Người khổng lồ Steve Jobs đã ra đi: Đến để thay đổi thế giới

Thứ Hai, 24/10/2011, 16:22
Đó thực sự đã là một tin buồn đối với nhiều tỉ người trên thế giới: cha đẻ và là cựu Tổng Giám đốc điều hành Apple, thiên tài đã được công nhận của công nghệ thông tin và nhân vật đã làm thay đổi cả thế giới theo đúng nghĩa đen của từ này,  Steve Jobs đã ra đi ở tuổi 56 ngày 5/10/2011. Đã từ nhiều ngày nay trên website của Apple đã hiển hiện bức chân dung của người quá cố và dòng chữ ghi năm sinh và năm mất của ông: 1955 - 2011.

Đổi mới để thành công

Con đường lập nghiệp của Steve Jobs có thể được coi như một mẫu mực “từ không thành có” của “giấc mơ Mỹ”. Ngay từ nhỏ, thiên tài tương lai đã bị cha mẹ đẻ bỏ rơi và phải làm con nuôi của ông Paul  và bà Clara Jobs. Chính cặp vợ chồng này đã cho ông tên họ mới.

Tuổi thơ của ông thật khó khăn. Ngay từ thời trung học, thiên tài tương lai đã phải tự tìm kiếm việc làm như một nhân viên thời vụ mùa hè. Rồi chàng trai trẻ đã vào học một trong những trường mỹ thuật hàng đầu ở Mỹ là Trường Reed ở thành phố Portland, bang Oregon.

Mặc dù chỉ trụ ở đấy được một học kỳ vì không đủ tiền thanh toán học phí nhưng Jobs vẫn tiếp tục dự thính các lớp học, bất chấp việc phải ngủ dưới sàn nhà bạn, đổi lon nước ngọt để lấy tiền ăn và nhận các suất ăn miễn phí mỗi tuần tại đền Hare Krishna. Những kiến thức mỹ thuật thu nhận được về sau rất đắc dụng đối với Jobs khi ông tung hoành trên thị trường công nghệ thông tin.

Năm 1976, Jobs cùng người bạn từ thuở thiếu thời Steve Wozniak lập ra Công ty Apple ngay trong chính garage nhà mình. Apple thoạt tiên chỉ sản xuất những computer do chính mình thiết kế. Mặc dù chất lượng sản phẩm của Apple khá tốt so với thời đó nhưng công việc của hãng không mấy thuận lợi mặc dù tới năm năm 1980, cả Jobs lẫn Wozniak đều đã trở thành triệu phú và Apple đã vươn lên thành một công ty tầm cỡ quốc tế với cả ngàn nhân viên khắp toàn cầu. Năm 1985, Jobs bắt buộc phải rời khỏi Apple vì đã có mâu thuẫn với Chủ tịch hãng John Sculley. Trước khi ra đi, Jobs đã kịp tung ra một sản phẩm ấn tượng là computer Macintosh.

Tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Apple đã phải cận kề bờ vực phá sản và Jobs đã quay lại để vực nó dậy. Năm 1997, Jobs đã ký  một bản hợp đồng với  Bill Gates mà theo đó ông trùm Microsoft sẽ đầu tư vào Apple 150 triệu USD và sẽ phải sản xuất các chương trình văn phòng cho computer Macintosh.

Từ thời điểm đó, bằng những nỗ lực vô biên và đầy tính sáng tạo, Jobs đã chuyển được Apple thành một tổ hợp không ngừng ăn nên làm ra theo hướng cải tiến liên tục các sản phẩm siêu hạng của mình. Những iPhone, iPod, iPad  đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Cổ phiếu Apple từ giữa những năm 90 tới nay đã tăng lên khoảng 4000%...

Và Steve Jobs đã trở thành biểu tượng vĩ đại của thung lũng Silicon  và thần tượng trong lòng đồng nghiệp và những ai ưa thích các sản phẩm của Apple.

