Người mã phu cuối cùng của Vua Mông và con đường huyền thoại

Thứ Ba, 26/09/2006, 09:00

Từng là đại biểu Quốc hội 6 nhiệm kỳ, 33 tuổi đã là Chủ tịch huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được người Mông coi như "thủ lĩnh tinh thần", Vù Mý Kẻ là một trong những mã phu cuối cùng của vua Mông Vương Chí Sình ở "vương quốc thuốc phiện".

Cựu phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Vù Mý Kẻ năm nay 79 tuổi, người đậm chắc, nói tiếng Kinh sang sảng với chất giọng của người Mông. Khách đến nhà, để "đậm chuyện", ông Kẻ có thể uống cả chục chén rượu ngô loại cháy họng - như người ta uống nước chè.

Người chăn ngựa của Vương Chí Sình

Vù Mý Kẻ mồ côi cha từ năm lên 6 tuổi. Nhà có 3 anh em, Vù Mý Kẻ là con thứ 2. Anh cả của Mý Kẻ bị giặc Pháp bắt làm lính rồi mất. Hơn 10 tuổi, Mý Kẻ phải gánh trách nhiệm là trụ cột gia đình. Ở tuổi 16, Vù Mý Kẻ đã là một chàng trai khỏe mạnh, ăn cả đấu ngô, đi làm nương cả ngày không biết mệt. Vua Mông Vương Chí Sình thấy anh chàng Vù Mý Kẻ khỏe mạnh, chăm chỉ, mặt mũi sáng sủa liền rủ vào nhà Vương làm người chăn ngựa.

Công việc hàng ngày của Vù Mý Kẻ là đi cắt cỏ và chăm đàn ngựa của Vương. Hôm nào nhà Vương có khách, Kẻ được cử xuống phụ việc nhà bếp, lo cơm nước. Đàn ngựa của Vương Chí Sình là giống ngựa đua rất quý của Đồng Văn lai ngựa Nước Hai, Cao Bằng. Thân dài, mông to, bụng thon, ức nở, khi phi nước kiệu, êm đến mức (như người ta đồn) bát nước đầy đặt lên lưng không sánh ra ngoài (?!). Vương rất tự hào với những con tuấn mã của mình.

Từ ngày có Mý Kẻ về, đàn ngựa nhà Vương cũng béo khỏe, lông mượt hẳn ra. Vù Mý Kẻ siêng năng, lanh lợi, chả mấy đã được Vương coi như gia nhân thân tín. Thời kỳ thịnh trị của Vương Chí Sình, Đồng Văn có 7 vạn dân. Vương nắm toàn bộ tiền và thuốc phiện của vùng Cực Bắc này. Các dân tộc ở đây có một thời gian đã mâu thuẫn gay gắt, từng xảy ra không ít những cuộc thảm sát lẫn nhau. Với uy thế của mình, Vương đứng ra giảng hòa thành công những mâu thuẫn này. Bởi vậy ở vùng Cực Bắc, quyền lực và uy tín của Vương Chí Sình là tuyệt đối.

Trước năm 1945, tuy bị sức ép từ nhiều phía, các bên ép làm thân nhưng Vương Chí Sình  muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người Mông, không theo Pháp cũng không theo Tưởng Giới Thạch. Các phe đối lập cũng không dám lật đổ Vương, bởi chỉ có Vương mới quy phục được cư dân ở vùng này. Ông vua Mông hùng cứ một phương chỉ tuân phục một người duy nhất, đó là Bác Hồ.

Con đường huyền thoại.

Năm 1945, nghe tin Bác Hồ lãnh đạo cuộc cách mạng đang nổ ra ở miền Bắc, cộng với sự thuyết phục một số cán bộ dưới xuôi, Vương bắt đầu tham gia cách mạng. Vương Chí Sình là một trong những đại biểu đầu tiên tham gia Quốc hội khóa I. Năm 1948, Đồng Văn có cán bộ dưới xuôi lên tham gia quản lý. Cán bộ vận động bà con cho trẻ con, thanh niên đi học chữ. Trong số đó, có Vù Mý Kẻ. Vù Mý Kẻ cũng nhanh chóng tham gia cách mạng và sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1951, Vù Mý Kẻ được cách mạng phân công làm Chủ tịch xã Sà Phìn.

Làm cán bộ từ khi còn rất trẻ, nhưng Vù Mý Kẻ nhận ra trách nhiệm của mình trước cái ăn, cái mặc của đồng bào. Năm 1953, Chính phủ Việt Nam kêu gọi nhân dân Tây Bắc hợp lực, đóng góp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vù Mý Kẻ là một trong những người tiên phong đi vận động đồng bào Đồng Văn góp sức và hơn 1.000 tấn lương thực để phục vụ chiến dịch.

