Người vợ cuối cùng của Esenin

Thứ Năm, 19/03/2009, 14:25
Trong cuộc đời ngắn ngủi, hào hoa  và bi thảm của mình, Sergey Esenin đã từng dấn thân vào vô số những mối quan hệ tình cảm nam nữ nhưng chỉ có ba người vợ chính thức. Nữ nghệ sĩ sân khấu Zinayda Raikh, vũ nữ Aysedora Duncan và Sofia Tolstaya.

Tuy nhiên, trong cách nhìn nhận của những người biết anh gần gụi, Esenin luôn là chàng Thủy Tiên cô độc. Bản thân anh sinh thời cũng không buồn giấu điều này. "Tôi là kẻ lạnh lùng" - anh từng nói không chỉ một lần với  Neđezha Volpin, người phụ nữ từng làm mẹ một người con trai của anh mà cho tới chết, anh vẫn chưa từng một lần thấy mặt.

Trong lá thư gửi nhà văn A. I. Tarasov - Rodionov trước khi xuống Leningrad ngày 25/12/1925, năm ngày trước khi chết, Esenin đã viết: "Trong đời tôi chỉ yêu có hai người phụ nữ. Đó là Zinaida Raikha và Duncan. Còn những người khác thì… Biết làm sao được, cần phải thỏa mãn những nhu cầu và tôi đã thỏa mãn…

Dù tôi đã thề nguyện với ai về tình yêu nồng cháy, dù tôi có tự nhủ với mình biết bao nhiêu, - thì thực chất, đó cũng chỉ là sai lầm to lớn nhất và đầy oan nghiệt. Có một cái gì đó mà tôi yêu hơn tất cả mọi phụ nữ, cao hơn tất cả mọi phụ nữ và tôi không thể đánh đổi lấy bất cứ sự âu yếm dịu dàng và tình yêu nào. Đó là nghệ thuật".

Cả hai người vợ mà Esenin cho rằng anh thực sự yêu đều kết thúc đời mình một cách bi thảm. Và số phận người vợ thứ ba, Sofia Tolstaya, cũng chẳng vui vẻ gì, ít ra thì cũng bởi anh đã để cho đời gieo tiếng ác cho chị quá nhiều, trong khi chị đã yêu và ngưỡng mộ anh như một thần tượng.

Sofia Tolstaya, sinh năm 1900, tại trang trại Yasnaya Poliana của ông nội, đại văn hào Nga Liev Tolstoi.  Ngay cả về ngoại hình, trông chị cũng rất giống như ông mình. Chị đã phải trải qua một tuổi thơ không đơn giản: khi chị lên 4 tuổi, cha mẹ chị li dị và người mẹ mang con gái mình sang Anh quốc.

Có lẽ cảnh đời như thế đã nung nấu trong lòng Sofia một khát khao tổ ấm gia đình cháy bỏng. Tiếc thay, đời thực đã không chiều chị… Sofia là con gái của ông Andrey Tolstoi (1877 - 1916) trong cuộc hôn nhân với bà Olga Diterikhs, chị gái của một "đệ tử tinh thần" của đại văn hào Nga, V.G. Chertkov.

Người chồng đầu tiên của Sofia Tolstaya (từ ngày 19/10/1921) là Sergey Sukhotin, con trai trong cuộc hôn nhân thứ nhất của một "đệ tử tinh thần" khác của đại văn hào Nga, M.S. Sukhotin. Ông M.S. Sukhotin sau khi li dị người vợ đầu đã lập gia đình với con gái của đại văn hào, Tachiana Tolstaya (1864-1950), bác  ruột của Sofia.

Sergey Sukhotin được nhiều người biết tới nhờ việc tháng 12/1916 đã cùng đại công tước Dmitri Pavlovich và công tước Feliks Yusupov và V.V.M. Purishkevich tham gia vào vụ hạ sát tên thầy tu cuồng loạn Rasputin. Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, Sergey Sukhotin từng  phụ trách khu di tích  trang trại của đại văn hào Nga Yasnaya Poliana một thời gian (về sau, con gái của đại văn hào, Aleksandra Tolstaya, 1844-1979, đã thay thế ông này).

