Nguyễn Thiên Đạo: Sống lửa với người tình

Thứ Bảy, 11/07/2015, 16:27
Hơn 15 năm giao du với nhạc sĩ tài danh Nguyễn Thiên Đạo đủ để tôi biết những bí mật không dễ biết của ông. Title bài này sẽ khiến ai quen thân lâu với ông nhíu mày: Người tình nào? Đấy là người tình ông có từ niên thiếu khi 13 tuổi ông đặt chân đến Paris.

Cơ duyên cho chúng tôi gặp nhau là vào mùa xuân năm 2000 tại quán Valentine của ca sĩ Sao Mai, đối diện khách sạn Hà Nội. Ngay từ lần đầu gặp ấy, nghe tôi đọc Người dệt tầm gai (viết năm 1998), Nguyễn Thiên Đạo đã tỏ thiện cảm đặc biệt trân trọng thơ tôi và đến nay điều đó càng nhiều hơn qua năm tháng và độ bền sáng tác của chúng tôi. Có những tương đồng căn bản khiến tôi và ông không bị khoảng cách thế hệ ngăn trở khi chia sẻ khát vọng, đam mê viết và tình tự dân tộc.

Ông nhập quốc tịch Pháp năm 1980 - năm tôi chào đời và xuất bản cuốn sách cá nhân đầu tiên của đời ông vào tháng 4/2015, tháng sinh nhật tôi. Chúng tôi cùng nặng lòng vì Việt Nam và chung tình yêu Paris. Làm sao diễn tả hết ký ức và nỗi nhớ với thành phố này. Bất cứ lúc nào, ở đâu khi từ Paris được nhắc đến, vang lên - dòng hình ảnh ùa tràn, hiển hiện trước mắt, đan tâm trí tôi từng góc phố, bờ sông, bến tàu, quán xá, từng viên đá đen, ánh đèn cửa hiệu, tượng đá, những tuyệt phẩm hội họa, điêu khắc, những vườn hoa công viên mê hồn, nhà thờ uy nghi, lâu đài cung điện, tráng lệ, Paris kiều diễm và quyến rũ ấy mang chứa những kỷ niệm đẹp nhất thời tuổi trẻ...

Tôi đang bước gấp để theo kịp Nguyễn Thiên Đạo, người đàn ông thấp nhỏ, có thói quen đi bộ rất nhanh trên đại lộ Saint Germain des Prés. Tại đây, có 2 quán cà phê nức tiếng, nhiều nhân vật trứ danh của thế giới đã đến: Café de Flore và Les deux Magots. Không nghiện cà phê, trà; sống ở xứ sở rượu vang, ông Đạo chỉ uống khi đi tiệc. Sẽ luôn thừa nếu khen Paris đẹp, kể cả việc trầm trồ và thốt lên triền miên.

Gió trắng, nhà thờ đá trắng, những thiếu nữ da trắng, tóc đủ màu, thành phố vô vàn thứ gợi cảm hứng cho nghệ sĩ các thời - Kinh đô Ánh sáng - ông đã sống từ 1953, khi là thiếu niên dời ngôi nhà 19 Tràng Tiền, Hà Nội sang du học bằng sự đầu tư của cha - doanh nhân trí thức yêu nước Nguyễn Thiện Chúc. Đạo nghĩa là con đường, cái tên vận vào cuộc đời. Chống lại ý cha không theo nghề bác sĩ, Nguyễn Thiên Đạo đã theo học Nhạc viện Paris. Sinh viên Việt Nam vóc nhỏ ngay cả so với các nước châu Á khác, Đạo còn thấp bé hơn nhiều. Trí tuệ, năng lực, ý chí giúp ông học giỏi, tự tin.

Ngày 11/5/1963, chàng sinh viên Nguyễn Thiên Đạo tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Paris bằng tác phẩm Thành đồng Tổ quốc và kết hôn với Thương Hiền, cô gái Việt Nam mang một phần dòng máu Pháp. Thoạt đầu giao tiếp, Nguyễn Thiên Đạo khiêm cung, kín đáo kiêu hãnh ngầm. Ông có quyền ấy và không phải ai ở nước Pháp, nơi có cộng đồng người Việt được coi là trí thức nhất trong hệ thống cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể kiêu hãnh được.

