Người mang 18 ki-lô vàng đi xuyên bán đảo Đông Dương

Thứ Tư, 29/10/2008, 14:45
Việc đầu tiên, anh Kim tìm mua được chiếc xe đạp Stéclinh còn tốt, khá nhẹ và chắc. Lấy dây thép cột chặt gói vàng bọc vải bạt vào đèo hàng. Rồi hai anh em áo nâu, nón lá, cưỡi hai con "chiến mã" lên đường. Anh nhớ có một lần sang đò, ông lái đò nâng hộ anh cái đèo hàng, bỗng kêu toáng: "Chui cha! Anh buộc cái của khỉ gì vào xe mà nặng thế ni?". Cứ hở như vậy mà kín! Có ai ngờ một khối vàng lớn đến thế lại buộc lộ thiên như vậy!

Vào hồi 10h30' ngày 8/10 vừa qua, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đã tổ chức tiễn đưa ông Nguyễn Như Kim, nguyên Viện trưởng Trung tâm thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia, về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Ngay cả những người thân đến viếng ông không  phải ai cũng biết sự kiện hy hữu này mà ông là người thực hiện đúng 60 năm về trước: Nhận 18 ki-lô vàng, buộc trên đèo hàng, đạp xe xuyên qua vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, vào xứ Nghệ, sang Lào, qua Thái Lan, hàng năm trời tổ chức mua sắm thiết bị cho Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, máy thu phát quân sự, các loại thuốc men, dụng cụ y tế, sách cho bậc đại học...

Tôi được biết Nguyễn Như Kim từ ngày anh mới 23 tuổi, gương mặt kiên nghị như tạc bằng đá, tú tài toàn phần, chỉ năm sau là anh tốt nghiệp cử nhân Khoa Vật lý đại cương. Anh là Đoàn trưởng Đoàn Hướng đạo Thăng Long mà tôi chỉ là một chú nhóc xấp xỉ tuổi 12 trong đoàn. Đó là năm lịch sử sang trang: Cách mạng Tháng Tám 1945, và anh là một trong những người tổ chức treo cờ đỏ sao vàng cỡ lớn ở mặt tiền và mặt đối diện Nhà hát Lớn Hà Nội (xem thêm Những ngày không thể nào quên, Công an nhân dân cuối tuần, số 31, 17/8/2008)…

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã tung chúng tôi đi bốn phương, mỗi người đi con đường "số phận" của mình, rồi nối tiếp cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Khi anh em Đoàn Hướng đạo Thăng Long liên lạc được với nhau, tổ chức gặp mặt nhau thì sắc trắng trên đầu chúng tôi đã nhiều hơn màu đen, và màu đen cũng dần ngả sang tiêu muối. Buổi gặp đầu, mỗi người chỉ được kể tóm tắt về mình trong dăm phút…

Dăm phút tóm tắt nửa thế kỷ truân chuyên của mỗi người! Thật là một cuộc "trói voi bỏ rọ"! Nhưng qua đó, chúng tôi cũng hiểu sơ sơ về nhau, để từ đó thăm hỏi kỹ hơn những lần gặp lại sau. Chỉ có câu chuyện của anh Kim là chứa chất nhiều ẩn số, máu viết văn lại hay tò mò muốn biết những chuyện lạ, tôi đề nghị anh Kim bố trí giờ cho tôi gặp để nghe kỹ chuyện đời của anh, đặc biệt là chuyến đi xuyên bán đảo Đông Dương năm ấy…  

Bên cửa sổ phòng làm việc của anh tại Trung tâm thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia, năm 1995, dẫu đã 72 tuổi, anh vẫn làm cố vấn cho Trung tâm này, anh Kim dõi nhìn những tán phượng lớn ngoài cửa sổ đường Lý Thường Kiệt. Hình như những kỷ niệm cũng đang chập chờn đâu đó qua bóng nắng chiều rọi trên tầng lá…

Các thành viên của Đoàn Hướng đạo Thăng Long gặp lại nhau sau nửa thế kỷ xa cách (ông Nguyễn Như Kim đứng giữa).