Cuộc hôn nhân giữa Sergey Sukhotin với Sofia Tolstaya rất ngắn ngủi: tháng 1-1922, Sergey Sukhotin bị  đột quị và bị liệt. Ông đã li dị vợ. Sau khi li dị, Sofia đã sinh một cô con gái. Năm 1925, ông Sergey Sukhotin đi ra nước ngoài và đã chết ở nơi đất khách quê người…

Trước khi kết thân với Esenin, Sofia Tolstaya đã có một cuộc tình rất nồng cháy với nhà văn Boris Pilniak. Esenin đã đoạt lấy Sofia từ vòng tay của bạn nghề và vì thế, quan hệ giữa hai người trong năm cuối cùng của cuộc đời thi nhân đã rất căng thẳng.

Esenin và Sofia Tolstaya làm quen với nhau vào tháng 3/1925, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 25 của chị. Hai tuần sau, Esenin chuyển tới sống cùng ở nhà chị trên ngõ Troysky. Đám cưới giữa Esenin với Sofia Tolstaya diễn ra vào tháng  7/1925, và sau đó, hai người đã có chuyến du lịch trăng mật tới Cápcadơ.

Tuy nhiên, phải tới tháng 9/1925, cặp vợ chồng lừng danh này mới chính thức đăng ký kết hôn, mặc dầu ngay cả khi đó Esenin vẫn không có chứng chỉ li dị chính thức với vũ nữ Duncan.

Nhiều người thân của Esenin đã chê trách cuộc hôn nhân ngắn ngủi này của nhà thơ với Sofia nhiều hơn khi chê trách cuộc hôn nhân của anh với vũ nữ Duncan và chuyến "du diễn" khắp châu Âu và Bắc Mỹ của hai người trước đó.

Xuất thân từ một dòng họ danh gia vọng tộc, Sofia Tolstoya yêu cầu phải thực hiện nghiêm chỉnh nhất các nghi lễ truyền thống. Thế nhưng, phong cách này của chị hoàn toàn không thích hợp với tính cách phóng túng, vui vẻ tinh nghịch giản đơn của thi sĩ.

Lấy được Sofia Tolstaya làm vợ, Esenin đã rất hãnh diện với xung quanh.  Người đàn bà với gương mặt hơi vuông chữ điền và một trí tuệ sắc sảo cùng một trái tim rộng mở đã góp vào cho cuộc đời lang bạt náo động của thi sĩ ánh sáng và bình yên.

Tuy nhiên, mọi sự khi đó đã là muộn màng - trải qua quá nhiều sóng gió tình cảm và không ít những đổ vỡ tín điều, Esenin khi ấy đã không còn đủ năng lực để mang lại hạnh phúc cho những người đàn bà thực sự yêu anh…

Nói một cách công bằng, Esenin không phải là một người chồng tốt. Anh uống rượu như nước lã, mê mải làm việc và ít quan tâm tới người vợ trẻ. Bạn bè thân thiết đã không chỉ một lần khuyên Sofia rời bỏ Esenin. Đặc biệt là mẹ của Sofia  thì lúc nào cũng muốn con gái mình li dị.

Thế nhưng, Sofia không cho phép bất cứ ai, kể cả mẹ chị, được nói điều gì không hay về Esenin. Trong thư gửi cho mẹ, Sofia Tolstaya kể: "Rồi con gặp Sergey. Và con chợt hiểu ra rằng, điều đó cực kỳ to lớn và định mệnh. Con không cần anh ấy với  tư cách một tình nhân. Đơn giản là con yêu anh ấy hơn tất cả. Mọi thứ khác thì sau mới đến.

Con biết rằng con đang đi tới cây thánh giá của đời mình và con đi rất có ý thức, vì thế không phải hối tiếc bất cứ thứ gì trong cõi  thế này  nữa. Con chỉ muốn sống để cho anh ấy. Con dâng hiến tất cả con cho anh ấy. Con hoàn toàn mù lòa câm điếc rồi và con chỉ có anh ấy thôi.

