Người tử tế ở Cần Thơ

Chủ Nhật, 22/11/2009, 08:53
Lần đầu tôi gặp anh Sáu Thạch là cách đây gần chục năm, khi tôi cùng một nhóm nhà văn, nhà báo thực hiện một chuyến công tác tốc hành xuống miệt vườn Nam Bộ, đi qua khá nhiều địa danh lừng lẫy và gặp rất nhiều những gương mặt ấn tượng của ngành Bưu chính viễn thông ở phương Nam. Khi đó, anh Sáu Thạch, tên đầy đủ là Ngô Quang Thạch, đang là Giám đốc Bưu điện Cần Thơ.

Thực sự là tôi cũng như nhà văn Lê Lựu, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa… đã rất cảm động trước thịnh tình và đặc biệt là sự chân thành trong giao tiếp của anh Sáu Thạch mà có lẽ chỉ những người rất đỗi tử tế mới có thể có được. Gặp lại anh vào cuối tháng 10/2009, trong tôi những cảm xúc cũ lại dào dạt trở về. Anh Sáu Thạch giờ đã "rửa tay gác kiếm", không còn giữ cương vị giám đốc nữa nhưng với anh em bạn bè cũ, vẫn là "người nhà" trong mọi công việc.

Tôi nhớ lại những gì đã viết về anh:

"Với gương mặt tròn cởi mở và luôn biểu lộ thiện ý với người đối diện, tác phong chân tình, nồng hậu, Giám đốc Bưu điện Cần Thơ Ngô Quang Thạch có lẽ không gặp nhiều khó khăn lắm trong việc thu phục nhân tâm để làm những công việc chung. Tiếp xúc với anh trong chuyến công tác "tốc hành" xuống Cần Thơ, nhóm nhà văn, nhà báo chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình với đời, với người, với công việc ở người anh cả của ngành Bưu điện tại một địa phương mang tính trọng điểm đối với vùng đất "Gạo trắng nước trong" đang thời làm ăn sôi động này.

Sinh ra tại Bạc Liêu nhưng không phải là "công tử", Sáu Thạch ngay từ trẻ đã đắm mình trong không khí đấu tranh cách mạng của gia đình và quê hương. Anh là con út trong số sáu anh em. Theo cha, theo mẹ, theo bà con chòm xóm, cả 6 người đều tích cực tham gia các hoạt động của đoàn thể. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi của anh hai người thân. Bản thân Sáu Thạch ngay từ khi còn bé tí đã đi giao liên cho cách mạng.

Năm 1962, ở tuổi mười lăm, học văn hóa hết lớp bốn, anh được cử đi học lớp vô tuyến điện. Dễ đến ba bốn năm liền anh phải một mình đảm đương chức phận của một người chiến sỹ trên mặt trận tin tức, phát tin từ vùng sâu chiến sự Tây Nam Bộ ra ngoài Thông tấn xã Việt Nam. Có những tình huống tưởng chết mười mươi vì bom đạn giặc, may thay hồng phúc ông bà đã giúp anh tai qua nạn khỏi. Trở về sau chiến tranh, Sáu Thạch không chỉ là một kỹ thuật viên vô tuyến điện dày dạn kinh nghiệm thực tế, mà còn tạo dựng được cả một tổ ấm nho nhỏ của mình. Anh cưới vợ năm 1973 trong chiến khu. Vợ anh vốn làm công tác thanh niên ở Sóc Trăng. Anh chị gặp nhau như "duyên kỳ ngộ" và chẳng bao lâu sau ngày cưới, họ đã có ngay "đầu lòng một ả tố nga"…