"…Tình hình mấy ngày trước kháng chiến toàn quốc thật khẩn trương, anh ăn nghỉ ngay tại cơ quan Đài Phát thanh Bạch Mai (lúc này anh là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật). Ngày 17/12/1946, nghe tin tụi Pháp đánh vào phố Hàng Bún, gần khu nhà anh ở, anh phóng vội xe về nhà thì cửa ngõ tan hoang cả. Hàng xóm cho biết gia đình anh đã tản cư về Hoài Đức. Thôi thế là yên một bề!

Đến ngày 19/12/1946 thì bọn anh đã chuẩn bị xong cơ sở phát thanh ở chùa Trầm. Khoảng 8h tối, Đài Bạch Mai làm nốt nhiệm vụ cuối cùng của nó là phát đi bản hiệu triệu toàn quốc kháng chiến. Bọn anh lên chuyến xe  sau cùng, nhìn lại lần cuối 4 cột ăng-ten lớn thân thiết với mình lâu nay. Chỉ mươi phút nữa, nhóm công nhân còn lại sẽ cho nổ tung lên! Bọn Pháp có phục hồi được cũng còn mệt! Đại bác ở pháo đài Láng lên tiếng, thế là bọn anh đã rời xa Hà nội, về chùa Trầm. (Bác Hồ cũng ghé thăm anh em Đài Phát thanh ở chùa Trầm trước khi Bác lên Việt Bắc).

Tôi thả dòng tưởng tượng theo lời kể của anh Nguyễn Như Kim.

Hóa ra những ngày kháng chiến ta không chỉ có một cơ sở phát thanh. Đài đang phát ở chùa Trầm, các anh đã chuẩn bị trước một địa điểm khác. Anh Kim chuyên trách về xây dựng cơ sở mới. Cách dốc Cun vài chục cây số đã hình thành một “Đài phát thanh nhẹ”. Đó là kết quả những đêm di chuyển những cỗ máy diezel khổng lồ qua dốc Cun, riêng cái bệ máy cũng phải hàng chục người khiêng leo dốc. Có đêm khiêng máy gặp hổ, nhìn thấy đôi mắt hổ bắt ánh đèn trên một khóm lau trên sườn núi…

Rồi lại có lệnh rút về Phú Thọ, rồi Tuyên Quang… Có lần anh Kim đang ngồi trên một chiếc xe đầu rụt chở máy thì bị máy bay Pháp đuổi bắn, xe hỏng hai lốp sau, may là người và máy không trúng đạn.

Tháng 1/1947, Nguyễn Như Kim được kết nạp Đảng do hai nhà biên tập Đài là Trần Lâm và Hoàng Tuấn giới thiệu.

Khi Nguyễn Như Kim phụ trách Đài ở Bắc Cạn thì một Đài phát thanh khác quy mô lớn hơn lại lắp đặt ở hồ Ba Bể. Pháp nhảy dù Bắc Cạn, lại chạy, lại cất giấu máy, làm lán trong rừng. Đơn vị anh còn muối, lại phải giết thịt một con ngựa vì gạo cũng không còn. May gặp bác sĩ Từ Giấy (Báo Vui Sống), bác sĩ đề nghị đổi gạo lấy muối và thịt. Còn rau tàu bay thì bên nào kiếm được nhiều lại san sẻ cho cơ quan bạn.

Những bộ phận máy của một Đài phát thanh sản xuất ra là để định vị ở một đô thị. Thế mà ở đây, chúng cứ lang thang đồi núi, sình lầy, lắp chưa yên chỗ lại phải tháo ra, di chuyển. Con người còn chịu được, những khối sắt thép thì tránh sao khỏi han gỉ, hỏng hóc!

Những cán bộ có trách nhiệm ở Bộ Quốc phòng thấy ngay phải tính trước điều này.

