêm cốc nữa. Tóm lại là Yeltsin đã quá chén và lên phát biểu thay ông ta là ông Oleg Lobov (một quan chức cao cấp, dưới thời Yeltsin từng làm Phó Thủ tướng Nga và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia - LC), bạn giao du với Yeltsin từ thời còn ở thành phố Sverdlovsk. Cuộc gặp gỡ đó về sau có những hệ lụy không ngờ trước được. Khi tháng 8/1991, các đơn vị quân đội được đưa vào Moskva, Lobov đã nhớ tới Grachev và đến chỗ ông này vận động tư tưởng. Ông ta nói rằng, đằng nào thì Yeltsin cũng thắng và dưới quyền ông ấy thì cậu sẽ không phải ở vị trí kém cỏi đâu… Và Grachev đã trở cờ.

Lãnh đạo Cuba, Đại tướng Raul Castro và Trung đoàn trưởng Xôviết Yazov ở những năm 60 của thế kỷ trước.

- Trong chiến tranh ở Afghanistan, Pavel Grachev được đánh giá là một trong những chỉ huy sư đoàn xuất sắc nhất. Thế tại sao ông ấy đã lại có lời tuyên bố ngớ ngẩn rằng, có thể dùng chỉ một trung đoàn trong hai giờ để đánh chiếm thành phố Groznyi (thủ phủ của nước Cộng hòa Chesnia - LC)?

- Vì rằng, là một lính dù, ông ta chỉ  được chuẩn bị cho việc thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Dẫu rằng về nguyên tắc mà nói thì ông ấy đã phải nghiên cứu môn lịch sử quân sự và phải biết rằng, xe tăng trong thành phố sẽ không làm được nên cơm cháo gì cả vì sẽ bị đốt cháy ngay.

- Chẳng lẽ trong cả Bộ Quốc phòng đã lại không thể tìm ra được một vị tướng có thể đưa ra lời nhận xét như thế đúng lúc ư?

- Hiển nhiên là có. Nhưng có lẽ là những vị tướng như thế đã không thể tiếp cận được với Grachev vì bị ngăn bởi hàng rào mà nữ trợ lý về quan hệ xã hội Elena Agapova của ông ta đã dựng lên. Đó là một quý bà cực "rắn"! Bà ta cũng từng được mang quân hàm tướng vì được ông Grachev lo lắng cho. Nhưng thôi, đó là chuyện riêng của hai người ấy. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Quan trọng hơn là phải thấy rằng, trong gương mặt của Dzhokhar Dudayev (phi công, người Checchen duy nhất từng được phong quân hàm Thiếu tướng trong quân đội Xôviết năm 1989, Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Chesnia Ichkeria theo xu hướng ly khai - LC), Grachev đã phải đối mặt với một địch thủ rất mạnh. Dudayev từng là chỉ huy của sư đoàn không quân Tartu vosi 120 máy bay ném bom chiến lược TU-22M, cũng là loại máy bay "Beckefir" khét tiếng hoạt động hỗ trợ cho hạm đội Baltik và Hạm đội phương Bắc. Dễ hiểu là ở những vị trí như thế không phải bất kỳ ai cũng được ngồi vào. Tướng Dudayev không chỉ là một phi công thượng đẳng mà còn là một vị chỉ huy rất tinh thông, vì thế ông ấy đã tính toán kỹ mọi sự và  trong thực tế đã không để cho Grachev bất cứ một cơ hội nào ở Groznyi.

Cũng xin kể thêm là, ngay từ đầu mùa xuân năm 1991, một nhóm các đại biểu người Checchen khả kính đã xin được gặp tôi với yêu cầu cử Dudayev làm đại diện quân sự ở nước Cộng hòa Chesnia - Ingushetia  (nước cộng hòa này hiện nay đã tách thành hai nước Cộng hòa Chesnia và Ingushetia - LC). Tôi đã từ chối vì tôi hiểu rằng họ gọi Dudayev về đấy không phải là không có lý do. Hơn nữa, tướng Dudayev còn là người giữ những bí mật ở tầm quốc gia. Thấy vậy, nhóm người Checchen đó đã tới gặp Gorbachev và ông ấy gọi điện cho tôi: "Cậu làm gì mà chặt thế, cứ thả Dudayev cho họ!". Nhưng tôi vẫn cương quyết giữ nguyên ý kiến cũ của mình. Lệnh chuyển công tác cho Dudayev về Groznyi lúc đó đã được ký bởi Tổng tham mưu trưởng, tức là ý kiến của tôi đã bị bỏ qua.--PageBreak--

- Tại sao Dudayev (khi tiến hành cuộc chiến tranh ly khai - LC) lại có nhiều vũ khí như vậy?

