Người trưởng trại giam Hoả Lò đầu tiên

Thứ Sáu, 02/09/2005, 07:36

Ngày 10/11/2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 1228/QĐ-TTg, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Lê Cao Thái, hy sinh ngày 28/8/1945. Thế là, sau 58 năm âm thầm lặng lẽ, hương hồn người cán bộ Công an nhân dân Lê Cao Thái "thức dậy" trở về với đồng đội và hương hồn song thân của ông cũng được toại nguyện nơi suối vàng...

Năm 1970, trước lúc lâm chung bên chồng và đàn con cháu, cụ bà Trịnh Thị Tính trăng trối: “Gia đình ta, có bác cả Cao (Lê Cao Thái) và bác Lan cùng hy sinh năm 1945, cả hai đều chưa tìm thấy mộ. Nhưng bác Lan đã được công nhận liệt sĩ, còn bác cả có lẽ phải chờ đợi... Các con nay đã sum vầy, nhớ gắng tìm hai bác về đoàn tụ cho khỏi cô quạnh, hai bác đều chết lúc chưa có vợ”. Bốn năm sau, cụ ông Lê Văn Trọng trước khi theo cụ bà cũng nhắc lại tâm nguyện ấy và dặn thêm: “Thật ra, lúc đưa bác cả về mai táng ở nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội, đoàn thể có đưa xe đón bố mẹ về và trao cho nhà ta một số vật dụng của bác cả và hẹn giấy tờ sẽ đưa sau. Nhưng Cách mạng vừa thành công, chính quyền non trẻ có biết bao việc phải làm trong lúc đó thì giặc phá dữ dội, rồi chiến tranh liên miên thành ra thất lạc. Hiềm nỗi, bác cả hoạt động bí mật nên rất ít người biết về quá trình hoạt động của bác. Nay manh mối tìm bác cả đã hé lộ, bằng giá nào các con cũng cố tìm... Mà thời điểm 1944 - 1945, chính nhờ bác cả mà ba mới hiểu rõ hơn về Việt Minh”.

Những điều cụ Trọng nói có phần đúng, song cách sống và tinh thần yêu nước thương nòi của cụ mới là khởi nguồn giác ngộ cách mạng của anh Cao. Là một nhà giáo, trôi dạt đi dạy học ở khắp nơi: Bắc Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên nên cụ Trọng hiểu nhiều biết rộng và phần nào thấy rõ được bản chất của thực dân Pháp.

Hồi còn là giáo sinh ở Thái Bình, cụ Trọng đã dám chống lại quan tri huyện Thụy Anh là Cung Đình Vận bám đuôi thực dân Pháp. Năm 1927, được biết lãnh tụ Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập Việt Nam Quốc dân đảng để chống Pháp, cụ Trọng liền chủ động tìm đến và trở thành một trong số những người thân tín của Nguyễn Thái Học.

Năm 1930, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa Yên Bái, cụ Trọng đứng vai trò tham mưu ở “hậu trường”. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp chém đầu ngay tại Yên Bái, cụ Trọng trở về Bắc Giang tiếp tục dạy học. Ông Lê Hùng, một trong những người con của cụ Trọng, em ông Cao, kể: “Lúc đó, Tây đen, Tây trắng đến lục soát nhà tôi, chúng đánh đập mẹ tôi để tra khảo, hòng tìm bố tôi nhưng không thấy. Vài hôm sau, mẹ con chúng tôi được “mật báo” nơi ẩn náu của bố tôi và khăn gói lên đường. Từ đó, anh cả Cao trở nên lầm lì ít nói và căm thù giặc Pháp sâu sắc. Anh bảo: “Lớn lên sẽ đi học võ để đánh bọn Pháp”, mặc dù lúc này anh chưa đầy 8 tuổi”.