Là công dân mang quốc tịch Pháp - Việt, hội viên danh dự của Hội Nhạc sĩ Việt Nam gần 20 năm nay. Hào khí và trữ tình là mạch chủ đạo ông cảm nhận về tâm hồn và lịch sử Việt Nam đã chuyển động trong tư duy âm nhạc Nguyễn Thiên Đạo theo tôn chỉ: “Dân tộc đích thực - nhân loại tiên phong”.

Cưới vợ ngay khi tốt nghiệp đại học và chỉ có một người vợ ấy từ tuổi 23 đến tuổi 75 tới hết cuộc đời, Nguyễn Thiên Đạo lại có người tình. Ông bà không có con, mọi tinh lực cuộc đời ông dồn cho âm nhạc. Có đủ loại iPad, iPhone, máy tính, không xa lạ công nghệ hiện đại, ông lại chỉ viết tay khi sáng tác, thường tốc ký khi nhạc hứng đến, lúc dạo phố hay đi bộ sáng trong khu vườn tuyệt mỹ Luxembourg và trong đêm khi giấc mơ âm nhạc đến.

Cố tình không mua ôtô, Nguyễn Thiên Đạo hay đi bộ và métro (tàu điện ngầm) để không phải lệ thuộc và mệt mỏi tìm chỗ đỗ, bãi gửi. Ông sống tại căn hộ tầng 4, chung cư 6 tầng thuộc khu nhà giàu ở quận 6, một trong các quận đắt đỏ nhất Paris, nơi nhiều nhân vật tiếng tăm sống như minh tinh màn bạc: Cathetine Deneuve, Gérard Depardieu; chính khách: J. Chirac (Cựu Tổng thống), Lionel Jospin (Cựu Thủ tướng); B.H. Lévy (Triết gia, nhà văn); G. Condominas (Nhà nhân chủng học);... và nhiều tư sản Mỹ, Nhật, Ảrập có nhà tại đây.

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo tại Điện Élysées 13/2/2013, dịp Tổng thống chúc Tết Nguyên đán công dân Pháp ưu tú gốc châu Á. (Ảnh nhạc sĩ cung cấp độc quyền cho Chuyên đề An ninh Thế giới GT-CT 6/2015).

Nguyễn Thiên Đạo rất tự hào về quận nhà mình đã được danh nhân kiệt xuất Hồ Chí Minh đến nhiều lần. Quận 6 hội tụ tinh hoa văn hoa Pháp, nhà cửa đắt nhất Paris, và nơi đây còn toạ lạc Thượng nghị viện, Institut de France (gồm 5 Hàn lâm viện), công viên Luxembourg. Một quán café nữa cũng lừng lẫy mà tôi đã đến mùa đông 2003 tại quận này là La Closerie des Lilas. 

Quán đông nghịt trong tiếng dương cầm hòa thanh những giọng người, với những chiếc bàn đều gắn biển đồng ở các góc khắc tên các nhân vật danh tiếng đã đến đây. Tôi đã ngồi cùng dịch giả Phan Huy Đường tại bàn mà V. Lénine đã ngồi đó.

Mùa đông 2011, chúng tôi đã ăn bữa trưa kéo dài ở nhà hàng thuộc Hotel Lutétia (từ 1910, là khách sạn sang trọng duy nhất thuộc tả ngạn sông Seine), trên đại lộ Raspail, nơi Hồ Chí Minh đã ghé qua dùng bữa và ở đây năm 1946.

Âm nhạc là người tình, là con, là ký ức - hiện tại - tương lai của ông. Sống lửa - sách mới nhất của Nguyễn Thiên Đạo bộc lộ hiểu biết của ông về văn chương, lịch sử Việt Nam từ thời giao tranh với Chăm Pa đến thế kỷ XX qua binh đao máu lửa vẫn duy dưỡng được tinh thần dân tộc bởi khát vọng chính nghĩa đến cái Đẹp. Nếu ông không theo âm nhạc mà theo văn chương, chắc chắn không phải là cây bút nhạt, xoàng.

