Người vợ cuối cùng của thi hào Nazym Hikmet

Thứ Sáu, 06/11/2009, 10:00
Vera Tuljacova - người vợ Nga cuối cùng của thi hào Nazim Hikmet chẳng phải ai xa lạ mà bà chính là bà giáo chủ nhiệm lớp Biên kịch của tôi ở Trường Điện ảnh Moskva (VGIK). Có thể nói bà chính là người thầy Nga đầu tiên về điện ảnh mà tôi được tiếp xúc, được bà hỏi thi vấn đáp trước khi được tiếp nhận vào trường.

Ngày đó, bà Vera Tuljacova khoảng trên dưới năm mươi. Dáng người cao lớn, đẫy đà nhưng đường nét vẫn rất quyến rũ trong những bộ váy áo sang trọng. Bà có cặp mắt to, màu xanh biếc. Mái tóc vàng ươm búi gọn ghẽ phía sau gáy không quên cài chiếc trâm rất đẹp cho tóc không bị xổ ra và cũng là vật trang trí bắt mắt.

Hôm đó là dịp cuối hè năm 1982, khắp Moskva lá bắt đầu ngả vàng. Mùa thu Nga tuyệt vời sắp tới. Các sinh viên đỗ vào Trường VGIK đã đi "khoai tây" (đi lao động dỡ khoai tây bắt buộc của sinh viên năm thứ nhất). Tôi từ Kiev lên thi muộn vì suốt 3 tháng hè đi lao động kiếm tiền vất vả ở thành phố Briansk. Chân ướt chân ráo chạy vào trường thật lạ người, lạ cảnh. Bà Decan (trưởng khoa) alô cho ai đó, lát sau bà dẫn tôi vào một phòng học rộng có một bà giáo còn trẻ lại rất đẹp và sang trọng đang ngồi chờ. Bà Decan cất giọng oang oang: "Vera thân mến! Lớp chị có một sinh viên Việt Nam đến thi muộn đây này…". Và, cuộc thi vấn đáp một thầy một trò bắt đầu.

Vốn tiếng Nga ít ỏi sau một năm dự bị ở Kiev không làm bà Vera mất đi sự hào hứng khi nghe cô học trò trình bày về ý tưởng cũng như kết cấu một câu chuyện nhỏ về một cuộc gặp gỡ cực kỳ éo le sau chiến tranh. Người chồng đi bộ đội 10 năm biền biệt không tin tức, nghe nói anh đã hy sinh ở chiến trường xa. Chẳng ngờ anh lại đột ngột trở về đúng đêm vợ anh chuyển dạ một mình trong ngôi nhà của chính anh giữa đêm mưa gió. Cái thai đó đương nhiên không phải là của anh rồi. Tình thế ấy buộc người chồng - anh bộ đội- sẽ ứng xử ra sao? Dằn hắt? Bỏ đi? Đánh đập hay chửi mắng? Anh có quyền làm như thế. Nhưng mà không! Sau một phút ngỡ ngàng, đau xót anh đã vứt ba-lô, lao vào cứu đứa bé đang có nguy cơ ngạt thở và đỡ cho nó chào đời mẹ tròn con vuông". Làng xóm tưởng sau chuyện này anh sẽ bỏ đi. Nhưng mà không! Anh đã ở lại. Anh đã tha thứ và coi đứa bé như con mình.

Chuyện chỉ có vậy nhưng Vera Tuljacova đã khen nức nở. Bà còn cảm động rơm rớm nước mắt. Bà khen người chồng - anh bộ đội - thật nhân hậu, thật cao cả. Lòng vị tha của anh thật lay động lòng người. Một cảnh nhỏ thôi nhưng mang đậm chất nhân văn - điều này thật cần cho mỗi người cầm bút. Bà nhấn mạnh. Rồi sau đó bà khen dân tộc Việt Nam  nhân hậu, kiên cường. Và đương nhiên bà hài lòng về cô học trò mới của mình.Bà đặt bút viết vào bản nháp câu chuyện của tôi con 5 to đùng (tương đương điểm 10 vì ngày ấy ở Nga thang điểm tối đa là 5) và bảo: "Em lên đưa bảng điểm này cho bà Decan và nói với bà ấy rằng: "Cô nhận em vào học!".