Giữa tháng 6/1948, Nguyễn Như Kim được gọi về Chợ Chu (Thái Nguyên), người đại diện Bộ Quốc phòng giao cho anh nhiệm vụ (phần kỹ thuật của Đài phát thanh lúc này do Bộ Quốc phòng quản lý): Sang Thái Lan, liên hệ với cơ sở Việt kiều yêu nước bên đó mua những linh kiện vật tư cho Đài. Kèm theo là một danh mục yêu cầu mua một số lượng lớn máy thu phát quân sự cỡ 15 oát, rồi các loại thuốc men, dụng cụ y tế, các loại sách cho bậc đại học…

Anh biết mình sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, nhưng mấy năm nay, anh đã quen với việc nhận một nhiệm vụ mà chưa thể hình dung nó sẽ được thực hiện bằng cách nào? Người đại diện Bộ giao cho anh giấy tờ cần thiết rồi sang buồng bên bê về một gói vuông bọc vải bạt, có vẻ khá nặng, đặt trước mặt anh: "Đây là số vàng cần thiết cho nhiệm vụ của anh!". Đôi mắt người trao nhiệm vụ long lanh  một  vẻ tin cậy trên gương mặt tái mét vì bệnh sốt rét.

Hồi đó, hình như người ta quý sự hoàn thành nhiệm vụ hơn vàng! Ở Nguyễn Như Kim phẩm chất ấy dường như còn mạnh hơn nhiều người. Bộ Quốc phòng chỉ cử thêm một  người bảo vệ đi cùng  anh. Hai anh em len lỏi qua những vùng xôi đỗ địch hậu Sơn Tây, Xuân Mai, rồi xuôi Cống Thần, Chợ Đại vào Thanh Hóa rồi vào đến Đô Lương. Đến đây, một mình anh sẽ nhập vào đoàn cán bộ qua Lào công tác.

Việc đầu tiên, anh tìm mua được chiếc xe đạp Stéclinh còn tốt, khá nhẹ và chắc. Lấy dây thép cột chặt gói vàng bọc vải bạt vào đèo hàng. Rồi hai anh em áo nâu, nón lá, cưỡi hai con "chiến mã" lên đường.  Anh nhớ có một lần sang đò, ông lái đò nâng hộ anh cái đèo hàng, bỗng kêu toáng: "Chui cha! Anh buộc cái của khỉ gì vào xe mà nặng thế ni?". Cứ hở như vậy mà kín! Có ai ngờ một khối vàng lớn đến thế lại buộc lộ thiên như vậy!

Anh Kim là người nói tiếng Pháp như người Pháp, lại học trường của "mẫu quốc" Pháp, chẳng may anh có sa vào tay địch… Tôi không nén được một câu hỏi cứ từng lúc định bật ra: "Vậy có lúc nào anh nghĩ: Anh sẽ là chủ sở hữu số vàng đó?". Hỏi xong thì tai tôi đỏ lên như mình đã lỡ xúc phạm anh!  Anh Kim nhăn mặt: "Không! Chả lúc nào anh nghĩ đến điều đó! Anh chỉ tính đoạn đường trước mặt, làm sao vào được Đô Lương an toàn!".

Đầu tháng 8/1948, hai anh mới tới Đô Lương, nhập với đoàn cán bộ sắp qua Lào. Nguyễn Như Kim còn nhớ trong đoàn có Bùi Văn Các, sau là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Một trung đội vũ trang đưa họ từ Đô Lương, Con Cuông qua Lào.

Cỏ lau lút đầu người, các anh phải nghĩ ra cách dùng tre làm những cái khung hình tam giác để rẽ cỏ gianh mà đi. Ngày nghỉ đêm đi. Chỉ nhìn thấy chiếc khăn mặt trắng trên ba lô người đi trước làm mốc, lúc nào cũng có cảm giác đói. Đặc biệt rất thèm của ngọt. Rồi họ đi thuyền độc mộc từ sông Nặm Ca Đinh ở Lào đổ ra sông Mê Kông. Vượt qua quãng nguy hiểm do đồn địch và xoáy nước lớn ở cửa sông Đac Ca Đinh thì đơn vị vũ trang trở về nước. Nhóm cán bộ xuống thuyền buôn, xuôi dòng Mê Kông về Na-Khon Pha-Nôm, nơi có tổ chức Việt kiều chờ đón.

Sau chuỗi ngày dài đói khát, gần như chỉ ăn gạo rang và nước sông, họ đến được sự đón tiếp nồng hậu của Việt kiều. Nguyễn Như Kim và Bùi Văn Các xả láng bồi dưỡng cháo gà và ca cao.

