Nguyễn Hữu Chỉnh: Cánh chim bằng giữa trời loạn

Thứ Hai, 29/09/2008, 09:30
"Loạn thế xuất anh hùng", thời đại loạn lạc đã sản sinh Nguyễn Hữu Chỉnh, và đến lượt mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm trên gương mặt thời đại. Mô hình nhân cách mà Nguyễn Hữu Chỉnh tự thể hiện, tự bộc lộ bằng chính cuộc đời mình, đó là kiểu con người vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, con người hành động với khát vọng tìm kiếm mọi con đường giải phóng năng lực và tham vọng của mình.

1. Nguyễn Hữu Chỉnh (1741 - 1788) người xã Đông Hải, huyện Chân Lộc (nay là huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Sách "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chép: "Hữu Chỉnh, lúc trẻ tuổi đỗ hương tiến, là người hào phóng không bó buộc vào khuôn phép. Du lịch kinh sư, Hữu Chỉnh vào yết kiến Hoàng Ngũ Phúc. Ngũ Phúc khen là có tài khác thường, dùng làm gia khách. Khi Ngũ Phúc vào xâm lấn trong Nam, cho Hữu Chỉnh đi theo quân thứ, giữ công việc thư kí, rồi sai đến Tây Sơn khuyên Văn Nhạc (tức Nguyễn Nhạc) quy thuận với triều đình, được Văn Nhạc kính trọng.

Sau theo Hoàng Đình Bảo (là cháu Hoàng Ngũ Phúc) đánh giặc biển có công, đổi bổ sang quản lãnh đội Tuần hải, rồi chuyển bổ quản lãnh cơ Tiền ninh thuộc trấn Nghệ An" (KĐVSTGCM. Nxb Giáo Dục, 2007, trang 764).

Kế đó, kiêu binh nổi loạn ở Thăng Long, giết Hoàng Đình Bảo và đang sắp sửa xốc vào Nghệ An thanh trừng đám tay chân của quận Huy, quận Việp. Cái họa sát thân đã ở trước mắt, Nguyễn Hữu Chỉnh liền bàn với Trấn thủ Nghệ An là Vũ Tá Dao -  em rể Hoàng Đình Bảo - viết mật thư "xui" hai tướng Hoàng Đình Thể và Khôi Thọ - vốn là hai thuộc tướng của Hoàng Ngũ Phúc - chiếm lấy Thuận Hóa, bản thân Vũ Tá Dao cũng chiếm lấy Nghệ An, đem binh lực ở hai đất ấy hợp lại sẽ thoát khỏi họa hoạn.

Vũ Tá Dao không dám theo, Nguyễn Hữu Chỉnh bèn vượt biển chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Nhạc. Về với Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra năng nổ trong việc giúp sức cho anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bình định Bắc Hà. Chính Nguyễn Hữu Chỉnh tham mưu cho Nguyễn Huệ: "Nay ở Bắc Hà, quân lính thì kiêu ngạo, tướng súy thì lười biếng, triều đình lại không có kỉ cương gì. Tướng công mang uy thanh ấy, nhân lúc bên kia đã đổ nát, nếu thực biết dùng danh nghĩa phò Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai mà không hưởng ứng? Đấy là cơ hội và thời, thế, đều không thể để nhỡ được" (Sđd, trang 782).

Nhờ câu nói này mà Nguyễn Huệ quyết tâm đem quân ra Bắc, đánh một trận đập tan cơ đồ mấy trăm năm của họ Trịnh. Tiếp đến là hàng loạt sự kiện: Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh xin đi theo, được cho giữ đất Nghệ An; họ Trịnh khởi binh mưu nối lại ngôi Chúa, vua Lê gọi Nguyễn Hữu Chỉnh về kinh thành bảo vệ, uy quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh từ đấy lên đến tột đỉnh; Nguyễn Huệ e ngại, sai Vũ Văn Nhậm đánh ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh thua trận, bị bắt, và rồi: "Văn Nhậm kể tội Hữu Chỉnh là kẻ bất trung, sai xé xác Hữu Chỉnh ở cửa thành để rao cho mọi người biết" (Sđd, trang 824). Cánh chim bằng đã ngừng bạt gió!

2. Nhìn lướt qua những mốc lớn trong cuộc đời của Nguyễn Hữu Chỉnh, thoạt tiên, người ta dễ nhận ra những đường nét cơ bản của một khuôn mặt "phản diện": hoạt đầu, tráo trở, sớm hàng tối đánh.

Và nếu chúng ta nhớ rằng trong cục diện phân liệt của thế kỉ XVIII, Bắc Hà và Nam Hà thực chất là hai quốc gia, thì Nguyễn Hữu Chỉnh còn là kẻ mang tội "phản quốc" khi đã nối giáo cho Tây Sơn đánh ra Thăng Long. Vũ Văn Nhậm từng nói với Nguyễn Huệ về điều này: "Kẻ kia lấy thân phận người tôi trốn tránh mà về đầu hàng với ta, trong bụng chỉ muốn được hả lòng với nước cũ, nên nhờ uy lực của ta để thành công" (Sđd, trang 792).