Nếu mọi người còn yêu quý con thì con xin các vị cả trong ý nghĩ lẫn trong lời nói đừng bao giờ phê phán anh Sergey cả và đừng buộc tội anh ấy trong bất cứ việc gì. Nếu anh ấy say và hành hạ con trong cơn say thì đã làm sao! Anh ấy đã yêu con và tình yêu của anh ấy xoa dịu tất cả. Và con cảm thấy hạnh phúc, vô cùng hạnh phúc…

Con cảm ơn anh ấy về mọi chuyện và tha thứ cho anh ấy mọi chuyện. Anh ấy đã cho con niềm hạnh phúc - được yêu anh ấy!".--PageBreak--

Cuối tháng 12/1925, Esenin lẳng lặng lẩn trốn khỏi Moskva, không nói với cả vợ lẫn bè bạn bất cứ một lời nào. Nỗi đau đớn của Sofia vì Esenin trong giai đoạn đó đã được mẹ của Sofia miêu tả trong một lá thư gửi bạn: "Không thể có đủ lời để miêu tả lại những gì mà tôi đã cảm thấy cho Sonya (tên gọi tắt của Sofia - TG)  bất hạnh...

Toàn bộ mùa thu này, từ khi hai vợ chồng con gái tôi trở về từ Bacu, đó toàn là cơn ác mộng. Không hiểu làm sao mà Sonya lại có thể tiếp tục yêu cậu ấy - thực sự là không thể nào hiểu được và có lẽ chỉ có thể giải thích bằng những bí ẩn của tình yêu. Và có lẽ là Sonya đã yêu cậu ấy vô cùng tận.

Những hành động của cậu ấy, sự ghen tuông cuồng loạn và thô lỗ của cậu ấy -  đều được Sonya lý giải bởi bệnh tình và âm thầm, nhẫn nại chịu đựng, không hề than thở với ai….

Tới cuối tháng 11 đầu tháng 12, cậu ấy quyết định phải đi chữa bệnh và vào nằm viện nhưng chỉ được ít lâu lại cảm thấy buồn tẻ. Cậu ấy trở về nhà ngày 21/12 trong trạng thái say bét nhè với chai rượu cầm trên tay… Tối ngày 23, Sonya gọi cho tôi: "Anh ấy đi rồi"…".

Khi Sofia (ngày 25/12/1925) nhận được tin Esenin đã tự vẫn, chị gào lên điên loạn, không muốn tin rằng vĩnh viễn từ đó chị đã bị mất người chồng thân quý nhất… Esenin đã không yêu Sofia và cũng không buồn giấu giếm điều này. Không ai hiểu, vì sao anh lại cưới chị.

Trong một lá thư gửi bạn gái ngày 11/1/1926, mẹ của Sofia Tolstaya đã viết về Esenin như sau: "Tôi hoàn toàn không hiểu cuộc sống của Esenin, thậm chí còn rất chán nhiều chuyện trong cuộc sống đó…

Bây giờ nhiều người đang trách móc Sonya, cho rằng nó đã không tạo cho anh ấy tổ ấm, thậm chí có người nói là nó đã đuổi anh ấy đi. Trời ơi, làm sao tạo dựng được tổ ấm một khi anh ấy gần như lúc nào cũng say bí tỉ, ngày hóa ra đêm, đêm hóa ra ngày; luôn luôn trọ trong nhà là những kẻ nào đó không thể chịu nổi, thậm chí toàn những kẻ du đãng, nát rượu, bẩn thỉu.

Cô hầu của nhà phải vất vả lắm mới kịp cho đám người đó ăn uống. Tất cả đám người đó ăn ngủ trên giường, trên bàn của chúng tôi, tiêu bằng tiền của Esenin; anh ấy không tiếc họ bất cứ một thứ gì cả. Trong khi đó thì Sonya lại không có giày, không có tất, không có thứ đồ gì mới, toàn là những đồ đã dùng cũ hết cả rồi.