Rồi Nguyễn Như Kim tách ra với hành trình về Băng Cốc. Anh Nguyễn Đức Quỳ (sau là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) đại diện tổ chức Việt kiều ở Thái Lan đón anh về sống ở một villa lớn. Lúc này Nguyễn Như Kim mới cất được gánh nặng: Khối vàng nộp cho tổ chức mà anh nhớ hình như khoảng chục ki-lô. Và anh bắt đầu công việc liên hệ, mua sắm, cần tiền đến đâu mới rút ra đến đó.

Có những loại đèn công suất đặc biệt của máy phát thanh phải đặt mua ở Mỹ, phải nhờ cánh phi công dân sự Thái Lan mua giúp.

Sau nhiều tháng chuẩn bị mua sắm đủ số hàng cần thiết, họ tính toán cách mang "hàng" về. Đường bộ không ổn với số lượng người phải mang vác đông đến thế. Một bộ phận máy thất lạc đủ tê liệt cả cỗ máy...

Họ mạo hiểm định thuê cả thuỷ phi cơ, nhưng cuối cùng chủ hãng thủy phi cơ sợ sẽ khuynh gia bại sản nếu việc bị đổ bể. Các phương án đường bộ, đường không lần lượt  bị bác  bỏ..--PageBreak--

Phương án đi đường thủy được thực hiện. Hàng hải Nam Bộ thuộc khu 9 đã nhận được yêu cầu của tổ chức ở Thái Lan. Một đội thủy thủ được thành lập: Thuyền trưởng Hoá, hai thuyền phó Liêm và Nhã, Qua là Bí thư Chi bộ. Các anh chọn mua một con tàu. Nguyễn Như Kim rất nhớ vóc dáng con tàu vận mệnh ấy của anh: Nó dài khoảng 30 mét, ngang chừng 8 mét, trọng tải độ trăm tấn, được gắn thêm hai máy để tăng tốc độ. Đội thủy thủ khoảng hai chục người. 

Đến khâu chuyển hàng, Kim mới thấy năng lực tổ chức của bà con Việt kiều. Suốt 2, 3 tháng, từng chiếc ghe chở những gói bọc của Kim giấu lẫn vào các hàng hóa khác, chuyển từ Băng Cốc ra cảng, đường dài 40 cây số, như đàn kiến tha mồi. Ra tới cảng, những gói bọc ấy lại chuyển lên một thuyền buồm. Thuyền đầy, lại rời bến chở hàng về một địa điểm an toàn ven biển, giáp Campuchia, rồi lại trở về cảng nhận chuyến khác.

Từ khi xác định tuyến đường biển, Kim mua hàng có thoải mái hơn, biết rõ nhà cần cái gì anh mua cái đó, anh mua cả máy quay phim cho các bạn điện ảnh.

Con tàu có tên Prasamud, biển đăng ký Thái Lan. Sau anh em đổi tên cho nó là tàu Sông Lô.

Đầu tháng 6/1949, mọi việc chuẩn bị mới hoàn hảo. Tàu Sông Lô với đội thủy thủ chở Nguyễn Như Kim, không chở hàng gì, nhẹ nhàng rời bến ở Băng Cốc, hướng ra cảng, rồi ra biển với lý do tàu mới mua chạy thử máy. Các anh vẫn phải che mắt tụi mật thám Pháp đang hoạt động ở Thái Lan.

Tàu đỗ ở ngoài đảo Cochang (Campuchia) ban đêm. Những thuyền con chở hàng từ kho ra, bốc lên tàu. Trong đó có một loại hàng đặc biệt: 20 phuy đầy xăng. Đây là quyết tâm của Nguyễn Như Kim và đoàn thủy thủ Nam Bộ: Nếu bị địch vây bắt, các anh sẽ đốt tầu với 20 phuy xăng này, không cho hàng lọt vào tay địch, giữ bí mật nhiệm vụ của chuyến đi.

Vậy là tàu Sông Lô đã qua vịnh Thái Lan, qua Hòn Khoai vào Năm Căn. Nếu tàu về tới Bến Thủy, Kim đưa hàng lên Việt Bắc là anh hoàn thành một chuyến đi vòng bán đảo Đông Dương.

