Người sẽ trở thành Tổng thống mới ở nước Nga từ ngày 7/5/2012: Cá tính từ nhỏ

Thứ Năm, 03/05/2012, 08:40
Ngày 7/5 tới  trong Điện Kremli sẽ diễn ra lễ bàn giao chính thức vị trí Tổng thống từ ông Dmitri Medvedev sang cho ông Vladimir Putin. Và điều đó có nghĩa là, nước Nga chỉ có thể diễn ra những thay đổi trong chiến thuật chứ sẽ không đổi hướng đi đã được lựa chọn từ hơn chục năm nay.

Bởi lẽ, người cầm lái con thuyền Nga la tư là một chính trị gia có tính cách kiên định đến sắt đá. Tính cách này đã được hình thành từ những năm thơ ấu của ông ở thành phố Leningrad, tức Saint Peterburg hiện nay.

Khổ ải từng qua

Theo lời kể của bà Vera Gurevich, cô giáo chủ nhiệm của ông Putin từ lớp 4 tới lớp 8 tại trường phổ thông số 193, ấn tượng về nơi ở của gia đình nhà lãnh đạo tương lai “thực khủng khiếp”. Đó là khu chung cư “không có tiện nghi gì cả. Không có nước nóng, không có nhà tắm. Phòng vệ sinh rất đáng kinh hãi, trổ ở ngay dưới chân cầu thang. Lạnh lẽo, ghê hồn. Cầu thang chỉ có tay vịn bằng sắt...”. Chính ở đây, Vova lần đầu tiên hiểu được thế nào là “bị dồn vào góc tường” và cậu bé nhớ mãi câu chuyện đó như một bài học đối nhân xử thế ở đời. Khu nhà có rất nhiều chuột.

Một trong những trò vui giải trí của nhà lãnh đạo tương lai là cùng bạn bè cầm gậy đuổi chuột. Có lần, Vova đuổi theo một con chuột cống to sù và dồn nó vào góc tường. Không còn đường nào chạy nữa, con chuột bỗng hóa khùng và bất ngờ  quay lại phản kích, lao sầm sầm vào phía cậu bé nghịch ngợm. Vova sợ hết hồn, phải nhanh chân lắm mới kịp chạy vào nhà rồi đóng ngay cửa lại trước mũi nó mới thoát...

Ấn tượng này theo ông Putin đến mãi về sau và từ đó ông hiểu rằng, dồn người khác vào góc tường bao giờ cũng là việc rất nhiều bất cập, có thể làm hại tới mình! Đừng dễ mình khó người mà phải ngược lại. Một khi ta càng có nhiều quyền lực thì ta càng nên nghĩ tới việc mở ra thêm lối thoát cho những người khác, chứ không phải bức bách họ quá...

Ngay từ bé, Vova đã có tính hiếu động và hay gây gổ. Về sau, Vladimir Putin cũng tự nhận mình thuở nhỏ đã từng là “đầu gấu”. Vova ngại ngồi vào bàn học và chỉ thích chơi bời lêu lổng ngoài sân, đầu têu cùng vài ba đứa bạn, đặc biệt là hai anh em nhà Kovshov,  đua nhau chạy nhảy trên nóc các garage hay nhà kho... Đến mức có lần cô giáo chủ nhiệm phải tới nhà nói với ông bố: “Bác ơi, Vova không cố gắng học  tập gì cả”. Ông cụ, một bí thư chi bộ ở cấp phân xưởng, vốn tính bộc trực, đáp luôn: “Làm thế nào được, không lẽ lại giết nó đi à?!”. Cụ thân sinh ra ông Putin vốn tính khá nghiêm khắc với con, dù rất thương con nhưng cũng hay cho con “ăn” thắt lưng luôn mỗi khi Vova phạm lỗi. Tuy nhiên, dù sợ bị bố đánh nhưng Vova vẫn “chứng nào tật ấy”.

Mặc dù trường phổ thông 193 chỉ cách nhà có 7 phút đi bộ nhưng Vova thường xuyên đi học muộn do hay ngủ rốn, lắm khi trong mùa đông không kịp cả mặc áo bành tô, cứ phong phanh “áo vải hồn muôn trượng” chạy một mạch từ nhà vào lớp. Thói quen “nước đến chân mới nhảy” còn bám riết ông Putin tới tận bây giờ và ngay cả khi đã ở những cương vị cao, mặc dù như lời ông nói “tôi đã rất cố gắng” nhưng ông cũng hay tới muộn các cuộc gặp đôi khi rất quan trọng. Thậm chí, như Báo Văn học viết, khi đã ở trên đỉnh cao quyền lực, ông Putin có lúc còn tỏ ra chậm trễ trong việc đưa ra những phản ứng đối với các vấn đề thời sự đang được mọi người quan tâm. Với ông, chậm mà chắc còn hơn là vội mà thành bộp chộp...