"Ông nghị" của người Mông

Năm 1956, Vù Mý Kẻ được cách mạng phân công làm Chủ tịch huyện Đồng Văn. Với ông đây là sự khởi đầu nhọc nhằn nhất, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, trong khi đồng bào biết cái chữ ít, không có ruộng để canh tác, phần nhiều đi trồng cây thuốc phiện. Vậy làm sao cho đồng bào mình không đói? Ông đã xuống tận các bản làng trực tiếp cầm cuốc, xẻng đi khai phá những mảnh đất mới để trồng ngô, sắn. Vù Mý Kẻ luôn tâm niệm mình phải trực tiếp làm thì dân mới nghe và theo mình. Những nỗ lực của cá nhân ông cũng đã phần nào giúp dân có cái ăn, cái mặc và quan trọng hơn cả họ tin vào cách mạng.

Năm 1960, nước ta bầu cử Quốc hội khóa II, Hà Giang có 2 ứng cử viên trúng cử là cụ Vương Chí Sình và Vù Mý Kẻ. Lúc này Vù Mý Kẻ mới 33 tuổi, được coi là một trong những “ông nghị” trẻ tuổi. Từ đó, Vù Mý Kẻ đã được bầu là đại biểu Quốc hội  6 khóa, từ khóa II đến khóa VII). Là Chủ tịch Đồng Văn, lại là “ông nghị” có cơ hội được mang tâm tư nguyện vọng của đồng bào mình về báo cáo với Quốc hội, với Đảng và Chính phủ. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương hiểu hơn về đời sống của đồng bào vùng Cực Bắc. Những quyết sách đúng đắn, có hiệu quả của Nhà nước được đưa ra đối với đồng bào Hà Giang.

Sau đó, được Đảng và nhân dân tin cậy, ông tiếp tục được bổ nhiệm vào chức Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang. Chức vị càng cao, với ông không có nghĩa là càng xa dân. Những năm tháng làm lãnh đạo tỉnh, ông vẫn luôn về với đồng bào giúp họ những phương thức chăn nuôi, trồng trọt mới. Mỗi lần về thăm quê ở Đồng Văn, cách thị xã Hà Giang gần 150 km, Phó chủ tịch Vù Mý Kẻ chỉ thích đi xe đạp. Ông nói đi xe đạp  vừa đỡ phiền hà Nhà nước vừa là cơ hội gần dân hơn. Đi qua huyện nào cũng hỏi dân về đời sống và tâm tư nguyện vọng của bà con.--PageBreak--    

Cuối những năm 1960, Đồng Văn xảy ra bạo loạn. Người dân rất hoang mang. Một mặt bọn phỉ tung tin nếu theo cách mạng thì bao nhiêu ruộng đất sẽ bị tịch thu hết. Mặt khác, chúng thảm sát cán bộ người Kinh lên công tác. Làm thế nào dẹp được phỉ để dân yên ổn làm ăn? Vù Mý Kẻ ngày đêm trăn trở tìm câu trả lời. Ông đi đến từng bản làng vận động đồng bào, thuyết phục họ theo và tin cách mạng, đồng thời kêu gọi bà con kiên quyết tấn công, không tiếp viện cho phỉ. Sau một thời gian sâu sát chỉ đạo hoạt động ở cơ sở của Vù Mý Kẻ và được sự chi viện hưởng ứng của Trung ương để tiễu phỉ, bọn phỉ ở Đồng Văn bị tiêu diệt. Cuộc sống yên bình trở lại, đồng bào càng tin vào cách mạng.

Người mở con đường huyền thoại trên cao nguyên đá

Xưa kia, đường lên Đồng Văn vốn chỉ là một lối mòn độc đạo, ngoằn ngoèo như con rắn trườn từ đỉnh núi xuống, rộng chỉ đủ một con ngựa đi. Một bên là vực thẳm sâu hun hút, một bên là vách đá dựng đứng. Không biết bao nhiêu người và ngựa trượt chân, để lại những đống xương khô dưới lòng vực. Trong một lần được gặp Bác Hồ, Vù Mý Kẻ nghe Bác nói: Dân Đồng Văn khổ quá, muốn có dầu thắp, muối ăn, viên thuốc chữa bệnh thì phải có đường để mang lên. Nhất định phải xẻ núi để làm bằng được một con đường nối Đồng Văn về Hà Giang - con đường ấy sẽ là đường Hạnh Phúc!

