Người nữ thương binh và nghị lực sống

Thứ Tư, 15/08/2007, 15:10
Tôi gặp chị lần đầu trong một buổi ghi hình cựu chiến binh Mỹ và nhân chứng chiến tranh Việt Nam tại TP HCM. Chị là thương binh loại 1/4, trong người còn 7 mảnh đạn. Mười một lần chị bị địch bắt, lần cuối cùng, chúng cắt gân, mổ bụng, cắt ruột và buồng trứng của chị. Chị là Đoàn Thị Thanh Cần, bí danh Thanh Ba.

Gặp cựu chiến binh Mỹ, chị thanh thản bộc bạch: "Nếu nói hận thù thì không biết bao nhiêu. Đến giờ, vẫn còn bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam. Nhưng giờ khép lại quá khứ, hai Chính phủ làm được điều gì tốt cho nhân dân hai nước thì nên làm. Các ông cũng do bị tuyên truyền mà sang đánh Việt Nam. Giờ, giúp được gì cho người dân chúng tôi, các ông hãy làm đi".

"Đánh giặc rất lỳ"

Đó là lời nhận xét về chị của Thiếu tướng Đặng Kiên, hiện là cán bộ Hội Cựu chiến binh Việt Nam - người hoạt động cùng thời với chị Ba ở mặt trận Quảng Đà và cùng tham gia trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Lên năm tuổi, trong nhà chị đã có bốn cái hầm bí mật. Bảy tuổi, chị đã làm giao liên đưa tài liệu và làm nhiệm vụ cảnh giới cho các chú.

"Nằm hầm" trong nhà chị ở Đà Nẵng có rất nhiều "V.C gộc", toàn là cỡ Huyện ủy viên trở lên. Trong đó có ông Trần Văn Đáng - Quận ủy viên, sau giải phóng từng là Giám đốc Sở Công an Đà Nẵng. Rồi ông Mai Đăng Chơn là Phó Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà khi ấy. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chính chị là người cấp cứu, băng bó cho ông Chơn và chứng kiến giờ phút cuối cùng của những người chú, người đồng chí đáng kính ấy.

Tới giờ chị Ba vẫn nhớ như in năm Tết Mậu Thân ấy. Đêm giao thừa, bộ đội tỉnh Quảng Đà bí mật tiến vào TP Đà Nẵng. Mới 17 tuổi, Thanh Ba đã dẫn đầu cánh quân với vai trò là cán bộ đơn vị đánh vào Quân đoàn I và Trưởng trạm quân y Quân khu 3 Đà Nẵng.

Khi ấy, cô gái trẻ đã là đảng viên được bốn năm, tốt nghiệp một khoá quân y sĩ trong cứ. Lúc là giao liên, lúc là biệt động thành, lúc lại là bộ đội địa phương: Cô thiếu nữ Thanh Ba coi công việc cách mạng như cơm ăn, nước uống, như lẽ sống của tuổi trẻ.

Cái đêm 30 Tết ấy, cô cùng đồng đội ém quân ở ruộng mía quanh khu gia binh Quân đoàn I - chắn cửa ngõ khu Đông Đà Nẵng. Bọn địch ăn uống nhậu nhẹt túy lúy, rồi ra ruộng mía đi vệ sinh. Nước bẩn xối xả trút lên người, lên đầu bộ đội mình. Vậy mà phải ráng chịu nằm im, không cụ cựa gì. Đến 0h, quân ta kiệu nhau lên, vượt qua chướng ngại vật, vào phía trong hàng rào của địch. Súng đồng loạt nổ, thế của ta như chẻ tre: bộ đội ta chiếm căn cứ Quân đoàn I, chiếm Đài Phát thanh, Toà Đô chính Đà Nẵng. Rồi chiếm cả kho đạn, giải phóng cho người đằng mình bị giam giữ trở về đơn vị hoạt động tiếp.

6h sáng mùng 2 Tết, địch phản công, cho quân đổ bộ từ Hạm đội 7 vào, cả bộ binh và không quân.

Chú Chơn và nhiều chú, nhiều anh bị thương nặng, mà vẫn ráng dặn dò: "Đừng lo cho mấy chú, các cháu còn chân còn tay, ráng mở đường máu về chiến khu mà hoạt động tiếp!". Chị Ba và đồng đội gạt nước mắt, quay ra yểm trợ cho nhau để rút về cứ. Một số thoát được. Nhiều người hy sinh, máu đỏ sông Hàn.

Thanh Ba và một số bị bắt. Địch tra khảo cách nào, chị vẫn khăng khăng: "Tui ra đường xem đánh nhau thì bị bắt". Chúng tìm được súng trong người, chị tỉnh bơ: "Tui đi lượm súng rơi nộp cho Mỹ, lấy thịt hộp ăn".

