Người ở lại xứ Mường

Thứ Ba, 18/05/2010, 11:14
Cái tên "Hiếu Mường" đã trở thành nick name của họa sỹ Vũ Đức Hiếu, nó gắn với anh như một duyên phận tiền định, kể từ khi "Không gian Văn hóa Mường" được khai trương ba năm về trước, sau những ấp ủ hàng chục năm trời mà anh thai nghén, về ý tưởng thành lập một bảo tàng tư nhân lưu giữ những hiện vật văn hóa của mảnh đất Mường Hòa Bình. Đến nỗi, nhắc đến Vũ Đức Hiếu, người ta gần như quên hẳn một họa sỹ trẻ tài năng vài năm về trước.

Thế nhưng, ít ai hiểu được, đằng sau một "Không gian văn hóa Mường" đồ sộ như hiện nay, chủ nhân của nó, họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã phải liên tục gồng mình…

Ba năm trở lại đây, con đường 6 cũ đi Chợ Bờ, Tu Lý… lại tấp nập người qua lại, không còn là "cố đạo" hoang vắng sau khi con đường mới được mở rộng thênh thang, đưa xứ Mường gần gũi hơn với du khách chỉ sau chưa đầy hai giờ chạy xe. Lý do: đó là nhờ địa chỉ văn hóa "Không gian văn hóa Mường" của họa sỹ trẻ Vũ Đức Hiếu được đặt tại đây, được khánh thành đúng vào dịp Ngày hội Dân tộc Mường tổ chức tại tỉnh Hòa Bình cuối năm 2007.

Đến nay, Không gian văn hóa Mường đã trở nên khang trang bề thế, với những khu trưng bày hiện vật, một bảo tàng sống động và phong phú về cuộc sống của người Mường có chiều sâu như bất cứ một bảo tàng dân tộc học nào… Thế nhưng, còn hơn một bảo tàng, bởi một lẽ, đến những bảo tàng thông thường, người xem mang theo tâm trạng và cảm thái của một người đang tiếp xúc với những hiện vật xưa cũ, những vật chứng xưa cũ, những thứ mà có thể nói là vô cảm và thiếu đi phần linh hồn của nó. "Không gian văn hóa Mường", các hiện vật được lưu giữ đều còn sống, đều đang tiếp tục hơi thở của mình, bởi nó vẫn tham gia vào trong cuộc sống sinh hoạt của con người, hiện hữu trong đời sống của con người.

Đấy là khi Vũ Đức Hiếu chủ động làm nhà, làm vườn mời các gia đình người Mường trực tiếp tới ăn ở, sinh hoạt trong "Không gian văn hóa Mường", để cho không gian văn hóa ấy nó giống như một thực thể, là một phần của cuộc sống, gắn với cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là lưu giữ những hiện vật trong tủ kính. Cũng vì lẽ đó, người ta tới đây như về với một bản Mường thực sự, được hòa nhập với cuộc sống của người Mường, hiểu cuộc sống người Mường từ quá khứ tới thực tại, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Nếu có thời gian thong thả, khách hoàn toàn có quyền được nghỉ lại qua đêm trong những ngôi nhà sàn gỗ được dựng nhấp nhô trên những đồi mơ, đồi mận, để hít thở không khí đồng rừng trong lành đến ngọt lạnh, và sáng ra được đánh thức bởi tiếng gà te te gáy nơi đầu hồi, hay tiếng các nông cụ lách cách của những gia đình người dân Mường giữ thói quen dậy sớm, bắt đầu cho một ngày mới…

Người ta không thể định giá cho những thứ thuộc về văn hóa, lại càng không thể định giá cho một tình yêu. "Không gian văn hóa Mường", nó là một giá trị văn hóa, nhưng hơn hết, nó là một tình yêu lớn của một người sinh ra và lớn lên ở thủ phủ xứ Mường, dành cho mảnh đất ấy. Với Vũ Đức Hiếu, anh còn hy sinh cả những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ cho ý tưởng "già nua" của mình.

