Nguyễn Khoa Bội Lan: Người làm chứng gần một thế kỷ

Thứ Sáu, 11/07/2008, 09:30
Ở Huế, chị Nguyễn Khoa Bội Lan có lẽ cũng thuộc loại người nổi tiếng với nhiều danh hiệu: nhà văn, nhà báo, cán bộ lão thành cách mạng… Chị ít khi xuất hiện trước đám đông, nhưng trong các cuộc họp long trọng - như đại hội nhà báo, đại hội văn nghệ chẳng hạn, người ta thường thấy chị ngồi ở hàng ghế đầu, cạnh các vị lãnh đạo đương chức.

Đó là chuyện của mươi năm trước. Bây giờ thì chị chẳng còn đi đâu được nữa, tai nghễng ngãng, mắt mờ nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn. Tôi đã nhiều lần trò chuyện với chị, không nhằm khai thác gì cả, tiện gì nói nấy. Ví như nghe tôi nêu nhận xét "Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh ở quê hương ông quá ít hiện vật…", chị cười nhẹ và nói: "Cậu biết không, ông Nguyễn Chí Thanh giới thiệu mình vào Đảng đó!"…

Hồi nghe tin chị bị mổ và không chừng vì một căn bệnh hiểm nghèo, lần đầu tiên tôi hỏi chuyện cuộc đời chị, định sẽ viết một chân dung, nhưng chị bảo: "Viết làm chi! Nói chuyện cho vui thôi… À, hứa với cậu mà chưa đãi được bữa nào…". Chị nói vậy vì gần nhà có cơ sở làm bia Huda và tôm xuất khẩu! Giọng nói xen tiếng cười tươi trẻ của chị nghe thật vui.

Có lẽ nhờ niềm vui sống ấy mà chị vượt qua được bệnh tật.

Lần này gặp lại chị, dù đã trên 90 tuổi, chị liền buông kính lúp và tờ báo An ninh thế giới Cuối tháng xuống, vui vẻ nói, vẫn cái giọng kim thanh trong như không biết đến tuổi già:

- Răng lâu rồi không xuống chơi? Có viết được gì mới không?

- Em vừa viết xong một cuốn dày trên bảy trăm trang…

- Này, viết chi mà viết dài rứa? Cậu có biết mình bị Bác Hồ chê răng không?...

Chị Bội Lan ngắt lời, hỏi tôi, nhưng liền kể chuyện mình. Người già vẫn rất thích được sống lại những ngày tháng đã qua.

Chị Bội Lan có nhiều dịp gặp Bác Hồ trong thời gian chị công tác ở Hà Nội trong cơ quan Việt Nam Thông tấn xã, Viện Văn học, rồi Tiểu ban Văn nghệ miền Nam; hơn nữa, thời thơ ấu, Bác ở không xa các gia đình họ Nguyễn Khoa bao nhiêu. Một lần, nhà thơ Nam Trân nhờ chị chuyển các bản dịch "Nhật ký trong tù" đến Bác để xin ý kiến tác giả, nhân nhắc đến những bài thơ rất hay viết về Huế của Nam Trân từ năm 1937, Bác đã hỏi chị Bội Lan: "Cô đi hoạt động sớm, xa Huế lâu rồi, có nhớ chi về ông bà không?". Chị Bội Lan hơi sững người giây lát vì không ngờ Bác lại hỏi điều đó. - "Dạ, có chớ ạ…". Nghe chị nhắc tên một vài người, Bác khẽ gật đầu và nói: "Thế là tốt. Những người như cụ Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Khoa Đăng là rất đáng trọng, nhất là quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, tính tình ngay thẳng, không nể sợ kẻ quyền thế…".

Trở lại chuyện bị Bác Hồ phê bình, chị Bội Lan kể:

- Một lần, sau khi báo cáo công việc, Bác nói, giọng thân tình: "Cô Lan này, Bác nhắc cô nhiều lần mà cô chưa sửa được". Mình liền hỏi: "Thưa Bác, chuyện chi ạ?". Bác trả lời, vẫn giọng hiền từ mà hóm hỉnh: "Người cô thì ngắn mà hay nói dài, viết dài. Nhà văn, nhà báo nên nhớ: Viết dài thường là viết dở, nói dài dễ nói dại…".

Hai chị em cùng cười. Tôi biết chị có ý nhắc nhở tôi, chứ thật ra tôi chưa thấy chị viết gì dài dòng cả. Còn tác phẩm duy nhất của chị mà tôi được đọc là tập truyện ký "Người con gái không tên" (NXB Thuận Hóa, 1992) viết về những tấm gương phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, những câu chuyện ngắn gọn mà xúc động, với giọng điệu giản dị, dân dã và hóm hỉnh gợi nghĩ tới những tác phẩm thơ trào phúng nổi tiếng của thân phụ chị - nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi.