Khi kể chuyện này với tôi, chị cười ngỏn ngoẻn: "Hay vậy đấy, biệt động mình cứ làm theo dân, đi nhặt súng Mỹ để đánh Mỹ. Hễ bị địch phát hiện, thì nộp cho chúng, đổi thịt hộp về xài. Đằng nào mình cũng lợi!". Không có chứng cứ, địch buộc phải thả chị. Thả xong, có điệp ngầm báo, địch cho trực thăng đuổi theo, nhưng "Việt cộng gộc" đã cao chạy xa bay…

Chị cùng đơn vị đánh giặc rất lỳ và đầy sáng kiến, nhưng không chỉ ở sau lưng địch. Trước mặt kẻ địch, chị là người vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng. Năm 1964, khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, bắt đầu từ cảng Đà Nẵng, Bộ Chính trị lệnh cho lực lượng cách mạng toàn miền tìm cách đối thoại trực tiếp với Mỹ, phát động hình thức đấu tranh chính trị. Cô gái trẻ Thanh Ba đã xung phong dẫn đầu một đội quân tóc dài của khu Đông Hoà Vang đi gặp lính Mỹ.

Chị nói: "Các ông ở bên kia Thái Bình Dương mà qua đây gây chết chóc làm gì?". Nói rồi, các chị đưa yêu sách đòi người Mỹ phải đối xử tốt với người Việt Nam, không được tàn sát dân lành. Đây là cuộc biểu tình trực diện đầu tiên thành công, và sau đó, được đưa ra làm mẫu cho lực lượng cách mạng toàn miền Nam học tập.--PageBreak--

"Không chết trong nhà tù địch thì không thể chết"

Chị Ba bị địch bắt 11 lần. Chị cười nói với tôi: "Ở tù miết rồi quen, cứ như đi nghỉ mát hằng năm vậy! Bắt vào, đánh cỡ nào cũng không khai, không có chứng cứ, lại phải thả ra".

Tôi nghe chị mà phục quá: Con người ta phải bản lĩnh thế nào mới cười trên đau khổ, gông cùm được! Mà đòn thù ngày đó khủng khiếp lắm. Địch thả rắn vào ống quần, hễ rắn đến đầu gối là chị kẹp chặt chân. Lũ ác ôn đánh chị và gầm lên: "Bà nội này cứng đầu thiệt!". Đau thì đau, chị vẫn đối đáp: "Sao ông không về thả rắn vào quần vợ, quần mẹ ông đi?".

Là nói cứng vậy, nhưng khi về xà lim, chị đã ứa nước mắt thương một phụ nữ bạn tù cùng cảnh ngộ. Chị này đã có gia đình, giặc đánh đau quá, không chịu nổi, thả chân ra, rắn chui vào người và theo về đến xà lim. Chị em bạn tù chăm sóc, rút rắn ra, người phụ nữ này đã ngất đi trên vũng máu. Thế mà cứ tỉnh lại, giặc lại lôi đi tra tấn dã man.

Cái lần cuối cùng chị Ba bị bắt là vào năm 1969, sau trận đánh vào sân bay Đà Nẵng. Chính lần này, chị bị giặc cắt gân, mổ bụng rồi quẳng ra nhà xác. May mà được một bác sĩ thương tình, khâu lại vết mổ trước khi đưa chị ra nhà xác, nằm cùng những người lính chết vô thừa nhận.

"Mà cái số chị không chết". Bốn ngày sau, người coi nhà xác phát hiện chị còn sống, liền chăm sóc, hỏi địa chỉ gia đình để đưa chị về. Chị nói tên cơ sở cách mạng, là tiệm ảnh Phụng Ký, đường Hùng Vương, Đà Nẵng.

Vậy là khi tổ chức chôn các xác chết, ông coi nhà xác giúp bà chủ tiệm ảnh tráo quan tài có chị, để đưa ra vùng giải phóng. Lúc đó chị nằm trong quan tài có phủ cờ ba que. Bà chủ tiệm là Phan Thị Hoà mang đồ ăn, rượu cúng đến, phục vụ cho bọn lính say xỉn, rồi mới tráo đổi quan tài được.

Ở vùng giải phóng, chị được các giáo sư, bác sĩ giỏi từ miền Bắc vào hội chẩn. Các bác sĩ quyết định gấp rút đưa chị Ba ra miền Bắc. Rồi chị được đưa sang Liên Xô, sang Trung Quốc và CHDC Đức chữa chạy. Thêm 3 vết mổ nữa trên bụng, cộng với vết tích của địch là 4.

Ở Đông Đức, chị được một cô gái Đức cho gân chân và gần 2 mét ruột. Cô gái ấy bị tai nạn khi trượt tuyết, trước khi chết cô tình nguyện hiến phủ tạng cho các đồng chí Việt Nam.