Sinh năm 1977. Hiếu "Mường" bỏ Hà Nội về xứ Mường khi đang là một họa sỹ trẻ tài năng, đang hứa hẹn sẽ là một cây cọ có tầm trong làng mỹ thuật Việt Nam. Bạn bè, đồng nghiệp nghĩ anh mai danh ẩn tích là để dành hết tâm lực cho một ý tưởng đồ sộ nào đó về "tranh pheo", hoặc chờ đợi một cuộc triển lãm quy mô và đầy sửng sốt của Vũ Đức Hiếu. Chỉ rất ít những người bạn thân và người thầy mà anh kính trọng biết được dự định của anh về xứ Mường, nơi anh sinh ra và lớn lên, để âm thầm thực hiện hoài bão mà anh hằng ấp ủ.

Khi đó, Không gian văn hóa Mường đồ sộ và hoành tráng bây giờ, vẫn là một khu đồi hoang vắng, âm u rậm rạp những tầng cây lâu năm. Nó nguyên là một trang trại vườn đồi của một người dân địa phương trong vùng, trồng mơ, đào, mận, nhãn và… rau. Để mua lại được quyền sử dụng khu đồi này, Vũ Đức Hiếu đã mất tới 4-5 năm trời qua lại, tới mức Hiếu trở thành một người thân quen của ông chủ trại, tới mức, khi đã bán khu đồi hoang cho Vũ Đức Hiếu, ông bạn ấy phải vỗ đùi mà ngậm ngùi: "Tao biết, ngoài mày ra, tao không thể bán nó cho ai khác…".

Đấy là khi ông chủ trại cũ hiểu được dự định của anh là muốn biến trang trại này thành một không gian văn hóa, chứ không phải mục đích làm kinh tế, chỉ để chăn nuôi gà, lợn rừng… hay thu hoạch mấy loại nông phẩm theo mùa. Đấy là khi ông hiểu, một gã trai trẻ như Hiếu, sẽ chẳng khó khăn gì để có được một cuộc sống xênh xang tiền bạc, nhà lầu xe hơi ở chốn kinh kỳ, bằng tài năng vẽ vời thực sự, chứ không cần phải lộng ngôn hay xu thời đánh bóng chính mình để nâng giá tác phẩm như không ít người khác đang làm.

Có được cơ sở hạ tầng, mới chỉ giống như một người bắt đầu có công cụ sản xuất. Để có được một mùa màng, cần phải cày xới và thuần hóa mảnh đất hoang hóa, cần phải có hạt giống để ươm mầm. Vũ Đức Hiếu lại tiếp tục gồng mình.--PageBreak--

Gần 5 năm trời, anh quần quật lao động để cải tạo khu trang trại cũ, để nó được theo ý mình. Lên phác thảo cho khu Không gian văn hóa Mường, đào chỗ cao để lấp chỗ thấp, san ủi tạo mặt bằng để sau này dựng các nhà Lang, nhà Tạo, nhà dân thường; quy hoạch khu vực trồng cây thuốc người Mường, khu xây dựng các phòng trưng bày… Song song với việc cải tạo mặt bằng, đấy là phần việc đi sưu tầm các hiện vật của đời sống sinh hoạt của người Mường, mà nói thẳng ra, đấy là mang tiền túi đi mua những hiện vật ấy.

Tất cả tiền bạc kiếm được từ thời đang còn là sinh viên của Trường ĐHMTHN, tiền bán tranh…, anh đều đổ vào khu "đồi hoang" này. Để có tiền đầu tư, anh nghĩ kế mở một quán café ở thị xã Hòa Bình, lấy tiền lãi của quán để nuôi dự định lớn lao ấy. Sức người quả là phi thường, sau mấy năm trời nhìn lại, chính Vũ Đức Hiếu cũng phải bất ngờ về sự thay đổi của khu trang trại cũ. "Không gian văn hóa Mường" dần dần được định hình.

Vũ Đức Hiếu tâm sự rất thật, để có được "Không gian văn hóa Mường" như bây giờ người ta nhìn thấy, anh phải liên tục gồng mình: gồng mình để phăm phăm tối ngày khuân đất, khuân gạch, đá, chặt cây, làm đường…, lao động chân tay thực sự; gồng mình kiếm tiền để có tiền mua các hiện vật, có tiền để trả công cho những lao động mà anh thuê mượn họ cùng làm; và, gồng mình để vượt qua nỗi cô đơn trong thời gian đằng đẵng mấy năm trời nằm một mình giữa khu đồi hoang vu, bỏ vợ con lại Hà Nội, một thân một mình cùi cụi tối ngày lao lực giữa núi rừng. Nhưng, hơn hết, ấy là gồng mình để vượt qua những dư luận, bởi khi đó, hầu hết mọi người đều cho rằng Vũ Đức Hiếu "có vấn đề" nên mới mua khổ vào mình, và cái ý tưởng "bảo tàng người Mường" là một thứ gì đó hoang tưởng, chẳng thể nào thành hiện thực…