Dòng hồi ức trong chị như một mạch nước ngầm tươi mát được dịp phun trào lên. Từ chuyện các bậc tiền bối của họ Nguyễn Khoa, chị nhắc đến bố con Hải Triều - Nguyễn Khoa Điềm, rồi Nguyễn Chí Diễu và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp nữa. Chị đưa tay chỉ căn phòng nhỏ bên cạnh và nói - vẫn giọng trong trẻo lẫn tiếng cười:

- Đó, anh Giáp và cả Võ Thuần Nho nữa có lần đã ở đó…

Chẳng phải chị "thấy sang bắt quàng làm họ", ba tên tuổi đã đi vào lịch sử mà chị vừa nhắc chính là những người cầm đầu phong trào bãi khóa khi các trường học ở Huế sôi nổi hưởng ứng phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh từ năm 1927 và chị Bội Lan - cựu nữ sinh Đồng Khánh (Huế) là một thành viên tích cực.

Hơn 80 năm đã qua, kể từ ngày đó! Cô thiếu nữ Huế sớm đến với cách mạng nay đã thành bà cụ gần trăm tuổi. Thời gian qua đi có thể làm sai lệch chút ít chi tiết ngày tháng, địa điểm…, nhưng cốt lõi sự kiện và nhất là vẻ đẹp lý tưởng một thời đã xa vẫn nguyên vẹn và lấp lánh trong ký ức của cả một thế hệ.  

Cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Hồng Cư (NXB Thanh niên, 2004), trong chương kể lại giai đoạn sôi nổi này, có đoạn viết: "…Cảnh sát cho xe vòi rồng phun nước bừa bãi. Một nữ sinh Đồng Khánh đến trước vòi rồng phản đối. Một tên cảnh sát nắm kiềng vàng của chị kéo ra. Phóng viên L'Annam có mặt tại chỗ đã viết bài đăng ngay lên báo. Đó là chị Nguyễn Khoa Thể Chi. Chị Thể Chi cùng các chị Nguyễn Khoa Bội Lan, Tôn Nữ Như Phước, Hoàng Thị Hải Đường, Đào Thị Xuân Yến… là những nữ sinh Đồng Khánh mà anh Giáp thường gặp tại ngôi nhà "Ông già Bến Ngự (tức là cụ Phan Bội Châu - NKP)…".

Cũng trong đoạn này, hai trang sau, cuốn sách đã ghi lại: "…Cảnh sát theo dõi bắt những người hoạt động tích cực. Anh Giáp phải tạm lánh về Vĩ Dạ, ở nhà anh Nguyễn Khoa Thị, một bạn học lớp Đệ tam… Ở Trường Đồng Khánh… trong số nữ sinh bị đuổi học, có các chị Nguyễn Khoa Thể Chi, Nguyễn Khoa Bội Lan…".--PageBreak--

Chuyện hoạt động cách mạng dưới thời thực dân thì thiếu chi người còn oanh liệt hơn chị Bội Lan, nhưng tình huống "ngồi tù" trớ trêu như chị Bội Lan thì rất hiếm. Chị làm liên lạc bị bắt ở Huế, khi thân phụ chị đang làm ngành Bưu điện Bình Định, mà chị thì còn quá ít tuổi, chúng đẩy chị vào đó xét xử. Lúc đó tổng đốc Bình Định lại là người thân quen, nên họ đưa chị ra Quảng Nam. Án sát ở đây là cụ Ưng Úy (thân sinh nhà bác học Bửu Hội, sau Cách mạng Tháng Tám cụ đã ra vùng kháng chiến Liên khu IV); mà vợ cụ, chị Bội Lan gọi bằng "cô", nên họ đưa chị vào "tù"… trong nhà tổng đốc Ngô Đình Khôi (bố Ngô Đình Diệm)! Ông Khôi bảo: "Nó mới chỉ làm liên lạc, nhốt nó vào tù rồi thành cộng sản thiệt đó!".

Bất chấp sự níu kéo của các mối quan hệ và sự đe dọa tù đày, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, chị Bội Lan đã thành cán bộ Việt Minh nòng cốt ở Huế, in truyền đơn của Việt Minh ngay tại nhà thờ họ Nguyễn Khoa. Chính chị và bà Ngô Thị Chính (Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh) đã được giao đưa thư của ông Tôn Quang Phiệt và Hồ Tùng Mậu gửi chính phủ Trần Trọng Kim, do bác sĩ Trần Đình Nam, Bộ trưởng Nội vụ lúc đó là chỗ thân quen với gia đình chị Bội Lan khi cụ Nguyễn Khoa Vi làm việc ở Bưu điện Bồng Sơn (Bình Định). Rồi chị được giao tổ chức Hội Phụ nữ Cứu quốc, làm báo Ánh Sáng và NXB Tân văn hóa… Năm 1947, mặt trận Huế vỡ, chị Bội Lan ra Bắc, rồi được điều vào Liên khu V…

Chị Bội Lan đã tìm thấy hạnh phúc riêng trong những ngày này với một cán bộ về sau từng giữ chức vụ cao trong Quốc hội, nhưng sự đời thật oái oăm, nỗi bất hạnh lớn nhất của một người phụ nữ đã đổ ụp xuống đời chị tức thì. Đứa con duy nhất mà chị trông chờ đã bao năm được sinh ra nhưng không nuôi được, rồi hạnh phúc tan vỡ…