- Sau những sự kiện ở Azarbayzhan và Armenia (đụng độ sắc tộc vì tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước cộng hòa năm 1988 - LC), theo lệnh của tôi, các dự trữ hạt nhân của Tập đoàn quân số 4 và số 7 đã được chuyển về lưu giữ tại Kabarrdino - Balkaria (thuộc Quân khu Bắc Cápcadơ - LC). Các loại vũ khí thông thường, dành cho Sư đoàn 295 và Sư đoàn 23 cũng đã cần phải đưa ra khỏi khu vực tiềm tàng bùng nổ này. Và vì rằng không thể lưu giữ chúng cùng với vũ khí hạt nhân nên đành phải đưa chúng về Groznyi - thành phố này khi đó còn tương đối yên ổn. Thế là về sau tất cả những vũ khí đó đã lọt vào tay Dudayev. Bởi vậy nên ông ta đã được trang bị rất tốt. Thậm chí là quá tốt.

- Nói cách khác là các kho tàng ở Groznyi đã đầy ắp vũ khí. Thế Grachev và Shaposhnikov (Nguyên soái không quân, Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng của Liên bang Xôviết từ tháng 8 tới tháng 12/1991, kế nhiệm Nguyên soái Yazov - LC) có biết về chuyện này không?

- Họ không biết gì cả. Vì rằng sau những sự kiện tháng 8/1991, tôi đã phải ngồi trong nhà đá, và sau này thì chẳng ai buồn tới hỏi tôi một câu. Và Dudayev đã sử dụng chính những thứ vũ khí đó để tiêu diệt cả xe tăng của chúng ta. Liệu đã có thể chuyển những thứ vũ khí đó đi ra khu vực khác ngay lúc ấy không? Hoàn toàn có thể nếu biết trước được… Nhưng khi đó chúng ta đã không làm việc này vì trong trường hợp cần triển khai lực lượng, vũ khí và binh lính phải ở gần nhau. Của đáng tội, còn có một phương án khác - đưa về sư đoàn huấn luyện của quân khu Ngoại Cápcadơ ở gần Tbilisi. Tuy nhiên, vì đã xảy ra vụ ngày 9-4-1980 (các đơn vị quân đội Xôviết va chạm với những người biểu tình - LC) nên ở Gruzia cũng không còn yên tĩnh nữa. Tôi nhớ rằng khi ấy đã có cả một ủy ban quốc tế tới để xác minh xem, liệu có sử dụng những chất độc để xua những người biểu tình hay không…

- Có việc ấy hay không, thưa ông?

- Khi ấy đã có tới gần một nghìn rưỡi người cho rằng họ bị ngộ độc. Ủy ban đã tìm rất kỹ lưỡng dấu tích của chất độc nhưng không tìm được gì ngoài thứ thuốc diệt gián mà ai đó đã rắc lên những bó hoa đặt ở nơi có người biểu tình bị chết. Ngoài ra không có bằng cớ nào hết vì đã không có ai sử dụng chất độc hóa học cả.

Những lời buộc tội khác cũng hoàn toàn vô căn cứ… Thực sự là, lệnh xua những người biểu tình đã được Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Gruzia Dzhumber Patiashvili đưa ra, ấy vậy mà mọi việc đã bị đổ cho Igor Rodionov (khi đó đang là Tư lệnh Quân khu Ngoại Cápcadơ, về sau giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga từ tháng 7/1996 tới tháng 5/1997 - LC).

- Thế còn các cái xẻng của lính công binh?

- Binh lính đã dùng xẻng để đỡ những viên đá mà người biểu tình ném vào họ. Vậy mà sau này trong đại hội, ông Patiashvili bỗng nhiên lại xưng xưng tuyên bố làm như có anh lính cầm xẻng đuổi theo một bà cụ già tới cả cây số… Nói chung, họ đã biến ông Rodionov thành kẻ chịu tội. Mọi sự trở nên căng thẳng đến mức tôi đã đề nghị ông Gorbachev cấp tốc chuyển Rodionov ra khỏi Tbilisi. Gorbachev dường như chỉ chờ có thế: "Lẽ ra phải làm việc này từ lâu rồi…". Tôi nói lại: "Chẳng lẽ đồng chí lại tin những điều mà họ nói ư?".

"Sao lại không tin, một khi chính Bí thư thứ nhất Gruzia báo cáo?!". Tôi nổi cáu: "Chính đồng chí Patiashvili đã ra lệnh cho Rodionov dẹp bỏ biểu tình". Sau đó chính Gorbachev trước mặt tôi đã được nghe thấy rõ ràng là  ông Rodionov đã hành động theo quyết định của lãnh đạo tối cao đảng Gruzia. Nhưng ông ấy vẫn bảo: "Dù sao thì cũng phải chuyển Rodionov thoát tội ra xa khỏi Tbilisi!". Ông Rodionov đã hơi giận tôi khi được đưa vào làm Giám đốc Học viện Bộ Tổng tham mưu, nhưng tôi cho rằng đó là một quyết định đúng đắn. Nếu ông ấy còn ở lại Gruzia thì kiểu gì cũng sẽ gặp họa, thậm chí có thể bị sát hại…

- Trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Caribbe, ông đã là chỉ huy trung đoàn?