Khỏi phải nói là tôi đã sung sướng đến mức nào. Ngày hôm đó quả thật là một ngày tuyệt vời đối với tôi. Đó là một bước ngoặt lớn, tạo điều kiện lớn cho tôi bước chân vào điện ảnh. Đương nhiên bản thân mình cần phải nỗ lực đã đành nhưng nếu Vera Tuljacova không phải là người có cặp mắt xanh, có trái tim đôn hậu, nhạy cảm thì chắc gì câu chuyện nhỏ, bài thi nhỏ kia của tôi, đã làm bà xúc động đến thế. Chiến tranh mà, chuyện xa cách chia ly mất mát đau thương không giữ được mình để sa sẩy phản bội nhau cũng là lẽ thường tình!.

Cũng hôm đó, sau khi hoàn tất thủ tục nhập trường, trên đường về ký túc xá, tôi được anh bạn nghiên cứu sinh đồng hương cho biết  bà chính là người vợ cuối cùng của thi hào Thổ Nhĩ Kỳ Nazym Hikmet, người đã sống nhiều năm ở Nga và cũng rất được trọng vọng ở Nga. Vậy ra Vera Tuljacova là vợ một nhà thơ ư? Ôi, vinh hạnh quá! Niềm tự hào của tôi bỗng dâng lên gấp bội. Có thế chứ. Làm vợ một thi nhân đâu có phải chuyện đùa. Nói cách khác, có phải người phụ nữ nào cũng có thể làm vợ được thi nhân đâu. Vera Tuljacova phải có cái gì đó thật đặc biệt mới được Nazym Hikmet theo đuổi đến kiệt sức mới lấy được bà làm vợ chứ! Tuổi trẻ của bà chỉ là một phần nhỏ thôi. Tôi đoán chắc thế (dù tuổi bà kém Nazym khá nhiều).

Lại cũng nghe nói rằng ngày Nazym học ở Trường Viết văn Gorki, nữ sĩ người Bungari nổi tiếng Blaga Dimitrova cũng học ở đó. Nữ sĩ chẳng xa lạ gì với bạn đọc Việt Nam với tập thơ "Vây giữa tình yêu" (Xuân Diệu dịch) và cuốn "Ngày phán xử cuối cùng" (Phan Hồng Giang dịch). Blaga và Nazym cũng từng nảy nở tình cảm. Nhưng rồi một lần nữ sĩ đến thăm ông thấy trước cửa phòng ông có đôi giày nữ xinh xắn đang xếp ở đó. Nữ sĩ hiểu ngay mọi chuyện và bà lập tức quay bước, quyết định rời xa ông mặc dù bà rất đau đớn...

Bao năm tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi mình rằng phải chăng đôi giày xinh xắn đó là của Vera Tuljacova -  bà giáo yêu quí của tôi? Đôi giày đó đã mách bảo nữ sĩ Blaga rằng Nazym đã có người khác, đã yêu người khác. Sự im lặng quay gót của Blaga Dimitrova  thật  khôn ngoan và cũng thật cao thượng. Giá ở những người phụ nữ tầm thường khác chắc hẳn sẽ có cuộc "đánh ghen "tưng bừng, nảy lửa, hoặc không thì cũng là sự giáp mặt đầy vẻ ngạo mạn ta đây, vì Blaga khi đó đã rất nổi tiếng lại cũng rất xinh đẹp. Trong khi đó (nếu đúng là Vera) thì lúc ấy cô mới tốt nghiệp đại học. Nhưng Blaga đã không làm thế. --PageBreak--