Nghe lời Bác, về Đồng Văn, Vù Mý Kẻ đến từng nhà dân vận động đồng bào đi làm đường. Thoạt đầu tất cả các gia đình đều từ chối. Họ sợ ốm đau, sợ cái nóng. Họ ở lạnh đã quen không muốn xuống khỏi núi đá. Để thuyết phục bà con, vợ chồng ông Kẻ đi chuyến đầu tiên, khuân đá đập núi. Phương tiện mở đường rất thô sơ, chỉ có cuốc, xẻng, choòng, một ít thuốc mìn để giảm độ cao tới mức tối đa, và đường không quá dài, lại phải đảm bảo an toàn cho cả người thi công lẫn người sử dụng, Vù Mý Kẻ đã cùng đồng bào đề ra cách mở đường bám vòng quanh núi, theo hình xoáy trôn ốc, hết ngọn núi này đến ngọn núi khác.

Có những đoạn không nổ mìn được, dân công treo mình trên vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét, dùng búa choòng đục vỡ từng miếng đá. Bảy vạn dân  Đồng Văn ai cũng đi làm đường, cắt cử nhau lần lượt. Người không đi thì ở nhà trồng ngô, đậu chuẩn bị thực phẩm cho người làm đường. Vù Mý Kẻ có mặt trong những người đầu tiên nổ mìn đập đá ở những đoạn đường hiểm trở nhất. Ông luôn tâm niệm: “Muốn cho người Mông tin thì không nói suông được đâu, mình là cán bộ phải làm trước. Bác Hồ dặn, cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Ừ, mình có phải là quan đâu. Là đầy tớ của dân, việc vất vả phải làm trước chứ...”.

Cứ thế, con đường từ Đồng Văn về Mèo Vạc dài 25 km, ngoài dân bản địa, còn có thanh niên của 6 tỉnh Tây Bắc về làm giúp. Phải đúng 5 năm trời, tốn hàng triệu ngày công, con đường mới hoàn thành. Đứng ở đoạn đường vắt qua đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống, sông Nho Quế mảnh như sợi dây quai nón.

Một đời thanh thản

Người bạn đời của Vù Mý Kẻ đã khuất núi hơn 30 năm. Quãng đường dằng dặc nửa đời người ấy, ông một mình nuôi con. Chuyện dựng vợ gả chồng cho 3 đứa con đều một tay ông làm. Giờ lại từng đứa cháu lớn lên, cũng một tay ông bón bột, dỗ ngủ, dẫn tập đi.

Ông có một người con trai duy nhất là Chỉ huy phó Huyện đội Đồng Văn Vù Mý Na. Ngôi nhà đất ở Sà Phìn hiện đang có hơn 10 người cháu họ ở, toàn những đứa không mồ côi thì cũng nghèo.

Ông đang ở cùng con dâu và các cháu nội trong ngôi nhà đơn sơ ở thị xã Hà Giang. Trước nhà, ông bày một tủ hàng nho nhỏ bán mật ong hoa bạc hà, tam thất mang từ Đồng Văn về. Lương hưu và tiền bán mật ong, ông Kẻ để dành nuôi đám cháu dưới quê. Niềm vui tuổi già của ông là quanh quẩn với con cháu và những chén rượu ngô cay nồng “dẫn chuyện” với mấy ông bạn già khi bàn về thời sự. Mỗi tối xem tivi, thấy ngập tin về chuyện tham ô, ông Kẻ không khỏi đau lòng nói: “Cán bộ hư hỏng, vơ vét  như thế làm sao dân còn tin được đây?”. Lớp quan chức thanh bạch thời ông, không thể tưởng tượng “người ta” có thể đủ dã tâm bòn rút của công như thế!

Còn bà con xung quanh thấy ông cựu Phó chủ tịch tỉnh sống thanh bạch thì bảo sao ông không đề nghị Nhà nước trợ cấp? Ông Kẻ cười hồn hậu: “Nhà nước cũng là của dân, mình vẫn còn sướng hơn nhiều người. Lấy của Nhà nước một đồng thì đồng ấy là của nhân dân”. Làm quan nghèo cả đời, về già ông tự thấy tài sản lớn nhất của mình là một cuộc đời thanh sạch: “Nhìn lại những tháng năm tôi đã sống, không thấy bận lòng và hối hận điều gì”.

Đến nay sau bao nhiêu năm về sống ở thị xã Hà Giang, ông vẫn thấy hình như mình đang ở “nhờ”. Ông Kẻ định rằng, chờ mấy đứa cháu nội lớn thêm một chút, ông sẽ về Đồng Văn sống nốt tuổi già. Người Mông ở Đồng Văn có lẽ vẫn còn nghèo nhất nước. Nhưng họ không muốn đi đâu, họ ở lại để giữ những hộc đá của tổ tiên, mà ông lão Vù Mý Kẻ lại là một người Mông Đồng Văn chính hiệu

Trương Hoàng Long
.
.