Cứng cỏi nhưng trữ tình

Cũng vì quá nghịch nên mãi tới lớp 6, Vova mới được kết nạp vào Đội Thiếu niên khăn đỏ (thông thường, những trẻ em Xô viết khác được kết nạp vào đội ngay từ năm lớp 3). Sau khi vào đội rồi, Vova đổi thay tính cách theo hướng tích cực. Đôi lúc cậu cũng tỏ ra lãng mạn và cầm đàn ghi ta đệm cho mọi người hát những ca khúc đang được ưa chuộng thời đó như bài hát dựa trên lời thơ của Yevgeni Vinokurov nói về anh chàng Seriozhka từ phố Malaia Bronnaia và Vitka từ phố Mokhovaia, đã hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc và vĩnh viễn nằm lại bên kia dòng sông Visla mơ màng trên quê hương của “Chopin hồn chứa chan”. Vova, cũng như nhiều người Xô viết khác, rất thích những ca khúc do Vladimir Vysotski sáng tác và tự trình bày… Những bài hát đó đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng một phong cách nam nhi đích thực cho Vova. Đã là người đàn ông thì phải sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, cam go và “quyết đạt mục đích chứ không đầu hàng”, như lời tự nhủ của nhân vật chính trong bộ sách Thuyền trưởng và đại úy.

Càng lớn, Vova càng học khá hơn và tỏ ra rất có năng khiếu về ngoại ngữ. Cậu theo học lớp chuyên về tiếng Đức... Không chủ tâm học giỏi nhưng Vova vẫn thường được điểm cao, toàn 4 với 5 (thang điểm 5)...

Năng khiếu thể thao

Tuy nhiên, tụ bạ nhau để hát hò hay ngồi mài đũng quần bên bàn học bài không phải là điều lôi cuốn nhất đối với Vova. Vova cũng cưỡng lại ý muốn của ông bố về việc cậu phải tập chơi đàn phong cầm. Chú bé hiếu động này thích thể thao hơn. Vì muốn luôn chiến thắng trong các vụ gây gổ ngoài đường phố nên năm lên 10 - 11 tuổi, Vova quyết định đi học quyền Anh. Nhưng rồi một lần bị đấm quá đau, lệch cả mũi nên cậu bé lại chuyển sang Sambo, một môn phái võ rất thịnh hành ở thành phố Leningrad lúc đó. Sau đó, cậu chuyển sang tập Judo.

Đối với Vova, các môn võ gốc Nhật Bản đã giúp ông không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn, như lời ông nói, tạo cho ông cả một cảm quan cuộc sống lành mạnh và sâu sắc hơn, loại bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của đường phố. Thể thao, ông nói, chỉ là thể thao khi phải tốn mồ hôi, máu và luyện tập nặng nề.

Ông Putin đặc biệt mê Judo. Ông từng nói: “Judo, đó không chỉ là thể thao. Đó  còn là triết học. Đó là sự tôn trọng người trên, tôn trọng đối phương, ở đấy không có người yếu. Trong Judo, bắt đầu từ thủ tục tới những tiểu tiết đều mang tính giáo dục nào đó. Thí dụ như khi ra sàn đấu, phải cúi chào nhau đã. Chứ không như một số trò khác - thay vì cúi chào nhau là lập tức tẩn ngay vào mặt đối thủ”... Có lần ông Putin còn nói: “Khi tôi ở giữa các võ sĩ Judo, tôi cảm thấy mình đang ở không chỉ như giữa những người bạn thân, mà là ở giữa những người họ hàng gần gũi”...

Thể thao đã giúp cho Vova thu nhận những bài học ứng xử ở đời một cách xác đáng hơn. Về sau, khi đã trở thành người làm chủ Điện Kremli rồi, ông Putin có lần đã nói: “Tôi chơi thể thao từ bé, tôi yêu thể thao. Chúng tôi luôn được dạy rằng, cần có thái độ tôn trọng với bất kỳ đối tác, địch thủ nào. Điều đó có nghĩa là luôn luôn cần xuất phát từ nhận thức rằng, đối tác hay địch thủ có điểm nào đó hơn bạn, có thể đánh bại bạn ở điểm nào đó. Vì thế tôi không có xu hướng cho rằng công việc đã được hoàn tất, hay như ở Nga thường nói, mọi việc đều ổn, tức là chiến dịch đã kết thúc. Và tôi cũng không cho rằng mình có quyền cảm thấy mình là người chiến thắng”...

Quả nhiên khi Vova thành thục võ nghệ rồi thì cậu lại trở nên thuần tính hơn vì biết tự chủ và kiềm chế hơn. Những người bạn thể thao hồi nhỏ của Vova, toàn là con nhà lao động nghèo như nhau, nghèo tới mức học võ cũng chỉ là học “chùa” chứ chẳng có tiền trả thầy. Tới nay, ông Putin với họ vẫn còn là chí cốt. Phương châm hành xử quen thuộc của họ là không động tới ai nhưng không để cho ai phạm tới mình.