Bệnh hiểm không làm núng chí

Jobs biết mình có khối u ung thư trong tuyến tụy vào giữa năm 2004. Và ông đã không giấu giếm các nhân viên dưới quyền mình tin này. Trong giai đoạn đầu, ông đã cưỡng lại việc áp dụng các biện pháp can thiệp y tế thông thường và bắt tay vào một chế độ ăn uống đặc biệt để ngăn chặn căn bệnh. Tuy nhiên, sau đó, do bệnh tình tiến triển ngày một xấu đi nên tháng 7/2004, Jobs đã phải trải qua một phẫu thuật phổ biến nhất trong việc điều trị ung thư tuyến tụy gọi là “thủ tục Whipple” để cắt bỏ khối u…

Mặc dầu vậy, sức khỏe của ông đã không được cải thiện mấy. Tới tháng 9/2006, tại Hội thảo Phát triển Toàn cầu diễn ra hàng năm của Apple, Jobs đã xuất hiện với vẻ ngoài mệt mỏi, ốm yếu. Ông  tuyên bố quyết định uỷ quyền những phần quan trọng trong vai trò then chốt mà ông vốn đảm đương.

Hai năm sau, tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu 2008, đại diện của Apple chính thức tuyên bố rằng, Jobs là nạn nhân của một loại vi trùng thông thường và phải dùng thuốc kháng sinh. Họa vô đơn chí, ngày 28/8/2008, truyền hình  Bloomberg đã nhầm lẫn đưa ra bản cáo phó 2.500 từ của Jobs trong phần tin tức doanh nghiệp, nhưng không cho biết về độ tuổi và nguyên nhân cái chết do lấy nhầm từ kho dự trữ phòng xa. Các tin đồn về bệnh tình của Jobs vì thế càng trở nên rầm rộ hơn.

Cực chẳng đã, trong bài tuyên bố tại Let’s Rock vào tháng 9/2008, Jobs đã lên tiếng phản đối bằng cách nhắc lại câu nói của văn hào Mark Twain: “Những tin tức về cái chết của tôi bị cường điệu quá mức”. Tại một sự kiện truyền thông tiếp theo, Jobs kết thúc phần trình bày với màn trình chiếu “110/70”, đề cập đến huyết áp của ông, khẳng định rằng sẽ không tiếp tục trả lời các câu hỏi về sức khỏe…

Mặc dầu rất ngoan cường chiến đấu chống lại trọng bệnh nhưng Jobs rốt cuộc cũng phải dần rời bỏ các trọng trách của mình tại Apple. Ngày 14/1/2009, trong một bản ghi nhớ nội bộ của Apple, Jobs viết rằng vào tuần trước, ông đã “nghiệm ra rằng các vấn đề liên quan đến sức khỏe của tôi phức tạp hơn so với suy nghĩ ban đầu” và tuyên bố nghỉ 6 tháng cho đến khi kết thúc tháng 6/2009 để tập trung chăm sóc tốt hơn cho sức khoẻ. Tim Cook, từng đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc điều hành khi Jobs vắng mặt năm 2004, trở thành Tổng Giám đốc điều hành của Apple. Và Jobs chỉ tham gia vào những quyết định chiến lược chủ chốt.

Tháng 4/2009, Jobs trải qua ca cấy ghép gan tại Viện Cấy ghép Bệnh viện Đại học Methodist ở Memphis, bang Tennessee. Ngày 17/1/2011, một năm rưỡi sau khi Jobs trở về từ ca ghép gan, Apple thông báo rằng ông đã được cấp giấy nghỉ phép dưỡng bệnh. Jobs tuyên bố việc ra đi của mình trong một lá thư gửi các nhân viên, cho biết quyết định là để ông có thể tập trung vào tình hình sức khoẻ.

Trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh của ông vào năm 2009, Apple thông báo rằng Tim Cook sẽ điều hành các hoạt động hàng ngày và Jobs sẽ tiếp tục được tham gia vào các quyết định quan trọng chiến lược của công ty. Ông cũng đã xuất hiện tại sự kiện ra mắt iPad 2 vào ngày 2/3/2011 và tại Hội thảo các nhà phát triển toàn cầu Apple ngày 6/6/2011 và tại Hội đồng thành phố Cupertino vào ngày 7/6/2011.