Lẽ dĩ nhiên là với quá trình công tác trong chiến tranh như Ngô Quang Thạch, sau năm 1975 anh trở thành cán bộ của ngành Bưu điện. Đó là giai đoạn đầy rẫy những khó khăn thiếu thốn không chỉ riêng với ngành mà với cả chung đất nước. Cho tới hôm nay, Sáu Thạch vẫn như nguyên những gì mà anh cũng như các đồng nghiệp phải trải qua trong "thời bao cấp". Cuộc sống công chức Nhà nước đầy rẫy những thiếu thốn. Đồng lương eo hẹp, cả nhà anh phải nuôi lợn thêm. Có lẽ những cán bộ trẻ trung xinh đẹp "quần là, áo lượt" hôm nay của Bưu điện Cần Thơ khó có thể hình dung ra được chú Giám đốc khả kính và tốt bụng của mình từng có thời ngày ngày phải cần mẫn dọn dẹp chuồng lợn, chăm bẵm cho con vật từng là "niềm hy vọng nặng ký" của mọi gia đình cán bộ…

Ai từng ăn nhạt, hẳn sẽ biết thương mèo. Có lẽ chính những khó khăn một thuở đã càng làm cho vị giám đốc tương lai của Bưu điện Cần Thơ rèn luyện bản lĩnh vượt khó của mình. Với điểm xuất phát ban đầu về văn hóa không cao do chiến tranh, anh đã liên tục cần mẫn học hỏi thêm cả những khóa chính quy lẫn tự học. Sự kiên trì và tính chăm chỉ đã giúp anh tốt nghiệp được Đại học Kinh tế Bưu điện và lớp Cao cấp Lý luận Chính trị. Tri thức thu nhận được luôn giúp tăng tầm nhìn cho nhà lãnh đạo. Những tri thức đó trở nên rất hữu ích cho anh Sáu Thạch từ khi anh được bổ nhiệm lên làm Giám đốc Bưu điện Hậu Giang năm 1991 và Giám đốc Bưu điện Cần Thơ năm 1992, sau khi Bưu điện Hậu Giang tách ra làm hai (Bưu điện Cần Thơ và Bưu điện Sóc Trăng). Một giai đoạn phát triển mới của ngành Bưu điện Cần Thơ đã được bắt đầu.

Có thể nói không quá rằng, trong 10 năm qua, chính Bưu điện đã góp phần tối quan trọng trong vệc kéo Cần Thơ lại gần với cả nước và quốc tế. Vùng đất bên bờ Tây sông Hậu này đã nhanh chóng trở thành một trong những trọng điểm thông tin liên lạc quan trọng. Nói một cách công bằng, điểm xuất phát của vùng đất này thực sự rất nghèo nàn và sơ sài.

Năm 1990, toàn tỉnh Hậu Giang cũ (gồm Cần Thơ và Sóc Trăng) chỉ có 3.817 máy điện thoại, một con số như muối bỏ bể nếu so với nhu cầu thực sự của vùng đất này. Ngày nay chỉ riêng tại Cần Thơ đã có tới 62.000 máy. Mạng lưới bưu chính viễn thông tại Cần Thơ đã được hiện đại hóa ở mức cao, vươn tới những vùng sâu, vùng xa. Đến xã nào của Cần Thơ hôm nay ta cũng có thể sử dụng được dịch vụ điện thoại cố định. Báo Đảng được đưa tới từng chi bộ trong ngày. Doanh thu các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng không ngừng và thường vượt mức kế hoạch đề ra (năm 2000, doanh thu của Bưu điện Cần Thơ là gần 158 tỷ đồng). Nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật đã được áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc.

Giám đốc Ngô Quang Thạch đã không chỉ có trong tay mình "địa lợi" (vị thế tự nhiên của tỉnh Cần Thơ) mà còn có cả "thiên thời" (anh lên làm Giám đốc vào đúng giai đoạn ngành Bưu điện cả nước bước vào thời kỳ phát triển tăng tốc). Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của anh trong việc tạo dựng yếu tố "nhân hòa" cho Bưu điện Cần Thơ trong suốt mười năm qua. Với Giám đốc Ngô Quang Thạch, Bưu điện Cần Thơ đã tạo dựng được một đội ngũ cán bộ, công nhân viên đoàn kết nhất trí, chung một mục tiêu duy nhất là triển vọng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên của mình bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tạo ra các phong trào thi đua để cán bộ, công nhân viên tăng cường tự học thành tài.