Ở Bắc Giang, cụ Trọng tiếp tục dạy học và giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho các con. “Riêng anh Cao tiếp thu rất nhanh và học giỏi tiếng Pháp. Thỉnh thoảng anh lại bày trò chơi “bắn bùm” cho các em và anh “giả vờ” là giặc Pháp...” - ông Hùng nói tiếp. Khoảng đầu những năm 40, anh Cao tốt nghiệp thành chung và ra Hà Nội kiếm việc làm trong một xưởng in ở đầu phố Hàng Điếu, đối diện chợ Hàng Da. Được sự cưu mang của cụ Ích Phong - một nhà tư sản yêu nước - hằng ngày, anh Cao về sống trên căn gác xép của nhà cụ ở 20 Hàng Nón. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, anh Cao đã tiếp cận được với người của Mặt trận Việt Minh ngay trong xưởng in.

Bà Nguyễn Thị Khâm Minh, con cụ Ích Phong, sau này đi theo cách mạng và là vợ một vị tướng, kể: “Anh Cao rất hiền lành, dáng người thanh mảnh, nho nhã. Nhiều lần tôi bắt gặp anh mang về những cái cặp đầy báo Cứu quốc và truyền đơn”. Từ đó, anh trực tiếp tham gia in ấn tài liệu, truyền đơn cho Việt Minh và đem đi rải, hoặc dán trong phố phường. Ngoài ra, hằng ngày anh Cao còn đi tuyên truyền đường lối chủ trương của Việt Minh cho anh em thợ thuyền trong thành phố.

Ông Đỗ Thọ Hồng, Đại tá đã nghỉ hưu, hiện làm ở Ban Tổng kết chiến tranh Bộ Quốc phòng, cùng tổ hoạt động bí mật với ông Cao cũng kể: “Tôi và anh Cao đi rải truyền đơn, thay phiên nhau, người đi trước quết hồ, người đi sau dán. Anh Cao là người rất thông minh và nhanh nhẹn. Anh nghĩ ra nhiều mẹo: đặt bó truyền đơn lên nóc ôtô, khi ôtô chạy truyền đơn bay khắp phố; chờ tàu điện đỗ, sắp chuyển bánh thì ném truyền đơn vào, đêm xuống luồn truyền đơn qua khe cửa sổ từng nhà...”.

Vì hoạt động tích cực, sôi nổi và có nhiều kinh nghiệm, cuối năm 1943, anh Cao được kết nạp vào Đảng và được cử làm tổ trưởng Tổ Công tác trong Việt Nam Cứu quốc hội. Lúc này, đồng chí Hoàng Tùng (sau này là Bí thư Trung ương) được phân công về Ban Tuyên truyền thuộc Thành ủy Hà Nội và là cấp trên của anh Cao. Do công việc hoạt động bí mật nên anh Cao không hề hay biết điều này.

Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp, đặt ách đô hộ đất nước ta, để có thể chui sâu và nắm vững kẻ thù, anh Cao xung phong đi học tiếng Nhật ở trường của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trên phố Sinh Từ. Thời cơ Cách mạng đã đến, ngày 17/8/1945, Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc míttinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố hòng tung hô “chính phủ lâm thời” Trần Trọng Kim. Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội chớp cơ hội lãnh đạo quần chúng cách mạng chiếm diễn đàn cuộc míttinh này. Cuộc míttinh vừa khai mạc thì bất ngờ các đội viên tuyên truyền xung phong từ các đám đông giương cao lá cờ đỏ sao vàng. Quần chúng hò reo vang dậy: “Cờ Việt Minh! Cờ Việt Minh!”. Diễn đàn hoàn toàn do Việt Minh kiểm soát. Lẫn trong đoàn biểu tình, anh Cao và Đỗ Trọng Hồng len lỏi tung ra hàng loạt truyền đơn. Cuộc míttinh ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim trở thành cuộc míttinh ủng hộ Việt Minh.

Ngày 18/8, không khí Cách mạng càng sục sôi, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, khẩu hiệu được giăng ra khắp phố. Anh Cao vào phố nhờ bà con may thêm cờ rồi dùng loa kêu gọi quần chúng vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 19/8, anh Cao có mặt trong lực lượng tự vệ kéo về tràn ngập Nhà hát Lớn, dự míttinh và biểu tình thị uy, chiếm các vị trí phủ Khâm sai (phủ Thủ tướng bây giờ)... Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, Ủy ban Kháng chiến hành chính lâm thời các cấp thành phố đã được thành lập. Tình hình trong các cơ sở của địch để lại lúc này rất lộn xộn, Xứ ủy chỉ đạo một bộ phận do đồng chí Cao dẫn đầu vào tiếp quản nhà pha Hỏa Lò. Đồng chí Lê Cao trở thành Trưởng Trại giam Hỏa Lò đầu tiên của chính quyền cách mạng.