Vera Tuljacova là một phụ nữ Nga đôn hậu, tinh tế. Mỗi khi chỉ có tôi với bà ở trong lớp, thấy tôi hay ngồi thừ buồn bã mà ít chịu ra chơi. Bà ân cần hỏi thăm. Tôi thực thà " khai" với bà rằng tôi đã có 3 con rồi mới sang đây du học nên ngày nào cũng cảm thấy nhớ con, thương chúng còn bé bỏng đã phải xa mẹ, nhất là con bé út mới 4 tuổi, tôi có lỗi với con nhiều lắm. Nghe vậy bà mở to mắt kinh ngạc nhìn tôi như nhìn một người ở hành tinh khác. "Thật liều lĩnh! Thật dã man! Sao em có thể bỏ con cái như thế mà đi học được chứ?". Bà quở trách bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc như một người mẹ quở trách con cái. Tôi im lặng chịu trận. Giả như có thanh minh hay giãi bày thì bà Vera cũng đâu có hiểu được hoàn cảnh của tôi ngày ấy. Hoàn cảnh sống của bà nói riêng, của người Nga nói chung ngày ấy khác xa chúng ta, cao cấp và tiện nghi hơn chúng ta nhiều lắm…

Dù không thể nói sâu về chuyện của mình nhưng tôi biết Vera Tuljacova dường như cũng đoán được cả. Tưởng chỉ than thở một chút nhớ con với bà để bà hiểu mình hơn, ai dè bà lại nói trước toàn lớp học về tôi (tuy ngồi riêng bà "mắng" vậy nhưng đứng trước lớp bà lại khen) bà khen tôi là một phụ nữ dũng cảm, dám xa 3 đứa con để đi học. Bà có dụng ý tốt nhưng lại làm tôi lúng túng và ngượng ngập với các bạn cùng lớp. Bởi vì từ hôm đó trở đi cho đến hết khóa học, các bạn (cả Nga và nước ngoài) toàn gọi tôi là "Vưi" (kính trọng trong xưng hô như chị, bà) chứ không dám gọi " Tưi' (xuồng xã mày, tao, tôi, bạn) nữa! Mà sinh viên ở đâu chả giống nhau. Một lớp biết thì chẳng mấy chốc các lớp khác cũng biết về tôi. Họ nhìn tôi kính nể ra mặt. Dù khi ấy tôi cũng chỉ sêm sêm tuổi như một số bạn lớn tuổi khác ở trong lớp. Tôi, quả thật là một "anh hùng"!

Vera Tuljacova còn đặt tên cho tôi bằng tiếng Nga nữa. Bà không gọi tôi bằng tên tiếng Việt (chắc cũng khó phát âm) mà gọi tôi là Nadia (có nghĩa là hy vọng). Lúc trìu mến bà còn gọi Nadiuska!..

Dù biết Vera Tuljacova là người vợ cuối cùng của thi hào Nazym Hikmet nhưng chúng tôi cũng ý tứ không bao giờ dám hỏi thẳng bà về cuộc sống riêng của bà với Nazym. Thỉnh thoảng tôi cũng nói với bà  rằng ở Việt Nam chúng tôi rất thích thơ của Nazym Hikmet. Thơ của ông được dịch ra tiếng Việt cũng nhiều. Cuộc đời hoạt động xã hội, hoạt động văn học cũng như những năm tháng tù đày kiên cường của ông khiến chúng tôi rất cảm phục. Vera Tuljacova trầm ngâm lắng nghe. Thỉnh thoảng bà lại gật đầu rơm rớm nước mắt.

Trước khi lấy Nazym, bà Vera đã có một cô con gái với người chồng trước. Sau khi Nazym mất, bà - dù còn rất trẻ - nhưng đã ở vậy một mình cho dù không thiếu người cầu hôn. Bà sống với cô con gái riêng của mình trong một căn hộ khá tiện nghi ở trung tâm Moskva và với những kỷ niệm của nhà thơ để lại. Hàng ngày bà tự lái chiếc xe Volga màu trắng mới tinh (vào loại sang khi ấy) đến Trường VGIK giảng bài. Ngoài làm chủ nhiệm lớp các khóa biên kịch, bà còn là giảng viên (với cương vị GS -TS) chuyên sâu bộ môn viết kịch bản phim truyền hình cho các lớp (biên kịch, đạo diễn, quay phim, lý luận phê bình…). Thỉnh thoảng có hôm đẹp trời, Vera Tuljacova lại rẽ qua ký túc xá để cho chúng tôi - những sinh viên của bà - được dịp tranh nhau nhảy lên xe, vòi vĩnh bà cho "quá giang" đến trường và lấy làm thích thú mãn nguyện lắm.