- Đúng thế, tôi là trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh cơ giới độc lập, nhưng được tăng cường - với hai nghìn rưỡi quân. Tại Cuba khi đó có tất cả 4 trung đoàn của chúng ta. Trung đoàn do tôi chỉ huy đóng ở gần căn cứ quân sự Mỹ Goantanamo.

Khi đó chúng tôi đã làm cho người Mỹ khiếp vía. Nhưng nếu  bọn họ quyết định đánh nhau thì có lẽ họ đã tiêu diệt được tất cả chúng tôi, không sót một người nào. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh lúc ấy là rất cao. Chuyện xảy ra như thế nào.

Tổng thống Mỹ John Kennedy triệu  tập một nhóm chuyên viên và hỏi Tư lệnh Lực lượng không quân chiến thuật, tướng Walter Sweeney về việc liệu ông ta có thể đảm bảo tiêu diệt được hết mọi tên lửa Xôviết ở Cuba không? Ngay từ lúc ấy không quân Mỹ đã là mạnh nhất thế giới nhưng Sweeney cũng không dám đưa ra một đảm bảo như thế.  Ông ta cho rằng, kiểu gì thì một hai tên lửa cũng vẫn có thể còn lại và nếu chúng ta phóng chúng lên thì ít nhất cũng có hai thành phố của Mỹ bị xóa sổ. Bởi vậy nên Kennedy đã quyết định không gây chiến  mà chỉ tiến hành cấm vận đường biển. Tuy nhiên, người Mỹ đã không biết tận tường mọi chuyện. Họ đã cho rằng chúng ta chỉ có ở Cuba 41 tên lửa, nhưng thực ra, con số này là 262 và tất cả những tên lửa đó đều ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Còn không phận Cuba đã được bảo vệ bởi hai sư đoàn phòng không không quân - Stalingrad và Irkutsk, có trang bị cả vũ khí hạt nhân. Vậy nên chắc gì người Mỹ đã có thể xử lý dễ dàng với chúng ta…

- Nhưng người Mỹ cũng đã có thể tấn công bằng đòn hạt nhân?

- Tất nhiên. Họ có cả tên lửa và cả những máy bay ném bom B-52 mang theo vũ khí hạt nhân. Bởi vậy nên Khrusov (lãnh đạo Liên Xô ở thời điểm đó, người đã quyết định đưa tên lửa Xôviết sang Cuba - LC) đã rất mạo hiểm. Nhưng làm thế đôi khi lại có hiệu quả. Ít ra là cho tới nay Cuba vẫn hiên ngang tồn tại như một quốc gia độc lập.

- Hồng quân đã là một quân đội mạnh hơn tất cả. Thế quân đội Nga hiện nay như thế nào?

- Hãy thử so sánh: Thời Xôviết, chúng ta đã có 207 sư đoàn, còn hiện giờ chỉ có 85 lữ đoàn. Chẳng lẽ thế là đủ đối với một quốc gia lớn như thế này?

- Nhưng bây giờ thì quân đội không phải đi làm việc nhà nông…

- Tôi sẽ không nhắc lại cơ cấu kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Nhưng khi ấy quả thực là đã thiếu nhân lực nên quân đội đã buộc phải tham gia vào lao động sản xuất.

Khi tôi còn chỉ huy sư đoàn ở Duria, lúc tôi nhận bàn giao thì sư đoàn còn phải ở trong lán trại, nhưng khi tôi bàn giao cho người kế nhiệm thì sư đoàn đã có nơi ăn chốn ở rất đàng hoàng, thậm chí có cả một nhà máy làm bánh mì riêng của mình. Nói một cách khác, chúng tôi đã phải lo cả chuyện cơm áo nhưng vẫn không quên duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu: Chỉ cần ra lệnh là sau 50 phút cả sư đoàn đã chuyển ngay tới khu vực dự trữ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

- Mới đây, ông đã được nhận Huân chương Công trạng. Có lẽ vì ông hay phản biện chính quyền hiện tại?

- Tôi hy vọng là những lời của tôi không phải là vô nghĩa. Nói chung, sau khi về hưu, tôi đã được nhận hai huân chương. Một do ông Vladimir Putin trao, một do ông Dmitri Medvedev trao

Lương Công
.
.