Tại trại giam Hỏa Lò, ngay lập tức đồng chí Cao ra lệnh giải phóng toàn bộ tù chính trị của ta bị địch giam còn sót lại. Riêng tù thường phạm, hình sự nhiều lần manh động, tìm cách vượt ngục đều bị đồng chí Cao trấn áp có hiệu quả, mặc dù tất cả anh em canh giữ đều không có nghiệp vụ quản giáo và đều rất trẻ.

8 giờ sáng ngày 28/8/1945, lợi dụng nhà giam mở cửa cho xe vào, tù thường phạm nổi loạn chạy ào ra đến tận cổng. Tình thế lúc này thật nguy ngập, đồng chí Cao dũng cảm đứng chặn đầu bọn tù, rút súng bắn chỉ thiên, bọn tù chững lại và cổng tù được kịp thời đóng lại... Nhưng thật đau xót, cũng trong giây phút đó, từ trên chòi cao, một chiến sĩ trẻ lăm lăm cây súng kíp chạy xuống, lúng túng, súng cướp cò, viên đạn găm trúng bụng đồng chí Cao!

Chỉ còn 5 ngày nữa là lễ Quốc khánh nhưng đồng chí Cao đã hy sinh. Mặc dù trăm công nghìn việc đang chờ đợi chính quyền mới nhưng lễ tang đồng chí Cao diễn ra trọng thể tại Bệnh viện Phủ Doãn. Ông Nguyễn Văn Thịnh quản lý trại giam Hỏa Lò cùng anh Cao và sau này là Cục trưởng Cục II, Ban Quản trị tài chính Trung ương, nay đã 84 tuổi, nhớ lại: “Anh Cao Thái là người cách mạng đầu tiên vào năm 1945 được phủ lá cờ đỏ sao vàng lên linh cữu. Và có thể nói anh ấy cũng là người đầu tiên hy sinh trong khởi nghĩa Tháng Tám”. Thi hài đồng chí Cao được đưa về nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội... Đến sau khi thống nhất đất nước, các ngành thương binh xã hội phải tập trung giải quyết một số lượng lớn hồ sơ liệt sĩ đã rõ ràng, cụ thể nên trường hợp của liệt sĩ Lê Cao Thái tạm gác lại. Đất nước đổi mới, trường hợp hy sinh của liệt sĩ Lê Cao Thái đã được xem xét lại kỹ lưỡng... Và trong ngày lễ truy điệu ông cuối năm 2003, đã có đầy đủ các ban, ngành, đoàn thể Công an đến dự. Ông Hùng tâm sự: “Vậy là ông cả Cao và ông Lan đã về sum họp với nhau. Các cụ nhà tôi chắc đã an lòng”.

Liệt sĩ Lê Lan là em ruột của ông Cao, Tiểu đội trưởng Đoàn Thanh niên tiền phong quyết tử, hy sinh ngày 30/9/1945 ở Sài Gòn khi thực dân Pháp trở mặt gây hấn. Theo gương ông Cao, ông Lan, 9 anh chị em còn lại đều tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Ông Lê Lan lên Việt Bắc, vào bộ đội năm 1952 và là chiến sĩ trong Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 pháo xạ cao 37mm, đơn vị bắn rơi máy bay đầu tiên ngày 14/3/1954 ở Điện Biên Phủ. Rồi ông Lê Hùng tham gia bộ đội năm 1946, sau này trở thành Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Tổng công ty Xuất nhập khẩu toàn bộ - Bộ Ngoại thương.

Giờ đây, khi nhắc đến liệt sĩ Lê Cao Thái, đồng chí Hoàng Tùng nói: “Các đồng chí phụ trách trước tôi như anh Trần Danh Tuyên, Nguyễn Duy Thân, Hoàng Hữu Nhân đều công nhận đồng chí Lê Cao Thái là một cán bộ cứu quốc rất anh dũng”

Tiên Sơn
.
.