Những gia đình người Mường được Vũ Đức Hiếu mời xuống ăn ở, sinh hoạt tại "Không gian văn hóa Mường" của anh, cũng là một phần trong ý tưởng anh muốn làm sống động và hiện thực cuộc sống bản Mường, để du khách về đây, tự cảm nhận cuộc sống người Mường là như thế, chứ không đơn thuần là những tư liệu, những hiện vật... Họ cũng đồng thời là những cộng sự giúp anh xây dựng và hoàn thiện bộ sưu tập khổng lồ hàng ngàn hiện vật, trong các phòng trưng bày được phân loại theo chủ đề: công cụ lao động sản xuất (nông cụ, đánh bắt thủy sản, săn bắn…); dụng cụ canh cửi; các phong tục tập quán (đám cưới người Mường, đám tang người Mường…).

Thời gian đầu, khi chưa hiểu được ý tưởng của anh, người ta ngỡ ngàng trước việc một thanh niên làm nhà, làm vườn… hoàn thiện rồi mời người xuống "ăn không, ở không", thậm chí phải cung cấp thóc gạo, lương thực, đồ ăn… và tiền sinh hoạt hàng tháng cho mỗi gia đình. Chính anh cũng phải  vừa hướng dẫn những người Mường hiền lành và thật thà, vừa trực tiếp cùng họ cuốc đất, đào đường, thậm chí còn học họ cách đan lát để làm những dụng cụ sinh hoạt như nơm, đăng, đó… để làm hiện vật trưng bày…

Vũ Đức Hiếu là người già trước tuổi. Già vì những năm tháng khi còn tuổi thơ, anh đã phải lăn lộn lao động để tự lập, khi điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả, phải đi làm đục đẽo, chạm khắc bia mộ; lên đại học, lại vẫn vừa học vừa làm lấy tiền nuôi mình… Trong lúc bạn bè cùng lớp còn mải mê vừa học vừa chơi, anh đã phải cùi cụi trong các xưởng vẽ, sáng tác để kiếm tiền. Già bởi ý tưởng mà anh ấp ủ, bảo tồn và lưu giữ một không gian văn hóa Mường ngay giữa thủ phủ xứ Mường, cửa ngõ Tây Bắc, không phải là một việc dễ làm, càng không dễ đối với một người trẻ tuổi, không rủng rỉnh nhiều tiền bạc, không có điểm tựa nào, chỉ có tình yêu và nghị lực gồng mình.

Nằm lại xứ Mường với Vũ Đức Hiếu. Khu nhà cấp bốn ba gian, Vũ Đức Hiếu dành gian đầu hồi để làm phòng ngủ, rất khiêm tốn giữa Không gian văn hóa Mường đồ sộ và mênh mông của anh. Khoảng sân trước, anh lát gạch và làm một cái bể cá…, với những cây hoa ban xen kẽ. Xung quanh khu nhà cấp bốn nhỏ bé ấy, là những vườn mơ, vườn mận đang vào quả, vẫn còn sót lại những chùm hoa trắng muốt nở muộn. Tiếp đến là khu trưng bày các hiện vật của người Mường, những mái nhà Lang, nhà Tạo… nhấp nhô ẩn hiện dưới những tán cây, cây nêu dựng giữa khoảng đất trống cao vút, trên cùng là những tua rua với các họa tiết thổ cẩm thêu tay…

Trong lúc anh im lặng với dư vị của khói thuốc lào còn đang vương vấn xung quanh chỗ chúng tôi ngồi, chợt nhớ tới những dòng cảm tưởng của những du khách lên với Không gian văn hóa Mường lưu giữ trong cuốn lưu bút, ngoài những sửng sốt và khâm phục của họ trước một tiêu bản văn hóa Mường quá đồ sộ và sống động nơi cửa ngõ Tây Bắc, là những lời tri ân đối với một tình yêu không vụ lợi mà Vũ Đức Hiếu dành cho xứ Mường. Tình yêu ấy, nó không phải ngủ trong tâm thức, mà đó là một tình yêu hành động, của một họa sỹ tài năng, và còn rất trẻ…

Hòa Bình, tháng 4/2010

Di Linh
.
.