Cánh hàng hải Nam Bộ toàn những dân lão luyện đi biển của cảng Sài Gòn, từ Năm Căn trở đi, họ thuộc biển nhà như trong lòng bàn tay. Tàu dừng ở sông Tam Giang chừng một tháng, đưa thêm gạo, thuốc men của Nam Bộ gửi về Việt Bắc. Máy móc được rà soát, bảo dưỡng thật chu đáo, chuẩn bị cho đoạn đường sinh tử. Tàu rời sông Tam Giang, vòng qua Côn Đảo, rồi hướng lên phía Bắc. Các anh cứ lợi dụng đêm tối, cố gắng đi xa bờ để tránh địch phát hiện. Một hôm, vào khoảng 3h chiều, thuyền trưởng Hóa chỉ vào hải đồ rồi hất đầu về bên trái tàu: "Đà Nẵng đó! Đêm nay ta sẽ vào bến Thủy. Khi nào qua Hòn Mê sẽ có tín hiệu ra đón tàu!".

Anh chưa nói dứt lời thì một chiếc máy bay lướt qua, bay khá cao. Một lúc sau, nó lại vòng qua rồi trở lại đất liền, anh em xôn xao: Hay nó phát hiện ra mình? Tại sao nó không bắn? Hay nó gọi tàu đón lõng để bắt mình?

Thuyền trưởng quyết định quặt về phía đảo Hải Nam, chưa vào Bến Thủy vội, tàu Sông Lô điện về cho Bộ Quốc phòng báo tin và xin lệnh. Độ một tuần sau biển hoàn toàn yên tĩnh, lại được lệnh của Bộ cho tàu về Bến Thủy. Sông Lô nhổ neo nhằm tọa độ Bến Thủy.

Tàu đi chưa được một tiếng đồng hồ. Thuyền trưởng Hóa nhìn qua viễn kính, bỗng kêu lên: Báo động! Có tàu địch! Nguyễn Như Kim đón lấy ống viễn kính. Anh thấy có đến bốn chấm đen đang to lên khá nhanh, lại từ bốn hướng lao tới, tỏ ra chúng đang phóng hết tốc độ và không ngoài ý định vây bắt tàu của các anh. Thuyền trưởng Hóa cho tầu quay lại, mở hết máy.

Nhưng đã quá chậm! Thuyền trưởng, Bí thư Chi bộ Qua triệu tập anh em thủy thủ lại bàn cách đối phó. Rõ ràng với sự dàn sẵn của tàu địch, tàu ta không thể thoát khỏi vòng vây. Chỉ còn cách thực hiện phương án cuối cùng. Hai mươi phuy xăng được đổ khắp tàu như một thùng thuốc súng chờ nổ. Anh em thủy thủ mỗi người chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn.

Nguyễn Như Kim nhìn khắp con tàu: Công sức của anh và bao nhiêu người cả một năm trời chuẩn bị chỉ vài phút nữa là chả còn gì. Bất giác anh nhớ lại cảm giác lúc rời Hà Nội, nhìn 4 chiếc cột vô tuyến của Đài Bạch Mai sắp nổ tung. Anh thở dài, giơ chiếc máy quay phim lên, ném thẳng xuống làn nước xanh trong. Có điều lạ! Anh không thấy hoảng sợ trước những họng súng đang lao đến gần anh như bầy quái vật. Trước sự mất mát lớn hơn, bản thân anh như chẳng đáng kể gì.

Chợt nhoàng sáng, tàu lắc mạnh, anh và thuyền trưởng Hóa như một phản xạ bản năng, lăng mình từ đài chỉ huy xuống biển. Anh bỗng thấy buốt xót cả một vế đùi bên phải. Tàu Sông Lô bùng một khối lửa, vẫn lao đi. Bốn chiếc tàu Pháp bám theo nhưng không dám tới gần. Một vật gì như cái khung bằng gỗ bập bềnh bên cạnh, anh Kim bám ngay lấy. Hình như chiếc chuồng gia súc từ tầu băng ra. Anh còn nhìn rõ giữa đám thủy thủ đang bơi lóp ngóp, Bí thư Chi bộ Qua bị bỏng nặng, da lưng anh rộp phồng lên như lưng áo sơ mi dưới nắng chiều thiêu đốt. (Anh Đặng Văn Qua sau là Phó Cục trưởng Cục Đường biển)… Tàu Sông Lô chìm dần phía xa… Chúng bắt bọn anh lên tàu chiến. Điểm lại, chỉ có một thủy thủ chết. Phần lớn bị bỏng nặng.

