Người lính già với chín cái "nhất"

Thứ Ba, 01/03/2011, 15:07
Trong số 43 cựu học viên của Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (TTNTTH), một ngôi trường nổi tiếng do hai nhà trí thức Tây học Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập năm 1945, trở lại thăm Huế vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 năm 2010, chỉ còn 5 cựu học viên, trong đó có Nguyễn Phước Hoàng (NPH) vừa lên tuổi 90!

Người lính già tai đã nghễnh ngãng, tay chống gậy, nên rất ít trò chuyện, tiếp xúc. Đến lúc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế định tìm đến ông, thì ông đã lặng lẽ trở vào TP HCM.

Quả là so với hai nhà trí thức sáng lập TTNTTH và 8 vị tướng cùng không ít người trưởng thành từ ngôi trường đặc biệt này thì NPH không phải là người nổi tiếng.

Có lẽ vì thế mà ở những cuộc gặp gỡ, người lính già ấy thường tỏ ra lặng lẽ và khiêm nhường và tôi cũng chưa có dịp trò chuyện lâu với ông, dù hai gia đình có thể gọi là chỗ quen biết, lại có những điều trùng hợp ngẫu nhiên rất lạ, tuy NPH xuất thân từ một gia đình danh giá thuộc dòng hoàng tộc ở đất kinh kỳ, còn đời ông tôi thì vẫn là một nông dân vùng sâu vùng xa xứ Nghệ.

Gọi là trùng hợp vì thân phụ ông cùng giữ chức Phủ doãn Thừa Thiên trước khi ra nhậm chức Tổng đốc ở Thanh Hoá và cũng về hưu năm 1942 như thân phụ tôi. NPH còn có người anh trai du học ở Pháp trước anh Nguyễn Khắc Viện chục năm, thế nên sinh thời, anh Nguyễn Khắc Viện và vợ chồng ông đã gặp nhau nhiều lần, một phần cũng do chị Xuân Phượng (vợ NPH) có thời gian làm việc tại cơ quan tuyên truyền đối ngoại mà anh Viện đang phải đảm nhiệm…

Tôi là lớp đàn em của NPH nên mãi sau này mới có dịp hiểu được phần nào cuộc đời ông. Hoá ra vị công tử hoàng tộc này cũng từng sắm nhiều "vai" rất độc đáo. Một người bạn Hướng đạo thời trẻ với ông, cũng thuộc bậc lão thành cách mạng như ông, đã tổng kết cuộc đời 90 năm của ông có đến… 9 cái hạng nhất!

Cái nhất trước hết chính là lớp học thời gian ngắn nhất ở ngôi trường đặc biệt TTNTTH đã xoay chuyển cả cuộc đời ông, từ một công tử con quan, một sinh viên Trường Cao đẳng Khoa học Đông Dương thành một người lính cách mạng, góp sức chấm dứt triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Thì việc sung vào TTNTTH - chính cái tên trường Tiền tuyến đã đặt lên vai chàng trai xứ Huế nghĩa vụ luôn đứng ở hàng đầu của cuộc chiến đấu. Cũng chính trong thời gian này, NPH đã tham gia trận đánh đầu tiên bắt toán sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ.

Cái nhất thứ hai: Trong tốp học viên TTNTTH Nam tiến, NPH là chiến sĩ duy nhất ở lại Nha Trang khi có lệnh rút lui, sau 101 ngày đêm giam chân quân Pháp trên mặt trận cực Nam Trung Bộ trong một cuộc chiến không cân sức vô cùng ngặt nghèo.

Gọi là "lính", nhưng do được huấn luyện quân sự tại TTNTTH, NPH là cán bộ trợ lý tác chiến dưới quyền ông Hà Văn Lâu, chỉ huy đại đội trợ chiến với súng cối 81mm và súng máy 12,7mm. Khi vỡ mặt trận, đúng sáng mùng 1 Tết năm 1946, NPH rời căn cứ Đồng Trăn qua chiến khu hoạt động du kích.