Sau 12 lần mổ, chị nằm liệt, hơn 7 năm trời, từ 1970 đến 1977. Những năm tháng khó khăn ấy, chị Ba được bà Nguyễn Thị Bình, ông Võ Chí Công, ông Phan Triêm (Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Phó Trưởng ban Thống nhất Trung ương) cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp tới thăm hỏi và động viên ân cần.

Ông Phan Triêm nhận chị làm con nuôi. Đã có lúc, nghĩ mình khó trở lại làm người bình thường, chị tâm sự với ba nuôi: "Nếu con sống thì con sẽ phải là người có ích. Bằng không, thì thà chết còn hơn".

Chị Thanh Ba (ngoài cùng, bên trái) trong cuộc gặp mặt thân mật của ông Phan Triêm và Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.

Sợ chị làm việc dại, cấp trên đã dặn bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Trịnh Kim Ảnh theo dõi chị sát sao. Chị lại cười, nụ cười thật nhân hậu, cởi mở: "Nói vậy chứ, không chết trong nhà tù Mỹ - chính quyền Sài Gòn, thì chị không thể chết. Làm sao có thể phụ lòng, phụ công của bao nhiêu người chú, người anh, của bạn bè, đồng chí? So với những người đã hy sinh, thế là chị đã hạnh phúc lắm rồi".--PageBreak--

Hồi sang Đức chữa trị, chị Ba còn có 28 ký, chân bé xíu, không đi được, nối gân rồi, phải qua 52 lần chỉnh hình. Thế mà về nước, chị quyết tâm tập đi, từ năm 1976 đến 1978 mới chập chững được. Ngày đó, Giáo sư Phạm Song cứ la khi thấy chị tập quá sức. Chị phải năn nỉ chú Song để cơm ở ngoài, không đưa vào phòng, để chị cố lần ra. Chị muốn mau cứng gân, sớm biết đi để trở về miền Nam.

Đại diện Sứ quán CHDC Đức tới thăm, biết chị đã đi lại được, đã khóc vì sung sướng. Bộ Y tế nước bạn mời chị sang lại Đức vào năm 1980, coi chị như một thành công lớn của nền y khoa Đức. Bạn không thể tin được là chị đã biết đi. Chị Ba vẫn còn nhớ hình ảnh chị mặc áo dài trắng, được bạn bè Đông Đức tung hô chào đón nhiệt liệt ở sân bay.

Khi chị Ba bình phục, các đồng chí lãnh đạo khuyên chị nên nghỉ ngơi, vì chị đủ tiêu chuẩn được nuôi dưỡng suốt đời. Nhưng chị Ba không chịu. Chị về công tác ở UBND TP Đà Nẵng, ở Sở Y tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi làm đại diện cho Chi nhánh Y tế của tỉnh ở TP HCM.

Chị đã nghỉ hưu với mức lương chuyên viên 2. Nhưng nghỉ hưu rồi, mà chị Ba đâu có chịu ngồi yên. Là Phó Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng ở TP HCM, chị tất bật đi vận động góp quỹ xây nhà giúp bà con nghèo, xây trường, xây trạm xá, giúp trẻ em nghèo mổ mắt... Chị là người luôn tích cực đóng góp những ý kiến thiết thực cho chi bộ Đảng địa phương.

"Đời có luật nhân quả đó em!"

Lần gặp gần đây nhất, chị đãi tôi món mỳ Ý và sườn nướng kiểu Ý. Chị còn bày cho tôi cách làm bít tết sao cho mềm, cho thơm. Tôi trêu chị: "Việt cộng gì mà nấu ăn thật khéo!". Chị cười: "Đó là niềm vui của phụ nữ chúng mình. Mà không nấu ăn khéo, làm sao hoạt động nội thành được?".

Bạn bè cứ trêu chị: "Thanh Ba chồng con không có, chó mèo cũng không, mà bày đặt nấu nướng làm chi". Đòn thù đã cướp mất của chị hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ, nhưng chị vẫn còn anh em, bè bạn, đồng chí... Chị nói, một nhà sư coi số, bảo cái số chị được sống là để làm việc thiện, để đem lại niềm vui cho mọi người. Tỉ như, thấy bọn em ăn ngon là chị vui lắm.

Nhưng mà đôi khi chị Ba cũng ngấm buồn. Đó là lúc chị đọc, chị nghe về những vụ tiêu cực, tham nhũng ở chỗ này, chỗ nọ. Chị nói với tôi: "Mấy chú, mấy anh hy sinh rồi, đâu có phải để cho xã hội còn chuyện buồn như vậy. Mà đời có luật nhân quả đó em. Cứ ráng sống thiện và làm việc thiện, để phúc đức cho con cho cháu sau này. Chị không có con thì có anh em, bè bạn...".

Phút chia tay với chị, không hiểu sao mà tôi lại khóc. Gặp chị và những người như chị, tôi thấy cuộc đời thật đáng yêu, đáng sống biết bao

Quỳnh Anh
.
.