Coi nhà Tây Sơn là ngụy triều, nhưng Dực Tôn hoàng đế của nhà Nguyễn - tức vua Tự Đức - cũng chung một cái nhìn với Tây Sơn về Nguyễn Hữu Chỉnh. Đọc sử, đến đoạn nói Lê Chiêu Thống phải dựa vào Nguyễn Hữu Chỉnh để giữ yên ngai vàng, Tự Đức phê: "Tình thế đã đến thế này, còn cứ nương tựa vào Chỉnh là thằng giặc tráo trở, lật lọng, khác nào chất củi lên giàn lửa thì còn phút nào được yên!" (Sđd, trang 807).

Trong "Hoàng Lê nhất thống chí", các tác giả họ Ngô Thì đã mượn lời hai viên Nội hàn của vua Lê để "ghim chết" Nguyễn Hữu Chỉnh trong một nhận xét: "Chỉnh là hạng người y nghĩ cực kì hiểm độc, bụng dạ quá ư tàn nhẫn, mưu mô hết sức sâu sắc, giả trá rất đỗi khôn ngoan, mà ứng biến thì mau lẹ tuyệt vời. Con người ấy thực là một kẻ gian hùng ở đời loạn".

Những nhận xét này không phải không có lí, song cũng chứa đầy định kiến. Hãy thử nhìn lại sự kiện Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ Trịnh theo Tây Sơn. Thoạt đầu, Nguyễn Hữu Chỉnh "xui" Vũ Tá Dao chiếm Nghệ An và Thuận Hóa - đây là một mưu toan cát cứ táo bạo, định hướng tới việc gây dựng một thế lực ngang bằng với quân Trịnh và quân Tây Sơn, và chắc chắn nó chỉ có thể là ý tưởng của một kẻ "gan mật cùng mình", một kẻ luôn ôm mộng làm nên sự nghiệp lớn lao.--PageBreak--

Không có gì khó hiểu. Nguyễn Hữu Chỉnh là con người sống trong một thời thế nhiễu nhương, "hào kiệt bốn phương nổi lên như ong", mô hình cấu trúc quyền lực chính thống bị phá vỡ - trong một nước mà cạnh ngôi vua còn có ngôi chúa, và hơn thế, chúa át quyền vua - đó chính là môi trường thuận lợi cho những cá nhân giàu tham vọng vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo thần tử thông thường để tìm kiếm riêng cho mình một sự nghiệp vương bá khác.

Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân - mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn - dù có xướng lên chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh" thì cũng đều hướng tới cái đích là ngôi tôn quân chí thượng, hoặc ít ra là cái viễn tưởng "nghênh ngang một cõi biên thùy", "gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà".

Nguyễn Hữu Chỉnh không nằm ngoài quỹ đạo ấy, và vì thế, trong mọi trường hợp, cách hành xử của Nguyễn Hữu Chỉnh nên được nhìn nhận như là những "xử lí tình huống" cần thiết để nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng. Khi Vũ Tá Dao sợ sệt không theo, Nguyễn Hữu Chỉnh lập tức vào Nam với Tây Sơn - một hành động "minh triết bảo thân", và cái triết lí ngầm ở đây là "kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta".

Câu nói được ghi lại của Nguyễn Hữu Chỉnh trong trường hợp này - "Thiên hạ có hàng vạn nước, lo gì không có chỗ nương thân" (Sđd, trang 765) - đã phản ánh khá rõ một thái độ dứt khoát và đầy tự tin, khác hẳn thái độ trù trừ bất quyết và nhiều câu nệ của phần đông Nho sĩ đương thời.

Mặt khác, trên phương diện nào đó, cũng phải thừa nhận rằng Nguyễn Hữu Chỉnh đã đóng một vai trò khá tích cực trong tiến trình lịch sử. Hãy xét đến hành vi "phản quốc" của Nguyễn Hữu Chỉnh. Dù với bất cứ động cơ nào - "muốn được hả lòng với nước cũ", theo lời Vũ Văn Nhậm, hoặc vì một mưu đồ nào đó sâu xa hơn - thì chính là với nội dung tư vấn mang tầm của một chiến lược gia "ngoại hạng" như đã kể ở trên, Nguyễn Hữu Chỉnh đã, bằng sức mạnh quân sự của Nguyễn Huệ, đẩy lịch sử Việt Nam tiến nhanh hơn tới cái đích của nó.

Nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường nói rất cụ thể về hiệu quả của "tác nhân" Nguyễn Hữu Chỉnh trong công trình "Việt Nam thời Tây Sơn, lịch sử nội chiến 1771 - 1802": "Đó là sự tập trung, hợp tác của những năng lực làm đổ gẫy cơ cấu chính trị đương thời, đó là sự tiếp sức làm đổ vỡ nốt cái thế phân tranh cũ kéo dài hơn hai trăm năm rồi", và: "Trong một chuyến phiêu lưu dài ba tháng, quân Tây Sơn đã đem lại tan nát cho đất Trịnh từ Thuận Hóa ra Thăng Long.

Bắc Hà như một ngôi nhà ọp ẹp, bị xô đổ không gượng dậy được, một cái "nước không" như lời Chiêu Thống nói, chỉ còn chờ Tây Sơn ra cướp lần nữa là xong". Rõ ràng, qua việc tham mưu cho Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh là người đã góp công khép lại một trang sử phân liệt đầy tàn khốc.

Có lí, khi luận về giai đoạn 1771 - 1802, Tạ Chí Đại Trường đã xếp Nguyễn Hữu Chỉnh - cùng Nguyễn Huệ và Gia Long - như một trong những gương mặt nổi bật đã vẽ nên diện mạo của sử Việt.

3. Nếu chỉ xét riêng giai đoạn Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn, dễ nhận thấy nổi lên ở con người này diện mạo của một quân sư kiểu truyền thống, kẻ luôn ở bên cạnh các thủ lĩnh quân sự và kịp thời vạch ra những chiến lược chiến thuật khôn ngoan.

Điều này càng được khẳng định thêm khi ta xét đến Nguyễn Hữu Chỉnh với tư cách một tác giả văn học - không nên quên rằng nhiều tác giả lớn đương thời và sau này đều tỏ ra kính nể tài năng văn chương, nhất là văn chương Nôm, của Nguyễn Hữu Chỉnh.

Bài phú "Trương Lưu hầu" của Nguyễn Hữu Chỉnh, có thể nói, chính là sự kí thác tâm sự của tác giả vào hình ảnh Trương Lương, người dựng nên cơ đồ nhà Hán bốn trăm năm, một "thần tượng" của tất thảy các thế hệ Nho gia.

Trong lịch sử của cả Trung Hoa và Việt Nam có không nhiều bậc khai quốc công thần hiểu thấu câu châm ngôn "công thành thân thoái" như Trương Lương, và kết quả là họ phải hứng chịu những cú đòn tàn khốc từ vị Hoàng đế - người mới đây còn là "bạn chiến đấu"! Tâm đắc với tất cả những điều đó, Nguyễn Hữu Chỉnh viết: "Đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh/ Hầu tước ba muôn, luận công hành thưởng/ Đường báo quốc nhờ lưng Xích đế, tiệc Nam cung đã vẹn tiếng vin rồng/ Chước bảo thân mượn dấu Hoàng công, miền Bắc thành lại tìm nơi ấp phượng/ Rờ rỡ thư son khoán sắt, lời nãi ông dù chỏ núi thề sông/ Thênh thênh non đá am thông, thuyền tiên tử đã quen mây mến ráng/ Đạo ấy, sá bàn chân với ngụy, đấng cao minh chi vướng sự hữu vô/ Lòng này, ai biết Hán hay Hàn, phải biện bạch kẻo thẹn cùng phủ ngưỡng...".

"Loạn thế xuất anh hùng", thời đại loạn lạc đã sản sinh Nguyễn Hữu Chỉnh, và đến lượt mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm trên gương mặt thời đại.

Mô hình nhân cách mà Nguyễn Hữu Chỉnh tự thể hiện, tự bộc lộ bằng chính cuộc đời mình, đó là kiểu con người vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, con người hành động với khát vọng tìm kiếm mọi con đường giải phóng năng lực và tham vọng của mình - con người tự do. --PageBreak--

Chung cục không may mắn của cánh chim bằng giữa trời loạn này không có nghĩa là sự lựa chọn ấy sai lầm, mà chỉ có nghĩa là tầm cỡ tài năng ấy chưa đủ cho một sự lựa chọn như vậy mà thôi. Để kết lại bài viết nhỏ này, xin được nêu ra đây một suy nghĩ của cá nhân người viết: cái bi kịch của sự lỡ dở mà cuộc đời đầy sóng gió của Nguyễn Hữu Chỉnh bày ra trong lịch sử, đó là mảnh đất tuyệt vời cho các nhà tiểu thuyết khai thác.

Vì, hơn bất cứ một thể loại nào khác, tiểu thuyết thực sự phù hợp với những điều không bao giờ hoàn kết. Nhưng không hiểu tại sao cho đến giờ phút này, các nhà tiểu thuyết lịch sử của chúng ta vẫn tỏ ra thiếu mặn mà với nhân vật lịch sử đầy hứa hẹn như Nguyễn Hữu Chỉnh

Hoài Nam
.
.