Tại đây, NPH sau khi bắt liên lạc được với các ông Hà Văn Lâu, Nguyễn Minh Vĩ, Trần Chí Hiền… đã có dịp đón phái đoàn Thanh tra của Chính phủ do Bộ trưởng Lê Văn Hiến dẫn đầu, từ Sài Gòn trở ra Bắc. Cái nhất thứ ba: NPH cùng một số học viên TTNTTH được Bộ Quốc phòng điều động về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khoá 1, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 2 (C2).

Đại đội trưởng C1 là Đặng Văn Việt, về sau trở thành "Con hùm xám trên đường số 4" vị tướng-không-sao được nhiều tướng tá Pháp kính nể; Hà Đổng là Đại đội trưởng C3, Phan Viên, Nguyễn Thế Lương chỉ là Trung đội trưởng, về sau đều trở thành tướng.

Khoá học không kéo dài, phải kết thúc sớm vào tháng 11/1946 vì giặc Pháp gây nhiều vụ khiêu khích trắng trợn, nhưng khoá 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn có vai trò đáng kể trong giai đoạn đầu cuộc trường chinh của dân tộc, vì đã cung cấp nhiều cán bộ tài năng cho bộ khung lực lượng vũ trang của chúng ta.

Cái nhất thứ tư là ngay khi cơ quan nghiên cứu kỹ thuật đầu tiên của Bộ Quốc phòng (gọi là Nha Nghiên cứu kỹ thuật được thành lập theo đề án cải tổ Cục Quân giới của Thứ trưởng Tạ Quang Bửu, NPH là vị Trưởng phòng đầu tiên của Phòng Tác chiến Công dụng, là một trong những học trò đầu tiên của kỹ sư Phạm Quang Lễ - một chuyên gia chế tạo vũ khí, về sau được Hồ Chủ tịch đặt tên là Trần Đại Nghĩa.

Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ nhất, NPH đã cùng các bạn mới được điều về Nha như Phạm Duy Khương, Phạm Đồng Điện, Ngô Điền, Hồ Thanh Kha, Nguyễn Văn Thu… tham gia hoàn chỉnh loại vũ khí mới rất lợi hại, có khả năng tiêu diệt xe tăng và lô cốt địch.

Chính kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã hướng dẫn chế tạo loại vũ khí mới này, dựa theo mẫu của Mỹ, nhưng cải biến cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam lúc đó - quân đội Mỹ gọi loại vũ khí này bằng mật danh "Bazooka" (Bazôka) là tên một nhạc cụ có hình dáng tương tự. Xưởng chế tạo ở ngay huyện lị Ứng Hoà (Hà Đông), khi nó ra đời mang tên là Bazôka Việt Nam.

Từ loại vũ khí này, NPH có thêm cái nhất thứ năm: Ông là huấn luyện viên đầu tiên bắn Bazôka Việt Nam cho một tiểu đội cảnh vệ của Bộ Chỉ huy mặt trận Hà Nội. Trong cuộc đời 90 năm của NPH có biết bao nhiêu là sự kiện, hơn 60 năm đã qua từ ngày đó, nhưng ông vẫn nhớ như in trận ra quân đầu tiên với loại vũ khí mới ngay cửa ngõ Hà Nội, khiến giặc Pháp hoảng hồn, bởi chúng đang ngông nghênh ỷ vào những chiếc xe tăng mà chúng tưởng là "bất khả xâm phạm".

Đó là ngày 1/3/1947, đêm đã khuya lắm, ông Phan Mỹ từ Bộ Quốc phòng đến gặp kỹ sư Trần Đại Nghĩa, trao lệnh khẩn đem Bazôka Việt Nam giao cho anh Vương Thừa Vũ, Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội và huấn luyện bộ đội đang bảo vệ Chính phủ vừa sơ tán đến Quốc Oai vì có tin giặc Pháp sắp chọc thủng mặt trận Cầu Mới - Hà Đông và tấn công vào Quốc Oai. Thế là đêm khuya 2/3/1947, NPH tìm đến gặp Vương Thừa Vũ, giao súng đạn và huấn luyện cấp tốc cho một tiểu đội sử dụng.