Mặc dầu bị tách ra, tra tấn dã man, Kim chỉ khai tên Nguyễn Văn Hai đi buôn gạo. Sau hồ sơ mật thám ở Hà Nội cũng cho chúng biết anh là ai, từng tốt nghiệp Khoa Vật lý đại cương ở Hà Nội năm 1946. Anh đi tù một năm tại các trại tù binh Nam Bộ. Bọn Pháp thấy anh là một trí thức được đào tạo trước năm 1945 thời Pháp thuộc, nên đưa anh về Hà Nội, hứa sẽ thả anh, nếu anh nhận lời sang Pháp  làm việc hoặc học tiếp. Nguyễn Như Kim tìm cách liên hệ với tổ chức, và "tương kế tựu kế", anh được nhận nhiệm vụ mới: Sang Pháp, trau dồi một kỹ năng chuyên môn, chờ lệnh.

Sang Pháp, anh học chuyên về điện tử. Ngày làm việc tự kiếm sống, tối học. Thông thường, sinh viên Pháp muốn tốt nghiệp kỹ sư công nghệ điện tử phải thi lần lượt 5, 6 chứng chỉ, mỗi chứng chỉ phải học một năm. Với vốn lý thuyết đã có, anh thi một năm hai chứng chỉ làm các giáo sư Pháp ngạc nhiên. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ điện tử, anh được mời làm trợ lý cho một giáo sư nổi tiếng, ăn lương chính thức của Bộ Giáo dục Pháp.

Khi Giáo sư Hồ Đắc Di sang Pháp, chuyển lời mời anh về nước của ông Tạ Quang Bửu, với mấy dòng, đại ý: "Trong nước vừa thành lập Trường Đại học Bách khoa, đang cần một giáo sư chủ nhiệm khoa như anh. Anh biết đó là lệnh mới của tổ chức. Lúc này anh đã có vợ và con. Chị là Tiến sỹ Sinh hóa Trần Thị Ân, con trai Nguyễn Mạnh Đức (hiện nay là Giáo sư, Tiến sỹ Vật lý, giảng dạy nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford (ở Anh)).

Vợ chồng anh vui vẻ nhẹ nhàng rời bỏ mức sống trung lưu ở Paris về nước nhận công tác mới: Chủ nhiệm Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa. Anh nói với tôi về chị: "Anh thật ngạc nhiên về sự thích ứng nhanh của chị với những vất vả ở Việt Nam, nhất là những năm chiến tranh. Từ bé, chị chưa hề bị vất vả. Thế mà nhiều hôm phải dậy từ 3h sáng xếp hàng đong gạo để còn kịp đi dạy ở Đại học Y khoa. Năm năm đầu chị già đi khá nhanh, nhưng không hề phàn nàn gì. Chị được bầu đại biểu Quốc hội tới 4 khóa liền".

Về nước được vài tháng, anh được phục hồi đảng tịch. Các đồng nghiệp của anh ngạc nhiên về sự đối xử của tổ chức với một Việt kiều mới về nước. Họ tưởng anh mới được kết nạp Đảng, không hề biết anh đã làm gì trước đó.

Sau khi rời trường, anh chuyển sang Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước rồi xây dựng ngành Thông tin khoa học. Gần 20 năm anh làm Viện trưởng Viện Thông tin khoa học Trung ương, xây dựng ngành này từ tay trắng đến lúc có cả một màng lưới thông tin khoa học quốc gia. Các bộ, các tỉnh đều có cơ sở làm việc hiệu quả, hợp tác rộng rãi với các ngành thông tin quốc tế, phục vụ thông tin cho lãnh đạo, cho sự phát triển kinh tế.

Đến tuổi 66, năm 1988 anh lại được cử sang làm tham tán khoa học kỹ thuật tại Đại sứ Việt Nam ở Pháp.