Nhạc sĩ đã cảm tác về Truyện Kiều của Nguyễn Du để viết opéra Kiều, chỉ huy Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn năm 2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giọng nữ cao Vành Khuyên thủ vai chính. Bao năm xa đất nước, ông hằng ý thức đọc sách Việt Nam, tìm hiểu văn chương và lịch sử, truyền thuyết, huyền thoại, sự tích. Không phải ai là người Việt đều thành thạo tiếng Việt, không phải cứ là nhà văn Việt Nam là giỏi tiếng Việt Nam. 

Với Nguyễn Thiên Đạo, chú ý đọc thơ, tìm hiểu lịch sử Việt Nam là bồi tụ lòng yêu nước. Sống lửa nhen mầm từ thuở thiếu thời để sau 60 năm ông bùng ra viết liên tục vài tháng. Tựa âm nhạc, văn Nguyễn Thiên Đạo không dễ tiếp thu. Nó hiện đại mà trầm nén dữ dội và huyền bí.

Sống lửa xuất bản sau cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên viết về ông - Nguyen Thien Dao, une voie de la musique contemporaine Orient-Occident (Nguyễn Thiên Đạo, một con đường âm nhạc hiện đại Đông - Tây) thuộc Collection Les Matres de musique (Bộ sách Những người thầy âm nhạc) của nữ Tiến sĩ Isabelle Massé được Nhà xuất bản Van de Velde phát hành ngày 23/3/2015. Người Hà Nội ấy luôn hướng về Hà Nội. Ngày 5/2/2006, tại Văn Miếu, ông được tôn vinh Danh hiệu “Vinh danh nước Việt” vì đã có thành tích nổi bật trong sự nghiệp và ý thức đóng góp xây dựng quê hương.

Nguyễn Thiên Đạo sống “tri túc” (biết đủ), nhưng tôi biết ông còn tham lắm. Tham viết, tham đi, tham yêu. Đọc Sống lửa, nhận ra hơi văn của ông vượng, chuyện ra vài cuốn nữa không phải dự liệu quá sức. Ông không sợ cái chết, không bộc lộ sự buồn tiếc, thiệt thòi vì không có con nối dõi, nối nghiệp. Ông viết giao hưởng, nhạc phim Chuyện của Pao (2006), viết bài cho báo Đoàn kết (tiền thân là tờ Le Paria - Người cùng khổ), chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng ở Việt Nam, Pháp, Nhật.

75 tuổi ông vẫn hào hứng với người tình văn chương, dù biết lao động viết văn rất mệt. Con người ấy chất chứa một trữ lượng văn hoá mà những cuộc đối ẩm nhiều kỳ không hết được. Người tình âm nhạc và văn chương cuốn lấy ông trong tình yêu Paris và tình tự Hà Nội. Cả đêm ngủ ông cũng dành cho người tình. Có giấc mơ âm nhạc hay câu từ văn thơ nào là ông vùng dậy ghi ngay. Tận lực với tình yêu đến thế nên ông đạt vinh quang, biệt đãi mà những nghệ sĩ chân chính mong muốn (dù có thể tỏ ra cao ngạo không nói ra).

Tối 8/2/2015, ông đã mở đầu chương trình Xuân quê hương bằng bản nhạc Hồn thiêng sông núi và sau buổi hòa nhạc tại Bến nhà Rồng được mời đích danh ra sân khấu để Chủ tịch nước chúc mừng. Chung thuỷ với vợ Thương Hiền, đắm say với tình nhân mãnh liệt, ông không đeo nhẫn cưới, chỉ đeo một nhẫn kim cương ở ngón giữa tay trái. Ông không dùng hoa hồng để tỏ tình và không thích những phụ nữ thích nhận hoa. Người tình âm nhạc choán gần hết thời gian.

Kế hoạch làm việc của Nguyễn Thiên Đạo kín lịch trước cả năm. Ông đang dồn sức cho giao hưởng Linh giác là câu chuyện âm nhạc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ của Lý Công Uẩn và Trần Nhân Tông do vùng Val de Marne (ngoại ô Paris) đặt viết sẽ diễn ra vào các ngày 8, 9, 10/4/2016.