Phải tới ngày 24/8 vừa qua, Jobs  mới tuyên bố từ chức Tổng Giám đốc điều hành của Apple. Trong thư từ chức, Jobs đã viết rằng ông có thể “không còn đáp ứng các nhiệm vụ và mong đợi trong vai trò CEO của Apple nữa”. Chẳng bao lâu sau đó, ngày 5/10/2011, xuất hiện tuyên bố của gia đình thiên tài công nghệ nói rằng, anh “đã ra đi thanh thản bên gia đình vào ngày hôm nay...”.

Tiếng thơm còn mãi

Danh chính ngôn thuận, sinh thời Jobs chỉ nhận 1 USD lương mỗi năm cho chức Tổng Giám đốc điều hành Apple. Thế nhưng, ông là người nắm giữ 5,426  triệu cổ phần của Apple, cũng như 138 triệu cổ phần của Disney (mà ông đã nhận được khi đổi lại với việc Disney mua Pixar). Theo ước tính của tạp chí Forbes, toàn bộ tài sản của Jobs vào khoảng 5,1 tỉ USD vào năm 2009 và ông đã ở vị trí 43 trong danh sách những người Mỹ giàu có nhất.

Thế nhưng, cái lớn nhất mà Jobs để lại sau mình không chỉ là tiền, đúng hơn, không phải là tiền. Nói về ông, tỉ phú Bill Gates đã nhấn mạnh: “Tôi vô cùng đau buồn khi nghe tin về cái chết của Steve Jobs. Melinda và tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến gia đình và bạn bè của ông, và đến tất cả mọi người có mối liên hệ với Steve trong công việc. Steve và tôi gặp nhau lần đầu tiên cách đây gần 30 năm, và từ lâu đã là cộng sự, người cạnh tranh và bạn bè suốt hơn nửa cuộc đời của chúng tôi. Hiếm ai trên thế giới gây được những tác động sâu sắc như Steve, và những hiệu quả mang lại từ đó sẽ được nhiều thế hệ sau ghi nhận. Đối với những ai trong chúng ta đủ may mắn từng làm việc với ông, đó là một vinh dự tột cùng. Tôi sẽ nhớ Steve rất nhiều…”.

Còn  Chủ tịch Walt Disney, Bob Iger, bày tỏ thương tiếc với Jobs: “Steve Jobs là một người bạn tuyệt vời và là một cố vấn đáng tin tưởng. Di sản ông để lại sẽ vượt xa các sản phẩm ông đã tạo ra hoặc các doanh nghiệp ông mà đã xây dựng nên. Hàng triệu người đã được ông truyền cảm hứng, hàng triệu cuộc sống đã thay đổi vì ông và nền văn hóa ông xác lập ra. Steve là một tấm gương xác thực, với tâm trí đầy sáng tạo và trí tưởng tượng đã định một kỷ nguyên mới. Bất chấp những gì lớn lao ông đã thực hiện, chúng dường như chỉ mới là sự bắt đầu. Sự qua đời của ông đồng nghĩa với thế giới đã mất đi một tấm gương, Disney đã mất đi một thành viên gia đình, và tôi đã mất một người bạn tuyệt vời. Xin dành những tâm tư và lời cầu nguyện của chúng tôi đến người vợ Laurene và con cái của ông trong thời gian khó khăn này”.

Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg tuyên bố: “Steve Jobs là nhà sáng chế lỗi lạc nhất từ sau Thomas Edison. Ông đưa thế giới đến đầu ngón tay của chúng ta”. Còn Mark Zukerberg, chủ nhân của mạng xã hội Facebook, đã tri ân: “Cảm ơn anh vì anh đã thể hiện cho chúng tôi thấy những gì chúng tôi đã tạo ra có thể thay đổi thế giới. Chúng tôi sẽ rất nhớ anh!”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ nỗi niềm thương tiếc: “Tôi và Michelle rất đau buồn vì sự ra đi của Steve Jobs. Steve là một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất của nước Mỹ - có đủ dũng cảm để tin rằng anh ấy có thể thay đổi thế giới và có đủ tài năng để thực hiện việc này”

Nguyễn Hữu Huy
.
.