Mờ sáng hôm sau, tiểu đội Bazôka đã được lệnh đi phục kích xe tăng Pháp. Đúng như dự đoán, sáng 3/3/1947, quân Pháp được xe tăng dẫn đầu, từ Hà Đông qua Chúc Sơn, chùa Trầm tiến theo đê sông Nhuệ hòng tấn công vào nơi Chính phủ ta đang sơ tán. Chúng không ngờ Bazôka Việt Nam đã xuất trận, một chiếc bị bắn cháy, một chiếc khác bị thương, cánh quân hoảng loạn lập tức tháo lui.

Trong trận ra quân xuất sắc này, NPH chỉ tiếc một điều: ông xin được đi cùng tiểu đội Bazôka, nhưng tướng Vương Thừa Vũ vốn yêu quý ông từ ngày họ gặp nhau tại Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, đã lấy cớ ông "là phái viên của Bộ, chúng tôi phải bảo đảm an toàn tuyệt đối…", không cho NPH đi phục kích.

Dù không được nã pháo vào chiếc xe tăng đầu tiên của bọn xâm lược, nhưng NPH như có… duyên với họ nhà… pháo, nên ông lại kiếm thêm được cái nhất thứ sáu vào năm 1949. Đó là việc ông được cử làm thầy giáo lớp đào tạo sĩ quan pháo binh khoá 1. Lúc này, Nha NCKT đã chuyển lên Việt Bắc. Lớp học mở ở chợ Đĩa, bên bờ sông Lô, các sĩ quan tốt nghiệp khoá này về sau đã trở thành cốt cán của Binh chủng Pháo binh Việt Nam.

Bên mối duyên với… họ nhà pháo, cũng trong thời gian này, NPH đã nên duyên chồng vợ với chị Nguyễn Thị Xuân Phượng. Mối tình không hoàn toàn bất ngờ nhưng trải qua những năm tháng biến động, lưu chuyển liên miên trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến gian khổ mà hai người con của xứ Huế lại có dịp gặp nhau bên bờ sông Lô thì xem ra cũng là mối duyên tiền định.

Thân phụ chị Xuân Phượng quê Phan Rí, từng là Đốc học Đà Lạt, rồi Phan Rí, nhưng thân mẫu chị quê làng Eo Bầu, chỉ cách chùa Thiên Mụ vài cây số. Bà từng là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), tham gia phong trào ủng hộ nhà yêu nước Phan Chu Trinh; sau khi Nhật đảo chính Pháp, Xuân Phượng lại ra Huế học, ở nhà một người dượng là bạn Hướng đạo với NPH khi còn học ban tú tài ở Huế.

Cách mạng Tháng Tám, rồi Kháng chiến, cả hai đều đã rời bỏ cuộc sống êm ấm, hoà vào dòng sông lớn của dân tộc. Lớp trí thức Huế hồi ấy đến với cách mạng tự nhiên như người đang khát gặp được dòng suối trong lành và về sau, nhiều mối tình thật đẹp đã nảy nở, nhiều cặp đã nên vợ nên chồng; như nhà thơ Vĩnh Mai với chị Phương Chi, như Đào Duy Zếnh (tức Đào Phan, em trai học giả Đào Duy Anh) với chị Bội Hoàn, rồi tướng Cao Văn Khánh với chị Ngọc Toản…

Còn vào năm 1949, NPH và Xuân Phượng tổ chức hôn lễ giữa rừng Việt Bắc. Chẳng phải hai gia đình sắp đặt mà vẫn "môn đăng hộ đối", dù theo "tiêu chuẩn" cũ hay mới. Thì "công tử" sánh duyên với "tiểu thư" và bên trai là Thanh niên tiền tuyến Huế, gái là Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ.