Tháng 9, nhạc sĩ về nước chuẩn bị biểu diễn Thiên sử thần kỳ, do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặt hàng, sẽ làm tác phẩm nghệ thuật tổng hợp nếu dự án thành công. Dự án biểu diễn Linh giác tại Việt Nam khoảng tháng 10 -11 năm nay. Tác phẩm (Inori - 11.3, Kinh cầu nguyện) của ông do các nghệ sĩ Nhật đã hát tiếng Việt tối 29/9/2012 ở Tokyo và tại đây, Ban nhạc Quartiers musicaux đã biểu diễn bản nhạc Quatuor à cordes Numéro 1, ngày 31/5/2015.

Nhiều người đã xem Nguyễn Thiên Đạo chỉ huy dàn nhạc, mấy ai được nghe ông chơi dương cầm. Hơn một lần, Nguyễn Thiên Đạo dành cho tôi món quà này khi ông vừa hát vừa lướt phím piano K.Kawai

Thư viện Paris (Mediatheque de Paris) và Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF) tổ chức Hội sách tại trụ sở UGVF, số 16 phố Petit Musc, quận 4 vào ngày 6-7-8/11. Thứ bảy ngày 7/11, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (vốn là ủy viên Ban Chấp hành và nay là cố vấn của Hội) sẽ giao lưu, trao đổi về Sống lửa với độc giả Việt, Pháp. Theo thực tế công bố, văn chương là người tình mới của nhạc sĩ, thực ra đây là tình nhân mà ông xem trọng, tiềm ẩn cả đời ông. Nghệ thuật - người tình ấy là ý nghĩa cuộc sống của ông bằng mong mỏi cống hiến hết mình cho Việt Nam chứ không phải chỉ là danh giá của cái tên ông và dòng họ Nguyễn đặc trưng Việt Nam đã vào từ điển Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995).

Bởi thế, tôi đã không ngần ngại giúp Nguyễn Thiên Đạo bán Sống lửa vào tay những trí thức Việt Nam bởi ông muốn tiền bán sách sẽ đóng góp cho dự án nghệ thuật ở nước nhà: “Sáng tác để đóng góp khiêm tốn cho nền văn hoá Việt Nam là mục đích duy nhất của tất cả chúng ta. Bán được nhiều ít là thứ yếu”.

Nguyễn Thiên Đạo sống trên phố Đàn Bà (28 Rue Madame), chẳng ai thấy ông say sưa với phụ nữ nào. Trêu ông: Có mỗi bà Thương Hiền thì thiệt quá, ông cười vang, khác hẳn lối cười mủm mỉm thường ngày: “Tôi sóng sánh nhiều lần đấy, mỗi lần vài tiếng thôi. Chỉ lấy một vợ để dành thời gian tối đa cho âm nhạc. Tôi rất đa tình. Muốn biết cứ đọc Sống lửa sẽ rõ. Ở đó, có chuyện tình dữ dội mê hoặc và chẳng thiếu gì cảnh nóng”. Chỉ với tôi, trong bài viết cho Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng, ông mới chịu cung cấp ảnh vợ ông.

Bắc qua sông Seine có 36 cây cầu cổ, bằng đá, chỉ một cầu sắt duy nhất do Napoléon xây dựng, Pont des Arts (Cầu nghệ thuật) đã thành Cầu Tình yêu bởi các đôi uyên ương khắc tên và treo khóa vào đây lên tới 45 tấn khóa khiến Chính quyền Paris phải cứu cầu bằng việc dỡ bỏ khóa và cho lắp lan can kính. Nguyễn Thiên Đạo từng nhiều lần qua cây cầu này, ông chưa từng ném chiếc chìa nào xuống sông Seine, ông không phải và sẽ không bao giờ chịu chơi, dám hy sinh vì ái tình theo mọi nghĩa, nên đâu có chuyện “một chữ Tình khuynh đảo chín tầng mây” như ca từ Linh giác. Ông chỉ muốn một mình mở và đi qua những cây cầu bằng những khóa sol.

Vi Thùy Linh
.
.