Thật tiếc là những năm tháng được Vera Tuljacova làm chủ nhiệm lớp không dài. Giữa năm học thứ 3 nghe đâu bà có mâu thuẫn gì đó, không hài lòng điều gì đó với thầy cùng phụ trách lớp còn rất trẻ là Alexandrov tác giả kịch bản phim nổi tiếng "Một trăm ngày sau tuổi thơ" (người mà bà đã mời về trường để cùng phụ trách lớp với mình) nên bà đã từ bỏ lớp của chúng tôi để đi phụ trách lớp khác. Dù vẫn gặp bà ở trường, dù vẫn thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của bà mỗi khi gặp gỡ nhưng riêng cá nhân tôi vẫn thấy nhớ Vera ghê gớm mỗi lần có giờ học chuyên môn vào sáng thứ 3 và thứ 6 mỗi tuần. Chúng tôi đọc và bình luận các sáng tác mới của nhau để thầy Alexandrov nhận xét, góp ý. Tôi nghe  thì nghe vậy nhưng thâm tâm vẫn không sao quên được giọng nói ngọt ngào ấm áp của bà Vera. Càng không quên được sự nhận xét tinh tế, sâu sắc của bà qua mỗi tiểu phẩm mà chúng tôi nộp lên. Cả lớp chúng tôi bị hụt hẫng rất lâu sau sự cố đó.

Cách đây chừng dăm năm - một người bạn Nga viết thư cho biết cô giáo Nga đầu tiên của tôi về môn biên kịch điện ảnh đã đột ngột từ trần dù tuổi bà chưa cao. Khỏi phải nói là tôi đã buồn như thế nào. Tôi ngồi lặng đi trong phòng làm việc của mình để nhớ về bà - một phụ nữ Nga xinh đẹp, sang trọng, đôn hậu, tinh tế và thật giàu lòng trắc ẩn. Đến bây giờ thì những năm tháng sống bên Nazym Hikmet cũng đã được bà viết ra, kể lại và đã được in thành sách với tên gọi "Cuộc trò chuyện cuối cùng với Nazym Hikmet". Hẳn bà thấy cần phải viết về điều này trước khi từ giã cõi đời… Tôi sẽ nhờ bạn bè tìm cho cuốn sách của bà để đọc, để được hiểu hơn về cuộc sống của bà với Nazym, sau những năm tháng trước đây do tế nhị đã không dám hỏi. Nhất định là như thế.

Tháng 11/2009 này, Trường VGIK của chúng tôi sẽ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Trong hàng ngàn vạn sinh viên cũ của trường ở trên khắp thế giới sẽ đổ về Moskva tham dự ngày lễ và thăm các thầy dạy của mình ngày xưa, chắc hẳn đã vắng bóng nhiều giáo sư nổi tiếng của trường, trong đó có Vera Tuljacova. Nhưng không sao, Vera Tuljacova sẽ còn sống mãi trong lòng những sinh viên của bà, trong đó có cô học trò nhỏ Việt Nam đã may mắn được học hành, gần gũi bà, được bà đặt tên và luôn gọi một cách trìu mến là Nadia, Nadiuska - người - đang - viết - những - dòng - này như một nén hương thơm tưởng nhớ tới bà. Quan trọng hơn, bà sẽ còn sống mãi trong những bài thơ về tình yêu viết dành tặng cho bà của thi hào Nazym Hikmet

Nguyễn Thị Hồng Ngát
.
.