Đã hơn một phần tư thế kỷ rời quân ngũ, cho tới hôm nay, anh Sáu Thạch vẫn còn giữ trong mình sự năng nổ và tính lạc quan trong công việc. Bao gừng cay muối mặn đã từng trải qua chỉ giúp anh rèn luyện nên một tính cách rắn rỏi mà mềm dẻo, biết cương nhưng cũng biết nhu, miễn là chạy việc. Trò chuyện với tôi, anh tâm sự: "Ở đời không nên quá khắt khe với người khác, đừng dồn ai vào đường cùng. Biết thông cảm và tha thứ thực ra luôn là đức hạnh". Cái tâm tốt lành của người lãnh đạo đã góp phần tạo dựng một không khí tốt trong cơ quan, giúp mọi người có thêm cảm hứng làm việc phấn đấu vươn lên…".

Có một câu chuyện mà anh Sáu Thạch cho tới giờ vẫn coi là một kinh nghiệm đắng đót nhất của đời mình: đó là những gì liên quan tới vụ án Nguyễn Lâm Thái, "cơn lốc" đã làm không ít cán bộ trong ngành Bưu chính viễn thông bị cuốn vào vòng lao lý vì những nguyên do lắm khi là tình ngay lý gian. Tâm sự với tôi, anh Sáu Thạch vẫn nói rằng, thực sự là anh có hối tiếc về những gì đã xảy ra trong vụ việc đó nhưng anh không ân hận vì anh đã không có hành động gì tư lợi. Tất cả là do trong quá trình phát triển quá nhanh quá mạnh của ngành mà đôi khi chúng ta bị vướng vào những sự chuyện rất khó giải trình minh bạch như thế.

Ngay trong phiên toà, khi được phát biểu ý kiến, anh cũng đã công nhận khuyết điểm của mình là "thiếu cẩn thận, cẩu thả, đơn giản, chủ quan, cả tin, ỷ lại vào các văn bản" của cấp trên cũng như các cơ quan hữu quan nên đã ký vào một số hợp đồng mà về sau các cơ quan hành pháp đã xác nhận là không đúng với quy định chung. Anh bảo, anh đã được an ủi rất nhiều vì anh em đồng nghiệp không ai hiểu sai tấm lòng trong sáng và sự liêm chính của anh cả… Thôi thì có sai thì phải có chịu nhưng quan trọng là cái sai của mình không hề là cố ý, không hề bởi tà tâm…

Gặp lại nhau tình cờ trong một sáng mùa thu rất đẹp trời ở Cần Thơ, thành phố mà tôi luôn có tình riêng với những câu thơ viết từ hồi trai trẻ "Gạo vẫn trắng, nước vẫn trong như thế, Em vẫn dài mái tóc khuất ban mai, Cầu mở phố, bằng lăng vàng yên ả, Đêm cà phê từng giọt ngân dài…", chúng tôi mời anh Sáu Thạch đi cùng lên xe ôtô để ngồi với nhau một bữa trưa cho thỏa những cảm mến về nhau. Thế nhưng, anh đã trả lời, các em cứ đi ôtô đi, anh đi xe máy tới. Và anh lụi cụi ra bãi để xe lấy chiếc DD cũ mèm của mình để đi.

Anh Thiêng, một người bạn cố tri của tôi, từng nhiều năm làm việc dưới quyền của anh Sáu Thạch, bấm tay tôi bảo, anh Sáu luôn thế đấy, cả khi đang làm giám đốc cũng vậy, ảnh không muốn phiền ai đâu, bao năm rồi vẫn chỉ cưỡi cái DD đó…

Minh Huyền
.
.