Hơn nửa thế kỷ đã qua. Vết thương sâu sắc mấy cũng đã thành sẹo. Chị Bội Lan nhắc qua chuyện cũ, giọng không còn đau xót nữa và hình như tuổi chị lúc này chỉ muốn nhớ những kỷ niệm vui. Chị kể: Hồi ấy, gặp lại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Ngãi, ông tặng chị một khẩu súng lục và nói đùa: "Để chị hộ thân chứ không phải để xử anh chàng lôi thôi kia đâu!". Chẳng biết có phải "người ta" sợ chị "xử anh chàng lôi thôi kia" hay không mà năm 1950, chị được điều qua Lào giúp bạn làm tờ báo Neo Lào Hắc Xạt…

Chị Bội Lan bỗng cười nhỏ và chỉ tấm bằng khen treo trên tường:

- Của Lào tặng mình đó! Hôm ông ấy đến, xưng tên, gặp người quen cũ, mừng quá, nhưng người ta nay giữ chức vụ cao, mình chắp hai tay cung kính theo kiểu nhà Phật: "Xin chào ông Chủ tịch…"; mình chưa dứt câu, ông ấy đã xua xua tay, như ngượng nghịu: "Chị đừng gọi thế. Hôm nay là thằng em X.M đến thăm chị thôi…".

Theo mạch chuyện vui vẻ ấy, tôi xen vào hỏi:

- Cuộc đời chị hết ra Bắc, vào Nam, làm chuyên gia rồi hoạt động văn nghệ, chị thấy giai đoạn nào vui nhất?

- Những năm ở Lào là vui nhất. Hồi rời đất Lào, mình có viết một câu: "Bao giờ ca khúc khải hoàn/ Hạ Lào nhớ mãi trăm ngàn chuyện cưa". Cậu có biết "cưa" là chi không? "Cưa" là muối! Cậu thì làm chi biết cái khổ khi phải thiếu muối? Mà mình không chỉ đem muối lên, mình đem cả tiền, cả vàng nữa giúp bạn…

- Thế những năm chị làm ở Tiểu ban Văn nghệ miền Nam cũng vui chứ?

- Ừ, cũng vui… Tuổi già một người từng trải như chị, có không biết bao nhiêu là chuyện vui để kể lại. Cũng trong thời kỳ làm ở Tiểu ban Văn nghệ miền Nam, chị Bội Lan đã làm chứng cho không ít văn nghệ sĩ miền Nam tập kết nên duyên vợ chồng và cùng với các anh chị trong Tiểu ban như anh Bảo Định Giang, chị Ngọc Trai, anh Doãn Triều… luôn quan tâm đến gia đình các văn nghệ sĩ đi B như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng …

Lần này, nhân chị Bội Lan vui vẻ nói đến chuyện đôi lứa, tôi mới dám hỏi chị về những đứa con nuôi mà chị đã "khoe" với tôi nhiều lần. Tôi ngại chạm đến nỗi đau ngày xưa của chị. Quả là chị không còn bận tâm gì tới những mất mát của riêng mình, chỉ muốn nói chuyện nhân nghĩa ở đời. Không chút ngại ngần, chị nói:

- …Ba mẹ chúng nó đều là tù Côn Đảo. Khi mẹ chúng mất, ông ấy mới đến với mình. Ông ấy nay cũng đã mất. Mấy đứa con đều đã thành đạt. Có đứa là tướng, đại biểu Quốc hội, đứa là Giám đốc Sở Văn hóa… Chúng không phải con mình nhưng đều gọi mình bằng má, lâu lâu lại chạy về thăm, không thì cũng gọi điện. "Má khỏe không? Má có cần gì không?", nhưng mình thì còn cần chi nữa. Ăn tiêu đã có tiền lương, ngày lễ ngày Tết, tỉnh, thành phố về thăm cho quà luôn. Các ông ấy còn bảo: "Chị mà chết đã có thành phố lo" - Chị Bội Lan cười khẽ, rồi tiếp lời - Tôi có đất nội táng họ Nguyễn Khoa rồi! Nói thế chứ cốt sống cho đàng hoàng, còn chết ở mô chẳng được. Thôi, chuyện đời…

Chị Bội Lan bỏ lửng câu nói. Xem ra không phải vì mệt, mà chị muốn dành sự bình phẩm cho người đời. Riêng chị, hồi bị mổ tưởng chết, mấy em sinh viên đến chơi hỏi vì sao chị vẫn vui, chị liền đọc: "Khi trên sân khấu không làm bậy/ Lúc hạ vai tuồng chẳng ăn năn".

Chị Bội Lan mượn hai câu thơ của cụ Ưng Bình (sau khi "cải biên" vài từ) để tổng kết sớm cuộc đời mình. Cũng có thể đó là lời chị nhắn gửi lớp người đi sau…

Trường An - Huế, tháng 6/2008

Nguyễn Khắc Phê
.
.