Đám cưới giữa chiến khu gian khổ, chẳng có nghi thức, sính lễ trang trọng như ở Huế, nhưng bù lại, cô dâu, chú rể được sống giữa tình đồng đội, thầy trò ấm áp, trong đó có những tên tuổi nhưng GS. Tạ Quang Bửu và tướng Cao Văn Khánh…

Thực ra, cái… duyên của NPH với họ nhà pháo là do ông học cử nhân khoa học rất giỏi toán, lại là học trò cưng của kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Cũng vì thế, giữa năm 1950, NPH lại kiếm thêm được cái nhất thứ bảy từ ngành pháo.

Đó là khi Cục Pháo binh được thành lập, do Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa kiêm nhiệm, và NPH đã được cử làm Trưởng phòng Nghiên huấn đầu tiên của Cục Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam! Trong cương vị này, NPH đã góp phần đào tạo sĩ quan xạ kích pháo 105mm, với khí cụ là những khẩu pháo 105mm chiến lợi phẩm đầu tiên của quân đội ta.

Cái duyên của NPH với họ nhà pháo còn tặng cho ông cái nhất thứ tám, khi Đại đoàn Công - Pháo được thành lập (tháng 6/1951), NPH được cử làm Quyền Tham mưu trưởng đầu tiên của Trung đoàn 34. Trung đoàn 34 nguyên là trung đoàn bộ binh, mang tên "Tất Thắng" do Bác Hồ đặt, được chuyển thành Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm đầu tiên của Quân đội Việt Nam.

Kể chuyện NPH mà nhắc quá nhiều đến pháo binh vì binh chủng này đã góp phần quan trọng làm nên trận "Điện Biên chấn động địa cầu" và tại binh chủng này, NPH lần đầu được đeo hàm Thiếu tá! NPH nhắc lại chức vụ này không tính vào những cái "nhất" và xếp nó vào hàng những cái "bét" với nụ cười mỉm hàm chứa tính chất giễu nhại của một ông lão cửu tuần đã thấu hiểu mọi sự đời - bởi vì chức Thiếu tá của NPH được kèm theo từ "inox"; ông đeo nó suốt cho đến khi chuyển ngành về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bù lại, phần thưởng danh dự của ngành Pháo binh Việt Nam cho NPH là sau lễ duyệt binh mừng Quốc khánh đầu tiên khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (2-9-1955), NPH được ngồi trên chiếc xe "Jeep" dẫn đầu Binh chủng Pháo binh vòng quanh phố phường Hà Nội...

Là người gắn bó với pháo binh cho đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, NPH còn có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, có thể tính thêm nhiều cái "nhất" nữa; ví như cuộc hành quân có thể xem là độc đáo nhất thế giới trong lịch sử pháo binh - không phải là kỳ tích kéo pháo lên các điểm cao quanh lòng chảo Điện Biên năm 1954, mà là chuyện đưa một trung đoàn pháo 105mm - chiến lợi phẩm của Quân giải phóng Trung Quốc thu được của Mỹ tặng Quân đội Việt Nam - từ Lào Cai về căn cứ trung đoàn ở Tuyên Quang, do đường hỏng và để giữ bí mật, toàn bộ xe và pháo được tháo rời và chuyển về xuôi trên những bè nứa và thuyền; rồi những ngày gian khổ "kéo pháo vào - kéo pháo ra", mấy lần hầm trúng bom đạn giặc Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, may mà thoát chết…

Nhưng trong cuộc đời 90 năm của NPH, thời gian ông cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy còn dài hơn thời gian làm người lính, nên dành cái nhất thứ chín để ghi dấu quãng đời làm thầy của ông. NPH là người đầu tiên xây dựng môn học Cơ học chất lỏng kỹ thuật ở Việt Nam tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Gần 30 năm xây dựng và giảng dạy tại đây, NPH đã được phong hàm Phó giáo sư, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động…

Nguyễn Khắc Phê
.
.