Anh ấy đã định đặt mua cho nó nhẫn cưới và tặng cho nó đồng hồ nhưng mãi mà vẫn không làm việc đó. Mỗi tháng anh ấy nhận hơn 1.000 rúp nhưng lại tiêu hết sạch vào các trận nhậu và nợ tiền nhà hơn ba tháng, nợ tôi gần 500 rúp từ mùa hè…

Tất nhiên rồi, không thể buộc tội anh ấy vì anh ấy đau ốm. Nhưng tôi xót cho Sonya lắm. Nó hoàn toàn trung thành với anh ấy và yêu anh ấy như yêu một người chồng và một  thi nhân tới mức không thể tìm thấy một sự chung thuỷ nào lớn hơn thế nữa. Yêu như thần tượng anh ấy và tài năng của anh ấy…"

Quả thực là Sofia Tolstaya đã thực sự yêu Esenin, bất chấp tất cả mọi đàm tiếu và đồn đại. Cuộc sống chung ngắn ngủi của họ diễn ra trong gần một năm (kể cả một tháng Esenin phải vào bệnh viện tâm thần và từ đó, trở lại nhà của gia đình vợ chỉ để lấy đồ để dấn thân vào chuyến đi cuối cùng tới Leningrad và tìm thấy cái chết ở đó) đã bị ám ảnh bởi những cuộc cãi cọ liên miên.

Sau khi Esenin chết, Sofia Tolstaya vẫn gìn giữ lòng chung thuỷ với anh và cố gắng gìn giữ mọi thứ liên quan tới cuộc đời của anh. Chị từng là người trông coi Viện bảo tàng Esenin thuộc Hội Nhà văn Liên Xô. Chị cũng từng là người phụ trách Viện bảo tàng Liev Tolstoi ở Moskva.

Chính chị đã là người thu dọn lại những bản thảo mà Esenin để lại và biên soạn trước tác của anh để cho in thành sách. Trong những thời điểm khó khăn đối với việc phổ biến rộng rãi thơ của Esenin, Sofia từng đích thân biên tập hai tuyển thơ của anh ("Thơ và trường ca" năm 1931 và "Tuyển tập" năm 1946). Khi về già, Sofia thường xuyên đau ốm và chết trong cô độc năm 1957. Chị được mai táng tại Yasnaya Poliana.

Sinh thời, Esenin đã có một bài thơ thấm thía viết tặng Sofia Tolstaya. Bài thơ như sau (bản dịch của nhà thơ Hồng Thanh Quang):

"Ta là ai? Ta là chi? Chỉ là người huyễn tưởng
Quầng mắt xanh lạc mất giữa sương mù.
Ta đã sống kiếp này như tiện thể,
Cùng bao người trong cõi thế phù du.

Và hôn em cũng chỉ vì ta đã
Hôn bao người vầy vậy thành quen.
Và ta nói những lời ân ái quá
Cũng tựa hồ quệt những que diêm.

"Quý giá ạ!", "Yêu thương ơi", "Mãi mãi!"
Nhưng trong lòng luôn ngán ngẩm làm sao.
Khi cảm xúc ở trong mình héo úa,
Sự thật kia ai tìm được thế nào.

Chính bởi thế hồn ta hờ hững lắm,
Không khát khao, không muốn lửa trào tuôn,
Em chỉ là cây bạch dương di động
Cho bao người và cho nốt ta luôn.

Nhưng mãi khát kiếm tìm thân thương nhất
Và đớn đau trong kìm hãm u lì,
Ta chẳng chút hờn ghen em chi cả,
Chẳng khi nao ta quở trách em gì.

Ta là ai? Ta là chi? Chỉ là người huyễn tưởng
Quầng mắt xanh lạc mất giữa sương mù.
Và ta đã yêu em như tiện thể
Cùng bao người trong cõi thế phù du…"

Huyền Anh
.
.