Khi đã trở thành nguyên thủ quốc gia rồi, Vladimir Putin vẫn còn nhớ tới chuyện: một lần, cả bọn cùng huấn luyện viên tới sàn tập. Lúc đó, mặc dù là đến giờ nhóm Judo của Vova tập rồi nhưng một nhóm khác, tập karatedo, vẫn chưa nghỉ. Karatedo trong thời Xô viết vốn được coi là “môn võ của con nhà giầu” và muốn tập nó thì phải trả tiền cho thầy. Huấn luyện viên Judo tới bên huấn luyện viên karatedo đòi chỗ. Huấn luyện viên karatedo nhếch mắt như thể muốn nói: Ra chỗ khác, đừng quấy rầy! Thế là huấn luyện viên Judo lập tức giở ngay một đường võ làm người kia bắn ra khỏi thảm. Rồi ông thầy của vị Tổng thống tương lai điềm tĩnh nói với đám học trò mình: “Vào tập đi, các em!”.

Cách xử sự như thế rất hợp ý của Vova.

Cần phải nói rằng, Vladimir Putin đã khá thành đạt trong thể thao. Chỉ sau hai năm luyện võ, Volodia đã bắt đầu mang về những giải thưởng trong các cuộc đua tài. Ngay khi còn là sinh viên, Volodia đã thực hiện đủ tiêu chuẩn kiện tướng thể thao về Sambo. Hai năm sau đó, anh hoàn thành nhiệm vụ của một kiện tướng thể thao về Judo. Năm 1976, Vladimir Putin  trở thành nhà vô địch thành phố Leningrad về Judo...

Không nệ hình thức

Vladimir Putin là con nhà nghèo nhưng lại được bố mẹ rất chiều - cặp vợ chồng đứng tuổi nào lại không coi đứa con trai duy nhất, sinh ra muộn mằn của mình là “cục cưng”?! Khi Volodia học năm thứ ba đại học, mẹ anh trong nhà ăn đã được trả một vé xổ số thay cho tiền lẻ. Và bà đã trúng một xe hơi Zaporozhets. Thay vì bán xe đi lấy tiền (khoảng 3.500 rúp, một món tiền khá lớn thời Xô viết) giải quyết các nhu cầu đời sống cấp bách khác, cha mẹ Volodia đã tặng con trai quyền sử dụng xe. Họ rất biết con trai họ yêu tốc độ như thế nào (môn võ Judo giúp Volodia bớt gây gổ hơn nhưng vẫn không làm anh giảm “bầu máu nóng”).

Khi ấy, Volodia đang học năm thứ ba Đại học Luật. Và chính trên chiếc Zaporozhets đó, Volodia đã luyện “tay lái lụa” của mình. Của đáng tội, vừa phóng xe như bay, anh vừa lo ngay ngáy, lỡ đâu xe bị làm sao thì chẳng thể có tiền mà tu sửa nó. Vì lo như vậy nên anh rất cẩn trọng khi ngồi sau tay lái. Tuy thế cũng có lần anh gặp tai nạn. Một gã đàn ông nào đó do chán đời, lao mình vào bánh xe anh. May mà Volodia khéo léo đã tránh cho kẻ tự sát cố ý thoát khỏi cái chết. Y lập tức chạy như bay khỏi hiện trường. Cảnh sát giao thông đến và đã xác minh được là Volodia không có lỗi trong chuyện này...

Như nhiều sinh viên Xô viết khác, hè tới, Volodia thường cùng chúng bạn đi lao động ở những vùng sâu vùng xa. Thời đó, tiền trả cho sinh viên trong các công việc tay chân khá lớn (ai từng học ở Liên Xô hẳn đều biết điều này). Tuy nhiên, theo chính lời ông Putin kể, thời trẻ, ông luôn thuộc lớp người “bóc ngắn cắn dài”. Sau chuyến lao động đầu tiên, được hơn một nghìn rúp, Volodia đã cùng hai người bạn tới khu nghỉ mát Gagrư bên bờ Biển Đen và trong vài ba ngày tiêu gần hết sạch tiền, tới mức lúc về phải mua vé trên boong, ngày ăn thịt hộp, đêm ngắm sao trời trên suốt cả đường đi cho quên nỗi buồn nhẵn túi...

Mùa hè sau, lao động xong, Volodia tỉnh táo hơn và có trách nhiệm với cuộc sống của mình hơn, đã dành một khoản lớn để mua cái áo bành tô lịch sự đầu tiên của đời mình. Tuy nhiên, về khoản ăn mặc, Volodia vẫn không được xếp hạng. Không ngẫu nhiên mà cho tới hôm nay, bà Lyudmila, vợ ông, vẫn giữ ấn tượng về lần gặp gỡ đầu tiên với người chồng tương lai như sau: “Anh ấy ăn mặc xoàng xĩnh lắm, phải nói là nghèo nàn là đằng khác”...

Nói chung, ông Putin không quá quan tâm tới trang phục. Theo lời vợ ông kể, trước kia ông chỉ có cùng lắm là ba bộ com lê. Ngoài giờ làm việc, ông chỉ thích mặc quần jean. Khi mới lên làm Thủ tướng, các bộ com lê của ông Putin đã khiến nhiều nhà báo để ý tới vì nó xem ra không phải đồ may mặc “xịn”, tay áo hơi bị dài so với khổ người ông. Về việc này, bà Lyudmila đã nhận lỗi là do bà “lười nên đã không sửa lại tay áo cho chồng khi mua com lê từ hiệu về”

Phan Phú
.
.