Hơn 5 năm làm việc tận tình ở nước ngoài, Nguyễn Như Kim đã góp phần quan trọng phát triển mối quan hệ hợp tác hai nước để Việt Nam tiếp nhận công nghệ tiên tiến thế giới. Rất nhiều các đoàn cán bộ khoa học hai nước qua lại, hợp tác thiết thực về mọi mặt: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, viễn thông…, chuyển giao các tư liệu kỹ thuật phục vụ cho công cuộc đổi mới nền kinh tế trong nước.

Đặc biệt ở khâu đào tạo chuyên gia Việt Nam tại Pháp, thường xuyên có chừng 300 đến 350 nghiên cứu sinh, thực tập sinh công nghệ, bảo vệ luận án tiến sỹ học tập làm việc ở Pháp. Bằng mối quen biết rộng rãi với các nhà trí thức, giới chức Pháp, Nguyễn Như Kim đã tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết các nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam ở Pháp. Có lẽ vì bản tính khiêm tốn ít nói về mình, cho nên mãi đến hôm ấy, năm ông đã 72 tuổi, cuộc đời và câu chuyện từ nửa thế kỷ, tôi mới được nghe kể như một thông tin mới.

Khi bài viết trên được đọc trên Đài Phát thanh TNVN thì tôi nhận được hồi âm: Người thay mặt tổ chức Việt kiều yêu nước ở Thái Lan năm 1948 trực tiếp nhận số vàng do Nguyễn Như Kim  giao, hiện có mặt ở Hà Nội, nhắn tôi đến gặp để đính chính về một chi tiết sai trong bài.

Điều này làm tôi mừng hơn lo. Là người viết câu chuyện thực, chịu trách nhiệm với độc giả, tôi rất cần có sự đối chứng, nếu ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ tôi đã tìm đến ông Đặng Văn Qua (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường biển) để hỏi thêm. Nay lại đột nhiên xuất hiên một nhân chứng quan trọng để tôi tham khảo, còn gì bằng!

Tôi tìm cụ Trần Hữu Quảng ở nhà riêng, không gặp, người nhà cho địa chỉ khác: Vườn thuốc nam của hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc ở cuối Khương Hạ. Cụ xuống đây cho tĩnh để viết sách. Tôi lại tìm đến vườn thuốc nam, cũng không gặp. Nhân ngồi nói chuyện với cụ già coi vườn thuốc mới biết thêm về cụ Quảng: Năm ấy cụ đã 96 tuổi, vẫn đang là chủ nhiệm hợp tác xã kể trên gồm khoảng ba chục lương y.

Tôi chỉ kịp thu nhận mấy điều chủ yếu cụ nói xen giữa câu chuyện: "Bài báo của anh đúng với con người và sự việc ông Nguyễn Như Kim đã làm. Chỉ có một chi tiết sai: Hồi đó tôi nhận ở ông Kim số vàng 18 ki-lô, toàn vàng lá sư tử. Tôi lo lắng cất giữ chưa đến nửa năm mà gầy sụt đi 4,5 ki-lô. Đây chắc là mồ hôi nước mắt của dân đóng góp cho Tuần lễ Vàng, đâu phải chuyện chơi!...

Hồi đó đồng chí Nguyễn Đức Quỳ (sau là Thứ trưởng Bộ Văn hoá) lãnh đạo chúng tôi. Tổ chức Đảng họp, nhất trí giao trọng trách giữ số vàng đó cho tôi, lúc đó tôi phụ trách Thanh niên Tổng Hội Việt kiều cứu quốc ở Thái. Tôi phải tìm chỗ cất giấu sao cho kẻ xấu không  thể phát hiện. Mỗi khi xuất vàng ra mua hàng đều phải có giấy do ông Nguyễn Đức Quỳ và Nguyễn Như Kim ký xuất…

Tôi phải cảm ơn đất trời để cụ Quảng thọ cho đến ngày hôm ấy mà vẫn còn minh mẫn để kể lại điều này! Nhưng với người viết, số lượng vàng 10 hay 18 ki-lô lại là điều ít quan trọng nhất bên cạnh chất vàng ròng của những con người đáng quý như ông Nguyễn Như Kim và cụ Trần Hữu Quảng

.
.